Ký ức Tháng 4

122
Đánh giá bài viết

 

 

43 năm trôi qua kể từ ngày chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, ký ức về những ngày tháng hào hùng của cả dân tộc trong Đại thắng mùa xuân 1975 vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí của mỗi người dân Quảng Bình nói chung, CBCS Công an Quảng Bình nói riêng. Những ngày tháng 4 về gợi lên biết bao cảm xúc. Đó là cảm xúc của tinh thần, trí tuệ , sức mạnh 30/4 bất diệt, là ý chí quật cường, sức mạnh của nghệ thuật, của cách đánh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

 

Chiến thắng 30/4/1975 là thành quả vĩ đại của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc. Quân và dân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân loại vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ; cổ vũ động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.

Vào cuối năm 1974 – đầu năm 1975, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở Miền Nam có sự thay đổi có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Bộ Chính trị nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh cần tranh thủ thời cơ đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh. Sau chiến thắng của quân ta ở chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế- Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã nhận định: “Thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng Miền Nam” và đã đưa ra quyết định: “Phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng Miền Nam trước mùa mưa”, đồng thời chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định được Bộ Chính trị quyết định mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Trước khi tấn công giải phóng Sài Gòn, quân ta đã tiến công Xuân Lộc và Phan Rang, đây là những căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch để bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông.

 

Người dân Sài Gòn đổ ra đường đón quân giải phóng (Ảnh tư liệu)

 

Vào lúc 17 giờ ngày 26/4/1975, quân ta đã nổ súng mở đầu chiến dịch, năm cánh quân của ta đã vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ Nội các của Sài Gòn, Dương Văn Minh vừa lên chức tổng thống ngày 28/4 đã phải tuyên bố đầu hàng quân ta không điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

 

 

Các tầng lớp nhân dân tại Sài Gòn tham dự mít tinh mừng chiến thắng lịch sử 30/4. (Ảnh tư liệu)

Góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hưởng ứng phong trào “Tất cả vì tiền tuyến lớn”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, hơn 11.000 cán bộ Công an đã tình nguyện vào miền Nam chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân giao phó. Các cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam lúc đó đã góp phần vào xây dựng lực lượng chính trị, phát động quần chúng nổi dậy; bảo vệ căn cứ cách mạng; bóc gỡ mạng lưới tình báo, gián điệp của địch; bảo vệ căn cứ cách mạng; phục vụ hiệu quả các chiến dịch quân sự; làm thất bại kế hoạch dồn dân lập ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng. Riêng Công an Quảng Bình đã tuyển chọn cán bộ chiến sỹ lên đường làm nhiệm vụ ở các tỉnh phía Nam phục vụ kịp thời công tác an ninh trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và ổn định tình hình sau giải phóng. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ được đặt ra trong Nghị quyết hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 29 và phương hướng, nhiệm vụ công tác an ninh năm 1975 của Công an tỉnh.

Ngày 31/3/1975, Công an tỉnh Quảng Bình chi viện cho an ninh vũ trang miền Nam 218 đồng chí.  Ngày 4/4/1975, chi viện cho B19  94 đồng chí trong đó có 13 sỹ quan, 81 hạ sỹ quan, chiến sỹ. Ngày 5/5/1975, chi viện cho B2 và B22 157 đồng chí. Ngày 3/6/1975, chi viện cho E600 63 đồng chí phục vụ bảo vệ cơ quan đầu não cho ta. Ngày 13/10/1975, chi viện cho An ninh khu V và Quảng Ngãi 2 đài 15W và 2 báo vụ.  Đã có biết bao cán bộ Công an chi viện hy sinh, bị địch bắt, bị thương tật, bị nhiễm chất độc da cam trong suốt những năm tháng chiến đấu anh dũng, kiên cường, sáng tạo. Những chiến công của các CBCS Công an nói chung, Công an Quảng Bình nói riêng đã góp phần vào chiến thắng 30/4/1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Với niềm tự hào Chiến thắng 30/4, mỗi CBCS Công an Quảng Bình có thêm bản lĩnh, niềm tin để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch; có đối sách phù hợp để giải quyết tốt các vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan trực tiếp đến tình hình ANQG và TTATXH, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Để làm được điều đó, lực lượng Công an Quảng Bình quyết tâm học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Quyết tâm “Xây dựng Người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng lực lượng Công an Quảng Bình theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động bám sát, nắm chắc tình hình, dự báo đúng các tình huống phức tạp có thể xảy ra, kịp thời phát hiện những âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch để tham mưu cho Đảng, Chính quyền địa phương có phương án, biện pháp đấu tranh, ngăn chặn phù hợp, hiệu quả. Kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo Công an các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn. 

Trong công cuộc đổi mới của quê hương đất nước, mỗi con dân Quảng Bình, CBCS Công an tỉnh mãi tự hào và biết ơn sự hy sinh to lớn của các anh hùng, các thế hệ cha ông đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Chúng ta càng tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào tinh thần quật cường bất khuất và trí thông minh, sáng tạo của dân tộc ta, của lực lượng vũ trang toàn quốc. CBCS Công an Quảng Bình, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay khắc sâu truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước, kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của các bậc cha anh, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; khắc phục khó khăn, đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, đảm bảo ANCT, giữ gìn TTATXH, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế giàu mạnh trên mảnh đất quê hương Quảng Bình “hai giỏi”.

 

Ngọc Oanh