Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư – Bước đột phá trong quản lý dân cư, hướng tới nền Chính phủ điện tử

1027
Đánh giá bài viết

Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư và Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD) là một trong 6 cơ sở dữ liệu được ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Việc xây dựng CSDLQG về dân cư sẽ giúp công tác quản lý hành chính nhà nước theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và góp phần phát triển Chính phủ điện tử. Theo lộ trình, ngày 01/7/2021, Bộ Công an công bố vận hành đi vào hoạt động chính thức Hệ thống CSDLQG về dân cư. Để Nhân dân hiểu rõ về lợi ích Hệ thống và sử dụng thẻ CCCD gắn chíp khi Hệ thống đi vào vận hành, hoạt động. Trang thông tin điện tử, Công an tỉnh có bài phỏng vấn Đại tá Trần Quang Hiếu- Phó Giám đốc Công an tỉnh.

 – PV: Thưa đồng chí Đại tá Trần Quang Hiếu, theo đánh giá, khi hệ thống CSDLQG về dân cư đi vào hoạt động, vận hành khai thác sẽ mang đến rất nhiều lợi ích, tiện lợi và hiệu quả cho người dân. Vậy cụ thể đó là những tiện ích nào thưa đồng chí ?

Đại tá Trần Quang Hiếu: Hệ thống CSDLQG về dân cư đi vào hoạt động sẽ thay đổi phương thức quản lý nhà nước về dân cư từ việc thủ công sang quản lý bằng điện tử thông qua mã số định danh cá nhân. CSDLQG về dân cư là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ cho Nhân dân, khắc phục tình trạng người dân phải sử dụng nhiều giấy tờ cá nhân nhưng lại không đem lại hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính.

Đại tá Trần Quang Hiếu- Phó Giám đốc Công an tỉnh kiểm tra công tác cấp căn cước công dân gắn chịp trên địa bàn. (Ảnh chụp trước ngày 03/5/2021)

Công dân chỉ được cấp thẻ CCCD khi đã có thông tin trong CSDLQG về dân cư, số thẻ CCCD chính là số định danh cá nhân, mã số dùng để truy nguyên cá thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác, được xác lập từ CSDLQG về dân cư và được cấp duy nhất một lần cho một cá nhân. So với Căn cước công dân dùng mã vạch, chứng minh nhân dân 9 số và 12 số, thẻ CCCD có gắn chíp có nhiều ưu điểm về độ bảo mật cao hơn, có thể lưu trữ được nhiều thông tin hơn và được kết nối, tích hợp và chia sẻ các dữ liệu cần thiết vào thẻ như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, thuế, ngân hàng, đất đai, giấy phép lái xe, tạo thuận lợi và tiện tích cho người sử dụng thực hiện các thủ tục hành chính, giảm được chi phí cho việc công chứng, xác thực bằng các loại giấy tờ trước đây. Ngoài ra, công dân được sử dụng thẻ CCCD thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân khi ký kết được sử dụng thẻ CCCD thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau. Chíp gắn trên thẻ CCCD có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học (như dấu vân tay), cho phép xác thực bảo đảm chính xác con người. Qua đó, thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ, bảo đảm an toàn bảo mật nhất là trong các giao dịch tài chính. Đặc biệt, người sử dụng thẻ CCCD nếu bị mất có thể khai báo và làm lại bất kỳ ở đâu có điểm cấp thẻ CCCD trên lãnh thổ Việt Nam mà không cần về nơi cư trú để khai báo như trước đây.

– PV: Khi công dân thực hiện các giao dịch dân sự cần xuất trình thẻ CCCD để cơ quan, tổ chức tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu thông tin cư trú cá nhân của công dân đã cung cấp với thông tin được lưu trữ trong CSDLQG về dân cư, không bắt buộc công dân phải xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú. Vậy thưa đồng chí, mã số định danh có vai trò gì liên quan đến quá trình quản lý cư trú bỏ sổ hộ khẩu giấy?

Đại tá Trần Quang Hiếu:  Việc xác lập số định danh cá nhân sau này được hình thành từ khi công dân đăng ký khai sinh thông qua hệ thống CSDLQG về dân cư. Số định danh cá nhân có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối, liên thông giữa CSDLQG về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trong đó hệ thống quản lý dân cư trên toàn quốc được coi là hệ thống thông tin chủ đạo kết nối với các hệ thống thông tin chuyên ngành khác của bộ, ngành thông qua mã số định danh cá nhân.

Việc xây dựng CSDLQG về dân cư sẽ tạo nền tảng cho công tác quản lý hành chính Nhà nước theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và góp phần phát triển Chính phủ điện tử.

Trên cơ sở Nghị quyết số 112/NQ-CP, ngày 30/10/2017 của Chính phủ, quy định bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu là thay đổi phương thức quản lý, từ quản lý thủ công bằng sổ hộ khẩu sang quản lý hiện đại thông qua mã số định danh cá nhân để phục vụ tốt hơn cho người dân, phục vụ mục tiêu dùng chung trong công tác quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, phục vụ giao dịch của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hệ thống CSDLQG về dân cư là nền tảng cốt lõi để truy xuất thông tin, thông qua thẻ CCCD và số định danh cá nhân. Do đó, khi công dân có các giao dịch chỉ cần có thẻ CCCD hoặc số định danh cá nhân để chứng minh nhân thân, không cần thiết xuất trình Sổ hộ khẩu.

– PV: Về vấn đề này, người dân có thắc mắc đó là trong trường hợp cơ quan nhà nước lấy lý do chưa kết nối và yêu cầu xuất trình hộ khẩu khi sổ đã bị thu hồi thì người dân phải làm như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Trần Quang Hiếu: Về cơ bản thông tin về cư trú, mối quan hệ của công dân với chủ hộ gia đình và các thành viên trong hộ gia đình cũng sẽ được cụ thể hóa bằng trường thông tin trong CSDLQG về dân cư. Đến thời điểm bỏ Sổ hộ khẩu giấy, khi thực hiện các thủ tục hành chính người dân chỉ cần xuất trình thẻ CCCD, cơ quan có thẩm quyền sẽ dễ dàng tra cứu được các thông tin cư trú, nhân thân. Trường hợp nếu cơ quan tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến cư trú chưa được kết nối chia sẽ, thông tin từ CSDLQG về dân cư thì lấy thẻ CCCD làm căn cứ, nếu không cơ quan đó phải có quy định khác để giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân. Nội dung tại Khoản 4, Điều 38, Luật cư trú năm 2020 quy định: các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật cư trú, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính. Do đó, người dân có thể yên tâm để thực hiện quyền công dân của mình.

– PV: Thưa đồng chí, liên quan đến vấn đề này, xin đồng chí cho biết về tính bảo mật của thông tin cá nhân trong hệ thống CSDLQG về dân cư?

Đại tá Trần Quang Hiếu: Theo quy định của Luật Căn cước công dân có quyền được đảm bảo bí mật cá nhân, gia đình và trách nhiệm của cơ quan quản lý phải đảm bảo an toàn, bí mật thông tin cá nhân trong CSDLQG về dân cư. Chính vì vậy, ngay từ khi triển khai, đầu tư xây dựng, Bộ Công an đã chỉ đạo thiết kế xây dựng hạ tầng, đường truyền riêng thông suốt từ Trung ương đến địa phương, có phương án để kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành liên quan. Hệ thống được trang bị bảo mật tiên tiến, nhiều lớp như: Chia vùng phần cứng và phần mềm chuyên dụng, bảo mật đường truyền, mã hóa dữ liệu thông tin kết hợp với quản lý người dùng. Vì vậy đảm bảo thông tin của công dân được an toàn, bảo mật tuyệt đối. Việc quản lý, sử dụng thông tin cá nhân của công dân được thực hiện theo đúng quy định về việc bảo vệ thông tin cá nhân của pháp luật. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chíp tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, đảm bảo an ninh an toàn thông tin, chíp gắn trên thẻ CCCD không có chức năng định vị, theo dõi công dân. Trường hợp cần sử dụng thông tin công dân đều phải được sự đồng ý của chủ thể thông tin trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu có người khai thác, lợi dụng thông tin cá nhân của công dân trong CSDLQG về dân cư không đúng quy định, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức hoặc quyền bảo mật thông tin cá nhân thì tùy vào mức độ vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

– PV: Vậy thưa đồng chí, việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với công dân và cơ quan công quyền được tối giản và tiết kiệm thời gian, chi phí như thế nào?

Đại tá Trần Quang Hiếu: Dự án Cơ sở dữ liệu CCCD và dự án CSDLQG về dân cư độc lập nhau về cơ sở pháp lý; đối tượng sử dụng, đối tượng phục vụ và mục tiêu dự án là khác nhau nhưng được lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo về việc xây dựng hệ thống CCCD thống nhất thành một hệ thống với hệ thống CSDLQG về dân cư. Hai Dự án sử dụng chung nhiều hạng mục đầu tư để nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí như: Dùng chung đường truyền, thiết bị tường lửa, định tuyến cấp Trung ương tại Hà Nội và trung tâm dự phòng tại Tp. Hồ Chí Minh; dùng chung máy trạm tại địa phương; đối với 16 địa phương đã triển khai cấp CCCD thì sử dụng hạ tầng, máy móc, thiết bị sẵn có… Khi hai Dự án đi vào hoạt động chính thức, ước tính sẽ giúp giảm chi phí về thời gian chuẩn bị đơn, tờ khai khoảng 369,8 tỷ đồng; không phải xuất trình đơn, tờ khai khoảng 4.248 tỷ/năm; các CSDL chuyên ngành không phải nhập dữ liệu công dân giảm khoảng 246 tỷ đồng. Tổng chi phí tiết kiệm được là 4.864 tỷ đồng. Trên đây là con số được tính toán sơ bộ, việc dự án CSDLQG về dân cư đi vào hoạt động còn giúp giảm rất nhiều về chi phí của các cơ quan nhà nước và của công dân không thể tính toán được về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất.

– PV : Xin cảm ơn đồng chí Phó giám đốc đã trả lời phỏng vấn.

Thực hiện : N.0