Kỳ 2: Xây dựng bản chất Công an nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh

4447
Đánh giá bài viết

 

 

“Công an của ta là Công an nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, dựa vào nhân dân mà làm việc”- Đó chính là luận điểm độc đáo về bản chất Công an nhân dân Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra. Trong các giai đoạn cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Bác Hồ kính yêu, được nhân dân đùm bọc, giúp đỡ, lực lượng Công an nhân dân ngày càng trưởng thành về mọi mặt, vượt qua mọi khó khăn, thử thách; dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

 

Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã vận dụng và phát triển quan điểm, tư tưởng của Mác- Ăng-ghen, Lê-nin vào đặc điểm, hoàn cảnh của nước ta và xây dựng Công an nhân dân Việt Nam một cách tài tình, sáng tạo. Bác Hồ khẳng định: “Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp và của dân tộc, cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền”.

Chân lý đó đã được chứng minh trong lịch sử cách mạng nước ta. Lực lượng tiền thân của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là các đội tự vệ, đầu tiên là các Đội tự vệ Đỏ ra đời từ trong bão táp cách mạng của nhân dân ta mà đỉnh cao là Xô- viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) do Đảng ta lãnh đạo. Đó là công cụ bạo lực đầu tiên của Đảng, của nhân dân làm nhiệm vụ bảo vệ cách mạng, chống địch khủng bố, chống bọn mật thám và phản động, giữ gìn an ninh, trật tự ở những nơi có chính quyền cách mạng.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh người anh hùng dân tộc, nhà tư tưởng lớn, nhà văn hóa lớn của mọi thời đại.

 

Đến thời kỳ cao trào cứu nước và Cách mạng tháng Tám (1939-1945), nhất là khi chiến khu Cao- Bắc- Lạng hình thành, các tổ chức Đội Bảo an, Đội Danh dự trừ gian, Đội danh dự Việt Minh…ra đời và phát triển nhanh chóng có nhiệm vụ trừng trị những tên phản động, mật thám tay sai Pháp, Nhật bảo vệ quần chúng, bảo vệ cơ sở cách mạng. Khắp các địa phương quần chúng và các tổ chức vũ trang bảo vệ đã trừ diệt được nhiều tên Việt gian, phản động, mật thám, ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân.

Việc xây dựng các đội tự vệ từ Đội Tự vệ Đỏ ban đầu đến các đội tự vệ danh dự trừ gian sau này, có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác bảo vệ Đảng trong thời kỳ hoạt động bí mật, đó là những tổ chức tiền thân của lực lượng vũ trang nhân dân. Từ phong trào cách mạng của quần chúng, được Đảng, Bác Hồ tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, trong những ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, các lực lượng tiền thân đó đã cùng với nhân dân vùng lên đập tan các cơ quan đàn áp của chế độ cũ, giành chính quyền về tay nhân dân, thiết lập trật tự mới của cách mạng. Ngày 19-8-1945, Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng được thành lập, cũng là ngày Công an nhân dân Việt Nam ra đời.

Từ đó cho phép chúng ta rút ra kết luận: Sự ra đời của Công an nhân dân Việt Nam ngay từ những ngày đầu cách mạng thành công là kết quả phát triển mang tính lôgic lịch sử của quá trình nhận thức và vận dụng chủ nghĩa Mác- Lênin vào điều kiện lịch sử nước ta của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Nhưng cũng từ  đây, trên toàn bộ đất nước đã xuất hiện một tình hình diễn biến trong thời gian dài mà sau này Đảng ta đã tổng kết thành một đặc điểm rất đặc thù trên lĩnh vực đảm bảo an ninh quốc gia, nói rộng hơn trong nhiệm vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc: “Một đặc điểm của cách mạng là phải đương đầu với những kẻ thù lớn mạnh và phải đối phó với nhiều kẻ thù trong cùng một lúc”. Trước tình hình đó, cùng với việc thành lập quân đội nhân dân, sau khi giành được chính quyền phải thành lập ngay Công an nhân dân, bởi vì đó là hai công cụ bạo lực trọng yếu của Nhà nước vô sản để chống thù trong, giặc ngoài.

 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và huấn thị cho cán bộ Công an nhân dân vũ trang bảo vệ Thủ đô (14-2-1961).

 

 

Nhưng vấn đề đặt ra là ở Việt Nam, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ thật cực kỳ hiểm nghèo, bị bao vây tứ phía, kẻ thù xâm lược đã vào ngay trong nước đang lợi dụng danh nghĩa quân đội đồng minh vào tước vũ khí quân đội phát xít Nhật, ra sức cấu kết với bọn phản động các loại để thực hiện âm mưu phá hoại, lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ hòng thôn tính nước ta lần nữa. Trong tình hình đó, làm thế nào để xây dựng được Công an nhân dân và thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống phản cách mạng để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân một cách có hiệu quả nhất? Bác Hồ và Đảng ta giải quyết vấn đề này một cách cực kỳ sáng tạo. Để thực hiện sách lược chung của cách mạng lúc bấy giờ, đối với bộ máy công an về mặt hình thức, chúng ta phải để một vài nhân sỹ, trí thức “trung lập”, thậm chí có cảm tình với Đảng phái đối lập vào cơ quan lãnh đạo Công an ở bên trên nhưng về nội dung, về bên trong, về bản chất, vẫn giữ cho Công an là công cụ của Đảng, của giai cấp, của nhân dân. Đảng đã cử những đồng chí đảng viên lâu năm, những thanh niên công nhân, nông dân, trí thức yêu nước đã hoạt động trong thời kỳ bí mật sang công an nắm giữ những bộ phận trọng yếu, chủ chốt, cơ mật, còn đại bộ phận cán bộ và chiến sỹ là xuất thân từ nhân dân lao động: công nhân, nông dân, dân nghèo thành thị yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì cách mạng. Bên cạnh bộ máy công an của Nhà nước vẫn còn tồn tại Ban trinh sát của Đảng từ Trung ương đến địa phương và ngay lúc bấy giờ, cuộc đấu tranh chống phản cách mạng đã quán triệt tư tưởng của Bác: sự nghiệp đấu tranh chống phản cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Nhiều vụ âm mưu phản cách mạng bị khám phá, nhiều tổ chức phản cách mạng đã bị loại trừ, chủ yếu là nhờ công sức của nhân dân.

 

“Làm công tác chính quyền, ở công an hay ở quân đội, đều là làm đầy tớ cho nhân dân cả, vì chính quyền dân chủ có nghĩa là chính quyền do người dân làm chủ”.

 

Tư tưởng của Bác Hồ về xây dựng Công an nhân dân thật phong phú, toàn diện, sâu sắc và triệt để lạ thường. Tư tưởng đó thể hiện tập trung trong một luận đề nổi bật nhất được Người phát biểu ngay từ những năm đầu sau khi giành được chính quyền, khẳng định rõ ràng, dứt khoát bản chất của Công an nhân dân, đó là luận đề: “Công an của ta là Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ, dựa vào dân mà làm việc”. Để làm rõ bản chất đó, Người đã phân biệt công an ta với công an đế quốc: “Công an nhân dân hoàn toàn khác Công an đế quốc, Công an đế quốc là nanh vuốt của đế quốc, là bọn đầu trâu mặt ngựa, Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân”. Và sau đó, Người xác định tiếp: “Làm công tác chính quyền, ở công an hay ở quân đội, đều là làm đầy tớ cho nhân dân cả, vì chính quyền dân chủ có nghĩa là chính quyền do người dân làm chủ”. Đây là hệ quả tất yếu của luận đề nổi tiếng của Người, đã nêu ra ngay từ năm 1945, khi chính quyền cách mạng mới thành lập: “Các cơ quan của Chính phủ, từ toàn quốc cho đến các làng đều là đầy tớ của nhân dân” luận đề này của Bác Hồ đã tạo cho nhận thức chúng ta một bước nhảy vọt về chất, là một cuộc cách mạng thật sự trong nhận thức của chúng ta vào thời điểm đó, tức là lúc ta vừa mới giành được chính quyền. Trước đó, trong xã hội Việt Nam chưa hề có một hình mẫu nào về tổ chức bộ máy công an một nước dân chủ nhân dân và con người Công an nhân dân mới, mà chỉ có bộ máy cảnh sát, mật thám của thực dân, phong kiến. Hoàn cảnh đó cũng giải thích vì sao trong một số cán bộ, chiến sỹ công an ta lúc đó còn có những hành động đối với nhân dân theo kiểu công an đế quốc, hoặc ít ra cũng còn nhận thức: làm công an là đứng trên quần chúng, ban ơn cho quần chúng . Ngày nay, chúng ta càng thấm thía quan điểm “nhân dân làm chủ”, “Công an là đầy tớ của nhân dân” thật cực kỳ sâu sắc, được đưa ra ngay từ buổi bình minh của nền dân chủ cộng hòa.

Chính vì vậy, trong 73 năm chiến đấu của Công an nhân dân đã xuất hiện hàng nghìn tấm gương sáng về tinh thần phục vụ nhân dân, hy sinh tính mạng để bảo vệ nhân dân. Song bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những hiện tượng cửa quyền, hách dịch, xâm phạm lợi ích của nhân dân, tuy chỉ là số ít, nhưng thật hết sức nghiêm trọng. Do đó, để xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, chúng ta phải luôn ghi nhớ những lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò và sức mạnh to lớn của nhân dân bởi chính quần chúng nhân dân là nhân tố quyết định thắng lợi cuộc đấu tranh bảo vệ ANTT. Để hiểu thêm về Luận đề này, mời quý độc giả đón đọc kỳ 3: Quan điểm nhân dân trong tư tưởng Công an nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

BBT