Một số nhiệm vụ công tác trọng tâm đảm bảo TTATGT trên địa bàn Quảng Bình năm 2018

347
Đánh giá bài viết

Năm 2017, tình hình quốc tế và trong nước có nhiều sự kiện lớn, quan trọng, tác động trực tiếp đến hoạt động bảo đảm TTATGT của lực lượng Cảnh sát giao thông nói chung (CSGT) và lực lượng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình nói riêng. Trên địa bàn Quảng Bình diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng như: Lễ hội hang động Quảng Bình năm 2017, cuộc thi Hoa hậu Hòa Bình thế giới…; ảnh hưởng trực tiếp của bão, lũ và một số đối tượng phản động lợi dụng sự cố ô nhiễm môi trường ở miền Trung kích động biểu tình, kéo ra đường gây cản trở giao thông… Một số tuyến đường, nhất là Quốc lộ 1A đoạn qua Quảng Bình một số nơi bị xuống cấp, trong khi một số hạng mục chưa thực hiện xong; hệ thống biển báo chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ…; phương tiện và dân cư tiếp tục tăng nhanh (Hiện toàn tỉnh có 29.082 ôtô, 431.437 môtô, 16.442 xe máy điện), mật độ giao thông ngày càng dày đặc, nguy cơ ùn tắc giao thông ngày càng cao; công tác quản lý nhà nước về TTATGT còn nhiều bất cập; một số nơi các cấp uỷ Đảng, Chính quyền địa phương thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm TTATGT, chủ yếu vẫn là lực lượng Công an, chưa có sự hỗ trợ và huy động sức mạnh của quần chúng nhân dân trong thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT.

Thực hiện khẩu hiệu hành động “Đổi mới, chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, năm 2017, CBCS phòng Cảnh sát giao thông đã tích cực tham mưu và triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều chủ trương, giải pháp, giải quyết có hiệu quả những vấn đề phức tạp nổi lên trên lĩnh vực công tác đảm bảo TTATGT. Nổi bật là đã tham mưu cho cấp uỷ và chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các Nghị định của Chính phủ liên quan đến xử lý vi phạm trên lĩnh vực TTATGT…; Luật giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, Chỉ thị 22, Chỉ thị 18 của Ban Bí thư, Nghị quyết 13/CP, 32/CP, 88/CP của Chính phủ. Chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban an toàn giao thông tỉnh và Công an tỉnh ra các chỉ thị, kế hoạch và kiến nghị về tổ chức thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, góp phần đảm bảo tốt tình hình TTATXH và TTATGT, kiềm chế làm giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết và số người bị thương (Xảy ra 236 vụ, làm chết 106 người, bị thương 191 người. So với cùng kỳ 2016 giảm 15 vụ (giảm 6,3%), giảm 3 người chết (giảm 3%), giảm 45 người bị thương (giảm 23,5%)), không để xảy ra đua xe trái phép và hạn chế đến mức thấp nhất ùn tắc giao thông.

Tăng cường công tác TTKS đảm bảo TTATGT, phát huy có hiệu quả việc ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động nghiệp vụ; duy trì và thực hiện có hiệu quả biện pháp phối hợp với các lực lượng Cảnh sát khác như CSCĐ, CS113, CSHS và Công an các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức thực hiện các kế hoạch cao điểm như: Huy động lực lượng phối hợp TTKS xử lý người điều khiển và phương tiện giao thông vi phạm pháp luật giao thông, tăng cường công tác bảo đảm TTATGT, TTCC; tuần tra kiểm soát, xử lý chuyên đề vi phạm quy định về “nồng độ cồn” đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; chuyên đề xử lý các đối tượng tàng trữ, vận chuyển, cất giấu hung khí, vũ khí, ma túy, hàng hóa gian lận thương mại, lâm sản…. trên các phương tiện giao thông. Lập biên bản xử lý vi phạm 24.727 trường hợp, nộp vào ngân sách Nhà nước gần 32 tỷ đồng. Thông qua công tác TTKS đã bắt 01 đối tượng truy nã là lái xe khách tuyến Hà Nội – Sài Gòn; 01 đối tượng sử dụng tài liệu, con dấu giả, sử dụng xe ô tô không có giấy tờ nguồn gốc; 02 vụ, 3 đối tượng vận chuyển ma túy; 01 vụ vận chuyển pháo lậu, thu 14,8kg; 1 vụ vận chuyển 150 kg đá quý không có chứng từ; 01 vụ  xuất cảnh 36 người trái phép qua Trung Quốc đang trên đường từ Quảng Bình ra các tỉnh phía Bắc;  02 đối tượng gây tai nạn rồi bỏ chạy (01 vụ gây chết người ở Bố Trạch, 01 vụ gây thương tích nặng ở địa bàn thành phố Đồng Hới); phát hiện 28 vụ vận chuyển hàng cấm, hàng gian lận thương mại, lâm sản trái phép gồm: 2 vụ vận chuyển hàng cấm, hàng gian lận thượng mại, thu hàng hóa trị giá khoảng 661 triệu đồng; 12 vụ vận chuyển lâm sản trái phép (thu 411 kg gỗ Hương Giáng và 17m3 gỗ các loại); 02 vụ vận chuyển động vật hoang dã, thu 21 kg Chồn hương và 39 kg cá thể kỳ đà…

Các mặt công tác đón, dẫn đoàn luôn đảm bảo an toàn tuyệt đối, đã tổ chức đón dẫn và bảo vệ an toàn 27 đoàn Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đoàn khách quốc tế và hàng chục cuộc míttin, lễ hội, diễu hành, hội nghị, hội chợ thương mại và các hoạt động văn hoá lớn, như cuộc thi Hoa hậu Hòa bình thế giới; Lễ hội hang động Quảng Bình 2017; Lễ thông xe kỹ thuật cầu Nhật Lệ 2; diễn tập thực binh tại Quảng Trạch, Ba Đồn…

Phối hợp C67 – Bộ Công an tổ chức 3 Hội nghị tuyên truyền Luật giao thông đường bộ với 2.300 lượt người tham gia. PC67 và Công an các địa phương tổ chức 112 Hội nghị tuyên truyền PBGDPL tại 33 cụm dân cư, 26 trường học với 67.880 lượt người tham gia, đặc biệt tổ chức 02 Hội nghị tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về TTATGT vùng Đạo Thiên chúa (Thôn Cồn Sẽ, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn và thôn Xuân Hòa, xã Quảng Xuân, Quảng Trạch) có khoảng 700 người tham gia; cấp phát 200 áo phao, 200 mũ bảo hiểm mô tô, xe máy. Phối hợp với Công ty đường sắt tổ chức 5 Hội nghị tuyên truyền ATGT đường sắt với hơn 1067 lượt người tham gia. Duy trì và thực hiện việc điểm tin TTATGT hàng ngày trên sóng phát thanh truyền hình; xây dựng và phát sóng 28 chuyên mục ATGT, 27 phóng sự  ATGT và duy trì điểm tin đầy đủ. Đặc biệt, tuyên truyền rộng rãi hoạt động của hệ thống camera giám sát trên tuyến QL để nhân dân biết và chấp hành nghiêm túc;  phối hợp VTV1 xây dựng phóng sự kiến nghị tổ chức giao thông tại điểm đen Cầu Gianh và kết quả xử lý quá tải trên địa bàn; tiếp tục duy trì công tác tổ chức tuyên truyền pháp luật về ATGT qua hệ thống loa phát thanh của Đài phát thanh các huyện, xã, thị trấn. Duy trì phong trào “Thiếu niên bảo vệ đường sắt”, “Đường sông an toàn”, “Thanh niên tình nguyện”. Xây dựng các mô hình: “Tuyến du lịch an toàn, văn minh, lịch sự” ; “Đội đò an toàn”; “Trường học an toàn về ANTT giai đoạn 2015 -2020″;  “Đoàn viên trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp với ATGT” và tiếp tục phát động phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; “Thôn văn hóa giao thông”…

Lễ khánh thành hệ thống giám sát xử lý vi phạm TTATGT trên tuyến QL1A đoạn Nghệ An- Hà Tĩnh- Quảng Bình

Thời gian tới, để tiếp tục đảm bảo tốt TTATGT toàn lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Quảng Bình cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ công tác trọng tâm sau:

1. Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh, Lãnh đạo Công an tỉnh có kế hoạch chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai các giải pháp thực hiện tốt Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các Nghị quyết của Chính phủ, Chiến lược quốc gia về bảo đảm TTATGT đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, nhất là Chỉ thị số 02/CT-BCA ngày 03/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Tăng cường công tác bảo đảm TTATGT của lực lượng Công an trong tình hình mới”. Tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương và Chính phủ có giải pháp kinh tế, kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ để chống ùn tắc giao thông, trong đó chú trọng cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông…

2. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT, trong đó chú trọng phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT. Công tác tuyên truyền cần đa dạng hóa hình thức, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, tập trung vào đối tượng thanh, thiếu niên học sinh, sinh viên, người trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nhất là đội ngũ lái xe, từ đó đề cao trách nhiệm, tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, xây dựng “văn hoá giao thông”và tiếp tục làm tốt công tác khen thưởng, biểu dương kịp thời những tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác đảm bảo TTATGT.

3. Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông theo các chuyên đề, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Chú trọng sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, hệ thống giám sát phát hiện xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. Phối hợp và tổ chức thực hiện các chuyên án đấu tranh khám phá các băng, ổ nhóm tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông, nhất là trên tuyến đường thuỷ nội địa… Phát hiện, khắc phục và xử lý kịp thời các tồn tại, vướng mắc trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông…

4. Xây dựng các phương án cụ thể bố trí lực lượng tổ chức chỉ huy, điều khiển giao thông;giải quyết ùn tắc giao thông với nhiều tình huống khác nhau để khi xảy ra ùn tắc giao thông thì có biện pháp giải quyết kịp thời, nhanh chóng; phối hợp phân luồng từ xa và tổ chức giao thông hợp lý.

5. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông; lực lượng CSGT tăng cường mối quan hệ phối hợp với các ngành, các cấp và huy động lực lượng tham gia thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT, kiềm chế tai nạn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông. Việc phối hợp với Thanh tra giao thông trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quá tải phải thực hiện theo đúng quy định tại Thông báo số 13/TB-BCA ngày 08/9/2016 của Bộ Công an.

6. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và tổ chức thực hiện có hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ Cảnh sát giao thông; trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ phù hợp và tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường năng lực công tác của lực lượng Cảnh sát giao thông đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

7. Tổ chức lực lượng phối hợp tốt giữa ngành Công an và ngành Giao thông vận tải để giải quyết có hiệu quả việc vận tải hành khách và xử lý vi phạm chở quá người của xe chở khách thông báo đường điện thoại nóng và bố trí lực lượng ứng trực trên các tuyến giao thông trọng điểm, nhất là trong dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018. Tăng cường kiểm tra an toàn giao thông đường thuỷ nội địa, tập trung vào các đối tượng và địa bàn có hoạt động ngang sông, dọc sông, theo tuyến cố định, các hoạt động du lịch, lễ hội, vui chơi, giải trí trên đường thuỷ nội địa, không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường thuỷ. Kịp thời phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, biểu dương những gương người tốt, việc tốt, tạo dư luận xã hội phê phán các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; từng bước xây dựng, hình thành văn hóa giao thông gắn với xây dựng khu dân cư văn hóa, văn minh, an toàn.

Trung tá, Ths Trần Đức Dương       

Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông