Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác truy nã tội phạm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong tình hình mới

7209
Đánh giá bài viết

Trong những năm qua, do tác động của tình hình thế giới, khu vực, đặc biệt là những khó khăn về kinh tế-xã hội ở trong nước và trên địa bàn tỉnh đã làm cho tình hình tội phạm có những diễn biến phức tạp, ngày càng gia tăng về số vụ và tính chất nghiêm trọng. Trong nhiều trường hợp, sau khi gây án, đối tượng phạm tội đã tìm cách bỏ trốn và tiếp tục hoạt động phạm tội. Để truy bắt số đối tượng này, cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã, nên số đối tượng truy nã (ĐTTN) đã gia tăng.

Thực tiễn công tác truy nã tội phạm trong những năm qua cho thấy, trong quá trình lẫn trốn, một số đối tượng truy nã câu kết với đối tượng ngoài xã hội tiếp tục hoạt động phạm tội, thậm chí có sự tiếp tay của đồng bọn hoặc gia đình, làm giả giấy tờ, thay tên đổi họ, tạo vỏ bọc hợp pháp nhằm che dấu tung tích. Đáng lo ngại là nhiều đối tượng truy nã tự trang bị vũ khí nóng sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng và quần chúng nhân dân khi bị phát hiện, truy bắt. Điều đó đặt ra cho lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm nhiệm vụ hết sức nặng nề trong việc xác minh, truy bắt ĐTTN phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Thực hiện quyết định của Bộ Công an về việc thành lập lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm chuyên trách từ Trung ương đến địa phương. Tháng 9/2010, phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Quảng Bình được thành lập theo Quyết định số 779/QĐ-CAT của Giám đốc Công an tỉnh. Ngay sau khi thành lập đã đi vào hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đã làm tốt công tác tham mưu cho Lãnh đạo Công an tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo 327 để thống nhất công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác truy nã tội phạm, tham mưu cho các cấp, các ngành phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác truy nã tội phạm; tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp tăng cường rà soát, xác minh, truy bắt và vận động ĐTTN đạt hiệu quả cao góp phần làm giảm số ĐTTN ngoài xã hội. Tính từ năm 2010 đến nay lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh đã bắt, vận động đầu thú, thanh loại 561 đối tượng truy nã (ĐTTN). Riêng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm đã bắt, vận động đầu thú 220 đối tượng, trong đó có 105 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.

Ghi nhận những thành tích, đóng góp quan trọng của lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, hàng chục lượt tập thể, cá nhân được Bộ Công an, UBND tỉnh, Tổng cục Cảnh sát, Cục Cảnh sát truy nã tội phạm và Giám đốc Công an tỉnh tặng nhiều Bằng khen và Giấy khen.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác truy nã tội phạm còn một số tồn tại hạn chế: Một số đơn vị điều tra chưa thực hiện tốt quy định về ban hành và gửi quyết định truy nã, việc ra quyết định truy nã không ghi đầy đủ các thông tin, đặc điểm nhân dạng, ảnh đối tượng; sự phối hợp giữa các đơn vị, địa phương trong công tác truy nã chưa thật sự thống nhất, đặc biệt là trong việc thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng, pháp luật của Nhà nước về áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người bị truy nã ra đầu thú; công tác quản lý bị can, bị cáo đang được tại ngoại chưa tốt là điều kiện để tội phạm lợi dụng bỏ trốn làm cho đầu vào ĐTTN gia tăng, đây là những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác xác minh, truy bắt, vận động ĐTTN của lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm.

Trong thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, số ĐTTN phát sinh còn nhiều. Sự phát triển của khoa học – kỹ thuật và các phương tiện thông tin liên lạc là những điều kiện thuận lợi cho ĐTTN thay đổi phương thức, thủ đoạn lẫn trốn, sử dụng vỏ bọc tinh vi, che giấu tung tích để đối phó với lực lượng chức năng và sự phát hiện của nhân dân. Lợi dụng giao thông thuận tiện cùng với việc mở cửa hội nhập quốc tế nhiều ĐTTN tìm cách trốn ra nước ngoài, nhất là các nước có chung đường biên giới với Việt Nam đã gây khó khăn cho công tác truy nã tội phạm. Để nâng cao hiệu quả công tác truy nã tội phạm trong tình hình mới, lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức đối với cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm để nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quan điểm chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an về công tác truy nã tội phạm, nêu cao tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, từ đó xây dựng độ ngũ cán bộ, chiến sỹ làm công tác truy nã tội phạm có phẩm chất đạo đức trong sáng, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, có trách nhiệm với công việc, mưu trí, dũng cảm, không sợ hy sinh, gian khổ, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Hai là, lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp cần xác định rõ công tác truy nã tội phạm là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, góp phần phục vụ tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự. Do đó, Cấp ủy, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 07/CT-BCA-C41, ngày 29/4/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Nâng cao hiệu quả công tác truy nã tội phạm trong tình hình mới”; Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương và Nghị quyết của Đảng ủy Công an tỉnh, trên cơ sở đó căn cứ vào yêu cầu, đặc điểm, tính chất công tác của từng đơn vị, địa phương để đề ra các tiêu chí, mục tiêu, nhiệm vụ thi đua cụ thể nhằm góp phần làm giảm số ĐTTN ngoài xã hội và kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, ổn định an ninh trật tự ở địa phương.

Ba là, lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể phát động mạnh mẽ quần chúng tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tập trung tuyên truyền về pháp luật và chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với ĐTTN ra đầu thú; phương thức, thủ đoạn hoạt động và lẫn trốn của tội phạm, những sơ hở, thiếu sót mà tội phạm thường chú ý lợi dụng để hoạt động và ẩn náu. Tăng cường giáo dục để quần chúng nhân dân nhận thức việc cung cấp thông tin, tham gia bắt giữ, vận động ĐTTN ra đầu thú trước hết nhằm bảo vệ lợi ích của bản thân và cộng đồng, sự bình yên của xã hội. Đồng thời, có chính sách khen thưởng, động viên về vật chất và tinh thần đối với những người có thành tích trong công tác truy nã tội phạm; xử lý nghiêm minh những hành vi che giấu, giúp sức các đối tượng truy nã.

Bốn là, làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, tập trung thực hiện các giải pháp làm giảm phát sinh ĐTTN và nâng cao hiệu quả công tác bắt, vận động ĐTTN ra đầu thú. Tham mưu đề xuất chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho lực lượng Cảnh sát truy nã, nhất là tăng cường kinh phí hỗ trợ việc xác minh, truy bắt đối tượng truy nã và hiện đại hóa các trang thiết bị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác truy nã trong tình hình mới. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm chuyên trách, để cán bộ, chiến sỹ có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn của các đơn vị, địa phương, bổ sung hoàn thiện lý luận về công tác truy nã tội phạm. Tăng cường công tác kiểm tra quản lý cán bộ, chiến sỹ nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các biểu hiện sai phạm, khắc phục những sơ hở, thiếu sót để thực hiện có hiệu quả công tác truy nã tội phạm. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác truy bắt, vận động ĐTTN và nhân rộng những cách làm hay, những gương điển hình tiên tiến, góp phần hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác truy nã và dẫn độ tội phạm, thông qua hợp tác song phương, đa phương, qua kênh Interpol. Đẩy mạnh quan hệ phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm với cơ quan ra quyết định truy nã, các đơn vị nghiệp vụ, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp có liên quan đến công tác truy nã tội phạm. Định kỳ hàng năm hoặc các đợt cao điểm truy bắt ĐTTN phải tổ chức sơ, tổng kết để đánh giá rút kinh nghiệm phát huy những ưu điểm và xác định những vấn đề còn tồn tại, hạn chế để tiếp tục chỉ đạo, khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác truy nã tội phạm.

Trung tá, Thạc sĩ Trần Đình Tuấn          

Phó Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm