Lãnh tụ Fidel Castro – Người bạn lớn của nhân dân Việt Nam

27845
Đánh giá bài viết

Phi-đen Ca-xtơ-rô (Fidel Castro) là nhà lãnh tụ cách mạng lỗi lạc, một biểu tượng cho tinh thần kiên cường đấu tranh giành độc lập dân tộc. Trong suốt những năm tháng hoạt động chính trị, lãnh đạo phong trào cách mạng Cuba, Fidel Castro luôn giành cho đất nước và con người Việt Nam nhiều tình cảm ấm áp, nồng hậu. Ông từng 3 lần tới thăm Việt Nam vào các năm 1973, 1995 và 2003.  Đặc biệt chuyến thăm đầu tiên và duy nhất đến tỉnh Quảng Bình và vùng giải phóng miền Nam Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Trị ngay thời điểm chiến tranh còn khốc liệt của Fidel là một minh chứng sinh động, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng về tình hữu nghị, đoàn kết, gắn bó, thủy chung son sắt giữa 2 dân tộc Việt Nam – Cu Ba. Nhân kỷ niệm 45 năm lãnh tụ Cu Ba Phi-đen Ca-xtơ-rô (Fidel Castro) đến thăm Quảng Bình và vùng giải phóng miền Nam Việt Nam (tháng 9/1973 – 9/2018), Ban Biên tập Trang thông tin điện tử tổng hợp Công an Quảng Bình xin giới thiệu bài viết: Lãnh tụ Fidel Castro – Người bạn lớn của nhân dân Việt Nam.

 

Nói về tình hữu nghị Việt Nam – Cuba, Bác Hồ đã ví hai nước như “hai anh em sinh đôi”. Có gì đẹp hơn, thân thiết và gắn bó hơn hình ảnh mà Bác nhắc tới mỗi khi nói chuyện với các bạn Cuba: “Việt Nam và Cuba cách xa nhau nửa vòng trái đất, vì vậy khi Cuba ngủ thì Việt Nam thức canh giấc ngủ cho Cuba và ngược lại khi Việt Nam ngủ thì Cuba thức canh giấc ngủ cho Việt Nam”.

 

 

Con người huyền thoại

Trên thế giới, ít người đạt được niềm vinh quang ghi tên mình vào huyền thoại ngay khi đang sống. Fidel Castro là một trong số đó. Ông thuộc lớp các nhà cách mạng kiệt xuất của thế giới thứ ba từng cống hiến đời mình cho lý tưởng tự do và giải phóng dân tộc như Hồ Chí Minh, Nelson Mandela, Che Guevara… Fidel đã trở thành một người anh hùng, một nguồn cổ vũ tinh thần của những dân tộc nghèo đói và bị áp bức trên thế giới.

Dưới sự lãnh đạo của vị “Tổng tư lệnh kính yêu” Fidel Castro, nhân dân Cuba đã vượt qua bức tường phong toả hơn 40 năm của Mỹ, đập tan thế “thuyền đơn giữa đại dương tư bản chủ nghĩa,” lập nên những kỳ tích làm kinh ngạc cả thế giới.

Fidel Castro sinh ngày 13/8/1926, trong một gia đình giàu có tại thị trấn nhỏ Biran, nhưng chàng thanh niên này lại quyết định đi theo con đường vô sản để tìm lại công bằng cho nhân dân lao động.

Tên tuổi của Fidel Castro gắn liền với vận mệnh quốc gia và cuộc sống của toàn thể nhân dân Cuba kể từ khi ông khởi binh tấn công pháo đài Moncada ngày 26/7/1953 chống lại chính quyền quân sự do Batista đứng đầu.

Tuy sau trận đánh này, Fidel và nhiều nghĩa quân bị chính quyền độc tài Batista bắt giữ, đưa ra xét xử, nhưng Fidel đã tự bào chữa cho mình một cách hùng hồn bằng bài biện hộ làm chấn động chính quyền phản động mang tên: “Lịch sử sẽ phán quyết tôi vô tội.”

Trận tiến công trại lính Moncada tuy thất bại nhưng là cuộc đấu tranh vũ trang đầu tiên của cách mạng Cuba và làm Fidel nhận thức một chân lý đúng đắn sau này được chứng minh là: “Kẻ thù sợ nhất nhân dân khi họ cầm vũ khí đấu tranh; đấu tranh vũ trang phải đi đầu.” Có thể nói, trận tiến công trại lính Moncada chính là hạt giống cách mạng Cuba do chính tay Fidel ươm trồng.

Ngày 1/1/1959, tên độc tài Batista cuối cùng đã phải tháo chạy ra nước ngoài, quân khởi nghĩa do Fidel lãnh đạo tiến vào thủ đô, chính quyền lâm thời được thành lập. Sự kiện này đã mở ra một kỉ nguyên mới cho nhân dân Cuba, kỉ nguyên làm chủ vận mệnh của chính mình.

Ngay sau cách mạng Cuba thành công, các thế lực thù địch đã tiến hành nhiều âm mưu, thủ đoạn hòng bóp chết cuộc cách mạng non trẻ. Nhưng không hề nao núng, Fidel đã tích cực triển khai những hoạt động ngoại giao cấp cao, trở thành một trong những nguyên thủ quốc gia được chú ý nhất trên vũ đài chính trị quốc tế nhằm tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Cuba và phản đối chính sách cấm vận của Mỹ.

Kết quả là, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba do Chủ tịch Fidel Castro đứng đầu, hơn 50 năm qua, đất nước Cuba đã có những thay đổi sâu sắc chưa từng có trong lịch sử. Hiện nay, Cuba có hệ thống y tế đứng hàng đầu thế giới. Tỷ lệ người dân Cuba biết đọc, biết viết đạt tới 98%. 100% trẻ em được đến trường và giáo dục hoàn toàn miễn phí.

Sau thành công của Đại hội Đảng cộng sản Cuba lần thứ VI (năm 2011), với hơn 300 cải cách được đưa ra, đất nước Cuba đang có những biến chuyển đáng kể. Năm 2013, tỷ lệ tăng trưởng GDP của Cuba là 2,7%, năm 2014 là 2,2% và năm 2015 là 4%. Xuất khẩu dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ y tế là ngành kinh tế lớn nhất, mang về cho Cuba khoảng 6-8 tỷ USD/năm…

Đặc biệt, sau hơn nửa thế kỷ cấm vận phi lý, cuối cùng, chính quyền Mỹ đã phải dỡ bỏ lệnh cấm vận và tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba vào ngày 20/7/2015. Đây là một sự kiện tích cực trong lịch sử quan hệ Mỹ-Cuba.

Với những thành tựu này, hiện thực Cuba là bằng chứng sinh động khẳng định trong thế giới đương đại, hoàn toàn có thể và cần xây dựng một xã hội khác với xã hội tư bản để đem lại hòa bình, độc lập cho các dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Và trong những kỳ tích làm kinh ngạc cả thế giới của Cuba này đều ghi dấu ấn đậm nét của vị lãnh tụ tài ba Fidel Castro.

Ngày 18/2/2008, sau 49 năm lãnh đạo Cuba, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã chính thức tuyên bố nghỉ hưu và thôi không giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba. Trong bức thư gửi nhân dân Cuba đăng trên báo Granma, Chủ tịch Fidel Castro khẳng định, ông muốn mở đường để thế hệ trẻ hơn tiếp tục nắm quyền.

“Đây không phải là lời chia tay của tôi gửi đồng bào. Ước nguyện lớn nhất của tôi là làm một người lính trên mặt trận lý tưởng.”

Quyết định trên của Chủ tịch Fidel Castro được coi là một sự kiện mang tính bước ngoặt đối với đội ngũ lãnh đạo Cuba.

Dù không trực tiếp lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc vì lý do sức khỏe, song Fidel vẫn được tham khảo ý kiến trong mọi quyết định chiến lược đối với sự sống còn của cách mạng Cuba. Kể từ khi rời khỏi các chức vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cuba, Fidel Castro vẫn tiếp tục đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng đất nước.

Ông liên tục có những bài viết phản ánh sắc sảo đăng trên tờ Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba. Tất cả những sự kiện quan trọng ông đều có bài phản ánh, như sự kiện Bin Laden bị Mỹ tiêu diệt trên đất Pakistan, khủng hoảng nợ ở Mỹ và một số nước thành viên EU, cuộc chiến của Mỹ ở Iraq, Afghanistan…

Với những cống hiến trọn đời cho đất nước Cuba, Fidel mãi mãi là một vị lãnh tụ, là linh hồn của cách mạng Cuba. Nhân dân Cuba không bao giờ quên ơn và yêu mến, kính phục ông. Trong lòng nhân dân Cuba, Fidel mãi mãi là lãnh tụ tinh thần, mãi mãi là Tổng Tư lệnh.

Người bạn lớn của nhân dân Việt Nam

Từ hàng chục năm qua, trong trái tim mỗi người Việt Nam, Cuba và vị lãnh tụ Fidel Castro đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quật khởi và khát vọng vươn tới tự do, hạnh phúc. Nhân dân Việt Nam luôn dành cho nhân dân Cuba, cho vị lãnh tụ Fidel Castro niềm tin yêu, sự khâm phục và đồng cảm sâu sắc.

Trong lịch sử, Cuba là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (tháng 12/1961), là nước đầu tiên thành lập Ủy ban đoàn kết với Việt Nam (tháng 9/1963), là nước đầu tiên và duy nhất lập Sứ quán bên cạnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại vùng giải phóng (tháng 7/1967).

Những năm đó, Cuba khó khăn, đời sống nhân dân gặp nhiều thiếu thốn, có kẻ ác ý tung tin dân Cuba thiếu đường, thiếu sữa là vì có bao nhiêu Fidel gửi cả cho Việt Nam. Nhưng trong một cuộc míttinh quần chúng với hàng chục vạn người tham gia tại thủ đô La Habana, Fidel Castro đã nói: “Đáng tiếc là chúng ta – những người Cuba – không có đủ đường sữa để gửi cho nhân dân Việt Nam, chứ nếu có, không những đường sữa mà cả máu chúng ta cũng sẵn sàng hiến dâng cho nhân dân Việt Nam.”

Năm 1967 được Cuba đặt tên là “Năm Việt Nam Anh hùng.” Năm 1972, đê điều ở miền Bắc Việt Nam trở thành mục tiêu phá hoại của đế quốc Mỹ, Cuba đã lấy ngày 28/8/1972 làm “Ngày đê điều” và phát động chiến dịch tuyên truyền mới tố cáo tội ác đế quốc. Fidel một lần nữa khẳng định: “Tình đoàn kết của chúng ta, niềm tin của chúng ta đối với nhân dân Việt Nam và ban lãnh đạo Việt Nam là vô điều kiện và tuyệt đối.”

Tháng 9/1973, Fidel là vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất thăm vùng giải phóng miền Nam khi chiến tranh chưa kết thúc, đem đến cho chiến sỹ và nhân dân Việt Nam lời động viên chiến đấu và lời hứa đóng góp thực hiện mong ước của Bác Hồ xây dựng Việt Nam 10 lần to đẹp hơn. Hình ảnh vị Tổng Tư lệnh với bộ quân phục màu xanh ôliu đứng trên nóc một lô cốt cũ của địch, phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, là sự cổ vũ vô cùng to lớn đối với đồng bào chiến sĩ ta lúc đó.

“Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” cũng là câu nói chí tình, chí nghĩa của Fidel trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên này. Trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, câu nói ấy đã làm rung động bao trái tim của nhân dân Cuba và nhân dân Việt Nam, cũng như hàng triệu người có lương tri trên thế giới.

Câu nói đó thực sự phát ra từ trái tim của Fidel và nhân dân Cuba, cùng với sự giúp đỡ hết lòng của Cuba là một nguồn động viên vô cùng to lớn đối với nhân dân Việt Nam giữa lúc bom đạn ác liệt, khó khăn đủ bề vì cuộc chiến tranh kéo dài. Càng quý hơn khi chúng ta biết được lúc đó đất nước Cuba đang chịu sự cấm vận, cũng khó khăn mà vẫn sẵn lòng giúp chúng ta vô điều kiện với một tình cảm anh em ruột thịt. Fidel và nhân dân Cuba đã xem cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam như của chính mình.

Cũng trong chuyến thăm lần đầu tiên này của Fidel đến Việt Nam, Cuba đã tặng Việt Nam 5 công trình kinh tế-xã hội vào loại tầm cỡ lúc bấy giờ với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD, gồm: Khách sạn Thắng Lợi (tại Hồ Tây, Hà Nội), Bệnh viện Việt Nam-Cuba (tại Đồng Hới, Quảng Bình), Đường Xuân Mai, Trại bò giống Ba Vì, Xí nghiệp gà Lương Mỹ; tặng bò giống, gà giống và chi hơn 6 triệu USD để mua thiết bị hiện đại, đồng thời cử chuyên gia về cầu đường sang Việt Nam tham gia cùng bộ đội Trường Sơn mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh; giúp đào tạo trên 1.000 sinh viên Việt Nam ở trình độ Đại học và cao học và vận động ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc…. Sự nhường cơm sẻ áo chí tình này thật nghĩa hiệp và đúng lúc.

Tháng 12/1995 và tháng 2/2003, Fidel Castro có chuyến thăm lần thứ hai và thứ ba đến Việt Nam. Trong những chuyến thăm này, tình hữu nghị và sự hợp tác anh em giữa hai nước Việt Nam-Cuba tiếp tục đạt được nhiều mốc son mới. Qua những chuyến thăm, chủ tịch Fidel luôn khẳng định, nhân dân Việt Nam mãi mãi là những người bạn, người anh em gần gũi, thân thiết của nhân dân Cuba và tin tưởng chắc chắn rằng tình đoàn kết, hữu nghị và sự hợp tác toàn diện giữa Cuba và Việt Nam sẽ không ngừng được củng cố và phát triển.

Phát huy những tình cảm quý báu giữa Đảng và nhân dân hai nước, trong hơn nửa thế kỷ qua, bất chấp những biến động của tình hình chính trị thế giới, tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị thắm thiết Việt Nam-Cuba vẫn không ngừng được củng cố, trở thành mẫu mực của tình cảm thủy chung, trong sáng, là tài sản vô giá mà hai Ðảng và nhân dân hai nước luôn giữ gìn, vun đắp./.

Cuba, Fidel Castro – tiếng gọi thiêng liêng từ trong trái tim của quân, dân Quảng Bình

Ngày 16/9/1973, trong hành trình đến thăm vùng giải phóng miền Nam thuộc tỉnh Quảng Trị, lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã dừng chân ghé thăm thị xã Đồng Hới. Địa điểm đầu tiên mà lãnh tụ Cuba Fidel Castro ghé thăm là khu Giao Tế, thị xã Đồng Hới.

Sau bữa cơm chiều hơi muộn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng về nghỉ tại Nhà khách Tỉnh ủy ở Thị xã Đồng Hới. Chủ tịch Phi-đen cùng đoàn tùy tùng nghỉ lại Nhà Giao tế Quảng Bình.

Phi-đen Cát-xtơ-rô là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên vào thăm tuyến lửa Quảng Bình, lại có phần hơi bất ngờ nên công tác chuẩn bị rất gấp gáp nhưng khi nhìn thấy nụ cười ấm áp của Phi-đen ai cũng thấy ấm lòng và lo tốt phần việc của mình được giao. Lúc bấy giờ ông Nguyễn Thanh Đàm là Chủ nhiệm phụ trách Khu Giao tế. Khi ông Đàm chào Chủ tịch Phi-đen bằng tiếng Pháp, Phi-đen tỏ ra thích thú vì ông đang muốn tìm hiểu về vùng đất Quảng Bình. Còn gì tốt hơn, khi một người con địa phương đã đi theo cách mạng khi mới mười lăm, mười sáu tuổi như ông Đàm lại thông thạo ngoại ngữ, rất am hiểu về địa phương nói chuyện với Phi-đen.

Tối hôm đó, khi mọi người đã ngủ, Chủ tịch Phi-đen Cát-xtơ-rô hỏi ông Đàm rất nhiều chuyện như: Người dân Quảng Bình bắn rơi được nhiều máy bay Mỹ không? Có nhiều người anh hùng không? Cuộc sống của bà con thế nào? Người dân nơi đây cần gì nhất?… Ông Đàm nói với Chủ tịch Phi-đen là Quảng Bình là địa phương đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ. Đây là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và nhiều anh hùng khác.

Nghe ông Đàm nói vậy, mắt Chủ tịch Phi-đen Cát-xtơ-rô sáng lên niềm xúc động. Câu chuyện về con người, quê hương tuyến lửa Quảng Bình đã xoá nhòa ranh giới giữa vị Chủ tịch đáng kính và anh chủ nhiệm khu Giao tế. “Trong câu chuyện tui gọi Chủ tịch Phi-đen Cát-xtơ-rô bằng từ anh khi nào không biết nữa”, ông Đàm nói vậy. Rồi ông Đàm hỏi Chủ tịch Phi-đen thích ăn món gì, Chủ tịch bảo ăn gì cũng được, nhưng ông Đàm không chịu, ông dứt khoát phải làm món ăn mà Chủ tịch Phi-đen thích.

Khi rời khu Giao tế Quảng Bình, ông Đàm cứ ôm lấy Chủ tịch Phi-đen mà khóc, mà nhớ như tiễn người anh trai đi công tác xa nhà. Chủ tịch Phi-đen bắt tay từng cán bộ, nhân viên khu Giao tế, sau đó Chủ tịch quay lại nơi ông Đàm. Đôi mắt Chủ tịch nhìn đăm chiêu ra chiều suy nghĩ, rồi Chủ tịch rút trong túi ra một hộp thuốc xì gà còn mới và tấm danh thiếp đưa cho ông Đàm.

Ông Đàm cảm động nước mắt lưng tròng, Chủ tịch vỗ vai động viên ông Đàm rồi nói “Cảm ơn đồng chí. Khi sang Cu-Ba, cầm tấm thiệp này đi đâu đồng chí cũng được chào đón”. Đã 40 năm trôi qua, mỗi lần nhớ đến Chủ tịch Phi-đen, ông Đàm lại lấy hộp xì gà và tấm danh thiếp ra ngắm nghía. Tấm danh thiếp in trên giấy đặc biệt, có hoa văn chìm và con dấu nổi. Dòng trên ghi chữ in đứng CMDTE. FIDEL CASTRO RUZ và dòng dưới: Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cu-Ba, nét chữ in nghiêng bằng tiếng Tây Ban Nha.

Giờ đây căn phòng Chủ tịch Phi-đen từng nghỉ lại tại Khu Giao tế được bảo tồn nguyên vẹn từ nội thất, đến đồ dùng sinh hoạt cá nhân.

 

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro thăm Bảo tàng Quảng Bình (tháng 9/1973) (Ảnh: Tư liệu)

 

Với những cán bộ, nhân viên từng công tác ở khu Giao tế Quảng Bình, nơi đón vị khách đặc biệt Fidel Castro đến thăm luôn tự hào vì 45 năm ấy hình ảnh và những kỷ vật về  Fidel Castro vẫn còn sống mãi cùng thời gian, hằn sâu trong tâm trí của quân và dân Quảng Bình

Cũng trong chuyến thăm ghé thăm thị xã Đồng Hới, chứng kiến tinh thần đấu tranh, sự mất mát, hy sinh của người dân nơi đây, lãnh tụ Fidel Castro đã quyết định xây dựng một bệnh viện hiện đại tại Đồng Hới để phục vụ nhân dân địa phương và quân nhân từ chiến trường miền Nam.

Ngày 19/5/1974, nhân ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công trình chính thức khởi công xây dựng dưới sự chứng kiến của đông đảo người dân và công nhân 2 nước Việt Nam – Cuba.

Toàn bộ thiết bị, vật tư máy móc xây dựng công trình này đều được vận chuyển từ Cuba sang. Sau 7 năm xây dựng, bệnh viện đã hoàn thành tại xã Lý Ninh, thị xã Đồng Hới, nay là phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới.

Ngày 9/9/1981, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới được khánh thành trong niềm hân hoan của người dân Quảng Bình. Những năm tiếp đó, Cuba đã cử 146 chuyên gia sang giúp tỉnh Quảng Bình điều hành, quản lý cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật và trực tiếp chữa trị bệnh nhân. Những nghĩa cử cao đẹp, hết lòng vì người bệnh của các đồng nghiệp Cuba còn in đậm trong tâm trí đội ngũ y, bác sỹ Quảng Bình.

Biết ơn và trân trọng món quà mà lãnh tụ Cuba Fidel Castro và nhân dân Cuba dành tặng, qua các thời kỳ, đội ngũ cán bộ, nhân viên Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới không ngừng nỗ lực xây dựng bệnh viện thành một cơ sở điều trị hiện đại, phục vụ tốt nhu cầu khám, chăm sóc và điều trị bệnh cho nhân dân trên địa bàn.

Nhằm bày tỏ lòng biết ơn và tri ân sâu sắc nhất đối với Đảng, Chính phủ và nhân dân Cuba, đặc biệt là đối với cá nhân lãnh tụ Fidel Castro đã dành tình cảm đặc biệt cho nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Quảng Bình nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh, người đã có công lớn trong việc đặt nền móng, xây dựng, hình thành và phát triển của BV Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới, tập thể, cán bộ, công nhân viên Bệnh viện đã xây dựng và chính thức khánh thành khu khuôn viên, tượng đài lãnh tụ Cuba Fidel Castro vào giữa những ngày tháng 8 lịch sử vừa qua.

 

Khu khuôn viên, tượng đài được đặt trang trọng tại BV Hữu Nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới. Ảnh: Lê Phi Long

 

Giờ đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới là biểu tượng của tình đoàn kết giữa hai nước Việt Nam – Cuba, là món quà mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp sáng mãi niềm tin lý tưởng cao đẹp mà Đảng, Chính phủ và nhân dân CuBa anh em đã dành tặng riêng cho nhân dân Quảng Bình.

Đã 45 năm trôi qua kể từ khi lãnh tụ Phi-đen Cát-xtơ-rô sang thăm Việt Nam và vào thăm tuyến lửa Quảng Bình, Quảng Trị (tháng 9-1973) nhưng những kỷ niệm, hình ảnh về vị lãnh tụ nồng hậu, đáng kính của nước bạn vẫn đầy ắp trong trí nhớ của người con Quảng Bình. Giữa những ngày tháng 9 lịch sử quan trọng này, cùng với quân và dân cả nước, Đảng bộ, chính quyền, các cơ quan ban, ngành đoàn thể và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình không ngừng có những hoạt động thiết thực nhằm tri ân và giáo dục thế hệ trẻ hôm nay ra sức thi đua học tập và noi theo tấm gương, hoài bão và tư tưởng cách mạng lớn của Fidel, lấy đó làm kim chỉ nam, ngọn hải đăng soi sáng, tiếp tục cống hiến vun đắp, xây dựng tình đoàn kết gắn bó giữa hai đất nước Việt Nam – Cuba, không ngừng tô thắm truyền thống của quê hương Quảng Bình “Hai giỏi” để luôn xứng đáng với những gì mà lãnh tụ Fidel yêu mến giành cho Quảng Bình.

 

Ngày 3/9, trước Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô La Habana, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Viện Cuba hữu nghị với các dân tộc (ICAP), Ủy ban bảo vệ cách mạng (CDR) đã tổ chức hoạt động đầu tiên hướng tới kỷ niệm 45 năm chuyến thăm lịch sử của lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro tới Việt Nam tháng 9/1973. Dự kiến chuỗi hoạt động kỷ niệm 45 năm chuyến thăm lịch sử của lãnh tụ cách mạng Fidel Castro tới Việt Nam sẽ diễn ra trên hầu hết các tỉnh thành của Cuba và buổi lễ chính sẽ được tổ chức vào ngày 12/9 tới.

Tại Quảng Trị, chương trình kỷ niệm sẽ được tổ chức vào ngày 14-15/9 do UBND tỉnh Quảng Trị và Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam- Cuba và Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam phối hợp tổ chức.

Bên cạnh đó, dịp lễ kỷ niệm sẽ trưng bày hình ảnh về Chủ tịch Fidel Castro và chuyến thăm Quảng Trị; thăm một số địa điểm ở Quảng Trị mà Chủ tịch Fidel Castro đã từng đến; tổ chức lễ khánh thành Công viên Fidel tại TP Đông Hà.

 

 

 

 

 

BBT