Hướng dẫn của VKSNDTC về thực hiện Nghị quyết 41 và BLHS 2015

125
Đánh giá bài viết

Ngày 09/8/2017 Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) có Công văn 3010/ VKSTC-V14 hướng dẫn thực hiện một số nội dung trong Nghị quyết 41/2017/QH14 về thi hành Bộ luật hình sự (BLHS) 2015.

 

Ảnh minh họa.

 

Không đề nghị áp dụng hình phạt tử hình đối với một số tội phạm:

VKSNDTC yêu cầu VKSND và VKS quân sự các cấp lưu ý trong thực hiện quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 41 khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự:

  • Không đề nghị áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội khi phạm một số tội mà BLHS 2015 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14 đã bỏ hình phạt tử hình, bao gồm: Tội cướp tài sản (Điều 133), Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm (Điều 157), Tội tàng trữ trái phép, chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194), Tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231), Tội chống mệnh lệnh (Điều 316), Tội đầu hàng địch (Điều 322) của BLHS 1999.
  • Không đề nghị áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

Chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án:

  • Đối với những trường hợp đã tuyên hình phạt tử hình và bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thi hành án thì chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân cho người bị kết án.
  • Đối với những trường hợp đã tuyên hình phạt tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 40 BLHS 2015(Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô. Nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn) thì chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân cho người bị kết án.

Không xử lý hình sự đối với một số tội phạm:

Lưu ý các trường hợp không xử lý hình sự đối với người đã thực hiện hành vi mà BLHS 1999 quy định là tội phạm nhưng BLHS 2015 không quy định là tội phạm theo quy định tại các điểm d, đ, e khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 41.

  • Về hành vi theo BLHS 1999 là tội phạm nhưng do có sửa đổi, bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm nên hành vi đó không cấu thành tội phạm nữa theo quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 41;
  • Về trường hợp đã áp dụng quy định có lợi của BLHS 2015 theo Nghị quyết 144/2016/QH13 về lùi hiệu lực thi hành của BLHS 2015, BLTTHS 2015, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử là Luật số 12/2017/QH14 không quy định là tội phạm nữa theo quy định tại điểm đ Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 41.

Đình nã đối với một số trường hợp đang bị truy nã:

Đối với người được quy định tại điểm d, đ, e Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 41 mà đang bị truy nã thì:

  • VKS yêu cầu Cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can ra quyết định đình nã;
  • Trường hợp VKS ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can thì yêu cầu cơ quan đã ra quyết định truy nã ra quyết định đình nã;
  • Trường hợp trong giai đoạn xét xử thì VKS thông báo cho Tòa án yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định đình nã;
  • Trường hợp trong giai đoạn thi hành án thì VKS yêu cầu Giám thị trại giam, Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh ra quyết định đình nã.

Theo Thư ký Luật