Kiên quyết đấu tranh với nạn mua bán người

748
Đánh giá bài viết

Thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm về mua bán người năm 2022, Công an tỉnh Quảng Bình đã và đang có nhiều biện pháp, giải pháp nhằm tăng cường công tác đấu tranh, phòng, chống có hiệu quả với loại tội phạm này. Chúng tôi có cuộc phỏng vấn đồng chí Thượng tá Hoàng Đăng Khoa, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh về vấn đề này.

Thượng tá Hoàng Đăng Khoa, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Bình.

 PV: Thưa đồng chí Thượng tá Hoàng Đăng Khoa, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự đánh, đồng chí đánh giá như thế nào về tình trạng mua bán người xảy ra thời gian qua tại Việt Nam và trên địa bàn tỉnh ta?

Thượng tá Hoàng Đăng Khoa: Theo số liệu của cơ quan chức năng, tình hình tội phạm mua bán người tại Việt Nam trong 06 tháng đầu năm 2022, toàn quốc phát hiện và điều tra 33 vụ mua bán người với 75 đối tượng và 75 nạn nhân.

Trên địa bàn tỉnh ta, trong thời gian vừa qua từ năm 2016 đến nay chưa phát hiện tội phạm mua bán người. Tuy nhiên trong khoảng thời gian từ tháng tư đến tháng bảy vừa rồi, thông qua các trang mạng xã hội thì một số người dân Quảng Bình đã bị một số đối tượng lừa gạt để sang Campuchia, Trung Quốc “làm việc nhẹ lương cao” vô tình trở thành nạn nhân. Hoặc là những người đi xuất khẩu lao động tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Anh… sau khi hết thời hạn thì trốn ở lại nước ngoài trái phép và cũng trở thành nạn nhân của nạn mua bán người.

Thực tế khi người dân bị lừa gạt, dụ dỗ sang nước ngoài lao động hoặc cố tình trốn để ở lại lao động trái phép sẽ bị cưỡng bức làm nhiều công việc nặng nhọc, bị ngược đãi, đánh đập. Thông tin mới nhất, chúng tôi có được, gần đây có 11 trường hợp là người Quảng Bình đã sập bẫy “việc nhẹ lương cao”. Chúng tôi mới xác minh được một trường hợp còn lại thì chưa rõ ràng, vì vậy chúng tôi đã và đang đang báo cáo Cục Cảnh Sát Hình Sự để phối hợp giải cứu.

PV: Xin đồng chí hãy cho biết rõ hơn về phương thức, thủ đoạn phổ biến của loại tội phạm này?

Phương thức, thủ đoạn phổ biến của loại tội phạm này đó là các đối tượng đã lợi dụng các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, dùng các tài khoản giả để kết bạn làm quen, hẹn hò yêu đương, rồi rủ rên sang Campuchia, Trung Quốc làm việc nhẹ lương cao. Một số trường hợp nhẹ dạ cả tin cộng với cuộc sống khó khăn, thiếu thốn về tiền bạc nên đã nghe theo lời quảng cáo và dụ dỗ của các đối tượng. Tuy nhiên, sang bên đó thì không phải như vậy. Các nạn nhân bị cưỡng bức, ép buộc làm nhiều việc cực nhọc, thậm chí là dùng cho việc mua bán nội tạng người của các đối tượng. Các nạn nhân trốn không được, bị ép buộc điện về người thân ở quê để mang tiền sang chuột với số lượng tiền lớn.

PV: Công an tỉnh Quảng Bình đã có những giải pháp nào trong việc phòng ngừa đấu tranh đối với các loại tội phạm này?

Thượng tá Hoàng Đăng Khoa: Để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo Công an Tỉnh Quảng Bình có những biện pháp, giải pháp, tăng cường công tác tuyên truyền xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ để xác định rõ các đối tượng, băng ổ nhóm để có biện pháp đấu tranh hiệu quả. Các đơn vị nghiệp vụ đã và đang đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản theo lĩnh vực, chuyên đề về loại tội phạm này. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm từng bước nâng cao ý thức cho người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế còn khó khăn…

Đẩy mạnh quy chế phối hợp với lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh; Tăng cường công tác phối hợp với sở Lao động thương binh và Xã hội tỉnh, Sở y tế tỉnh và các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là các địa phương vùng biên giới trong phát hiện và đấu tranh với tội phạm mua bán người, xác định nạn nhân bị mua bán, những người rời khỏi địa phương đi nước ngoài lâu năm chưa trở về để có biện pháp giải cứu, giúp đỡ kịp thời…

PV- Hậu quả của loại tội phạm này để lại rất nặng nề, vậy xin đồng chí cho biết những lưu ý đối với người dân nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác trước loại tội phạm này

Thượng tá Hoàng Đăng Khoa: Hậu quả để lại của tội phạm mua bán người rất nặng nề, đặc biệt là về mặt tâm lý và sức khỏe. Những nạn nhân bị đưa vào các khu cưỡng bức lao động, các khu mại dâm thường xuyên bị đánh đập, bóc lột, bị đối xử tàn nhẫn, thậm chí bị đe dọa nếu bỏ trốn sẽ bị giết chết hoặc bị tra tấn. Những nạn nhân này khi trở về thường bị bất ổn về mặt tâm lý, rất tự ti với gia đình, xã hội và thường xuyên bị ám ảnh về quá khứ. Đồng thời họ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với cộng đồng vì tâm lý tự ti và sức khỏe bị giảm sút.

Vì vậy để không trở thành nạn nhân của tội phạm buôn bán người, cơ quan Công an lưu ý: Trước tiên, mỗi một người dân cần nói không với những hành vi vượt biên ở lại nước ngoài lao động bất hợp pháp vì như thế sẽ trở thành nạn nhân của mua bán người. Khi sử dụng mạng xã hội, chúng ta cần nâng cao tinh thần cảnh giác, nhất là với các đối tượng tiếp cận kết bạn rồi dụ dỗ ra nước ngoài “làm việc nhẹ lương cao”; cảnh giác với những “mối tình ảo” trên mạng xã hội, hứa hẹn tặng quà, đi du lịch các nước, nhất là các nước giáp biên giới…

Khi biết mình là nạn nhân của mua bán người trước tiên phải bình tĩnh, không hoảng loạn. Nếu đang ở khu vực cửa khẩu thì lập tức báo với cán bộ biên phòng, hải quan hoặc những người đang ở gần bạn nhất để được bảo vệ. Nếu bản thân người lao động đã bị đưa qua khu vực biên giới thì hãy cố gắng ghi nhớ các địa điểm mang tính biểu tượng như toà nhà, cột đồng hồ, tháp nước… Khi có điều kiện được tiếp xúc với người dân hãy ra các ám hiệu cầu cứu như viết giấy có dòng chữ HELP, SOS để nhận được sự giúp đỡ. Nếu có thể liên lạc được thì hãy liên lạc với người thân (thông qua mạng xã hội, facebook…) để họ có thể trình báo với Cơ quan chức năng. Nếu có cơ hội được đi ra ngoài thì cố gắng đến các trụ sở Cảnh sát, Đại sứ quán để được giúp đỡ…

Quang Văn – Ngọc Oanh – Thùy Trang