Dự thảo Thông tư về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong Công an nhân dân

61
Đánh giá bài viết

Ngày 08/02/2017, Bộ Công an ban hành Dự thảo Thông tư quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong Công an nhân dân.

Ảnh minh họa.

Dự thảo Thông tư gồm 3 Chương 26 Điều quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong Công an nhân dân. Theo đó, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, như sau:

Thông tư này quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong Công an nhân dân; trách nhiệm, quyền hạn của đơn vị, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, viên chức, học viên Công an nhân dân (sau đây gọi chung là cán bộ, chiến sĩ) trong việc bảo vệ bí mật nhà nước.

Thông tư này áp dụng đối với Công an nhân dân các cấp và cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.

Tại Điều 2 của dự thảo Thông tư giải thích rõ về từ ngữ trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong Công an nhân dân, theo đó:

a) Bí mật nhà nước trong Công an nhân dân: Là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói, hồ sơ được quy định tại danh mục bí mật nhà nước hiện hành của lực lượng Công an nhân dân; tin, tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước của các bộ, ban, ngành, địa phương mà lực lượng Công an nhân dân quản lý, sử dụng, lưu giữ trong quá trình phối hợp công tác.

b) Khu vực cấm, địa điểm cấm thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong Công an nhân dân: Là những khu vực, địa điểm do lực lượng Công an thiết lập để bảo vệ, quản lý, kiểm soát hoạt động của người, phương tiện nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm nhập, phá hoại, thu thập bí mật nhà nước trong khu vực, địa điểm đó.

Theo Điều 3 của Dự thảo Thông tư thì những hành vi sau đây là những hành vi bị nghiêm cấm:

1. Làm lộ, làm mất, chiếm đoạt, mua bán bí mật nhà nước hoặc thu thập, lưu giữ, chuyển giao, tiêu hủy trái phép bí mật nhà nước.

2. Lạm dụng bảo vệ bí mật nhà nước để che giấu hành vi vi phạm pháp luật; xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân.

3. Soạn thảo, lưu giữ, trao đổi tài liệu mật trên máy tính, mạng nội bộ, mạng diện rộng có kết nối với mạng Internet; sử dụng phương tiện, thiết bị có tính năng lưu giữ, sao, chụp thông tin, tài liệu mật kết nối với máy tính, mạng nội bộ, mạng diện rộng nối mạng Internet.

4. Sử dụng micro vô tuyến, điện thoại di động, thiết bị thu phát tín hiệu, thiết bị có tính năng ghi âm trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo có nội dung bí mật nhà nước dưới mọi hình thức; ghi chép, ghi âm, ghi hình khi chưa được người chủ trì cuộc họp, hội nghị, hội thảo cho phép.

5. Sử dụng các vật phẩm; phương tiện, thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị kỹ thuật số; các thiết bị điện tử khác do các tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ, tặng để lưu trữ thông tin, tài liệu bí mật nhà nước khi chưa được các đơn vị chức năng của Bộ Công an kiểm tra an ninh, an toàn.

6. Cung cấp, đăng tải thông tin, tài liệu có nội dung bí mật nhà nước trên báo chí, ấn phẩm xuất bản công khai, các website, mạng xã hội và các hình thức tương tự trên Internet.

7. Truyền thông tin, tài liệu có nội dung bí mật nhà nước qua các phương tiện thông tin, viễn thông, mạng Internet mà không mã hóa bằng mật mã của cơ yếu. Sử dụng bí số, ký hiệu, số hiệu đơn vị để đặt tên hộp thư điện tử, tên tài khoản mạng xã hội.

8. Cung cấp thông tin, tài liệu bí mật nhà nước cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

9. Sửa chữa các thiết bị lưu giữ thông tin bí mật nhà nước tại các cơ sở ngoài ngành Công an.

11. Sao, chụp hồ sơ, tài liệu, vật mang bí mật nhà nước không được các cấp có thẩm quyền cho phép.

12. Nghiên cứu sản xuất, sử dụng, thu thập, tiêu hủy sản phẩm mật mã của cơ yếu trái pháp luật.

Toàn văn của Dự thảo được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công an từ ngày 08/02/2017 để lấy ý kiến đóng góp của Công an các đơn vị, địa phương trong thời gian 2 tháng kể từ ngày đăng./.

Theo Cổng TTĐT Bộ Công an