Khuyến cáo PCCC đối với hộ gia đình, người dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

460
Đánh giá bài viết

Gần Tết Nguyên đán là thời điểm người dân tham gia vào các hoạt động tín ngưỡng, vui chơi, giải trí. Nếu sơ suất, có thể dẫn đến cháy, nổ do bất cẩn, lơ là, thiếu cảnh giác trong việc sử dụng điện, các thiết bị đun nấu và trong sử dụng ngọn lửa trần từ việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã…

Công an tỉnh Quảng Bình hướng dẫn cho người dân cách sử dụng bình chữa cháy.

Để tăng cường công tác phòng cháy và chữa cháy, hạn chế thấp nhất các sự cố cháy, nổ xảy ra, đề nghị các hộ gia đình, người dân cần thực hiện các biện pháp PCCC sau:
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân muốn sử dụng pháo hoa phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và chỉ được mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Tuyệt đối không được mua bán, sử dụng pháo “lậu”. Cần bảo quản pháo hoa ở vị trí an toàn, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, bao gói, che chắn, chống va đập và tàn lửa, tránh xa tầm tay của trẻ em. Sử dụng pháo hoa phải tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất, địa điểm đặt giàn pháo phải là nơi bằng phẳng, rộng, cách xa các vật liệu, hàng hoá dễ cháy, không gian trên cao phải bảo đảm thông thoáng, không có vật cản; đặc biệt không sử dụng pháo hoa gần các khu vực cấm như cơ sở sản xuất, bảo quản dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, nhà máy điện, trạm biến áp, kho vũ khí, vật liệu nổ…
2. Không buôn bán, tàng trữ trái phép chất dễ cháy, nổ. Sử dụng an toàn các chất dễ cháy trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt hàng ngày, hạn chế khối lượng chất dễ cháy như xăng dầu, gas trong nhà ở; sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi có nguồn lửa, nguồn nhiệt (tủ điện, ổ cắm điện) ít nhất 0,5m; không cản trở đường, lối thoát nạn.
3. Đối với hệ thống điện và thiết bị điện: – Lắp đặt thiết bị tự ngắt (aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh, từng thiết bị điện có công suất lớn; không câu mắc tùy tiện; không để hàng hóa, đồ dùng dễ cháy gần thiết bị tiêu thụ điện, bóng điện, ổ cắm, cầu dao.
– Lựa chọn thiết bị điện chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; thường xuyên, định kỳ kiểm tra bảo dưỡng, phát hiện, sửa chữa thay thế thiết bị điện và mạng điện bị hư hỏng hoặc không bảo đảm an toàn.
– Không sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn vào cùng một ổ cắm; không nên sạc điện thoại, xe máy điện, xe đạp điện qua đêm; trước khi hết giờ sản xuất, kinh doanh, làm việc, khi ra khỏi nhà hoặc khi đi ngủ phải kiểm tra việc sử dụng các nguồn lửa, nguồn nhiệt, tắt thiết bị điện khi không sử dụng.

Nhà dân tại xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa bị cháy do chập điện.

4. Khi đun nấu, sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy, phải có người trông coi; nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun xong phải tắt bếp và khóa van bình gas; Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật liệu không cháy, cách xa vật liệu dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến trên bàn thờ; khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.
5. Mỗi cơ sở, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh phải chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra (dự kiến lối thoát thứ 2, thứ 3 ngoài cửa chính) qua lô gia, ban công, cửa sổ, lối lên mái sang mái của nhà bên cạnh để thoát nạn trong trường hợp khẩn cấp. Không lắp đặt lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng; trường hợp đã lắp thì phải bố trí ô cửa chốt trong, chuẩn bị sẵn thang, thang dây, dây tự cứu để thoát nạn khi cháy xảy ra.
Cửa đi ra ngoài nhà tại tầng 1 nên sử dụng cửa có bản lề (cửa cánh), hạn chế lắp đặt cửa trượt, cửa cuốn; nên quy định rõ nơi để chìa khóa, đèn pin, dụng cụ phá dỡ thông thường (búa, rìu, xà beng…) trong nhà để kịp thời mở cửa khi xảy ra sự cố cháy, nổ. Trường hợp lắp đặt cửa cuốn thì cần có bộ lưu điện và bộ tời bằng tay để mở cửa khi mất điện hoặc động cơ bị hỏng.
6. Trang bị, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như: Nước, xô thùng múc nước, chăn chiên, bình chữa cháy xách tay, để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh.

Người dân cần cài đặt ứng dụng “Báo cháy 114”.

7. Người dân cần cài đặt ứng dụng “Báo cháy 114” trên điện thoại thông minh; trên ứng dụng “Báo cháy 114” đã hướng dẫn 22 kỹ năng phòng cháy, 08 kỹ năng chữa cháy, 21 kỹ năng thoát nạn. Đồng thời khi có sự cố cháy, nổ, tai nạn xảy ra người dân điện báo qua ứng dụng “Báo cháy 114” giúp cho lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ nhận biết được hình ảnh, đặc điểm, diễn biến, quy mô của đám cháy hoặc vụ việc sự cố tai nạn đang diễn ra, tránh được tình trạng báo cháy giả và điều động lực lượng, phương tiện đến hiện trường vụ cháy, vụ tai nạn một cách hiệu quả nhất.
8. Khi xảy ra cháy, nổ tại nơi làm việc hay nơi ở gia đình hãy thật bình tĩnh để xử lý tình huống, hô hoán báo động cho mọi người biết để di chuyển ra ngoài đám cháy. Nếu phải thoát qua khu vực có khói lửa, phải dùng mặt nạ phòng độc hoặc khăn, vải mềm thấm nước để che mũi, miệng, cơ thể; tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh kết hợp với việc ngắt nguồn điện khu vực cháy; gọi điện báo ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ qua ứng dụng “Báo cháy 114” hoặc số điện thoại 114 hoặc chính quyền, Công an xã, thị trấn nơi xảy ra cháy; sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ đã trang bị để chữa cháy, cứu người bị nạn, cứu tài sản theo tình huống đã dự kiến./.

Trung tá Nguyễn Khánh An – Phó Trưởng Công an huyện Quảng Ninh