Ghi nhận từ phiên tòa xét xử lưu động

191
Đánh giá bài viết

 

Xét xử lưu động được xem là một hình thức tuyên truyền trực quan mang lại hiệu quả thiết thực. Thông qua phiên tòa, từ các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm sẽ giúp người dân nâng cao cảnh giác, phòng ngừa tội phạm, không vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, còn là một hình thức để răn đe các đối tượng có nguy cơ phạm tội. Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Đồng Hới Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ: “Hằng năm, Tòa án nhân dân thành phố Đồng Hới đều lựa chọn, đưa ra xét xử lưu động những vụ án điển hình, tập trung vào các loại tội phạm đang có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong nhân dân như: Mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy; trộm cắp tài sản; cướp giật tài sản; vi phạm pháp luật về trật tự ATGT. Ngày 22/5/2018, Tòa tiếp tục tổ chức phiên tòa lưu động xét xử bốn vụ án, trong đó có 1 vụ cướp giật tài sản và 3 vụ trộm cắp tài sản tại nhà văn hóa TDP 4, phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới”.

Cái nắng oi ả của những ngày đầu hè dường như không cản được sự háo hức và mong muốn chứng kiến phiên tòa xét xử lưu động của người dân. Từ ngoài sân cho đến trong hội trường nhà văn hóa TDP 4, phường Hải Thành đã tập trung đông đảo mọi tầng lớp nhân dân. Trước khi tổ chức xét xử lưu động, TAND thành phố Đồng Hới đã chỉ đạo các Thẩm phán nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Viện kiểm sát, Công an trong hoạt động chuyên môn và cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc xét xử lưu động. Đồng thời thông báo cho các tổ chức đoàn thể Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, quần chúng nhân dân… tới dự các phiên tòa lưu động nhằm tuyên truyền, giáo dục, răn đe, giúp các đối tượng có ý thức phấn đấu, rèn luyện để hoàn thiện bản thân, góp phần tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn.

Đúng 8h, phiên tòa bắt đầu. Mọi ánh nhìn đổ dồn về phía trung tâm, nơi bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa. Vụ thứ nhất,  phiên tòa xét xử Ngô Ánh Sáng (SN 1985, trú tại xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh) về tội “Cướp giật tài sản”. Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đồng Hới thì trong tháng 12 năm 2017, Ngô Ánh Sáng đã sử dụng xe mô tô thực hiện 02 vụ cướp giật tài sản trên địa bàn thành phố Đồng Hới. Với thủ đoạn là khi phát hiện người đi đường sử dụng điện thoại thì Sáng áp sát xe vào và dùng tay giật điện thoại di động rồi tăng ga bỏ chạy. Hành vi của Ngô Ánh Sáng đã gây tâm lý hoang mang, bất bình trong nhân dân nhưng trong quá trình xét hỏi Sáng đã thành khẩn khai báo, gia đình lại thuộc diện khó khăn và có công với cách mạng. Dựa vào những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được quy định tại tiết 1 điểm g, khoản 1, Điều 48 Bộ luật Hình sự 1999 và tại điểm p, khoản 1, khoản 2, Điều 46 Bộ luật Hình sự 1999,  Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Ngô Ánh Sáng 3 năm 6 tháng tù giam về tội “Cướp giật tài sản”. Ngay tại phiên tòa, sau khi được Hội đồng xét xử cho phép nói lời sau cùng, Ngô Ánh Sáng đã khóc và không dám xin sự khoan hồng của pháp luật, chỉ mong là cải tạo tốt để về phụng dưỡng cha mẹ đã già yếu. Vụ thứ hai, căn cứ vào hồ sơ, kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Cao Thanh Lam (SN 1989, thường trú tại TDP 7, phường Đồng Sơn, thành phố Đồng Hới) 12 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” được quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999. Vụ thứ ba, bị cáo Đỗ Văn Tiến (SN 1990 ở xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch) bị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đồng Hới truy tố về tội “Trộm cắp tài sản”. Theo cáo trạng thì ngày 17/12/2017, Đỗ Văn Tiến đã lấy trộm 94 thanh sắt các loại của Công ty TNHH tư vấn xây dựng Minh Tuấn đang thi công khách sạn Phú Tiến ở thôn 16, xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới, tổng trị giá tài sản trên 10 triệu đồng. Tại phiên tòa, bị cáo Đỗ Văn Tiến đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Đỗ Văn Tiến 15 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Vụ thứ tư, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Quang Đức (SN 1986, trú tại thôn Đại Nam 3, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch) và bị cáo Phạm Thanh Ngọc (SN 1995, trú tại TDP 4, phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới) về tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại khoản 1, điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999. Căn cứ Bản kết luận điều tra số 20 ngày 08 tháng 03 năm 2018 của Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an thành phố Đồng Hới, trên cơ sở điều tra đã xác định được trong khoảng thời gian từ tháng 11/2017 đến tháng 12/2017, Nguyễn Quang Đức và Phạm Thanh Ngọc đã thực hiện 05 vụ trộm cắp tài sản tại các công trình xây dựng. Tài sản trộm được, 02 đối tượng đã bán cho cơ sở thu mua phế liệu rồi lấy tiền tiêu xài cá nhân. Điển hình như vào 02 giờ 30 phút ngày 28/11/2017, Nguyễn Quang Đức điều khiển xe mô tô BKS 73F1-165.22 chở Phạm Thanh Ngọc kéo xe ba gác đến công trình Khách sạn “Green Star” trộm cắp tài sản. Với thủ đoạn, Đức làm nhiệm vụ cảnh giới, Ngọc đột nhập vào lỗ hổng cổng phụ lấy trộm 14 chân giàn giáo, 06 tấm ván khuôn sắt. Đến 6 giờ hôm sau, cả hai bán tài sản lấy trộm cho cơ sở thu mua phế liệu. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Quang Đức 18 tháng tù giam và Phạm Thanh Ngọc 15 tháng tù giam về tội “Trộm cắp tài sản”. Riêng Phạm Thanh Ngọc hiện đang chấp hành án 36 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” và “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” bị Tòa án nhân dân thành phố Đồng Hới xử phạt vào ngày 14/12/2017.

Điều đáng nói là tất cả các bị cáo trong các 04 vụ án được xử đều từng có tiền án, tiền sự như bị cáo Ngô Ánh Sáng 02 tiền án về tội “Cướp giật tài sản”; Cao  Thanh Lam có 01 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”; Đỗ Văn Tiến có 01 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”; Nguyễn Quang Đức có 01 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản” và 01 tiền sự về hành vi “Sử dụng trái phép chất ma túy”; Phạm Thanh Ngọc có 01 tiền sự về hành vi vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu.

Mức hình phạt mà Hội đồng xét xử đã tuyên phạt cho các bị cáo được dư luận nhân dân đến tham dự phiên tòa xét xử lưu động rất đồng tình ủng hộ. Thông qua phiên toà, người dân tham dự đã hiểu rõ hơn các mánh khóe, thủ đoạn của tội phạm cướp giật, trộm cắp tài sản và quy định xử phạt của pháp luật đối với tội phạm cướp giật và trộm cắp tài sản; qua đó giúp người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh, phòng ngừa tội phạm trên địa bàn dân cư. Ông Trần Kỉnh- TDP 4, phường Hải Thành tham dự phiên tòa cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi phiên tòa xét xử lưu động tại địa phương. Bà con nhân dân rất háo hức và theo dõi liên tục cả 04 phiên xử. Phiên tòa xét xử lưu động không chỉ phát huy hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật mà còn góp phần răn đe các đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật trên địa bàn phường”.

Điều đáng ghi nhận là tại phiên tòa xét xử lưu động này, trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử đã vận dụng các phương pháp nghiệp vụ, kinh nghiệm để phân tích, giải thích chính sách pháp luật cho bị cáo cũng như bà con nhân dân hiểu rõ. Điều này giúp người dân tham dự phiên tòa được tiếp cận thông tin trực tiếp, nhận biết được hành vi vi phạm pháp luật, có tác động tích cực đến tư tưởng, nhận thức và hành động của mỗi người, nhất là với đối tượng thanh, thiếu niên, từ đó họ sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình để tránh vi phạm pháp luật. 

 

Sau đây là một vài hình ảnh tại 04 phiên xét xử lưu động tại nhà văn hóa TDP 4, phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới của Tòa án nhân dân Thành phố Đồng Hới:

 

Toàn cảnh phiên tòa xét xử lưu động bị cáo Ngô Ánh Sáng về tội “Cướp giật tài sản”.
Bị cáo Ngô Ánh Sáng trước tòa.
Bị cáo Cao Thanh Lam bị xét xử về tội “Trộm cắp tài sản”.
Bị cáo Đỗ Văn Tiến bị xử về tội “Trộm cắp tài sản”.
Bị cáo Nguyễn Quang Đức và Phạm Thanh Ngọc trước tòa.
Rất đông người dân tham dự phiên tòa, đặc biệt là thanh thiếu niên trên địa bàn.

 

 

Bài và ảnh: Ngọc Oanh