GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN NINH DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN BỐ TRẠCH

391
Đánh giá bài viết

Huyện Bố Trạch – tỉnh Quảng Bình có tổng diện tích đất tự nhiên là 2.124,2 km2, dân số 45.495 hộ, 183.909 nhân khẩu; có 30 đơn vị hành chính (gồm 28 xã và 02 thị trấn; trong đó có 05 xã, thị trấn miền núi, 02 xã miền núi rẻo cao; 08 xã có đồng bào theo đạo Thiên chúa; 04 xã, thị trấn có người dân tộc ít người); 02 xã miền núi rẻo cao là xã Tân Trạch và Thượng Trạch. Hệ thống giao thông của huyện có đầy đủ các tuyến giao thông Quốc lộ và Tỉnh lộ (đường bộ, đường thủy, đường sắt), có cửa khẩu quốc gia Cà Roòng – Noọng Ma với nước bạn Lào, có cảng biển sông Gianh; đặc biệt huyện Bố Trạch là nơi hội tụ nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như: Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, bãi tắm Đá Nhảy, hồ Bồng Lai, suối Nước Moọc, thung lũng Sinh Tồn, giếng Voọc cùng những di tích lịch sử nổi tiếng như bến phà Xuân Sơn, đường 20 Quyết Thắng với hang Tám TNXP và Cua chữ A… Đây chính là điều kiện thuận lợi để Bố Trạch hình thành và phát triển đa dạng các loại hình du lịch như du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái kết hợp nghĩ dưỡng, du lịch trải nghiệm.

Cửa hang Động Phong Nha kỳ vĩ

Nhằm từng bước phát huy tiềm năng và lợi thế, phấn đấu đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, nhiều năm qua, huyện Bố Trạch đã tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của các dự án, doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư vào các địa điểm du lịch trên địa bàn. Nhờ đó, du lịch Bố Trạch ngày càng phát triển và đổi mới với đa dạng các loại hình du lịch, từ tham quan, đi thuyền vào hang, tắm suối đến đu dây mạo hiểm, chơi các trò chơi trên nước, khám phá Sơn Đoòng hùng vĩ, lưu trú qua đêm bằng hình thức du lịch cộng đồng (homestay)… Cùng với đó, tài nguyên du lịch ở huyện từng bước được khai thác hiệu quả, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật được xây dựng, nâng cấp; nhiều lễ hội truyền thống được khôi phục gìn giữ; các di tích lịch sử cách mạng như làng chiến đấu Cự Nẫm, thành Cao Lao Hạ, đường 20 Quyết Thắng…được tôn tạo góp phần đưa lượng du khách nội địa và quốc tế đến với các khu du lịch trên địa bàn huyện Bố Trạch ngày càng tăng.

Từ năm 2013 – 2017, tổng lượng khách du lịch đến địa bàn huyện Bố Trạch đạt 2,8 triệu lượt với doanh thu hàng trăm tỷ đồng. Riêng trong dịp lễ 30/4 – 1/5/2018, có 45.012 lượt khách trong đó khách trong nước 41.153 lượt, khách quốc tế 3.859 lượt.

Cùng với sự phát triển của du lịch, các cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện được đầu tư và nâng cao chất lượng, phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về loại hình, theo thống kê trên địa bàn toàn huyện có 90 cơ sở lưu trú (trong đó tập trung chủ yếu tại địa bàn xã Sơn Trạch, Thanh Trạch).

Hiện du lịch Bố Trạch đang tăng trưởng tốt, được đánh giá là điểm đến an toàn, thân thiện, để duy trì và phát triển hình ảnh tốt đẹp của Du lịch Bố Trạch đối với du khách quốc tế và nội địa, tiếp tục giữ được đà tăng trưởng cao như hiện nay, bên cạnh việc định hướng khai thác thị trường phù hợp, tăng cường xúc tiến quảng bá, bảo đảm chất lượng sản phẩm, thì việc đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách tại các điểm du lịch trong cả nước, đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Bên cạnh với những bước tiến, những thành tựu đã đạt được, du lịch Quảng Bình nói chung và huyện Bố Trạch nói riêng xuất hiện nhiều hoạt động khá phức tạp đáng chú ý. Các thế lực thù địch cũng như bọn tội phạm trong và ngoài nước đã và đang triệt để lợi dụng lĩnh vực này để thực hiện các âm mưu, ý đồ của chúng làm phương hại đến kinh tế chính trị, an ninh, quốc phòng; hoạt động của tội phạm cũng không kém phần tinh vi và manh động, chúng tập trung nhiều vào đối tượng là khách du lịch, địa bàn hoạt động không chỉ là những nơi vắng vẻ mà còn diễn ra tại những chốn đông người như khách sạn, nhà hàng, các điểm tham quan… Đa số những tình huống mà lực lượng Công an phát hiện, giải quyết trong thời gian qua là các tình huống du khách bị mất cắp, du khách bị đe dọa hoặc các trường hợp bị mất giấy tờ, tài sản trong quá trình du lịch, cần xác nhận của Công an địa phương… như điều tra làm rõ nhiều vụ vi phạm pháp luật có liên quan đến NNN như làm rõ đối tượng vụ cướp xảy ra tại xã Xuân Trạch, Sơn Trạch mà người bị hại là 02 NNN (quốc tịch Anh); vụ mất trộm máy tính xách tay tại quán Behome Stay ở xã Sơn Trạch của khách du lịch có quốc tịch Đức; vụ ông David Geoge Bhohatyretz (1952) phát tờ rơi liên quan Pháp luân công tại động Thiên Đường… Ngoài ra, xử phạt hành chính liên quan đến hành vi vi phạm luật an toàn giao thông đường bộ của 01 người quốc tịch Anh, số tiền 1.400.000 đồng.

Trước tình hình trên, lực lượng Công an huyện Bố Trạch đã triển khai nhiều biện pháp công tác nghiệp vụ và đạt được những kết quả nhất định, góp phần đảm bảo an ninh trên lĩnh vực du lịch nói riêng và an ninh trên toàn huyện nói chung.

Thời gian tới, với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, cảnh quan phong phú, đa dạng ngành du lịch huyện Bố Trạch sẽ tiếp tục phát huy những lợi thế của mình bằng việc mở ra nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái, hang động… thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến địa phương. Bên cạnh những mặt thuận lợi đó, lĩnh vực du lịch cũng đặt ra những khó khăn nhất định, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chiến lược “ Diễn biến hoà bình” với nhiều hình thức, đặc biệt là hoạt động tình báo gián điệp đối với nước ta trên tất cả các hướng. Trong đó, con đường du lịch sẽ được chúng triệt để lợi dụng để xâm nhập với hình thức công khai hợp pháp. Một mặt chúng sẽ tăng cường hoạt động thu thập tin tức về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện. Mặt khác, chúng sẽ đẩy mạnh việc móc nối cơ sở, xây dựng cơ sở xã hội đặc biệt là trong các xã vùng giáo, phục vụ âm mưu tác động chuyển hoá nội bộ, phá hoại từ bên trong, nhằm chống phá nước ta. Do vậy để đảm bảo an ninh trên lĩnh vực du lịch trong thời gian tới góp phần thực hiện có hiệu quả đề an bảo đảm an ninh du lịch, Công an huyện đề xuất một số công tác trọng tâm sau:

Một là, các cấp, các ngành liên quan cần nhận thức sâu sắc hơn nữa công tác đảm bảo về an ninh du lịch. Việc nhận thức đúng đắn vị trí, tầm quan trọng của công tác đảm bảo an ninh du lịch sẽ là cơ sở để các lực lượng thống nhất hành động tạo nên sức mạnh tổng hợp trong công tác đảm bảo an ninh du lịch. Để nâng cao hơn nữa nhận thức về an ninh du lịch trên địa bàn huyện, cấp ủy, chính quyền các cấp cần đưa các nội dung về an ninh du lịch vào trong chủ trương, đường lối, chính sách. Nêu rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ ANTT trong du lịch. Từ đó triển khai tới các đơn vị, cơ quan có liên quan, quán triệt sâu rộng đến từng đơn vị trong hoạt động du lịch. Mỗi cán bộ, chiến sĩ đang trực tiếp đấu tranh với các đối tượng lợi dụng du lịch hoạt động xâm phạm ANQG phaỉ nắm vững các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về phát triển du lịch, nghiên cứu tìm hiểu kĩ từng văn bản để thực hiên tốt.

Hai là, tiếp tục củng cố và phát huy phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ trên các địa bàn du lịch. Để nâng cao hơn nữa chất lượng phong trào nhằm phục vụ tốt công tác phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh với các đối tượng lợi dụng hình thức du lịch trong thời gian tới cần phải chú ý làm tốt các mặt sau:

– Trang bị kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch, đưa nội dung bảo vệ ANQG trong lĩnh vực du lịch vào chương trình học chính khoá của học viên các trường du lịch để họ có kiến thức cơ bản, phục vụ tốt cho công tác chuyên môn.

– Thường xuyên tổ chức công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân ở những địa bàn tập trung các tuyến, điểm du lịch và đối với đội ngũ cán bộ nhân viên du lịch. Nội dung tuyên truyền cần chú ý làm cho quần chúng nhân dân nhận thức được tầm quan trọng và mối liên hệ chặt chẽ giữa an ninh và du lịch, nhận thức được vai trò, vị trí của mình trong sự nghiệp bảo vệ an ninh tổ quốc, góp phần nâng cao kiến thức địch tình, tinh thần cảnh giác cho quần chúng cũng như cách xử lý các tình huống phát sinh.  

Ba là, làm tốt công tác nghiệp vụ đối với địa bàn, tuyến du lịch, tour du lịch trọng điểm. Công tác nghiệp vụ, nắm tình hình trong hoạt động du lịch là một khâu quan trọng không thể thiếu nhằm đảm bảo an ninh trên lĩnh vực du lịch. Nội dung của công tác này bao gồm nắm tình hình về âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch và bọn tội phạm khác lợi dụng con đường nhập cảnh du lịch để tiến hành các hoạt động chống phá ta. Làm tốt công tác nghiệp vụ, nắm tình hình thường xuyên về hoạt động du lịch và những vấn đề có liên quan sẽ phục vụ tốt cho quá trình phát hiện, đấu tranh và xử lý các hoạt động xâm phạm ANQG, vi phạm pháp luật của những đối tượng lợi dụng hình thức du lịch. Bên cạnh đó, thông qua nắm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp du lịch, kịp thời phát hiện những vấn đề có liên quan đến ANQG. Từ đó có biện pháp xử lý thích hợp, kịp thời tham mưu cho các cấp có thẩm quyền giúp đỡ các doanh nghiệp đưa hoạt động kinh doanh vào nề nếp, từng bước loại bỏ sơ hở thiếu sót trong công tác quản lý khách du lịch.

Bốn là, nghiên cứu xây dựng phương án phản gián đối với địa bàn, tuyến du lịch trọng điểm. Các phương án phản gián có tác dụng rất lớn trong công tác đảm bảo an ninh trên lĩnh vực du lịch, tạo nên một thế trận phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động có liên quan đến ANQG và các hoạt động vi phạm khác của khách du lịch. Qua các phương án phản gián, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm tổ chức quản lý tốt hoạt động của khách du lịch nước ngoài, phát hiện và đấu tranh xử lý các hoạt động liên quan đến ANQG của các đối tượng.

Năm là, tăng cường công tác phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng. Công tác phản gián nói chung và công tác phản gián trên lĩnh vực an ninh du lịch nói riêng không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng Công an mà là trách nhiệm chung của các ngành các cấp và đông đảo quần chúng nhân dân. Trong phối hợp giữa các ngành, cần khắc phục tình trạng qua loa đại khái và cần thường xuyên duy trì, trao đổi thông tin giữa các ngành. Đây là một khâu rất quan trọng, mọi thông tin có liên quan cần phải trao đổi kịp thời với nhau, có như vậy mới có chủ trương và biện pháp xử lý đúng đắn.

Sáu là, phương hướng xử lý các hoạt động vi phạm của khách du lịch. Xử lý nghiêm túc các trường hợp gây nguy hại đến ANQG và các hoạt động vi phạm khác của các đối tượng trà trộn trong khách du lịch sẽ góp phần bảo vệ an ninh Tổ Quốc và có tác dụng răn đe các đối tượng đang hoạt động cũng như các đối tượng có ý đồ hoạt động. Việc xử lý người nước ngoài vi phạm là một vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, chính sách ngoại giao. Về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm đều phải được xử lý, tuy nhiên khi xử lý chúng ta cần cân nhắc, tính toán các yêu cầu chính trị, nghiệp vụ, pháp luật./.

                                                              Trung tá, Ths Nguyễn Hoàng Minh

                                                                   Phó Công an huyện Bố Trạch