Lực lượng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Quảng Bình ra sức thi đua lập nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, chiến đấu

992
Đánh giá bài viết

Ngày 23/8/1957, Hội nghị kỹ thuật hình sự (KTHS) toàn quốc lần thứ nhất do Bộ Công an tổ chức thông qua Nghị quyết XH-50 xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng KTHS. Nghị quyết XH-50 là tiền đề quan trọng cho sự phát triển toàn diện của lực lượng KTHS sau này. Từ đó, ngày 23/8 hàng năm được Bộ Công an xác định là ngày truyền thống của lực lượng KTHS Công an nhân dân.

Trải qua 61 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng KTHS đã luôn khẳng định sự trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân, đồng thời thể hiện vị trí, vai trò quan trọng trong hoạt động của ngành Công an. Quá trình công tác, lực lượng KTHS đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, nhiều lượt tập thể, cá nhân đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an cùng các bộ, ngành, chính quyền địa phương tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Cùng với sự trưởng thành của lực lượng KTHS Công an toàn quốc, lực lượng KTHS Công an tỉnh Quảng Bình đã có sự phát triển, lớn mạnh vượt bậc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao trong từng giai đoạn lịch sử.

Trong kháng chiến chống Mỹ, lực lượng KTHS Công an Quảng Bình đã kiên cường đương đầu với những thử thách chiến tranh ác liệt nơi tuyến đầu chống Mỹ, khắc phục khó khăn, gian khổ để khám nghiệm hiện trường, giám định làm rõ nhiều vụ việc từ gián điệp, biệt kích đổ bộ đến các vụ án mạng, trộm cắp… Tham gia thu giữ truyền đơn, tiền giả, hàng hóa tâm lý chiến, chụp ảnh những tang vật, hiện vật về tội ác của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Quảng Bình. Hoạt động của lực lượng KTHS cùng toàn lực lượng Công an Quảng Bình bảo đảm an ninh trật tự vùng hậu phương, góp phần vào chiến thắng chung, thống nhất đất nước của toàn dân tộc.

Khi Bình Trị Thiên hợp nhất, lực lượng KTHS Công an tỉnh Bình Trị Thiên đã triển khai hiệu quả công tác khám nghiệm hiện trường và giám định, tham gia làm rõ nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng về ANQG và TTATXH. Qua giám định tài liệu do địch để lại đã phát hiện nhiều phần tử nội gián tìm cách chui vào trong nội bộ ta như trường hợp tên nội gián Nguyễn Thúc Tuân, Trưởng ty Thể dục Thể thao, đại biểu Quốc hội khóa IV; giải oan cho những cán bộ bị địch dựng hồ sơ giả nhằm bôi đen lý lịch.

Năm 1989, tỉnh Quảng Bình được tái lập. Vượt qua những điều kiện hết sức khó khăn, vừa trực tiếp chiến đấu trên mặt trận phòng, chống tội phạm, vừa xây dựng, củng cố lực lượng  KTHS Công an Quảng Bình đã có sự trưởng thành về mọi mặt. Đến nay, lực lượng KTHS toàn tỉnh đã có 50 cán bộ, trong đó phòng KTHS có 18 cán bộ với 03 đội nghiệp vụ. Công an các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã thành lập Tổ KTHS với tổng số 32 cán bộ; số cán bộ có trình độ đại học và trên đại học chiếm 64%. Cơ sở vật chất, trang bị phương tiện cũng từng bước được trang bị đầy đủ và hiện đại hóa. Phòng KTHS đã xây dựng được 03 phòng thí nghiệm phục vụ giám định dấu vết truyền thống – tài liệu, hóa học và sinh học với nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại như máy sắc ký khí, kính hiển vi kỹ thuật số, máy giám định tài liệu Doculab, DocuCheck, các thiết bị phục vụ hoạt động phát hiện, thu lượm dấu vết hóa học, sinh học tại hiện trường. Lực lượng KTHS cấp huyện đã được trang bị đủ các phương tiện phục vụ hoạt động KNHT. Chất lượng, tính hiệu quả các mặt công tác KNHT, giám định tư pháp và kỹ thuật phòng, chống tội phạm thuộc chức năng của lực lượng KTHS từng bước được nâng lên, phục vụ hiệu quả hoạt động chuyên môn của các lực lượng liên quan trong Công an tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng Kỹ thuật hình sự khám nghiệm hiện trường một vụ án

Năng lực công tác giám định tư pháp được củng cố và mở rộng theo thời gian. Hiện phòng KTHS đã triển khai 8/9 chuyên ngành giám định KTHS được Viện Khoa học hình sự phân cấp cho địa phương gồm giám định dấu vết đường vân, dấu vết cơ học, súng đạn, tài liệu, cháy, nổ, kỹ thuật, sinh học và hoá học. Từ năm 1989 đến nay đã tiếp nhận và tiến hành giám định hàng chục ngàn vụ việc các loại, số lượng vụ giám định gia tăng qua từng năm. Hoạt động giám định đã đảm bảo chấp hành nghiêm túc quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Giám định tư pháp, thực hiện đúng quy trình, kết luận giám định đã đảm bảo khoa học, chính xác và kịp thời, phục vụ hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, dân sự, công tác thanh tra, kiểm tra, bảo vệ nội bộ cũng như công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Nhiều lĩnh vực giám định mới đã được triển khai, hỗ trợ đắc lực cho công tác đấu tranh chống tội phạm, như giám định chất ma túy và hàm lượng chất ma túy, giám định nhóm máu, giám định cháy nổ, giám định dấu vết cơ học trong các vụ tai nạn giao thông…

Ngoài ra, lực lượng KTHS đã phối hợp với các lực lượng liên quan sử dụng phương tiện KTHS trong đấu tranh các chuyên án trộm cắp tài sản, tệ nạn xã hội; lắp đặt các thiết bị bảo vệ cho nhiều cơ sở kinh tế, cơ quan, đơn vị trong tỉnh; thực hiện biện pháp kỹ thuật chống làm giả nhiều loại giấy tờ, tài liệu, góp phần chủ động phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Những cán bộ KTHS Công an Quảng Bình bằng sự tỉ mỉ, kiên trì, thái độ làm việc khoa học, sáng tạo đã thầm lặng “bắt” dấu vết hiện trường, tài liệu, vật chứng “nói lên” sự thật của vụ án, góp phần quan trọng cùng các lực lượng trong Công an tỉnh hoàn thành tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, giữ vững sự ổn định. Với những chiến công xuất sắc, tập thể phòng KTHS và nhiều cán bộ đã được Bộ Công an, UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh khen thưởng.

Hiện nay, tình hình ANTT vẫn có những diễn biến phức tạp, các loại tội phạm hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt và nguy hiểm. Trong bối cảnh khoa học – công nghệ phát triển như vũ bão, cuộc cách mạng khoa học, công nghệ 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, đặt ra nhiều khó khăn, thử thách mới cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có công tác KTHS. Trước tình hình đó, để thực hiện mục tiêu giữ vững an ninh quốc gia, kiềm chế sự gia tăng và làm giảm các loại tội phạm, nâng cao tỷ lệ điều tra, khám phá các loại vụ án trên địa bàn, cán bộ, chiến sĩ KTHS Công an Quảng Bình quyết tâm phấn đấu đáp ứng tốt nhất mọi yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, trọng tâm là:

1. Đẩy mạnh việc thực hiện Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” và phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”, “Ghi sổ vàng lập công, mỗi ngày làm một việc tốt vì nước, vì dân”; xây dựng đội ngũ cán bộ KTHS có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sạch, tinh thần trách nhiệm cao với công việc, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, có trình độ chuyên môn và năng lực thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Kiện toàn tổ chức bộ máy, triển khai đầy đủ các mặt công tác nghiệp vụ KTHS được phân cấp tại phòng KTHS.

2. Đổi mới, nâng cao hiệu quả các biện pháp phát hiện, thu lượm, bảo quản, đánh giá dấu vết tại hiện trường, chú trọng nghiên cứu, phát hiện các loại dấu vết phi truyền thống, dấu vết ẩn, vi vết, dấu vết sinh học, hóa học, nâng cao tỷ lệ khám nghiệm hiện trường thu được dấu vết truy nguyên tội phạm; tăng cường mối quan hệ phối hợp với các lực lượng điều tra, khai thác triệt để thông tin thu được từ khám nghiệm hiện trường phục vụ hoạt động điều tra các vụ án.

3. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” ban hành theo Quyết định số 250/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng đội ngũ giám định viên đủ về số lượng, có trình độ, năng lực cao đáp ứng yêu cầu công tác; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, phương pháp mới nâng cao chất lượng các lĩnh vực giám định; triển khai giám định pháp y, giám định kỹ thuật số – điện tử, giám định gen (ADN), độc chất, chất nổ, chất cháy, vải sợi…; đảm bảo công tác giám định chấp hành nghiêm túc Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Giám định tư pháp, thực hiện chặt chẽ và đầy đủ quy trình công tác giám định, kết luận giám định chính xác, kịp thời, phục vụ hiệu quả cho cơ quan trưng cầu.

4. Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; nghiên cứu, cải tiến và đưa vào ứng dụng phương pháp, phương tiện mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn.

Đại tá Đặng Xuân Bảo       

Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự