Lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động Công an Quảng Bình 44 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành

471
Đánh giá bài viết

Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Hiệp định Giơnevơ được ký kết và có hiệu lực, hòa bình lập lại ở miền Bắc, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, đấu tranh nhằm thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ từ rừng núi chuyển về thành phố; nước ta mở rộng ngoại giao với các nước trên thế giới. Do đó, công tác bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước, các sứ quán, đoàn ngoại giao, công tác giữ gìn trật tự xã hội được đặt ra một cách cấp thiết.

Ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 58-NQ/TW “Về việc xây dựng lực lượng Cảnh vệ nội địa và biên cương” lấy tên là “Lực lượng Cảnh vệ” đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Công an. Trên cơ sở đó, ngày 3/3/1959 lực lượng CAND vũ trang được thành lập với nhiệm vụ: “Trấn áp mọi hoạt động của những toán thổ phỉ nhỏ, bọn gián điệp nhảy dù và các vụ bạo động, phá hoại của các bọn phản cách mạng khác; bảo vệ các cơ quan đầu não, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan ngoại giao, các lãnh tụ quốc tế và các vị khách nước ngoài, bảo vệ các công trường, hầm mỏ, kho tàng quan trọng, các cuộc vận chuyển quan trọng, cơ sở văn hóa, khoa học kỹ thuật quan trọng; bảo vệ các cuộc mít tinh lớn do Trung ương và Chính phủ quy định, chấp hành lệnh giới nghiêm và khi cần thiết cùng với Cảnh sát nhân dân duy trì trật tự trị an chung; canh gác các trại cải tạo, trại giam, áp giải phạm nhân chính trị và hình sự nguy hiểm, bảo vệ phiên tòa”.

Thi hành Nghị định số 32/CP của Hội đồng Chính phủ, ngày 06/01/1974, Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định số 33/QĐ-BCA quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Cảnh sát bảo vệ. Ngày 15/4/1974, Bộ Công an đã tổ chức trọng thể lễ thành lập lực lượng Cảnh sát bảo vệ. Từ đó, ngày 15/4 hàng năm được lấy làm ngày truyền thống của Cảnh sát bảo vệ. Trước tình hình chuyển biến của cách mạng, ngày 25/6/1988, Bộ Nội vụ ra quyết định thành lập Bộ chỉ huy Cảnh sát Cơ động, đến ngày 26/02/1990 Bộ Nội vụ ra quyết định sát nhập Cục Cảnh sát bảo vệ mục tiêu và Bộ chỉ huy Cảnh sát cơ động (CSCĐ), lấy tên là Cục Cảnh sát Bảo vệ mục tiêu và Cơ động. Ngày 18/4/2003, Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định số 246/2003/QĐ-BCA(X13) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và đổi tên thành lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp. Ngày 23/2/2010 Bộ trưởng Bộ Công an ra Quyết định số 885/QĐ- BCA quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục CSBV trực thuộc Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTXH; chuyển giao chức năng nhiệm vụ CSCĐ, CSĐN thành lập Bộ tư lệnh CSCĐ và chuyển giao chức năng nhiệm vụ hỗ trợ tư pháp sang Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII).

Ngày 23/12/2013, Ủy ban Thường vụ quốc hội (Khóa XIII) đã thông qua và ban hành pháp lệnh Cảnh sát Cơ động, Pháp lệnh có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2014. Pháp lệnh CSCĐ đã xác định CSCĐ là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH. Theo đó CSCĐ vừa có chức năng tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương và Lãnh đạo Bộ Công an về công tác vũ trang bảo vệ ANTT, vừa giữ vai trò trực tiếp chỉ huy, điều hành con người, phương tiện, vũ khí và thực hành phương án tác chiến, dập tắt bạo loạn, đánh bắt khủng bố và trấn áp tội phạm hình sự nguy hiểm có sử dụng vũ khí, hung khí. Đồng thời, CSCĐ tham gia phối hợp bảo vệ trại giam, bảo vệ phiên tòa, phối hợp vận động quần chúng tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại địa bàn đóng quân và tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả bão lũ, thảm họa thiên tai. CSCĐ có lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm, lực lượng tác chiến đặc biệt (CSCĐ hiện nay), lực lượng Cảnh sát Bảo vệ mục tiêu, lực lượng Cảnh sát Huấn luyện và Sử dụng động vật nghiệp vụ, được bố trí cả ở trung ương và địa phương; CSCĐ sẽ được trang bị vũ khí, phương tiện máy bay, tàu thủy, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị đặc chủng, tiên tiến, hiện đại.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong lực lượng CAND, ngày 09/12/2013, Ban Bí thư TW Đảng ban hành Quyết định số 216/QĐ-TW về thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên ở Bộ Tư lệnh CSCĐ. Đây là đơn vị duy nhất của Bộ Công an thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên.

Ở Công an Quảng Bình, trước khi Bộ Công an ra Quyết định số 33/QĐ-BCA quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Cảnh sát Bảo vệ thì Đại đội II – Công an nhân dân vũ trang Quảng Bình và lực lượng Cảnh vệ Ty Công an Quảng Bình thực hiện chức năng của Cảnh sát Bảo vệ, đây là 2 đơn vị tiền thân của phòng Cảnh sát Bảo vệ công an Quảng Bình từ đó đến nay.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, tỉnh Quảng Bình được sát nhập với tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế thành tỉnh Bình Trị Thiên. Tháng 12/1979, Tiểu đoàn CSCĐ 214 ra đời, đưa quân số phòng Cảnh sát Bảo vệ lên đến 700 cán bộ, chiến sỹ. Có thể nói thời kỳ 1977- 1989 là thời kỳ lực lượng Cảnh sát Bảo vệ được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, là thời kỳ quân số đông nhất, là mũi nhọn trong công tác đấu tranh trấn áp tội phạm; là lực lượng chủ công trong công tác bảo vệ các mục tiêu quan trọng, các cuộc mít tinh, lễ hội, các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao được tổ chức tại địa phương; góp phần quan trọng cùng các lực lượng khác giữ vững ANTT trên địa bàn.

Tháng 7/1989, thực hiện chủ trương của Chính phủ, tỉnh Quảng Bình được tái lập, trở lại địa giới hành chính cũ, phòng Cảnh sát Bảo vệ Công an tỉnh Quảng Bình được thành lập. Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, các mục tiêu bảo vệ đều được xây dựng tạm thời, thậm chí là làm việc trong lều lán, mượn nhà dân; quân số của phòng rất thiếu, nhưng với quyết tâm xây dựng quê hương, với khẩu hiệu “Đoàn kết, đổi mới, tiến lên” cán bộ, chiến sỹ phòng Cảnh sát Bảo vệ đã nhanh chóng ổn định tổ chức, khắc phục nơi ăn ở, sinh hoạt, triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực trong công tác giữ gìn ANTT  trên quê hương Quảng Bình “Hai giỏi”.

Để đáp ứng vai trò chủ công trong công tác phòng, chống gây rối, gây bạo loạn, khủng bố, trấn áp, đánh bắt đối tượng, giải thoát con tin… Những năm qua, lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động luôn được huấn luyện tốt về quân sự, võ thuật, chiến thuật, đảm bảo ra quân là chiến thắng. Đơn vị đã chủ động xây dựng, tổ chức tập luyện và thực hiện thành công các phương án A2, A4 hàng năm theo kế hoạch của Công an tỉnh và của Bộ Tư lệnh CSCĐ. Đặc biệt năm 2007, 2014 lực lượng CSCĐ đã chủ trì xây dựng và diễn tập thành công phương án giải tán đám đông, chống bạo loạn, đánh chiếm mục tiêu, giải thoát con tin trong cuộc diễn tập QB-07 được Tư lệnh quân khu IV và Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đánh giá cao.Trong các trận lũ lịch sử đều xuất hiện bóng dáng của lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động dầm mình trong mưa gió để cứu dân, cứu tài sản của dân, giúp dân sửa chữa nhà cửa sau bão lũ; đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng được các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân khen ngợi.

Là một đơn vị có quân số đông, phần lớn là chiến sỹ trẻ nên Đảng uỷ, Ban chỉ huy đơn vị thường xuyên chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, tổ chức hưởng ứng các phong trào thi đua cách mạng do Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và Công an tỉnh phát động như: Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phong trào “Học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND”; phong trào “Học tập và noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp”; cuộc vận động “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hoá, vì nhân dân phục vụ”… gắn với phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”. Nhờ đó ý thức tổ chức kỷ luật của CBCS không ngừng được nâng cao, nội bộ đơn vị đoàn kết thống nhất, tạo sức mạnh tổng hợp giúp đơn vị vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Do có nhiều thành tích trong chiến đấu, công tác và xây dựng lực lượng, trong 44 năm qua, lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động Công an Quảng Bình đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 01 Huân chương Quân công hạng ba, 05 Huân chương chiến công; được UBND tỉnh, Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh tặng nhiều Bằng khen và Giấy khen.

Những thành tích, kết quả đạt được trong 44 năm qua của lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp là Đảng uỷ Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và Ban Giám đốc Công an tỉnh và Công an các địa phương; sự yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ tận tình của nhân dân; sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của của các lực lượng trong và ngoài ngành. Những thành tích đó là kết tinh của sự phấn đấu không mệt mỏi, rèn luyện không ngừng của CBCS, thể hiện phẩm chất chính trị, ý chí chiến đấu, tinh thần đoàn kết, nhất trí, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, hy sinh, hết lòng phục vụ nhân dân, trên dưới một lòng quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong bất cứ tình huống nào.

Góp nên những trang sử hào hùng của lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động chính là sự kết tinh mồ hôi, xương máu, công sức của biết bao anh hùng, liệt sỹ, thương binh, của các thế hệ cán bộ chiến sỹ Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động nói riêng, lực lượng Công an, Quân đội và nhân dân nói chung. Thế hệ CSCĐ hôm nay trân trọng tri ân và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với thân nhân các anh hùng, liệt sỹ, các đồng chí thương binh, bệnh binh trong toàn lực lượng đã có những cống hiến vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc; bày tỏ lòng biết ơn và ghi nhận sự đóng góp công sức của những người mẹ, người vợ đã ngày đêm đảm đang, chịu đựng hy sinh làm hậu phương vững chắc cho CBCS Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động yên tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Để phát huy hơn nữa truyền thống của mình, trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động Công an Quảng Bình tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, xây dựng theo tiêu chí “Trung thành với Đảng, đoàn kết kỷ cương, dũng cảm kiên cường, chính quy tinh nhuệ” cụ thể là:

1. Ra sức học tập rèn luyện nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng và nhân dân, thấm nhuần và quán triệt sâu sắc những quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của ngành; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo vệ sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

2. Tập trung chấn chỉnh quy trình canh gác nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn các mục tiêu bảo vệ. Chủ động xây dựng các phương án phòng chống khủng bố, bạo loạn, gây rối… Thường xuyên luyện tập, thực binh nhằm nâng cao sức khoẻ, kỹ năng chiến đấu, nắm vững địa hình, địa vật nhằm chủ động xuất quân khi có yêu cầu đấu tranh, trấn áp tội phạm. Triển khai mô hình tổ chức của phòng theo Pháp lệnh CSCĐ và quyết định của Giám đốc Công an tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới.

3. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với phong trào “Học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND”; cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” và các phong trào thi đua vì an ninh Tổ quốc, xây dựng đơn vị, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

Phát huy truyền thống 44 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành với tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” CBCS lực lượng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động Công an Quảng Bình nguyện đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khó khăn, gian khổ, sẳn sàng đảm nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; xây dựng lực lượng trong sạch vững mạnh, từng bước tiến lên chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thượng tá Dương Công Hiền          

Trưởng phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động