Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với hoạt động tổ chức người trốn sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp

130
Đánh giá bài viết

Trong những năm gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung và địa bàn huyện Bố Trạch nói riêng, tình trạng công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để lao động bất hợp pháp ngày càng diễn biến phức tạp. Trong 03 năm từ 2015 – 2017, tại địa bàn huyện đã tiếp nhận số công dân bị phía Trung Quốc trục xuất về nước gần 1.000 trường hợp, 14 trường hợp chết không rõ nguyên nhân và nhiều trường hợp gia đình có người thân bị phía Trung Quốc bắt giữ đòi tiền chuộc mới được trao trả… Đặc biệt, hoạt động của các đối tượng tổ chức người trốn sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt nhằm trốn tránh lực lượng chức năng, các đối tượng thường ráo riết hoạt động sau các dịp tết Nguyên đán vì đây là thời điểm mà các công dân đã từng lao động ở Trung Quốc đi làm ăn xa ở các nơi trở về địa phương, các đối tượng sẽ dễ dàng dụ dỗ, lôi kéo để tổ chức người trốn sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp. Sau khi lôi kéo được những người cùng đi, các đối tượng tổ chức cho họ bắt xe khách hoặc đặt thuê xe dịch vụ để chở ra các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc, sau đó tổ chức trốn sang Trung Quốc bằng nhiều con đường khác nhau.

Trước tình hình trên, để làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả hành vi tổ chức người đi lao động trái phép tại Trung Quốc và ổn định tình hình trên địa bàn, Công an huyện đã chỉ đạo lực lượng Công an các xã, thị trấn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, không được lao động tự do, trái phép…, tổ chức rà soát, lên danh sách số công dân trên địa bàn hiện đang ở Trung Quốc lao động trái phép cũng như số trường hợp lao động từ Trung Quốc về nước. Đồng thời, chỉ đạo các đội nghiệp vụ xây dựng kế hoạch đấu tranh với các đối tượng tổ chức người trốn sang Trung Quốc lao động trái phép, tập trung nắm tình hình liên quan, kịp thời phát hiện các hoạt động của đối tượng. Trong 03 năm,từ năm 2015- 2017, Công an huyện đã tổ chức lực lượng bắt quả tang 05 vụ/08 đối tượng tổ chức cho 123 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Nổi bật là: Năm 2016, Công an huyện bố trí lực lượng bắt quả tang 02 vụ/03 đối tượng đưa 44 người xuất cảnh trái phép do đối tượng Nguyễn Duy Tứ, sinh năm 1977, trú tại thôn Trung Duyệt, xã Phú Trạch cầm đầu và đối tượng Lương Tất Thành, sinh năm 1987, vợ là Hoàng Thị Lĩnh, sinh năm 1989, đều trú tại thôn Thượng Đức, xã Đức Trạch; đầu năm 2017, Công an huyện đã xác lập chuyên án đấu tranh chống hoạt động tổ chức người xuất cảnh trái phép ra nước ngoài trên địa bàn, theo đó vào lúc 22h00′ ngày 11/02/2017, tại xã Thanh Trạch – Bố Trạch, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án Công an huyện phối hợp với Công an các đơn vị PC67, PA71, C67 bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn Toàn, sinh năm 1989, trú tại thôn 1, xã Hoàn Trạch, Bố Trạch đang tổ chức cho 36 người khác (Trú tại nhiều địa phương khác nhau, chủ yếu là ở các xã Hoàn Trạch, Đại Trạch, Tây Trạch,… và một số người ở tỉnh Quảng Trị, Sóc Trăng) trốn sang Trung Quốc lao động trái phép. Qua công tác đấu tranh với đối tượng, được biết Toàn đã thu từ 04 triệu – 06 triệu đồng/người để tổ chức cho họ xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc.

Mặc dù đã đạt được những kết quả trên, nhưng tình hình hoạt động tổ chức người trốn sang nước ngoài vẫn diễn biến khá phức tạp, các đối tượng vẫn thực hiện trót lọt nhiều vụ, tổ chức nhiều lượt người trốn sang Trung Quốc lao động trái phép, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân cũng như khó khăn trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng. Nguyên nhân chủ yếu xảy ra việc công dân trên địa bàn xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp là do ở địa phương thiếu việc làm, hoàn cảnh gia đình khó khăn, thêm vào đó bị các đối tượng xấu lợi dụng dụ dỗ, lôi kéo để trốn sang Trung Quốc với những hứa hẹn như chi phí xuất cảnh thấp (Khoảng 06 – 07 triệu đồng), không phải làm giấy tờ hộ chiếu, được tìm công việc phù hợp, lương cao khi sang đến Trung Quốc…

Từ thực tiễn công tác đấu tranh chống hoạt động tổ chức người trốn sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo nghiệp vụ của ngành để vận dụng sát hợp vào tình hình thực tế, trên cơ sở đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật có liên quan để quần chúng nhân dân nắm, không tổ chức, tham gia trốn sang nước ngoài trái phép.

Hai là, xây dựng và duy trì thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với hoạt động tổ chức người trốn sang nước ngoài trái phép.

Ba là, có sự phối hợp chặt chẽ với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh trong công tác đấu tranh với hoạt động tổ chức người trốn sang nước ngoài.

Bốn là, nghiên cứu vận dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện hoạt động tổ chức người trốn sang nước ngoài.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc cũng như các nước khác để lao động sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu hoạt động tổ chức người trốn sang nước ngoài trái phép sẽ hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng sẽ thay đổi nhằm trốn tránh sự quản lý của các cơ quan chức năng. Đặc biệt trước, trong và sau các dịp tết Nguyên đán, các đối tượng cầm đầu sẽ tăng cường các hoạt động lôi kéo, dụ dỗ người dân xuất cảnh trái phép để thu tiền nhằm mục đích trục lợi. Do đó, công tác đấu tranh với hoạt động tổ chức người trốn sang nước ngoài lao động trái phép sẽ gặp nhiều khó khăn.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với các đối tượng tổ chức người khác trốn sang nước ngoài trái phép, Công an huyện tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

1. Tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể nắm chắc tình hình liên quan đến vấn đề công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến sâu rộng và vận động nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật “Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Không đi lao động tự do, trái phép và tăng cường công tác quản lý chặt chẽ về lực lượng lao động tại địa bàn. Vận động những gia đình có con em, những lao động đi nước ngoài bất hợp pháp về nước và ngăn chặn kịp thời những biểu hiện mới phát sinh ngay từ địa phương. Đồng thời, thông qua số lao động ở Trung Quốc bị trục xuất, số tự nguyện về nước để tuyên truyền, vận động họ không quay trở lại và người ở địa phương cũng thấy được những nguy cơ tiềm ẩn để từ bỏ ý định đi lao động trái phép.

2. Tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng liên quan và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội kịp thời ngăn chặn không để tăng thêm số lao động trái phép; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý kịp thời đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tự do tuyển dụng lao động mà không có chủ trương chỉ đạo của huyện.

3. Chủ động phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh tập trung đấu tranh với các đối tượng tổ chức đường dây đưa người xuất cảnh trái phép đi Trung Quốc lao động ở các địa bàn trọng điểm trong huyện.

4. Hàng năm xây dựng kế hoạch đấu tranh với các đối tượng tổ chức người trốn sang Trung Quốc lao động trái phép, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc hoạt động, di biến động của các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, để kịp thời có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hoạt động vi phạm của các đối tượng.

      Thiếu tá, Ths Nguyễn Hoàng Minh   

Phó Trưởng Công an huyện Bố Trạch