Kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTW về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới” giai đoạn (2013-2018) trên địa bàn huyện Quảng Trạch

2560
Đánh giá bài viết

Huyện Quảng Trạch có 18 đơn vị hành chính cấp xã, toàn huyện có 33.624 hộ và 122.486 nhân khẩu. Thời gian qua, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và xây dựng các tổ chức quần chúng bảo vệ ANTT ở cơ sở gặp không ít khó khăn. Một số tình hình nổi lên trên địa bàn đáng chú ý là: Từ giữa năm 2016 đến nay, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện diễn biến khá phức tạp, các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng xấu trong tôn giáo, đối tượng chống đối chính trị thuộc “Hội anh em dân chủ” trên địa bàn tỉnh và vùng phụ cận không ngừng các hoạt động chống phá, kích động nhân dân tụ tập biểu tình, gây rối an ninh trật tự (ANTT); một số lĩnh vực về an ninh xã hội cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, nhất là tình hình an ninh nông thôn liên quan đến công tác kê khai, chi trả tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường Biển; tình hình khiếu kiện đất đai tại thôn Xuân Hải (Quảng Phú), tranh chấp địa giới hành chính giữa hai xã Quảng Hưng và Quảng Xuân vẫn chưa giải quyết triệt để, còn tiềm ẩn phức tạp. Tội phạm và vi phạm pháp luật; tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy, hoạt động khai thác đất, cát trái phép… có nhiều diễn biến phức tạp.

Trên cơ sở Chương trình phối hợp số 287/CTr-MTTQ-CAT ngày 28/02/2014 của Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên với Công an tỉnh về “Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ)”, Công an huyện Quảng Trạch (Cơ quan thường trực BCĐ 138 huyện) đã kịp thời phối hợp xây dựng Kế hoạch số 3255/KH-UBMTTQH-CAH, ngày 30/11/2014 với Ủy ban MTTQ huyện và các tổ chức thành viên. Đồng thời chỉ đạo của lực lượng Công an xã, MTTQVN xã và các tổ chức thành viên cùng cấp xây dựng Kế hoạch triển khai, thực hiện, kiện toàn thống nhất Ban chỉ đạo “Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ” và thành lập Tiểu Ban chỉ đạo “Thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ” từ cấp huyện đến cấp xã; xây dựng quy chế hoạt động phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức thành viên.

Lãnh đạo huyện Quảng Trạch tặng Giấy khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 09

Công an huyện và Mặt trận huyện đã phối hợp tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình”, “Tự diễn biến, tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch, các luận điệu tuyên truyền của các phần tử phản động, cơ hội chính trị, hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, củng cố thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, tuyến biển, vùng đồng bào theo đạo công giáo, các nhà trường, khu kinh tế Hòn La, các trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện. Vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, các hành vi vi phạm pháp luật. Duy trì xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến, có hiệu quả theo hướng xã hội hóa ngày càng cao; đẩy mạnh hoạt động tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về ANTT từ cơ sở. Động viên khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Hiện nay trên địa bàn toàn huyện 100% Ban công tác Mặt trận khu dân cư đều có tổ hòa giải hoạt động có hiệu quả trong công tác giữ gìn ANTT thôn xóm.

Gắn phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với các phong trào cách mạng khác của Đảng, Nhà nước và địa phương, như: Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”; “Xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về ANTT, không có tội phạm và tệ nạn xã hội”. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện phối hợp với Công an huyện và Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật huyện tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân tại các khu dân cư về phòng chống tội phạm, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại cơ sở, tuyên truyền phổ biến Luật giao thông, công tác phòng cháy đã góp phần nâng cao ý thức cho người dân trong chấp hành pháp luật tại địa bàn cơ sở.

Thường xuyên xây dựng lực lượng Công an nhân dân (CAND), Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn, biết phát huy tính sáng tạo, thể hiện là lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chính trị, pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ đối với lực lượng làm nòng cốt xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức thành viên tăng cường chỉ đạo xây dựng, củng cố các tổ chức đoàn thể ở địa bàn khu dân cư. Tổ chức phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn trọng điểm, tập trung củng cố các mô hình tự quản về ANTT và xây dựng mô hình Tổ “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ” tại các thôn xóm, khu dân cư. Tham mưu cho Huyện ủy ban hành văn bản chỉ đạo mở đợt tập trung phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn trọng điểm. Tham mưu, hướng dẫn và chỉ đạo 2 xã Quảng Đông và Quảng Xuân tổ chức Hội nghị mở đợt tập trung phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn trọng điểm của hai xã được chọn làm điểm. Ngoài ra, Ban chỉ đạo 138 huyện đã tham mưu cho lãnh đạo Huyện ủy- UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện cấp xã; phối hợp xây dựng, củng cố lực lượng nòng cốt ở cơ sở bằng việc thành lập các tổ “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ” cấp chòm, xóm, khu dân cư. Tích cực vận động hội viên, đoàn viên của mình tham gia vào “Tổ tự phòng, tự quản, tự bảo vệ” tại nơi cư trú. Hiện nay có 18/18 xã trên địa bàn đã có Quyết định thành lập được 234 tổ, với số lượng 3.331 thành viên tham gia.

Ban chỉ đạo 138 huyện đã làm tốt công tác tham mưu cho Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện có nhiều Chỉ thị, Công văn, Kế hoạch chỉ đạo UBND các xã, Thủ trưởng các Ban ngành liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới”; Chỉ thị số 04/CT-BCA-V28 ngày 21/4/2014 của Bộ Công an về “Tăng cường xây dựng, củng cố nền ANND, thế trận ANND đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”; Chỉ thị số 07/CT-BCA-V28 ngày 15/8/2014 Bộ Công an về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong cơ quan, doanh nghiệp nhà trường đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo ANTT trong tình hình mới”; các Thông tư, Kế hoạch, Nghị quyết liên tịch về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong thời kỳ mới”; phối hợp hoạt động giữa lực lượng Dân quân tự vệ với lực lượng Công an xã, phường, thị trấn trong công tác giữ gìn ANCT, TTATXH; về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không vi phạm pháp luật và TNXH”; phối hợp hành động phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên giai đoạn 2010-2015 và giai đoạn 2015-2020; phối hợp phát động toàn dân tham gia vận động, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đã được kết hợp với các cuộc vận động lớn của Đảng và Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương như: “Xóa đói giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”… với phong trào “Người công giáo đoàn kết bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình”, trọng tâm là vận động xây dựng các mô hình tự quản về ANTT “Tích cực phòng ngừa, đấu tranh tố giác tội phạm”, “Xây dựng thôn xóm bình yên, gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng giáo xứ, giáo họ bình yên, gia đình giáo dân gương mẫu”, “Liên gia tự quản”, “Dòng họ tự quản”, “Giáo xứ văn minh an ninh tiên tiến”, mô hình phụ nữ 4 không (không vi phạm pháp luật, không mắc tệ nạn xã hội, không đói nghèo, không sinh con thứ 3)…

Qua 5 năm thực hiện, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Công an tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện; sự phối hợp chặt chẽ giữa Công an huyện và UBMTTQVN huyện trong việc tham mưu tổ chức triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân đã có những chuyển biến quan trọng cả về nhận thức và hành động. Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đã lan tỏa sâu rộng và có những chuyển biến tích cực; tội phạm được kiềm chế, tình hình ANTT trên địa bàn được giữ vững ổn định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTW, ngày 01/8/2013 giữa Bộ Công an với Ban Thường trực Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trên địa bàn huyện vẫn còn một số mặt hạn chế đó là: Công tác phối hợp trong việc triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết có lúc thiếu kịp thời, công tác tổ chức kiểm tra, giám sát chưa được thường xuyên. Việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc của một số bộ phận ở cơ sở chưa cao. Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ có nơi phát triển chưa có chiều sâu, thiếu tính lan tỏa, bền vững trong cộng đồng. Vai trò lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp của các ban ngành còn nhiều hạn chế, nhận thức, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận nhân dân về âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch chưa cao; việc nêu gương các tập thể và cá nhân điển hình chưa được quan tâm đúng mức. Công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp đông đảo quần chúng thực sự chưa có hiệu quả; hoạt động của các tổ chức đoàn, hội ở thôn, xóm nhất là ở các địa bàn vùng giáo một số nơi còn yếu. Một số đơn vị, địa phương chưa nhận thức đúng về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng to lớn mang tính chiến lược của công tác củng cố xây dựng “phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ”, nên quá trình triển khai thực hiện chưa có biện pháp, hình thức cụ thể, kết quả đạt được chưa cao.

Những mặt tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do một số cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư đúng mức cho công tác củng cố xây dựng phong trào, xem đây như một công việc có tính phong trào thời điểm, chưa có kế hoạch, đề án mang tính lâu dài; công tác triển khai, tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, thường xuyên, sâu sát; vai trò, trách nhiệm tham mưu, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra chưa cao; một số bộ phận còn ngại làm công tác vận động tiếp xúc với quần chúng nhân dân; một số mô hình chưa sát với nhiệm vụ cụ thể ở cơ sở; thiếu tính lan tỏa, bền vững trong cộng đồng; công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình điển hình chưa được quan tâm đúng mức…

Qua 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp 09/CTr-BCA-MTTW, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, hai ngành Công an, Mặt trận phải thường xuyên, liên tục phối hợp phát động các đợt thi đua, kết hợp triển khai mạnh mẽ các đợt thi đua với việc thực hiện các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, đảm bảo ANTT. Cấp ủy các cấp phải gương mẫu, làm tốt công tác kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn thực hiện. Trong chỉ đạo luôn coi trọng nhân tố con người với phương châm lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, tiến hành đồng bộ các biện pháp giáo dục chính trị, tư tưởng với công tác xây dựng Đảng, đoàn thể quần chúng, tổ chức cán bộ, thanh tra, kiểm tra. Hàng tháng, quý và từng đợt thi đua, bên cạnh việc biểu dương khen thưởng, phải chủ động phát hiện điển hình tiên tiến để làm nòng cốt, từ đó xây dựng và tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình. Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền, biểu dương kịp thời.

Thứ hai, phải tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân tạo ra sức mạnh tổng hợp nhằm đẩy mạnh các phong trào thi đua.

Thứ ba, trong chỉ đạo, điều hành cần thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức và có các biện pháp cụ thể để tạo động lực thúc đẩy các phong trào. Chú trọng công tác tổ chức sơ kết, tổng kết; phát hiện, bồi dưỡng những điển hình tiên tiến. Phối hợp chặt chẽ và lồng ghép nội dung phong trào thi đua “Dân vận khéo” với các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động khác. Xã hội hóa phong trào thi đua “Dân vận khéo” để lôi cuốn nhiều người tham gia.

Thứ tư, phải thường xuyên phổ biến tuyên truyền giáo dục nhận thức sâu sắc và đầy đủ về vai trò, vị trí, tác dụng của công tác dân vận, xây dựng, bồi dưỡng, nhân điển hình tiên tiến. Đây vừa là công cụ, vừa là đòn bẩy và là nguồn động lực quan trọng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác. Có chế độ đãi ngộ thỏa đáng và thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới về tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh; các văn bản pháp luật hiện hành, các văn bản pháp luật mới được sửa đổi…cho lực lượng nòng cốt làm công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở địa bàn cơ sở như thôn, chòm, xóm, khu dân cư.

Trung tá, Ths Trương Việt Quảng     

Phó Trưởng Công an huyện Quảng Trạch