Kinh nghiệm tuyên truyền vận động nhân dân phòng, chống ma túy trên địa bàn huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình

502
Đánh giá bài viết

Việc áp dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp công tác Công an trong những năm qua của lực lượng Công an nhân dân (CAND) đã chứng minh bằng kết quả là đảm bảo tốt ANTT của đất nước. Luật CAND (2014) là cơ sở pháp lý để lực lượng CAND bảo vệ ANQG và đảm bảo TTATXH, là hệ thống các biện pháp cơ bản có mối quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại lẫn nhau. Vì thế, trong các biện pháp nghiệp vụ về nhận thức, không coi biện pháp nào là quan trọng nhất; tuy nhiên trong các biện pháp đó thì biện pháp vận động quần chúng có vai trò, vị trí rất quan trọng, là biện pháp cơ bản, chiến lược, làm nền tảng cho việc thực hiện các biện pháp khác.

Biện pháp vận động quần chúng trong phòng, chống ma tuý là cách thức CAND sử dụng các lực lượng, phương tiện, phương pháp để tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, động viên thuyết phục, tổ chức quần chúng tham gia sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đẩy lùi tệ nạn, tội phạm về ma tuý và góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân ngày càng vững mạnh.

Thời gian qua, nhờ làm tốt biện pháp vận động quần chúng nhằm tập hợp, thu hút, hướng dẫn nâng cao năng lực hoạt động của quần chúng trong việc giải quyết những yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ ANTT, là điều kiện cơ bản để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trên lĩnh vực bảo vệ ANTT. Thông qua công tác vận động quần chúng góp phần tạo thế trận phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật, các tai, tệ nạn xã hội. Đồng thời là cơ sở để lực lượng CAND có điều kiện triển khai sâu rộng các mặt công tác nghiệp vụ và xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh. Thực tiễn đã chứng minh khi nào, ở đâu thực hiện tốt biện pháp vận động quần chúng thì ở đó ANTT được đảm bảo và ngược lại mọi biểu hiện quan liêu, xa rời công tác vận động quần chúng sẽ làm hạn chế đến kết quả công tác bảo vệ ANTT.

Trong những năm qua, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở trên địa bàn huyện Lệ Thuỷ diễn biến phức tạp; số vụ phạm tội ma túy có chiều hướng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn mới; số người nghiện và tái nghiện vẫn ở mức cao; công tác cai nghiện hiệu quả thấp… Thực trạng trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến ANTT cũng như sự ổn định và phát triển của kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Chính quyền địa phương và lực lượng CAND đã tập trung chỉ đạo, phối hợp các ngành, các cấp, các đoàn thể quần chúng và nhân dân tiến hành nhiều chủ trương, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả, qua đó đã kiềm chế sự gia tăng số vụ phạm tội, và tệ nạn ma túy. Một trong những nội dung quan trọng để giải quyết tình trạng tội phạm và tệ nạn về ma túy là tổ chức và phát huy hiệu quả công tác vận động quần chúng.

Đại diện chỉ huy Công an huyện Lệ Thủy thăm, động viên Nguyễn Văn Sỹ cai nghiện ma túy tại gia đình ở xã Hoa Thủy, Lệ Thủy

Qua thực tiễn có thể rút ra một số kinh nghiệm tuyên truyền vận động nhân dân trong phòng, chống ma túy trên địa bàn huyện Lệ Thuỷ như sau:

Một là, chú trọng công tác điều tra nghiên cứu nắm tình hình, xây dựng kế hoạch tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức vận động qun chúng tích cực tham gia phòng, chống ma túy.

Khi tiến hành một công việc cụ thể, muốn đạt kết quả đều phải điều tra nghiên cứu nắm tình hình. Để đáp ứng yêu cầu tổ chức vận động quần chúng ở từng lĩnh vực, ở từng địa bàn, trong từng thời điểm thì vấn đề cốt lõi là phải nắm vững tình hình có liên quan đến tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn. Trên cơ sở phân tích đánh giá nhận định tình hình ANTT để xây dựng kế hoạch và tham mưu cho cấp ủy Đảng, Chính quyền tổ chức vận động quần chúng nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị ở địa phương và của quần chúng nhân dân phối hợp, cộng tác, giúp đỡ Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy.

Hai là, sử dụng linh hoạt các hình thức, phương tiện tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần bảo vệ ANTT và xây dựng cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Nhân dân không phải là lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ bảo vệ ANTT, trực tiếp đấu tranh chống tội phạm về ma túy; họ không đủ kinh nghiệm chuyên môn để phát huy hết khả năng sức mạnh trong cuộc đấu tranh; chưa có điều kiện để nhận ra ngay phương thức, thủ đoạn của tội phạm; chưa hoàn toàn nhận thức đầy đủ được phòng, chống tội phạm nói chung; phòng, chống tội phạm về ma túy nói riêng, bảo vệ ANTT chính là bảo vệ chính mình, là trách nhiệm của toàn dân. Vì vậy, thông qua các hình thức tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn quần chúng nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các thể lệ, nội quy, quy tắc về phòng, chống tội phạm, bảo vệ ANTT; các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, tệ nạn ma túy; những sơ hở, thiếu sót trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm ma túy để quần chúng chủ động áp dụng biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả.

Để thực hiện nội dung trên, các tổ chức Đảng, chính quyền, các cơ quan, xí nghiệp, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức xã hội triển khai sinh hoạt với nhiều hình thức vừa tập trung rộng rãi, vừa cá biệt; kết hợp nhiều phương tiện tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân, đồng thời triệt để khai thác sử dụng những người có uy tín, có khả năng, điều kiện thuyết phục tham gia vận động quần chúng.

Ba là, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, các ngành, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội để tổ chức vận động quần chúng tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy.

Để huy động sức mạnh của toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm về ma túy, quá trình tổ chức vận động quần chúng của lực lượng Công an phải phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, các ngành, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội đóng trên địa bàn để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn quần chúng nắm vững yêu cầu nhiệm vụ công tác phòng, chống tội phạm ma túy; nghĩa vụ và quyền lợi của công dân trong việc tham gia phòng, chống tội phạm ma túy; trong phối hợp chỉ đạo hướng dẫn thực hiện các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Quá trình tổ chức vận động quần chúng phải đi từ yêu cầu cụ thể, đơn giản đến phức tạp gắn lợi ích chung với lợi ích riêng, giữa lợi ích tập thể với lợi ích xã hội; gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT với tiêu chuẩn văn hóa của từng gia đình, từng khu phố, từng đơn vị, cơ quan; trong đó chú trọng nội dung cụ thể về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy.

Bốn là, xây dựng lực lượng nòng cốt làm hạt nhân để tổ chức vận động quần chúng tham gia phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn về ma túy.
Lực lượng quần chúng nòng cốt vừa là hạt nhân phong trào, vừa là cầu nối giữa lực lượng Công an với nhân dân, là người đi đầu, trực tiếp tổ chức hướng dẫn nhân dân thực hiện các quy định về ANTT. Do vậy, việc lựa chọn, tổ chức xây dựng, bồi dưỡng hướng dẫn lực lượng này hoạt động có hiệu quả là một nội dung quan trọng không thể thiếu của biện pháp vận động quần chúng.

Năm là, xây dựng điển hình và nhân điển hình tiên tiến làm động lực để tổ chức vận động quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy.
Đây là hoạt động thể hiện tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong vận dụng linh hoạt các hình thức để tổ chức vận động quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm, bảo vệ ANTT. Thực tế đã kiểm nghiệm và chứng minh thông qua các hình thức tổ chức vận động quần chúng để đúc rút kinh nghiệm, lấy thực tiễn phong phú, đa dạng, sáng tạo của quần chúng để bồi dưỡng làm gương giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm trở lại đối với quần chúng. Những mô hình đã và đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn Lệ Thủy, như mô hình “Năm giúp một” ở thị trấn Nông trường Lệ Ninh, thị trấn Kiến Giang, “Cùng lắng nghe và chia sẽ” ở Hoa Thuỷ…Vì vậy, xây dựng được điển hình tiên tiến thì mới thúc đẩy phong trào bảo vệ ANTT; phòng, chống tội phạm về ma túy phát triển có chiều sâu và bề rộng.

Sáu là, tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm về ma túy.
Tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm là một nội dung cần thiết nhằm đánh giá đúng thực trạng các cách thức đã tiến hành, làm rõ những nội dung đã đạt được, những tồn tại khiếm khuyết, những vướng mắc và nguyên nhân trong quá trình tiến hành vận động quần chúng. Qua tổng kết còn phát hiện những sáng kiến, những điểm sáng, những điển hình để biểu dương, khen thưởng và nhân rộng. Trên cơ sở đó, loại bỏ những nội dung không phù hợp, điều chỉnh những cách thức sử dụng, nhân rộng điển hình nhằm đổi mới, từng bước nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp vận động quần chúng trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy. Việc tổng kết, rút kinh nghiệm có thể tiến hành theo chuyên đề hoặc theo địa bàn, cơ quan trong từng thời gian nhất định và phải được tiến hành theo mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đã đề ra.

Đây là nội dung quan trọng trong đường lối quần chúng của Đảng về đấu tranh bảo vệ ANQG và đảm bảo TTATXH, thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò quần chúng trong đấu tranh cách mạng. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quán triệt những tư tưởng, nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn xã hội nước ta và khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Vì vậy, thời kỳ cách mạng nào, công tác vận động và tổ chức quần chúng làm cách mạng đều có ý nghĩa chiến lược”, “Khi nhân dân giúp đỡ Công an nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ Công an ít thì thành công ít, giúp đỡ Công an hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.

Đại úy, Ths Võ Doãn Linh

Công an huyện Lệ Thủy