Kinh nghiệm tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp tham gia phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

478
Đánh giá bài viết

Quảng Bình là một tỉnh duyên hải thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam, với diện tích tự nhiên 8.000 km2, dân số gần 900.000 người. Quảng Binh giáp Hà Tĩnh về phía Bắc với dãy Hoành Sơn là ranh giới tự nhiên; giáp Quảng Trị về phía Nam; giáp Biển Đông về phía Đông; phía Tây là tỉnh Khăm Muộn và Tây Nam là tỉnh Savannakhet của nước bạn Lào. Quảng Bình có các tuyến giao thông huyết mạch quan trọng, như Quốc lộ 1Ađường Hồ Chí Minhđường sắt Bắc – Nam, cảng Hòn La, cảng Gianh và sân bay Đồng Hới. Dân cư phân bố không đều, 80,42% sống ở vùng nông thôn và 19,58% sống ở thành thị.

Trên địa bàn Quảng Bình có 01 trường đại học, 05 trường cao đẳng, trung cấp và dạy nghề với gần 10.000 học sinh, sinh viên (HSSV) theo học. Tuy nhiên cơ sở vật chất giáo dục còn khó khăn, nhất là khu ký túc xá không đáp ứng đủ cho HSSV, nhiều HSSV phải thuê trọ ở các khu dân cư khiến công tác quản lý cư trú gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, tình hình tội phạm về ma tuý, nhất là tội phạm mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn còn diễn biến phức tạp. Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính đến ngày 30/6/2016, toàn tỉnh có 2.348 người liên quan đến ma túy, 853 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý ở 8/8 huyện, thị xã, thành phố, với 128/159 xã, phường, thị trấn liên quan đến ma túy. Loại ma túy và hình thức sử dụng cũng có thay đổi phức tạp, trước đây đa số người nghiện sử dụng heroin thì nay xuất hiện loại ma túy dạng đá, cỏ mỹ. Về hình thức sử dụng ma túy chủ yếu là tiêm chích, thành phần người nghiện phần lớn là thanh niên nam giới không có việc làm ổn định, độ tuổi người nghiện tập trung chủ yếu từ 18-40 tuổi.

Một buổi tuyên truyền phòng, chống ma túy trong học sinh, sinh viên

Để phòng ngừa, ngăn chặn ma túy lây lan trong HSSV, những năm qua Công an tỉnh Quảng Bình đã phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và các đơn vị chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy trong HSSV; đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhằm thu hút đông đảo HSSV và nhân dân tích cực tham gia phòng, chống ma túy ngay từ cơ sở, góp phần xây dựng khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT”. Lực lượng Công an xã, phường tích cực phối hợp với ngành Giáo dục thực hiện tốt công tác đăng ký quản lý tạm trú, tạm vắng đối với HSSV nội trú, ngoại trú. Đặc biệt là các trường đã xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình HSSV “Nói không với ma túy”, “Tuổi trẻ học đường hãy tránh xa ma túy”… Các nhà trường đã thường xuyên chú trọng phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng tuyên truyền phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội trong trường học, củng cố và duy trì hoạt động của các tổ tự quản ANTT, đội thanh niên xung kích an ninh và câu lạc bộ pháp luật trẻ. Nhà trường luôn coi khu dân cư là đơn vị cơ sở trực tiếp quản lý, tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội, có hiệu quả nhất là đối với HSSV ngoại trú. Ban giám hiệu và tổ trưởng các tổ dân phố định kỳ tổ chức giao ban công tác quản lý HSSV tạm trú để nắm tình hình sinh hoạt, học tập qua đó nhắc nhở, uốn nắn kịp thời không để các em vi phạm pháp luật. Phòng Công tác sinh viên phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, tổ bảo vệ và Công an địa phương, chủ nhà trọ quản lý HSSV theo hướng lập sổ đăng ký có ảnh và địa chỉ nơi ở trọ cụ thể. Đối với những em ở nội trú, nhà trường chỉ đạo Ban quản lý ký túc xá nắm chắc tình hình ANTT và đảm bảo điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho các em. 

Ở các khu dân cư sử dụng hệ thống truyền thanh nội bộ, ở các nhà trường và thông qua các cuộc họp giao ban với lớp trưởng, giáo viên chủ nhiệm, giao ban lớp hàng tuần, tháng để tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, HSSV các văn bản về phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội. Coi trọng giáo dục cả về kiến thức chuyên môn lẫn đạo đức lối sống văn minh, lành mạnh cho HSSV. Chỉ đạo Chi đoàn và Hội Sinh viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy gắn với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, vệ sinh môi trường trên địa bàn đứng chân. Phối hợp với lực lượng Công an tổ chức “Hòm thư tố giác” để vận động HSSV tham gia tố giác tội phạm. Phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp và tinh thần xung kích của đoàn viên, giảng viên trẻ trong thực hiện tốt cuộc vận động “Đoàn kết xây dựng tốt đời sống văn hoá trong trường học”, qua đó để mỗi HSSV có trách nhiệm không làm điều xấu gây ảnh hưởng đến nhà trường và xã hội. Qua tuyên truyền nâng cao nhận thức, nhà trường đã tổ chức cho HSSV ký cam kết “Không sử dụng ma túy” nhằm góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội trong trường học.

Qua thực tiễn công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy trong trường học, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

1. Công tác tuyên truyền vận động HSSV tham gia phòng, chống ma túy phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy, sự điều hành của chính quyền, sự tham gia tích cực và trách nhiệm cao của các ban ngành, đoàn thể, nhà trường và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thì hoạt động mới hiệu quả và bền vững.

2. Trong tuyên truyền phải lồng ghép tuyên truyền về phòng, chống ma túy thông qua các mô hình hoạt động của quần chúng bảo vệ ANTT ở cơ sở, ban bảo vệ dân phố. Đây là những tổ chức hoạt động tự quản về ANTT có sự liên kết của các địa phương, đơn vị, gắn chặt với thực hiện các phong trào khác ở địa bàn nhằm đảm bảo quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường sự đoàn kết gắn bó giữa nhà trường và địa phương, nhằm giúp cho phong trào phát triển bền vững.

3. Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an, nhất là lực lượng Công an cơ sở xã, phường và tính tích cực, tự giác, ủng hộ mạnh mẽ của các cơ quan, ban ngành. Thường xuyên rà soát, bổ sung quy chế phối hợp, nội dung hoạt động giữa nhà trường với các cơ quan, ban ngành địa phương, lực lượng Công an phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, trường học. Làm tốt công tác nắm tình hình, thường xuyên trao đổi thông tin, định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra góp phần giữ vững ổn định ANTT trên địa bàn.

4. Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở địa phương, các tổ chức tự quản, trong đó có lực lượng Công an phường, xã, các ban bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường, tổ an ninh nhân dân, tổ hòa giải đảm bảo trong sạch vững mạnh, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn ma túy trong tình hình hiện nay.

5. Thường xuyên làm tốt công tác thi đua khen thưởng, chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình đã và đang phát huy hiệu quả. Biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống ma túy trong HSSV các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và xây dựng nhà trường, địa bàn trong sạch, không có tệ nạn ma túy.

Trung tá, TS Hoàng Giang Nam     

Phó Trưởng phòng Công tác Chính trị