Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn huyện Bố Trạch

1972
Đánh giá bài viết

Nằm ở phía Bắc thành phố Đồng Hới, Bố Trạch là huyện có địa bàn khá rộng, có nhiều địa hình rừng núi hiểm trở với diện tích tự nhiên 2.123 km2; có 49.050 hộ với 193.229 khẩu thường trú. Toàn huyện có 28 xã, 02 thị trấn, trong đó có 9 xã miền núi và 2 xã miền núi rẻo cao; có 25 km bờ biển và trên 54 km đường biên giới Việt – Lào. Huyện còn có tuyến Quốc lộ 1A dài 28,5 km đi qua 11 xã, thị trấn; 2 nhánh Đông và Tây đường Hồ Chí Minh dài khoảng 90 km; đường 20 dài khoảng 61 km; có cửa khẩu Cà Roòng – Noọng Ma (Lào); tỉnh lộ 2A, 2B, 566 dài khoảng 43 km và các tuyến đường liên thôn, liên xã dài hàng trăm km. Ngoài ra còn có tuyến đường sắt đi qua địa bàn 8 xã của huyện.

Cùng với đó, tuyến đường thủy nội địa có tổng chiều dài 61,3 km với nhiều tuyến như: Sông Son, sông Dinh, sông Lý Hoà. Trong đó, riêng tuyến sông Son có chiều dài 36 km (Từ km 0 đến km 36) chảy qua địa bàn 7 xã. Đây là tuyến đường thủy có độ dốc cao, địa hình, luồng lạch phức tạp, nhiều đá ngầm mùa lũ rất hỗn nước, có dòng chảy xiết. Tuy nhiên đây lại là tuyến giao thông rất quan trọng trong lộ trình tham quan động Phong Nha – Tiên Sơn, sông Chày, hang Tối. Trên tuyến có 3 công trình cầu vượt sông; có 12 bến đò ngang, 3 bến đò dọc (Bến đò du lịch); có 271 thuyền rồng, 195 thuyền chở 14 khách, 28 thuyền độc mộc của đội thuyền Du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng. Có 12 bến, 7 đò chở khách ngang sông và có khoảng trên 50 thuyền tham gia đánh bắt thủy, hải sản và thuyền buôn bán lưu thông.

Mạng lưới giao thông trên địa bàn rất đa dạng trong khi kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, kèm theo đó, tổ chức giao thông còn nhiều bất cập; hệ thống một số tuyến giao thông chính như các tuyến tỉnh lộ, đường liên thôn, liên xã bị hư hỏng, xuống cấp chậm được duy tu, sữa chữa, phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh, nhất là phương tiện mô tô, xe máy điện… nhiều tuyến đường nhỏ, hẹp chưa được trang bị đầy đủ hệ thống chiếu sáng; không ít điểm đường, trường, chợ bố trí gần nhau… Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của một bộ phận nhân dân còn hạn chế. Ngoài ra, Bố Trạch là địa bàn có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Bãi tắm du lịch Đá Nhảy, di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng, động Thiên Đường… đã đang và sẽ thu hút hàng triệu khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan… Đây là những yếu tố có tác động không nhỏ đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự (ANTT) nói chung và tình hình TTATGT trên địa bàn huyện nói riêng. Nhất là trong bối cảnh Bố Trạch đang đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, phát triển du lịch, xây dựng và nâng cấp thị trấn Hoàn Lão lên đô thị loại IV nhằm sớm tiến tới thành lập thị xã Hoàn Lão; quy hoạch phân khu đô thị du lịch Phong Nha tiến tới thành lập thị trấn Phong Nha… thì công tác đảm bảo TTATGT hơn lúc nào hết lại càng trở nên cấp thiết.

Những đặc điểm tình hình nêu trên đã có tác động, ảnh hưởng đến công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn. Thời gian qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh và bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, Công an huyện Bố Trạch đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện tốt công tác bảo đảm TTATGT. Trong đó, xác định tuyên truyền là yếu tố quan trọng hàng đầu để góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp Luật giao thông đường bộ, Công an huyện Bố Trạch đã phối hợp với Đài truyền thanh huyện xây dựng các phóng sự, thường xuyên đưa tin, bài tuyên truyền về TTATGT trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với phòng Giáo dục – Đào tạo và các trường học để tuyên truyền giáo dục pháp luật TTATGT cho học sinh; tổ chức hướng dẫn cho các chủ phương tiện và lái xe khách đưa đón học sinh trên địa bàn xây dựng quy chế tự quản về việc dừng đổ xe, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, trật tự công cộng và TTATGT…

Song song với công tác tuyên truyền, Công an huyện đã duy trì có hiệu quả việc xây dựng các mô hình tự quản tại cơ sở như “Tổ tự quản về TTATGT”, “Đoạn đường, ngõ phố tự quản”, “Tuyến sông, bến đò, đội thuyền phục vụ khách du lịch an toàn”… Nhờ đó, nhận thức và ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ của quần chúng nhân dân bước đầu có những chuyển biến tích cực.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chỉ huy Công an huyện đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác tuần tra kiểm soát đảm bảo TTATGT đường bộ. Tính đến tháng 11/2016, lực lượng CSGT Công an huyện đã thực hiện 686 ca tuần tra kiểm soát với 2.388 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia. Qua tuần tra kiểm soát phát hiện 2.219 trường hợp vi phạm; trong đó lập biên bản 1.844 trường hợp, tạm giữ 41 xe ô tô, 603 xe mô tô, 1.200 giấy tờ các loại; phạt tại chỗ 375 trường hợp, chuyển Kho bạc Nhà nước thu nộp ngân sách hơn 50.000.000 đồng.

Công tác bảo đảm TTATGT đường thuỷ nội địa và đường sắt luôn được quan tâm chú trọng. Lực lượng CSGT Công an huyện đã phối hợp với Trung tâm du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng thường xuyên tổ chức kiểm tra hướng dẫn các thuyền du lịch thực hiện nghiêm túc các quy định, nhằm bảo đảm an toàn cho khách tham quan trên tuyến. Riêng đối với các địa phương dọc tuyến đường sắt, các nhà ga, cung đường, lực lượng CSGT Công an huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, nhắc nhở các hộ sống hai bên tuyến đường sắt không chăn thả gia súc, không ném đất đá và chất bẩn lên tàu, không ăn cắp các phụ kiện đường sắt…

Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp và huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và các đoàn thể địa phương, nên tình hình TTATGT trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, TNGT giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Chỉ tính riêng từ ngày 16/11/2015 đến ngày 15/10/2016, trên địa bàn huyện Bố Trạch không xảy ra vụ tai nạn giao thông nào về đường thuỷ, tình hình an ninh trật tự và ATGT đường sắt được ổn định. Riêng đường bộ xảy ra 48 vụ TNGT, làm chết 19 người, bị thương 51 người, thiệt hại tài sản khoảng 219.500.000đ, so với cùng kỳ năm 2015 giảm 8 vụ (giảm 14%), giảm 3 người chết (giảm 13,6%) và giảm 11 người bị thương (giảm 17,7%); thiệt hại tài sản giảm 127.000.000đ (giảm 36,5%). Nguyên nhân dẫn đến tai nạn phần lớn đều do người điều khiển phương tiện gây ra như: Chạy quá tốc độ; tránh vượt sai quy định; uống rượu, bia quá nồng độ; không nhường đường…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình TTATGT trên địa bàn huyện Bố Trạch vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Vì vậy, để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn, thời gian tới Công an huyện Bố Trạch tập trung thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Một là, tiếp tục tham mưu thực hiện đồng bộ, quyết liệt có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Ban Bí thư, Chính phủ, như Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 88/NQ-CP, ngày 24/08/2011 về tăng cường các giải pháp trọng tâm đảm bảo TTATGT; Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn TNGT nghiêm trọng trong hoạt động vận tải.

Hai là, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, sự quản lý của chính quyền các cấp đối với việc thực hiện các giải pháp đảm bảo TTATGT và sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác đảm bảo TTATGT.

 Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, thường xuyên và quan trọng, đặc biệt là đối tượng thanh, thiếu niên điều khiển xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông. Làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để mọi người dân nhận thức rõ sự nguy hiểm và hậu quả nghiêm trọng của TNGT, từ đó đề cao trách nhiệm, tự giác chấp hành luật giao thông, thực hiện nếp sống “Văn hoá giao thông”. Thực hiện nghiêm túc việc thông báo vi phạm về nơi cư trú, làm việc và học tập; gắn với công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, các hành vi phá hoại, xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông, vi phạm quy định về kinh doanh vận tải và TTATGT. Đặc biệt chú ý xe hoạt động vận chuyển khách vi phạm chở quá số người quy định, xe hết niên hạn sử dụng, xe không đủ điều kiện tham gia vận tải hành khách, xe vận tải hàng hóa chở quá tải trọng…

 Bốn là, tham mưu cấp ủy, chính quyền và Ban ATGT huyện bố trí, sắp xếp tổ chức giao thông hợp lý, khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông hiện có gắn liền với đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông ngày càng hiện đại; thúc đẩy phát triển phương tiện giao thông công cộng; hạn chế tối đa việc xây dựng các khu dân cư, trường học, chợ trên các trục đường chính, quốc lộ.

Năm là, thực hiện tốt Nghị định 27/CP, Thông tư số 47/2011/TT-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 27/CP quy định việc huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông tham gia tuần tra, kiểm soát TTATGT đường bộ trong trường hợp cần thiết, nhất là việc huy động lực lượng Công an xã tham gia đảm bảo TTATGT từ cơ sở, nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt trong ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông tại địa bàn khu dân cư ở nông thôn. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có nguy cơ xảy ra TNGT cao, như: Chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, vượt không đúng quy định, sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông, không có giấy phép lái xe… Phối hợp với lực lượng tự quản tham gia quản lý TTATGT ở từng địa bàn cơ sở; xây dựng phong trào quần chúng giữ gìn TTATGT trong khu vực dân cư, từng tuyến phố và chính quyền cơ sở để giải quyết triệt để các vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, buôn bán, họp chợ, xây dựng công trình, nhà ở, lều quán… hạn chế tầm nhìn, cản trở giao thông hoặc vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông.

Sáu là, thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng lực lượng CSGT trong sạch vững mạnh, nhất là thực hiện Quyết định số 607/QĐ-BCA của Bộ Công an quy định về tiêu chuẩn đạo đức của CSGT, những việc cần phải “Xây” và “Chống”. Quan tâm, thực hiện tốt công tác đào tạo nâng cao trình độ cho CBCS, tăng cường biên chế, trang thiết bị cho lực lượng CSGT đủ sức đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới.

                                                                                                                                   Trung tá, Thạc sĩ Lê Văn Hóa

Phó Trưởng Công an huyện Bố Trạch