Lực lượng Cảnh sát nhân dân Công an tỉnh Quảng Bình phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tình hình mới

321
Đánh giá bài viết

Cách đây 56 năm, ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh công bố hai Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát nhân dân và chế độ cấp bậc của sĩ quan và hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong suốt chặng đường vẻ vang của mình, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát nhân dân luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với lý tưởng cách mạng, với lợi ích dân tộc gắn bó máu thịt với nhân dân, lập nên nhiều thành tích, chiến công xuất sắc trên các mặt công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao và trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý, xứng đáng “Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân quên thân phục vụ”.

Ngày 19/8/1945, cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng được thành lập tại Hà Nội và lần lượt tại các địa phương trong cả nước. Cùng với việc đập tan các cơ quan đàn áp của địch và thiết lập chính quyền cách mạng, các tổ chức đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân ra đời: Ở Bắc Bộ thành lập Sở Liêm phóng Bắc Bộ; ở Trung Bộ thành lập Sở Trinh sát và ở Nam Bộ thành lập Quốc gia tự vệ cuộc (bao gồm cả lực lượng Trinh sát và Cảnh sát). Tuy tên gọi ở ba miền khác nhau, nhưng các tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân đều có chung nhiệm vụ là trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Ngày 19/8/1945, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam chính thức được thành lập, theo đó, lực lượng Cảnh sát nhân dân đã ra đời và trở thành lực lượng nòng cốt, xung kích trong việc giữ gìn trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng.

Ngay sau khi được thành lập, lực lượng Cảnh sát nhân dân tại các địa phương trong cả nước đã phối hợp với lực lượng Liêm phóng trấn áp bọn phản cách mạng, bọn lưu manh côn đồ, giữ gìn trật tự trị an ở các thành phố, thị xã, bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ căn cứ về Hà Nội. Đặc biệt, lực lượng Cảnh sát đã phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng khác bảo vệ tuyệt đối an toàn Lễ Tuyên ngôn độc lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 02/9/1945 tại Thủ đô Hà Nội. Mặc dù mới được thành lập, song lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng đã nhanh chóng ổn định đi vào hoạt động với vai trò là lực lượng chuyên chính của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống các thế lực phản động và bọn tay sai của phát xít Nhật, thực dân Pháp và chính quyền Tưởng Giới Thạch, âm mưu gây bạo loạn lật đổ chính quyền cách mạng, bọn lưu manh côn đồ, cướp của, giết người, làm mất trật tự trị an; đã điều tra khám phá hàng trăm vụ cướp của, giết người, bắt cóc tống tiền; triệt phá các tổ chức do bọn phản động lập ra để chống phá cách mạng nước ta. Nổi bật nhất là chiến công của Nha Công an Trung ương (gồm lực lượng Trinh sát và Cảnh sát) trong vụ án lịch sử số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) ngày 12/7/1946 phá tan tổ chức phản động nguy hiểm cấu kết với thực dân Pháp đảo chính lật đổ chính quyền cách mạng; điều tra khám phá vụ thảm sát cả nhà chủ hiệu kim hoàn Vĩnh Tường ngày 03/8/1946 ở thành phố Hải Phòng do binh lính Pháp gây ra; cùng các lực lượng khác bảo vệ an toàn cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên trong cả nước tháng 01/1946.

Ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 23/SL-LCT hợp nhất các Sở Cảnh sát, Sở Liêm phóng thành Việt Nam Công an vụ. Đây là mốc son lịch sử quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng.

Đầu năm 1950, tình thế ở chiến trường lúc này đang có lợi cho ta, ta càng đánh càng mạnh, vùng tự do càng được mở rộng, yêu cầu công tác bảo vệ căn cứ, vùng tự do và nội bộ càng cao, nhiệm vụ nắm tình hình địch, phục vụ tổng phản công đòi hỏi cấp thiết. Chính vì vậy, ngày 05/5/1950 Ban Chấp hành Trung ương Đảng có Chỉ thị số 10/CT-TW về “Đảng lãnh đạo Công an” nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Công an. Thực hiện chỉ thị này, các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương đều quan tâm lãnh đạo công tác Công an; chỉ đạo các cơ quan, ban ngành phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, cử một số cán bộ Đảng có năng lực tăng cường cho ngành Công an. Tiếp đó, ngày 12/5/1951, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 05-CT/TW quy định nhiệm vụ và tổ chức Nha Công an Việt Nam – Đây là Chỉ thị quan trọng để xây dựng ngành Công an phục vụ công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, làm nền tảng xây dựng ngành Công an sau này. Được tăng thêm sức mạnh tinh thần, nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an đã nêu cao tinh thần mưu trí, dũng cảm, kiên cường, giữ vững khí tiết của người Công an cách mạng, không hề khai báo khi bị địch bắt, tra tấn vô cùng dã man; tiêu biểu như Anh hùng liệt sỹ Trần Thành Ngọ (Hải Phòng), Nguyễn Văn Dưỡng (Lạng Sơn), Bửu Đóa (Khánh Hòa), Bùi Thị Cúc (đội viên Công an xung phong Hưng Yên)… Những gương sáng đó đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng qua những chặng đường lịch sử.

Ngày 07/5/1954, chiến thắng Điện Biên Phủ buộc Chính phủ Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán tại Giơnevơ, ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đất nước ta tạm chia thành 2 miền. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa; miền Nam tiếp tục công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ, thực hiện thống nhất nước nhà.

Tháng 11, 12/1959, lực lượng Cảnh sát cùng các lực lượng khác của Công an nhân dân đã phối hợp với Quân đội nhân dân mở chiến dịch đập tan âm mưu gây bạo loạn, cướp chính quyền tại tỉnh Hà Giang, làm tan rã lực lượng phản động gồm 1.112 tên phỉ, tiêu diệt và bắt sống 152 tên, gọi hàng 139 tên, thu 335 súng các loại. Lực lượng Cảnh sát đã cùng lực lượng An ninh đấu tranh bắt gọn hầu hết các toán gián điệp, biệt kích của Mỹ, Ngụy tung ra phá hoại miền Bắc, bắt giữ 463 tên, thu nhiều tấn vũ khí, chất nổ, phương tiện hoạt động; bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ sở kinh tế, cơ quan, xí nghiệp, các công trình quốc phòng, an ninh, công trình văn hóa – xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân; tổ chức cho nhân dân đi sơ tán khỏi vùng có chiến sự ác liệt. Đấu tranh, trấn áp, bắt giữ, xử lý hàng trăm tên tội phạm nguy hiểm, kịp thời dập tắt các vụ cháy lớn, làm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ công tác, để không ngừng xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân thành một lực lượng vũ trang thuộc Bộ Công an, thừa hành pháp luật của Nhà nước, đấu tranh chống bọn phản cách mạng và tội phạm khác, giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ tài sản công cộng, bảo vệ tính mạng, tài sản và quyền lợi hợp pháp của công dân, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, nhằm góp phần đảm bảo cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, thống nhất đất nước ở miền Nam; ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân và Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc sỹ quan, hạ sỹ quan Cảnh sát nhân dân. Đây là mốc son quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Trải qua 56 năm công tác, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, lực lượng Cảnh sát nhân dân vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng những phần thưởng cao quý: 01 Huân chương Sao Vàng cho lực lượng Cảnh sát nhân dân (ngày 30/9/2003). Đây là phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước, là niềm vinh dự, tự hào của các thế hệ Cảnh sát Việt Nam, khẳng định công lao, thành tích, sự trưởng thành lớn mạnh và là nguồn động viên khích lệ mạnh mẽ đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát nhân dân. 09 Huân chương Hồ Chí Minh. 118 tập thể và 74 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hàng nghìn tập thể, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân được tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc. Hàng vạn lượt tập thể và cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân được tặng Huy chương các loại và Bằng khen Chính phủ. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 – 20/7/1992), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đã tặng lực lượng Cảnh sát nhân dân bức trướng mang dòng chữ “Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước vì dân, quên thân phục vụ”.

Đối với lực lượng CSND Công an Quảng Bình, 56 năm qua luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, tham mưu cho cấp ủy và chính quyền các cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả “Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm”, “Chương trình quốc gia phòng, chống ma túy”; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng nghiệp vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội trọng đại của đất nước; chủ động phòng ngừa và liên tục tấn công, truy quét tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm mới có yếu tố nước ngoài, tội phạm công nghệ cao, tội phạm ma túy…; ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, làm tốt công tác đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại,…; không ngừng tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy; Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh- CAND vì nước quên thân vì dân phục vụ”, “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, “Học tập noi theo tấm gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp”…; đoàn kết một lòng, gắn bó với nhân dân; dũng cảm mưu trí trong chiến đấu, tận tuỵ và sáng tạo trong công tác, không ngại hy sinh, nguy hiểm, từng bước vươn lên, lập nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, chiến đấu. Nổi bật như từ tháng 11/2016 đến tháng 6/2017, Công an Quảng Bình đã đấu tranh phá thành công Chuyên án 1117-S, bắt 04 đối tượng liên quan đường dây vận chuyển ma túy từ Nghệ An vào Quảng  Bình tiêu thụ, thu giữ 01 bánh heroin (trọng lượng 347,756g), 5.926 viên ma túy tổng hợp (hồng phiến), 01 xe ô tô, 01 xe mô tô và 292.900.000đ. Khám phá nhanh các vụ án giết người liên quan 02 nhóm đối tượng tranh chấp tuyến xe khách; 03 nhóm đánh nhau làm chết 2 người tại Quảng Trạch; nhóm 02 đối tượng trộm két sắt tại các địa bàn thị xã Ba Đồn và huyện Bố Trạch; vụ giết người chôn xác trong nhà ở tại 48 Trường Chinh, phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới…

Với những chiến công, thành tích đã đạt được, lực lượng CSND Công an Quảng Bình vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho 19 lượt tập thể và 4 cá nhân, tiêu biểu là Đồn CAND số 84 – Đơn vị 2 lần được tuyên dương Anh hùng, Trạm Cảnh sát giao thông số 64, Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Quảng Bình, phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Đồng Hới, Công an huyện Lệ Thủy, Công an phường Đồng Phú và các Anh hùng Hồ Bá Thọ, Hoàng Hữu Nờ, Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Bá Chưng, Huỳnh Kim Trung. Hàng trăm lượt đơn vị, hàng ngàn lượt CBCS được tặng thưởng Huân chương, Huy chương và Bằng khen, Giấy khen các loại.

Đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Hiệu- Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình tặng Giấy khen cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong 04 năm thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản và công tác Hồ sơ nghiệp vụ của lực lượng CSND

Trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước tiếp tục gia tăng chống phá cách mạng Việt Nam; tội phạm và tai, tệ nạn xã hội sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, hoạt động tinh vi, xảo quyệt, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng; nhất là là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm môi trường, tội phạm về ma túy… sẽ có những tác động, ảnh hưởng đến ANTT của cả nước nói chung cũng như ở Quảng Bình nói riêng. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, toàn lực lượng CSND Công an Quảng Bình tập trung thực hiện nghiêm túc, hiệu quả một số nhiệm vụ sau:

1. Toàn lực lượng Cảnh sát nhân dân Công an tỉnh tăng cường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ ANTT; bảo vệ vững chắc an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; đập tan mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, tạo môi trường hoà bình, ổn định, phục vụ hiệu quả công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

2. Chủ động nắm chắc tình hình, địa bàn, đối tượng, nghiên cứu, phân tích đánh giá, dự báo đúng tình hình để phát hiện sớm các tình huống có thể xảy ra, đề xuất các chủ trương, biện pháp, xử lý kịp thời các vấn đề tác động đến ANCT và TTATXH. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 09/CP, Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý, phòng chống mua bán người. Tăng cường vận động xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát động toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội; giáo dục, cảm hóa những người phạm tội và mắc tệ nạn xã hội ở cộng đồng dân cư; tạo ra thế trận toàn dân phòng, chống tội phạm vững chắc ở từng địa bàn, cơ sở.

3. Phát huy vai trò nòng cốt, xung kích trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT; thường xuyên đổi mới các mặt công tác nghiệp vụ; đấu tranh trấn áp mạnh các loại tội phạm, nhất là các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tham nhũng, tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người, sử dụng công nghệ cao, tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường… kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, làm giảm các loại tội phạm nghiêm trọng. Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về ANTT, đảm bảo tốt TTATXH giúp nhân dân yên tâm lao động, sản xuất nâng cao đời sống.

4. Tập trung thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, các mô hình phòng, chống tội phạm đã và đang phát huy hiệu quả. Có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tai, tệ nạn xã hội.

5. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các Cuộc vận động do Bộ Công an, Tỉnh nhà và Công an tỉnh phát động, nhất là các Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”, “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” và phong trào “Học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND”, “Xây dựng văn hóa ứng xử trong Cảnh sát nhân dân”, “Ghi sổ vàng lập công mỗi ngày làm một việc tốt vì nước, vì dân”… gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, góp phần xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân Công an Quảng Bình ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Đại tá Nguyễn Văn Hiệu             

Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình