Một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong đồng bào công giáo góp phần đảm bảo tốt an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Đồng Hới

3017
Đánh giá bài viết

Đồng Hới là thành phố đô thị loại 2 trực thuộc tỉnh, là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Bình; có 40.059 hộ với 137.111 nhân khẩu, trong đó có 1.013 người theo tôn giáo (528 người theo đạo Công giáo, 472 người theo Đạo phật, 13 người theo đạo Tin lành) phân bổ trên 16/16 xã, phường.

Trong những năm qua, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, tình hình an ninh trật tự trên lĩnh vực tôn giáo trên địa bàn thành phố cơ bản ổn định, hệ thống tôn giáo cơ sở, các chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo cơ bản chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chung tay cùng với nhân dân thành phố xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác đảm bảo ANTT trên lĩnh vực tôn giáo, cùng với các cơ quan, ban ngành liên quan, lực lượng Công an thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước về tôn giáo, như Nghị quyết số 25 của BCH Trung ương và Chỉ thị số 13 của Tỉnh ủy Quảng Bình về công tác tôn giáo; Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh Quảng Bình; đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch để tổ chức nắm chắc tình, tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường công tác quản lý nhà nước, đấu tranh xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực tôn giáo và các hoạt động lợi dụng tôn giáo để xâm phạm an ninh trật tự trên địa bàn thành phố, được cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện công tác đảm bảo ANTT trên lĩnh vực tôn giáo trên địa bàn thành phố vẫn còn một số tồn tại, thiếu sót sau:

1. Nhận thức về tôn giáo và công tác tôn giáo của một bộ phận cán bộ, nhân dân vẫn còn lệch lạc, việc nắm các quy định pháp luật về tôn giáo vẫn còn mơ hồ, trách nhiệm trong thực hiện công tác tôn giáo chưa được đầy đủ, đồng bộ.

2. Công tác vận động quần chúng đối với các chức sắc, chức việc, đối với người dân theo đạo tôn giáo nhiều khi chưa được thường xuyên, triệt để. Công tác cán bộ làm công tác tôn giáo vẫn còn thiếu, kinh nghiệm và trình độ còn hạn chế nên phần nào đã ảnh hưởng đến chất lượng công tác tôn giáo trên địa bàn.

3. Công tác phối hợp giữa các ban, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo có lúc chưa được chặt chẽ, kịp thời; việc trao đổi thông tin có khi chưa chủ động. Một số ban, ngành chức năng chưa tích cực tham gia giải quyết một số vụ việc phức tạp về tôn giáo xảy ra trên địa bàn.

4. Việc xây dựng lực lượng cốt cán trong tôn giáo hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công tác tôn giáo nói chung và công tác đảm bảo ANTT trên lĩnh tôn giáo nói riêng. Lực lượng cốt cán chất lượng còn thấp, nhiều trường hợp chưa nhiệt tình, chưa có chế độ, chính sách khuyến khích, nâng cao ý thức đối với lực lượng cốt cán.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác tôn giáo nói chung và công tác đảm bảo an ninh trật tự trên lĩnh tôn giáo trên địa bàn thành phố nói riêng, cần tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả một số mặt công tác sau:

Một là, phải nắm vững và quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính  sách pháp luật của Nhà nước ta về vấn đề tôn giáo, làm cho các cấp uỷ Đảng, Chính quyền các cấp và cán bộ trực tiếp làm công tác tôn giáo cũng như quần chúng nhân dân có nhận thức đúng và quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo trong tình hình mới. Đồng thời, có nhận thức nhất định về âm mưu, phương thức và thủ đoạn lợi dụng tôn giáo  của các thế lực thù địch, cũng như các đối sách và các mặt công tác đấu tranh chống địch lợi dụng tôn giáo để tổ chức, triển khai rộng khắp, thống nhất trong toàn quốc. Các cấp, các ngành cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện những nhận thức và việc làm lệch lạc của cán bộ để kịp thời uốn nắn sửa chữa.

Hai là, tiếp tục duy trì và tổ chức triển khai sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nói chung và ở vùng giáo nói riêng. Đây là công tác cơ bản vừa có tính chiến lược, vừa có tác dụng phòng ngừa, tấn công chống lại âm mưu, hoạt động của địch và các loại tội phạm khác, là nền tảng của công tác đấu tranh chống địch lợi dụng tôn giáo. Trong đó cần tăng cường việc tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là các chính sách có liên quan đến tôn giáo để quần chúng thấu hiểu và tự giác chấp hành; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho quần chúng giáo dân; tăng cường vận động, tập hợp và tổ chức quần chúng giáo dân tham gia các tổ chức đoàn thể xã hội ở địa phương.

Ba là, tiếp tục triển khai Nghị quyết số 25 của BCH Trung ương, Chỉ thị số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Pháp Lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 92 của Chính phủ cần sớm nghiên cứu, phổ biến, quán triệt một cách sâu rộng Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18/11/2016; nghiên cứu, sớm ban hành các chủ trương, đường lối, chính sách tôn giáo phù hợp với từng giai đoạn và từng địa phương, giải quyết dứt điểm các vấn đề mâu thuẫn, xung đột giữa tôn giáo với Chính quyền, nhân dân ở một số địa phương.

Bốn là, tích cực tham mưu cho các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích cho cán bộ nhân dân hiểu rõ tính chất nguy hiểm, cảnh giác và bình tĩnh trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong việc lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá Việt Nam; tham mưu cho Đảng và các cấp chính quyền, có định hướng chiến lược và xây dựng kế hoạch tổng thể về công tác giáo dục, tranh thủ chức sắc các tôn giáo. Trước mắt cần tập trung thực hiện mục tiêu công tác là “Tiếp tục sử dụng tổng hợp mọi biện pháp giáo dục, tranh thủ, giữ cho hàng giáo sĩ có tinh thần dân tộc, hoạt động tôn giáo thuần tuý, góp phần xây dựng cuộc sống tốt đời đẹp đạo. Ngăn chặn, loại trừ các hoạt động chính trị phản động và vi phạm chính sách pháp luật gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội”. Tổ chức đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các biểu hiện hoạt động lợi dụng tôn giáo để xâm phạm ANTT trên địa bàn.

Năm là, phải quan tâm củng cố, xây dựng lực lượng cốt cán trong tôn giáo nhằm phục vụ tốt công tác phòng ngừa và đấu tranh chống hoạt động lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia. Tăng cường công tác vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo, xây dựng lực lượng cốt cán trong tôn giáo ngày càng vững mạnh hơn để từ đó quản lý và định hướng các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng hiến chương, điều lệ, đúng pháp luật, thuần túy tôn giáo, đảm bảo ANTT.

Sáu là, không ngừng củng cố, xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ đủ năng lực làm công tác an ninh trên lĩnh vực tôn giáo; củng cố và hoàn thiện lực lượng chống hoạt động lợi dụng tôn giáo theo hướng đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, vững vàng về chính trị, có phẩm chất đạo đức tốt, yêu ngành, yêu nghề và lòng nhiệt tình trong công tác; có kiến thức sâu rộng về pháp luật, biết vận dụng một cách sáng tạo những quy định của pháp luật vào giải quyết công việc cụ thể; có trình độ nghiệp vụ giỏi, có kinh nghiệm trong công tác đấu tranh chống hoạt động lợi dụng tôn giáo và có kiến thức nhất định về tôn giáo.

Thượng tá, Ths Ngô Quang Toản       

Phó trưởng Công an thành phố Đồng Hới