Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Bình với phong trào thi đua “Ghi sổ vàng lập công mỗi ngày làm một việc tốt vì nước, vì dân”

305
Đánh giá bài viết

Những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, Ủy Ban an toàn giao thông quốc gia, Cục CSGT và Lãnh đạo Công an tỉnh, quán triệt khẩu hiệu hành động “Đổi mới, Chủ động, Kỷ cương, Trách nhiệm, Hiệu quả” trên từng lĩnh vực công tác gắn liền với thực hiện phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc“, CBCS phòng CSGT đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều chủ trương, giải pháp công tác đảm bảo TTATGT vừa mang tầm chiến lược, lâu dài, vừa mang tính chiến thuật, chuyên sâu, giải quyết có hiệu quả những vấn đề phức tạp nổi lên, góp phần đảm bảo tốt tình hình TTATXH và TTATGT, kiềm chế TNGT.

CBCS phòng Cảnh sát giao thông TTKS, hướng dẫn các chủ tàu thuyền đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông

Trong 10 năm qua, CBCS phòng Cảnh sát giao thông đã tích cực tham mưu, phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường các mặt công tác quản lý Nhà nước về TTATGT trên cả 3 lĩnh vực sắt, thủy, bộ. Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh, Lãnh đạo Công an tỉnh có kế hoạch chỉ đạo các ngành, các cấp tuyên truyền và triển khai các giải pháp thực hiện tốt Chỉ thị 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT, Nghị quyết 88/2007/NQ-CP của Chính phủ; Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012…Tình hình TTATGT trên cả 3 tuyến đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa được giữ vững ổn định, không để xảy ra đua xe trái phép và hạn chế đến mức thấp nhất ùn tắc giao thông. “Văn hoá giao thông” của người tham gia giao thông dần được nâng lên một bước. Đặc biệt, tình hình tai nạn giao thông được kiềm chế và giảm sâu trên cả 3 tiêu chí. Tính đến năm 2016 đây là năm thứ 7 liên tục TNGT ở Quảng Bình giảm trên cả 3 tiêu chí theo chỉ tiêu Chính phủ, Ban ATGT tỉnh và Nghị quyết của Đảng ủy Công an tỉnh đề ra.

Lực lượng CSGT đã chủ động tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng, các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, vận động quần chúng tham gia giữ gìn TTATGT. Tổ chức 15 hội nghị cấp tỉnh, 33 hội nghị cấp huyện, thị và 139 hội nghị cấp phường, xã, cụm dân cư để bàn biện pháp bảo đảm TTATGT. Xây dựng hàng trăm phóng sự, tuyên truyền an toàn giao thông phát trên sóng truyền hình, đăng tải hàng trăm tin, bài, tranh ảnh trên các báo, tạp chí địa phương. Tổ chức nhiều cuộc thi về chủ đề ATGT như sân chơi “Điểm đến an toàn” phát sóng trên Đài truyền hình Quảng Bình hàng năm, hội thi ATGT cấp tiểu học, Liên hoan phim truyền hình về ATGT, “Triển lãm tranh, ảnh về ATGT”; ký cam kết thi đua thực hiện tốt ATGT ở các trường học. Phối hợp ngành Giáo dục – Đào tạo tổ chức tập huấn cho các phòng giáo dục, các trường trực thuộc và toàn bộ giáo viên dạy Giáo dục công dân về kiến thức pháp luật ATGT. Tổ chức ký cam kết thực hiện Luật giao thông đường bộ cho hơn 40.000 đoàn viên, học sinh ở các trường PTTH và các trung tâm giáo dục thường xuyên ở các huyện, thị xã, thành phố dọc tuyến QL1A. Phối hợp xây dựng mô hình “Trường học an toàn về ANTT” giai đoạn 2011 – 2015; nhân rộng các mô hình “Địa bàn an toàn về TTATGT” tại các thôn, xã. Thực hiện có hiệu quả mô hình “Thôn văn hóa giao thông” tại thôn Phúc Tự Đông – xã Đại Trạch. Tiếp tục duy trì và nhân rộng thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT”. Tổ chức trên 38.580 ca TTKS, lập biên bản xử lý vi phạm 178.576 trường hợp, nộp vào ngân sách Nhà nước 131.839.344.000 đồng.

Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, đã góp phần đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hình sự, ma túy, hoạt động buôn lậu trên các tuyến giao thông. Đã phát hiện 192 vụ vi phạm pháp luật, điển hình như bắt 6 vụ vận chuyển ma túy thu giữ 132,894g ma túy đá, 11 kg cần sa; 4 vụ vận chuyển 300 kg pháo, 92 quả pháo nổ và 8 bánh pháo hoa Trung Quốc; 12 vụ phạm pháp hình sự. Bắt giữ 14 đối tượng; 13 vụ vận chuyển động vật hoang dã trái phép; 66 trường hợp ô tô vận chuyển gỗ với tổng khối lượng 96.163m3 gỗ; 87 xe ô tô vận chuyển hàng hóa gian lận thương mại. Phát hiện thu giữ 13 khẩu súng hơi, súng bắn đạn hoa cải; 19 mã tấu, 5 côn nhị khúc của các đối tượng khi tham gia giao thông; 29 trường hợp sử dụng GPLX, CNĐK giả; 14 xe mô tô đục lại số khung, số máy; 2 vụ, 69 người đi lao động trái phép ở Trung Quốc…

Công tác cải cách hành chính “Vì nhân dân phục vụ” đã được Đảng uỷ, Chỉ huy đơn vị tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả dựa trên cơ sở lấy nguyên tắc dân chủ làm trọng, trong đó, chọn việc ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh việc cải cách hành chính trong công tác đăng ký và xử lý vi phạm, đổi mới các quy trình, quy chế tiếp dân, giải quyết kịp thời các yêu cầu chính đáng của nhân dân, rà soát, tham mưu cho Lãnh đạo Công an tỉnh bỏ các quy định không phù hợp, dễ nảy sinh tiêu cực, phiền hà cho nhân dân, với phương châm “Cải cách hành chính, giảm bớt phiền hà, nâng cao hiệu quả, ứng xử văn hóa, nhã nhặn với dân, chuyên cần công tác”; CBCS làm việc với tinh thần trách nhiệm “Làm cho hết việc, không chỉ làm hết giờ”.

Công tác xây dựng lực lượng có nhiều chuyển biến sâu sắc, toàn diện cả về nhận thức, tư tưởng cũng như hành động. Phòng CSGT đã ban hành Kế hoạch số 633/PC67 ngày 24/9/2013 về nâng cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng tư thế, lễ tiết, tác phong vì nhân dân phục vụ của CBCS CSGT theo phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Công an của ta là Công an nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc” gắn với khẩu hiệu hành động “Đổi mới, Chủ động, Kỷ cương, Trách nhiệm, Hiệu quả”. Để gần dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn, CBCS phòng CSGT đã cụ thể hóa thành những khẩu hiệu cụ thể, sát thực, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ công tác của từng đội nghiệp vụ. Điển hình như: “Cải cách hành chính, giảm bớt phiền hà, nâng cao hiệu quả; Ứng xủ văn hóa, nhã nhặn với dân, chuyên cần công tác”; đội tham mưu “Làm cho hết việc, không chỉ làm cho hết giờ”; “Ngày thứ 7, chủ nhật vì dân”; “Trách nhiệm, chính xác, kịp thời vì nhân dân phục vụ” của đội đăng ký và xử lý vi phạm; Chi đoàn thanh niên với công trình “Nhà xe thanh niên”, “Vườn cây thanh niên”, “Nhà rửa xe thanh niên”, “Bếp ăn phụ nữ”…; phát động phong trào “Xây dựng phong cách người CSGT văn hóa, vì nhân dân phục vụ” gắn với cuộc vận động “Ứng xử văn hóa trong giao tiếp của CSGT”; cuộc vận động “Xây dựng người Công an Quảng Bình văn hóa gắn bó mật thiết với nhân dân”; “Xây dựng phong cách Người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”…

Với những kết quả đã đạt được, nhiều năm liền đơn vị đạt danh hiệu đơn vị Quyết thắng, 4 năm liên tục (2013-2016) được Bộ Công an tặng Cờ thi đua xuất sắc, 1 năm được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc. Có trên 150 lượt cá nhân và tập thể được tặng Bằng khen, Giấy khen của Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh và Công an tỉnh. Cụ thể: Tập thể được Thủ tướng Chính Phủ tặng 4 Bằng khen; UBATGTQG tặng 1 Bằng khen, Bộ Công an tặng 7 Bằng khen, Tổng Cục Cảnh sát tặng 5 Bằng khen, UBND tỉnh tặng 4 Bằng khen và hàng chục Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh trao tặng. Đặc biệt, năm 2009 đơn vị được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lực lượng vũ trang nhân dân” và năm 2013 đơn vị vinh dự được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. Năm 2014 đơn vị được Bộ Công an tặng Bằng khen về thành tích 3 năm thực hiện cuộc vận động “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”. Xuất hiện nhiều gương cá nhân điển hình tiêu biểu, nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng, ý chí tiến công tội phạm, vượt qua khó khăn gian khổ, bảo đảm tốt TTATGT, được ghi sổ vàng lập công của Công an tỉnh, tiêu biểu như: Thượng tá Phan Văn Thanh, Trung tá Trần Vĩnh Ngọc, Trung tá Trần Đức Dương; Trung tá Hồ Ái Thanh, Trung tá Ngô Đình Quý, Đại úy Đinh Thanh Tùng…

Từ thực tiễn phong trào thi đua “Ghi sổ vàng lập công, mỗi ngày làm một việc tốt vì nước, vì dân”, phòng CSGT rút ra một số kinh nghiệm trong chỉ đạo phong trào như sau:

Thứ nhất, phong trào thi đua và cuộc vận động phải được duy trì, thường xuyên với nhiều hình thức phong phú, nội dung cụ thể, sát thực tiễn và phải được quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời; phải chú trọng xây dựng hạt nhân phong trào. Lãnh đạo, chỉ huy, cấp ủy phải thực sự gương mẫu, “Nói đi đôi với làm” cả trong công tác và sinh hoạt hằng ngày để CBCS noi theo.

Thứ hai, để phong trào thi đua đạt hiệu quả thiết thực phải gắn với các phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, “CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – CAND vì nước, vì dân quên thân phục vụ” và cuộc vận động “Xây dựng người Công văn hoá, gắn bó mật thiết với nhân dân”. Phải cụ thể hóa các nội dung thực hiện phong trào thi đua và cuộc vận động bằng các chương trình hành động, các mục tiêu, chỉ tiêu thi đua nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi, lập nhiều thành tích xuất sắc trên mặt trận giữ gìn TTATGT của mỗi CBCS CSGT.

Thứ ba, phong trào thi đua phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp uỷ Đảng, của thủ trưởng đơn vị và sự tham gia nhiệt tình của các đoàn thể phụ nữ, thanh niên. Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, coi trọng công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, có phương pháp bồi dưỡng, nhân điển hình thông qua sơ kết, tổng kết phong trào. Từng cán bộ đảng viên, phải xác định công tác thi đua là công tác đòn bẩy, then chốt để từng cá nhân, tổ chức hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.

Thứ tư, đề cao ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ của CBCS trong việc hưởng ứng các phong trào thi đua. Coi việc thực hiện các mục tiêu thi đua là tiêu chí và thước đo phẩm chất, năng lực, ý chí của từng cán bộ, đảng viên. Duy trì có chất lượng việc ghi sổ vàng lập công “Mỗi ngày làm một việc tốt vì nước, vì dân”. Việc bình chọn, phân loại thi đua hàng tháng, từng đợt và cả năm, cũng như xem xét giải quyết các chế độ, chính sách như: Nâng lương, phong cấp bậc hàm, nghỉ dưỡng… phải làm chặt chẽ, dân chủ và gắn chặt vào kết quả thực hiện các chỉ tiêu thi đua của từng CBCS.

Thượng tá, Ths Từ Nhật Tú      

Trưởng phòng Cảnh sát giao thông