Hiệu quả từ các mô hình tái hòa nhập cộng đồng

532
Đánh giá bài viết

Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn xã hội trong việc hỗ trợ những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, thời gian qua, trên địa bàn huyện Minh Hóa nói chung, xã Trung Hóa nói riêng đã có nhiều mô hình, cách làm hay tạo môi trường lành mạnh, từng bước giúp người phạm tội sớm ổn định cuộc sống.

Cách đây gần 13 năm, kể từ ngày bước chân ra khỏi cánh cổng trại giam với tội danh vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, trở về quê hương anh Cao Văn Khuyến và anh Cao Văn Sáng đều ở thôn Tiền Phong 1 xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa không cảm thấy cô đơn, lạc lõng khi hàng ngày các anh đều nhận được sự cảm thông, sẻ chia, thương yêu rất lớn của bà con, lối xóm và người thân trong gia đình.

Quyết tâm làm lại cuộc đời ngay chính trên quê hương mình và được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, bạn bè, người thân, anh Cao Văn Khuyến đã mạnh dạn vay vốn mua sắm máy móc, mở cơ sở đúc gạch xây dựng để phát triển kinh tế gia đình. Bước đầu hoạt động có hiệu quả, cơ sở của anh được mọi người truyền miệng nên thu hút rất đông khách hàng đặt mua sản phẩm. Có được số vốn trong tay, anh Khuyến mạnh dạn mở thêm dịch vụ phục vụ đám cưới và cưa, xẻ gỗ tại nhà tạo công ăn việc làm cho con em trong xã.  

Còn với anh Cao Văn Sáng, những tháng ngày ở trại giam là thời gian để anh nghiệm về một cuộc sống đúng nghĩa với 2 từ đích thực. Ngày trở về với 02 bàn trắng, cơ hội làm lại cuộc đời với Cao Văn Sáng có phần vất vả. Thế nhưng gian khó chừng nào càng hun đúc niềm tin cháy bỏng trong anh. Với suy nghĩ phải làm ăn kinh tế ngay chính trên quê hương mình, ngoài công việc khai thác đá hộc, Cao Văn Sáng đã mạnh dạn vay vốn mua sắm thêm máy khoan đá hộc thủ công và máy xay đá một, hai phục vụ xây dựng các công trình. Trong nhiều năm qua, bản thân anh Cao Văn Khuyến và Cao Văn Sáng đã có nhiều đóng góp không nhỏ vào sự phát triển, đi lên của xã nhà.

 

Ngôi nhà vừa mới được xây dựng xong là thành quả thể hiện sự quyết tâm rất lớn của anh Cao Văn Khuyến.

 

Hiện trên địa bàn xã Trung Hóa có 14 trường hợp chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Nhằm chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ, tạo niềm tin và động lực, hướng thiện họ đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống, anh Cao Văn Khuyến và Cao Văn Sáng đã có sáng kiến, tham mưu, đề xuất Cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng mô hình “Thắp sáng niềm tin” và mô hình “Vững bước đi lên” bằng chính những công việc do mình sáng lập nên. Sau 03 năm đi vào hoạt động 2 mô hình này đã tạo công ăn việc làm cho gần 30 người, trong đó có 14 người chấp hành xong án phạt tù với mức lương từ 3 đến 6 triệu đồng một tháng. 

 

Người tái hòa nhập cộng đồng làm việc tại mô hình “Thắp sáng niềm tin” luôn thấy vui và ấm lòng khi có công việc và thu nhập ổn định.

 

Trao đổi với chúng tôi về mô hình “Thắp sáng niềm tin” và mô hình “Vững bước đi lên”, đồng chí Cao ĐứcToàn, Trưởng Công an xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa cho biết: Việc triển khai, xây dựng và đưa 02 mô hình đi vào hoạt động nhằm tăng cường công tác quản lý, giáo dục và hướng nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Quá trình hoạt động chúng tôi thường xuyên theo dõi, kiểm tra và đến nay không phát hiện trường hợp tái hòa nhập cộng đồng nào có biểu hiện tái phạm trở lại. Với những trường hợp phấn đấu, lao động tốt, có nhiều sáng kiến, đổi mới cách làm, chúng tôi kịp thời khen thưởng, động viên để họ yên tâm tư tưởng làm ăn. Qua đó thu hút những người chưa có việc làm ổn định sau khi chấp hành xong án phạt tù ở các xã khác trên địa bàn huyện đến làm việc, giúp họ vượt qua mặc cảm vươn lên trong cuộc sống.

 

Chủ mô hình “Vững bước đi lên” luôn tạo sự gần gũi, đoàn kết để người tái hòa nhập cộng đồng cảm thấy không bị lạc lõng.

 

Minh Hóa hiện có 104 người thuộc diện tái hòa nhập cộng đồng. Với những người đã từng lầm lỗi, từng vì phút giây bồng bột, thiếu kiểm soát rồi vi phạm pháp luật, hành trình trở về với họ chưa bao giờ thôi hết gian truân. Chặng đường đó có nước mắt, mồ hôi, tủi hờn và không ít lần, không ít người đã và đang muốn buông xuôi. Bởi thế, để mở lối về cho họ, ngoài nỗ lực của chính bản thân những người từng lầm lỗi thì sự động viên, hỗ trợ của các cấp, ban, ngành, đoàn thể có vai trò rất quan trọng.

Thực hiện Nghị định 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 của Chính phủ, quy định các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Công an huyện Minh Hóa đã chỉ đạo các Đội nghiệp vụ, Công an cơ sở chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các địa phương tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng nhằm từng bước nâng cao tỉ lệ người hết thời hạn chấp hành án phạt tù trở về địa phương ở huyện Minh Hóa có việc làm ổn định và làm giảm tỉ lệ tái phạm tội.

 

Mô hình hoạt động hiệu quả nhờ có nhiều sáng kiến mới.

 

Công tác giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc cần được nhân lên, lan tỏa trong cuộc sống, góp phần mở rộng đường về cho những người một thời lầm lỗi, hoàn lương trở thành người có ích cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

 

TH