Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn huyện Quảng Trạch

6717
Đánh giá bài viết

Huyện Quảng Trạch nằm ở phía Bắc tỉnh Quảng Bình, phía Nam giáp thị xã Ba Đồn; phía Tây giáp huyện Tuyên Hóa; phía Đông giáp Biển Đông; phía Bắc giáp huyện Kỳ Anh- tỉnh Hà Tĩnh. Toàn huyện có 18 xã, gồm 35.466 hộ, với 129.000.201 nhân khẩu, có 29 cơ quan doanh nghiệp, 02 Trường THPT, giáo dân chiếm 1/4 dân số toàn huyện được phân bố ở 9 xã, có 07 giáo xứ gồm 21 họ đạo, 08 linh mục quản xứ. Những năm trước đây, trình độ dân trí còn thấp, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn; tình hình tranh chấp đất đai, khiếu kiện trong người dân có nơi, có lúc phức tạp, ảnh hưởng đến công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn. Đặc biệt nổi lên 1 số vụ việc tụ tập đông người gây mất ANTT như: Tuần hành gây rối, chống người thi hành công vụ và hủy hoại tài sản xảy ra tại xã Quảng Thọ liên quan việc triển khai Dự án xây dựng nhà máy xi măng; bắt giữ người trái pháp luật ở Cồn Sẻ, Quảng Lộc; gây rối trật tự, công cộng, hủy hoại tài sản ở xã Quảng Đông liên quan quá trình triển khai Dự án trung tâm Nhiệt điện I Quảng Trạch; cản trở thi công mở rộng tuyến quốc lộ 1A qua địa bàn huyện; dựng cổng chào trái phép của LM, HĐMV ở giáo xứ Hướng Phương; tụ tập đông người tuần hành làm mất ANTT, trên QL1A thuộc địa phận xã Quảng Tùng và Quảng Hưng liên quan đến việc cá chết ở các xã ven biển miền Trung trong những ngày cuối tháng 4/2016; các hoạt động kích động biểu tình của các đối tượng chống đối chính trị… Tình hình đó đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác dân vận trong lực lượng CAND, vận động quần chúng nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn.

Nhận thức sâu sắc vị trí công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân là một bộ phận trong công tác dân vận của Đảng, là một trong những nội dung trong công tác đảng, chính trị và nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Với quan điểm: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, bảo vệ ANTT cũng là sự nghiệp của quần chúng, công tác dân vận phải xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, dựa vào dân, cùng với nhân dân thực hiện phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm để bảo vệ ANCT, giữ gìn TTATXH. Mỗi thành tích, mỗi chiến công và sự lớn mạnh của lực lượng CAND đều có công lao đóng góp to lớn của nhân dân. Đảng ủy Ban chỉ huy Công an huyện Quảng Trạch đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ, Đồn Công an Hòn La quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương Đảng, Chính Phủ về công tác dân vận nhất là Nghị quyết số 25/NQ-TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành TW Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg về “Tăng cường công tác dân vận”; đặc biệt là Chỉ thị số 13/2001/CT-BCA ngày 11/10/2001 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Tăng cường công tác dân vận của lực lượng CAND” và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình về công tác dân vận. Ngày 22/9/2005 Đảng ủy Công an huyện có Quyết định số 42/QĐ-ĐU kiện toàn Ban ban chỉ đạo công tác dân vận của Đảng ủy do 01 đồng chí Đảng ủy viên- Phó trưởng Công an huyện làm trưởng ban, các thành viên là đội trưởng các đội Tổng hợp, An ninh, CAXDPT và PTX về ANTT, Bí thư Đoàn thanh niên và Chủ tịch hội phụ nữ. Hằng năm, Đảng ủy, Ban chỉ huy Công an huyện xây dựng Kế hoạch để tổ chức thực hiện; xây dựng và phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong lực lượng Công an nhân dân tới toàn bộ cán bộ chiến sỹ , trong đó Đội XDPT và PTX về ANTT là lực lượng nòng cốt trong công tác phối hợp tham mưu, hướng dẫn Công an xã triển khai thực hiện trên địa bàn huyện với phương châm “Cụ thể, gần dân, chuyên cần, thông thạo”. Đồng thời, Ban chỉ đạo công tác dân vận phối hợp với các ban ngành, đoàn thể ở địa phương hướng dẫn Ban Công an các xã tham mưu cho chính quyền tổ chức thực hiện Kế hoạch “Tăng cường công tác dân vận của lực lượng Công an xã”. Trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ trong lực lượng Công an nhân dân, nhất là các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến công dân, sửa đổi lề lối làm việc phục vụ nhân dân một cách tốt nhất, nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động nhân dân tích cực tham gia công tác quản lý hành chính về TTXH đảm bảo TTATGT với phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát theo pháp luật, góp phần xây dựng lực lượng CAND trong sạch vững mạnh, hoạt động có hiệu quả.

2. Thực hiện cải cách hành chính trong các lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước về ANTT đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng pháp luật, rút ngắn thời gian quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân, tổ chức. Công tác điều tra xử lý tội phạm, tạm giam, tạm giữ đảm bảo chặt chẽ, đúng pháp luật.

3. Công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật; đảm bảo khách quan, chính xác công khai và dân chủ, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

4. Coi trọng công tác xây dựng mô hình “Dân vận khéo”. Thực hiện Chỉ thị 27-CT/TU, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; Kế hoạch số 2315/X11(X28), ngày 16/4/2009 về tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong lực lượng Công an nhân dân. Đảng ủy, BCH Công an huyện triển khai nhiều hoạt động thiết thực; chỉ đạo CBCS, đảng viên cụ thể hóa vào chương trình công tác của từng cá nhân và đơn vị. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chiến sỹ có trình độ chuyên môn, bố trí, phân công những đồng chí có năng lực phụ trách công tác tuyên truyền. Chú trọng bồi dưỡng những cá nhân có phẩm chất, đạo đức, nắm vững nghiệp vụ bố trí vào các đội nghiệp vụ, phụ trách địa bàn các xã; tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở trong chương trình công tác của lực lượng Công an nhằm phổ biến cho quần chúng nhân dân hiểu rõ, chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong các vụ việc phức tạp gây mất an ninh trật tự trên địa bàn thời gian vừa qua, mỗi CBCS tham gia giải quyết thực sự là một dân vận viên trong việc tuyên truyền vận động, vừa công khai vừa bí mật, vận động cá biệt, sử dụng người có uy tín cao, người có ảnh hưởng và mối quan hệ với những người tham gia đám đông gây rối TTCC để tác động phân hóa, chia rẽ và làm cho đám đông tự giải tán góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, không để ảnh hưởng xấu phức tạp kéo dài.

5. Tăng cường các hoạt động tình nguyện hướng về cơ sở, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ nhân dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; phòng, chống thiên tai. Những năm qua, Đảng ủy, Ban chỉ huy Công an huyện đã tổ chức hàng trăm đợt tình nguyện, trực tiếp xuống các cơ sở cấp phát chứng minh cho người dân; huy động hàng trăm lượt cán bộ chiến sỹ tham gia cứu nạn, cứu hộ bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị 13/2001/CT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an về “Tăng cường công tác dân vận trong lực lượng CAND”. Dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ huyện ủy, sự chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh và sự phấn đấu nỗ lực của Đảng ủy, BCH đơn vị cùng toàn thể CBCS Công an huyện, Ban Công an các xã và cùng với sự đồng tình ủng hộ giúp đỡ của quần chúng nhân dân nên đã thu được một số kết quả quan trọng, bước đầu đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của CBCS trong lực lượng CAND về công tác dân vận. Công tác vận động nhân dân xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có những chuyển biến tích cực; tội phạm được kiềm chế, tình hình ANTT trên địa bàn được giữ vững ổn định, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị thúc đẩy phát triển kinh tế-văn hóa của huyện nhà.

Từ thực tế triển khai thực hiện công tác dân vận của lực lượng Công an có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, việc triển khai thực hiện công tác dân vận trong lực lượng CAND phải được cấp ủy Đảng, ban chỉ huy đơn vị, thực sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, là biện pháp cơ bản quan trọng nhất của lực lượng CAND.

Thứ hai, công tác quán triệt các chủ trương, chính sách về công tác dân vận, tuyên truyền vận động phải được triển khai thường xuyên, liên tục và sâu rộng đến từng cơ sở Đảng, từng đơn vị nghiệp vụ, địa phương, cán bộ chiến sỹ CAND; mọi hoạt động dân vận đều hướng đến quần chúng nhân dân, phải biết dựa vào dân, coi nhân dân là chỗ dựa vững chắc để triển khai các mặt công tác Công an. Đồng thời, bản thân lực lượng Công an phải thực sự trong sạch, vững mạnh là tấm gương sáng mẫu mực để nhân dân noi theo, làm theo; phải gần dân, gắn bó mật thiết với nhân dân cùng với nhân dân để thực hiện.

Thứ ba, phải thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, xem xét đánh giá uy tín của các lực lượng Công an trong tầng lớp nhân dân (Thông qua diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến góp ý của nhân dân). Chú trọng hướng dẫn, sơ kết, xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Hàng năm đánh giá tổng kết, và xây dựng phương hướng cho thời gian tiếp theo.

Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 13/2001/CT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an về “Tăng cường công tác dân vận trong lực lượng CAND” trên địa bàn huyện Quảng Trạch, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

1. Cấp ủy, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương cần nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác dân vận trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác Công an, nhất là trong xây dựng và triển khai thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phải coi công tác dân vận là một nội dung quan trọng của biện pháp vận động quần chúng là công tác thường xuyên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương mình.

2. Đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình hành động số 48/CTr-ĐUCA của Đảng ủy Công an tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về công tác dân vận; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong lực lượng Công an Quảng Bình; Nghị quyết số 03/2012/NQ-ĐUCA của Đảng ủy Công an tỉnh về “Nâng cao vai trò tham mưu nòng cốt của lực lượng Công an đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, ban, ngành thực hiện có hiệu quả việc đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; Chương trình phối hợp công tác dân vận giữa Ban Dân vận Trung ương và Bộ Công an, Ban Dân vận Tỉnh ủy và Công an tỉnh giai đoạn 2016 – 2020.

3. Tăng cường đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp công tác dân vận gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các phong trào thi đua do ngành Công an phát động. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc, kiên quyết chống các biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.

4. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự. Chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động và tội phạm; tham gia thực hiện các Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, phòng, chống tệ nạn mua, bán người; phát hiện, tố giác tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; đảm nhiệm việc cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tự tái hòa nhập cộng đồng.

5. Không ngừng quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận trong lực lượng Công an đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực vận động quần chúng, khắc phục tình trạng đưa cán bộ phẩm chất năng lực yếu, kém và không có uy tín về làm công tác dân vận.

6. Làm tốt công tác nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Chú trọng các mô hình, điển hình tiên tiến công tác dân vận trong lĩnh vực ANTT ở cơ sở, nhằm đưa công tác dân vận ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực. Trong thực tiễn công tác, phải biết bắt đầu từ những việc làm dù nhỏ hàng ngày, song luôn được nhân dân và dư luận đánh giá cao như: Cảnh sát giao thông giúp đỡ người già, trẻ em; Cảnh sát khu vực, CAXDPT và PTX đến từng hộ dân để nắm tâm tư nguyện vọng của nhân dân, Cảnh sát hình sự tận tâm, tận lực điều tra khám phá tội phạm để trả lại tài sản của nhân dân bị kẻ gian trộm cắp; Cảnh sát quản lý hành chính tích cực cải tiến, đổi mới lề lối làm việc nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân; CBCS Công an giúp dân vượt qua thiên tai bão lụt,… Có như vậy nhân dân mới tin yêu và giúp đỡ lực lượng Công an hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trương Việt Quảng                                  

Thiếu tá, Th.s, Phó Trưởng Công an huyện Quảng Trạch