Luật tín ngưỡng, tôn giáo, cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý Nhà nước về an ninh trật tự đối với hoạt động của đạo công giáo

836
Đánh giá bài viết

Tôn giáo là một hiện tượng xã hội có liên quan và ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Khi đánh giá về bản chất của tôn giáo, Ph.Ăng ghen đã nhận định “Tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo vào trong đầu óc của con người, của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ, chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế”. Đối với công tác tôn giáo, Đảng ta luôn xác định đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng chỉ rõ “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật”. Điều 24, Hiến pháp 2013 quy định “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”.

Để cụ thể hóa các quan điểm, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Ngày 18/11/2016, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội khóa XIV chính thức thông qua gồm 9 Chương, 68 Điều; quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo. Đối tượng áp dụng của Luật là các tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội khóa XIV thông qua là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, đồng thời cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan Nhà nước tiến hành quản lý nhà nước (QLNN) đối với hoạt động của tôn giáo, trong đó có công tác QLNN về an ninh, trật tự (ANTT) đối với hoạt động của đạo công giáo.

Thời gian qua, các thế lực thù địch đã và đang ráo riết lợi dụng vấn đề tôn giáo để thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống Việt Nam. Một số đối tượng trong và ngoài nước có tư tưởng phản động, đã chỉ đạo số tu sĩ và giáo dân công khai hoặc ngấm ngầm chống lại đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, khoét sâu các mâu thuẫn. Một số vấn đề phát sinh trong công giáo chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm như tranh chấp đất đai, cơ sở vật chất có nguồn gốc tôn giáo, truyền đạo trái phép… đang trở thành những nhân tố tác động xấu tới tình hình ANTT ở vùng giáo. Đặc biệt, lợi dụng sự cố môi trường biển miền Trung, các đối tượng cực đoan trong công giáo đã tuyên truyền, xuyên tạc, kích động giáo dân, quần chúng nhân dân tại nhiều địa bàn, dẫn đến các hoạt động tuần hành, tập trung đông người biểu tình, gây rối, làm ảnh hưởng đến ANTT.

Trước tình hình trên, các cơ quan chức năng đã tập trung lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác nắm tình hình, tham mưu giải quyết các vụ việc, ổn định tình hình, đảm bảo ANTT, trong đó QLNN về ANTT đối với hoạt động của đạo công giáo đóng một vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình mới cho thấy hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, làm cơ sở pháp lý cho các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện QLNN về ANTT đối với hoạt động của đạo công giáo hiện nay bộc lộ nhiều bất cập, một số nội dung chưa phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; một số quy định chưa cụ thể hoặc chưa giải quyết được hết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn hoặc đã được Nghị định 92/2012/NĐ-CP hướng dẫn bổ sung nhưng giá trị pháp lý chưa cao. Cụ thể như: Việc thành lập họ đạo của công giáo; việc chuyển nhượng, hiến đất của các cá nhân, tổ chức cho giáo hội; thẩm quyền thừa nhận chức vụ của người được phong chức thuộc về cơ quan quản lý tôn giáo nơi người đó đăng ký nhân khẩu thường trú hay thuộc về cơ quan quản lý tôn giáo tại địa bàn người đó hoạt động tôn giáo; chưa lượng hóa được số lượng tín đồ cũng như địa bàn hoạt động khi xem xét chia, tách tổ chức tôn giáo trực thuộc; quy định quản lý hoạt động từ thiện nhân đạo chưa rõ ràng; thời gian đăng ký hành lễ vào ngày 15/10 hàng năm là không phù hợp; trách nhiệm của cơ quan QLNN về tín ngưỡng, tôn giáo chưa được quy định cụ thể…

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội khóa XIV thông qua để điều chỉnh hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam tạo cơ sở pháp lý quan trọng, phù hợp với Hiến pháp 2013, khắc phục được những hạn chế, bất cập về cơ sở pháp lý trong tổ chức thực hiện QLNN về ANTT đối với hoạt động của đạo công giáo, đáng chú ý là:

1. Mở rộng phạm vi chủ thể có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo từ “công dân” thành “Mọi người”, thể hiện đúng bản chất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người theo tinh thần Hiến pháp 2013. Đồng thời, bổ sung 01 chương về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thể hiện một cách cơ bản nhất chính sách của Nhà nước trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

2. Một số nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ như công nhận tổ chức tôn giáo; thành lập, chia, tách, sát nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc; thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo đã được thay đổi theo hướng giao cho cơ quan QLNN về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và trả lời tổ chức tôn giáo. Việc thay đổi này sẽ giúp cho việc thực hiện các thủ tục hành chính nhanh gọn, thuận lợi hơn cho hoạt động tôn giáo, giúp công tác QLNN về ANTT đối với hoạt động của tôn giáo nói chung và đạo công giáo nói riêng có hiệu quả hơn.

3. Về hoạt động tôn giáo, hoạt động xuất bản, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo của tổ chức tôn giáo. Một trong những điểm mới của Luật này so với Pháp lệnh đó là việc thông báo danh mục hoạt động tôn giáo diễn ra hàng năm của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo chỉ thực hiện một lần, đối với hoạt động tôn giáo không có trong danh mục đã thông báo thì thông báo bổ sung; người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được vào tu tại cơ sở tôn giáo, vào học tại cơ sở đào tạo tôn giáo hoặc lớp bồi dưỡng về tôn giáo, được sinh hoạt tôn giáo tập trung, được trực tiếp mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài hoặc người Việt Nam đến giảng đạo, được thuê địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo tập trung, được tổ chức tôn giáo Việt Nam phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị; đối với tổ chức tôn giáo ở Việt Nam được quyền gia nhập tổ chức tôn giáo nước ngoài; tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội và từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan.

4. Giảm các quy định xin, cho, bổ sung các quy định thông báo. Luật đã giảm các quy định xin, cho, bổ sung các quy định thông báo như: Thông báo người được phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc; thông báo thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành; thông báo cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc; thông báo hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo; thông báo kết quả đào tạo của từng khóa học của cơ sở đào tạo tôn giáo; thông báo mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo cho những người không chuyên hoạt động tôn giáo; thông báo danh mục hoạt động tôn giáo; thông báo hội nghị thường niên. Đây cũng là quy định phù hợp với xu hướng hiện nay nhằm hạn chế sự can thiệp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào công việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo.

5. Về phân định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Trước đây, các hoạt động vi phạm của giáo hội trong hoạt động tôn giáo chưa có chế tài xử lý thích hợp, chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, lập biên bản đình chỉ và vận động chấp hành. Cách xử lý này làm cho giáo sĩ, giáo dân hiểu rằng chính quyền sợ đụng chạm đến các vấn đề nhạy cảm về “Dân chủ”, “Nhân quyền”, “Tự do tôn giáo” nên dè dặt, nương nhẹ trong xử lý vi phạm, dẫn tới các hoạt động tôn giáo lấn lướt chính quyền, vi phạm pháp luật. Thực tế cho thấy, khi sự việc xảy ra liên quan đến đạo công giáo, một số linh mục quản xứ đã bất hợp tác với chính quyền và các cơ quan chức năng để giải quyết, trong khi người đứng đầu tổ chức giáo hội lại không kiên quyết chỉ đạo hoặc ngấm ngầm ủng hộ đã gây khó khăn cho công tác xử lý.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 quy định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân, cơ quan QLNN về tín ngưỡng, tôn giáo các cấp trong quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc tập hợp đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không có tín ngưỡng, tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, Luật cũng có các quy định về trách nhiệm của công dân, của người có tín ngưỡng, tôn giáo trong thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, để bảo đảm có đầy đủ công cụ pháp lý nhằm thực hiện hiệu quả QLNN đối với lĩnh vực này, bảo đảm quyền phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, Luật quy định về thanh tra chuyên ngành tôn giáo; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện; xử lý vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và một số biện pháp chế tài khác như đình chỉ, thu hồi, giải thể.

Như vậy, việc Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo giúp cho hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng được hoàn thiện hơn, là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, vừa tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng cho QLNN về ANTT đối với hoạt động của đạo công giáo. So với các văn bản quy phạm pháp luật trước đây, Luật này thể hiện tinh thần cởi mở, thông thoáng của Nhà nước trong cách ứng xử với các tôn giáo. Đó là minh chứng sống động, thuyết phục, phản bác các quan điểm sai trái vu cáo Nhà nước ta “O ép” hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, cho rằng ra luật để “Siết” quyền tự do tôn giáo…

Đại úy, Ths Nguyễn Tiến Dương  

Phó Đội trưởng, phòng Tham mưu