Kết quả, kinh nghiệm xây dựng phong trào “Tổ dân phố, thôn, xóm an toàn” của tỉnh Ninh Bình

2033
Đánh giá bài viết

Ninh Bình là tỉnh ở cực Nam đồng bằng Bắc Bộ,  là kinh đô của Việt Nam thế kỷ X, mảnh đất gắn với sự nghiệp của 6 vị Vua thuộc ba triều đại Đinh – Lê – Lý; diện tích tự nhiên là 1.390km2 với địa hình đa dạng, có đồng bằng ven biển, vùng núi và vùng cao; dân số gần 1 triệu người; có 08 đơn vị hành chính (02 thành phố, 06 huyện), 145 xã, phường, thị trấn và 1.684 tổ dân phố, thôn, xóm; có 3 danh hiệu UNESCO, 2 khu vực là di sản thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới, 79 di tích cấp quốc gia (trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt). Ninh Bình hiện là một trung tâm du lịch có tiềm năng phong phú và đa dạng, hàng năm đón khoảng gần 5 triệu du khách trong nước và quốc tế đến tham quan du lịch.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Bình đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng; góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình an ninh, trật tự ở cơ sở còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở một số nơi còn chưa coi trọng công tác phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nên phong trào ở một số đơn vị, địa phương phát triển chưa đồng đều, có nơi, có lúc còn mang tính hình thức, triển khai còn dàn trải, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các các phong trào.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Thông tri số 23-TT/TU về tăng cường lãnh đạo thực hiện phong trào Tổ dân phố, thôn, xóm an toàn; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND triển khai thực hiện phong trào “Tổ dân phố, thôn, xóm an toàn” trong toàn tỉnh. Đây là chủ trương lớn, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ cơ sở, nhất là đội ngũ bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, xóm và người có uy tín trong cộng đồng dân cư; từng bước xã hội hóa công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo hướng “tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải” từ cơ sở để đảm bảo an toàn địa bàn, bảo vệ an toàn về người, tài sản, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, đảm bảo an ninh, trật tự và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Nội dung xây dựng “Tổ dân phố, thôn, xóm an toàn”, bao gồm:

An toàn về người:

– Tuyên truyền, hướng dẫn mọi người rèn luyện, xây dựng ý thức chấp hành pháp luật; chấp hành nghiêm các nội quy, quy ước, hương ước của địa phương;

– Chủ động đề ra và thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tội phạm; tự bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của cá nhân, gia đình, người thân và cộng đồng;

– Tự giác, nhiệt tình tham gia công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở địa phương; giáo dục, quản lý, giúp đỡ người thân không để liên quan tới tội phạm và tai, tệ nạn xã hội; tham gia cảm hóa, giáo dục, quản lý người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư; tố giác tội phạm, vận động người phạm tội ra tự thú, tham gia hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân;

– Hưởng ứng và tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng ý thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải ở cơ sở.

An toàn về tài sản:

– Toàn dân tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật, cảnh giác, phòng ngừa và có biện pháp bảo vệ an toàn tài sản của cá nhân, gia đình, cơ quan, đơn vị và của Nhà nước;

– Các xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học thường xuyên rà soát những quy định về bảo vệ tài sản, phòng chống cháy nổ…; chủ động xây dựng mới hoặc bổ sung các quy định, quy trình để khắc phục sơ hở, thiếu sót trong quản lý tài sản, không để đối tượng xấu lợi dụng chiếm đoạt, hủy hoại, phá hoại và ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ tài sản;

– Từng cá nhân, gia đình tự kiểm tra, phát hiện những sơ hở của mình và kịp thời khắc phục để bảo vệ an toàn tài sản.

An toàn về địa bàn:

– Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa lực lượng Công an với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội trong công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;

– Vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, tự giác phòng ngừa, phản bác các luận điệu xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch, phòng, chống tội phạm và tai, tệ nạn xã hội; thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, chấp hành nghiêm các quy định về quản lý cư trú, giữ gìn trật tự an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ;

– Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án phát triển kinh tế, xã hội; giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện ngay từ cơ sở, nhất là vấn đề liên quan đến đất đai, không để xảy ra đình công, lãn công và khiếu kiện đông người phức tạp;

– Củng cố, bổ sung, xây dựng hoàn thiện hệ thống nội quy, quy ước an toàn về an ninh, trật tự; chủ động đề ra các biện pháp phòng ngừa tội phạm và tai, tệ nạn xã hội có hiệu quả.

Để đảm bảo triển khai thống nhất trong toàn tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc  tỉnh Ninh Bình đã ban hành hướng dẫn và tổ chức hội nghị quán triệt thông tri của tỉnh ủy, kế hoạch của ủy ban nhân dân tỉnh đến tất cả các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố và yêu cầu ban hành văn bản triển khai thực hiện trong ngành, địa phương mình; đồng thời chọn 3 huyện, 16 xã, phường, thị trấn và 300 tổ dân phố, thôn, xóm để chỉ đạo triển khai điểm rút kinh nghiệm.

Các huyện, thành phố căn cứ tình hình thực tế, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai đến cán bộ chủ chốt các ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn; chọn từ 1 đến 2 xã, phường, thị trấn chỉ đạo triển khai điểm, rút kinh nghiệm để triển khai ra diện rộng; phân công các thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách từng địa bàn xã, phường, thị trấn để đôn đốc, hướng dẫn thực hiện; đồng thời đưa nội dung thực hiện thông tri của tỉnh ủy vào chương trình giao ban định kỳ của thành ủy, huyện ủy để đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra các công tác cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong thời gian tiếp theo.

Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào ở các xã, phường, thị trấn, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xây dựng phong trào và phụ trách xã về an ninh trật tự đến dự các buổi sinh hoạt chi bộ tại các thôn, xóm, tổ dân phố để báo cáo tình hình an ninh, trật tự và lắng nghe, tiếp thu những ý kiến phản ảnh của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương; đồng thời tham mưu cho chính quyền cơ sở tổ chức cho các ban, ngành, đoàn thể, bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, xóm, các hộ gia đình, cơ sở tôn giáo, cơ sở kinh doanh có điều kiện ký cam kết thực hiện phong trào “Tổ dân phố, thôn, xóm an toàn”. Đến tháng 9/2015, 100% xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, thôn, xóm hoàn thành việc quán triệt, triển khai thực hiện phong trào.

Qua 01 năm triển khai thực hiện, phong trào “Tổ dân phố, thôn, xóm an toàn”, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể, bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, người có uy tín và các tầng lớp nhân dân đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nói chung, phong trào “Tổ dân phố, thôn, xóm an toàn” nói riêng đã được nâng lên rõ rệt; hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố và tăng cường. Phong trào đã và đang phát triển rộng khắp, có sức lan tỏa mạnh mẽ, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia và đi vào đời sống xã hội, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Qua sơ kết đánh giá, hội nghị rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nói chung, phong trào “Tổ dân phố, thôn, xóm an toàn” nói riêng phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy đảng; sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp chính quyền; sự phối hợp đồng bộ của các ban ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức và đơn vị thành viên trong Ban Chỉ đạo. Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an trong công tác tham mưu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện phong trào.

Thứ hai, coi trọng và phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác xây dựng phong trào; đồng thời rà soát, củng cố và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nhất là ở cấp cơ sở. Phong trào phải được xây dựng từ tổ dân phố, thôn, xóm làm nền tảng của sự phát triển vững chắc, toàn diện; cần chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, xóm và người uy tín trong các tôn giáo, dân tộc và dòng họ, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, từ đó huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia phong trào.

Thứ ba, coi trọng công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân thấy được mục đích ý nghĩa của phong trào là đảm bảo an toàn về người, an toàn về tài sản và an toàn về địa bàn trên cơ sở phát huy tính tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải; đồng thời giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở, qua đó tạo sự tin tưởng, lôi cuốn để mỗi người, mỗi thôn, xóm tổ dân phố tự giác tham gia phong trào. Thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm; tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả; đồng thời có chính sách động viện, khen thưởng kịp thời các tập thể, các nhân tiêu biểu trong thực hiện phong trào.

Thứ tư, phong trào phải được triển khai đồng bộ từ tỉnh tới cơ sở với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm, tình hình, tính chất của từng địa bàn, khu vực; gắn kết chặt chẽ với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội và các phong trào cách mạng khác của Đảng, Nhà nước và của địa phương.

Mô hình “Tổ dân phố, thôn, xóm an toàn” ở tình Ninh Bình là một mô hình sáng tạo, đúng với tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng trong Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”. Phong trào “Tổ dân phố, thôn, xóm an toàn” vừa là mô hình phong trào, vừa là phương pháp tổ chức phong trào; nội dung phong trào dễ nhớ, dễ hiểu, dễ vận dụng và đi vào cuộc sống, nên sẽ có sức sống mạnh liệt trong quần chúng. Đây là mô hình có hiệu quả thiết thực, vừa sức dân, hợp lòng dân, phát huy tính sáng tạo, tinh thần làm chủ của nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành tham gia giữ gìn an ninh trật tự, mô hình đã được Bộ Công an thông báo trên toàn quốc để các đơn vị, địa phương học tập, vận dụng.

PV28