Mô hình “Thôn an toàn” trên địa bàn huyện Quảng Trạch, dấu ấn sau một năm triển khai

444
Đánh giá bài viết

Sau khi nhận được Kế hoạch số 958/KH-CAT-PV28 ngày 18/5/2017 của Công an tỉnh về xây dựng mô hình “Tổ dân phố, thôn, bản an toàn”. Công an huyện Quảng Trạch đã tham mưu cho Ban chỉ đạo 138 huyện có Kế hoạch số 66/KH-BCĐ ngày 26/6/2017 về xây dựng mô hình “Thôn an toàn” trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ triển khai trên toàn huyện. Đồng thời đã chọn địa bàn xã Quảng Thanh để xây dựng mô hình điểm toàn tỉnh. Trong thời gian triển khai xây dựng mô hình “Thôn an toàn” ở huyện Quảng Trạch được sự chỉ đạo thường xuyên của Lãnh đạo Công an tỉnh; sự phối hợp hướng dẫn tích cực, sâu sát của các đơn vị chức năng. Vì vậy, Hội nghị triển khai xây dựng mô hình “Thôn an toàn” tại xã Quảng Thanh được chọn làm điểm toàn tỉnh, có  lãnh đạo Công an tỉnh, Ban chỉ đạo 138 huyện dự phát biểu chỉ đạo; có sự tham gia của chỉ huy Công an các đơn vị, địa phương và đại diện chỉ huy đội xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT; Chủ tịch UBND, Trưởng Công an các xã trên địa bàn huyện; toàn thể cán bộ cốt cán cấp xã, Ban cán sự thôn tại xã Quảng Thanh; đặc biệt có sự tham dự, phát biểu tham luận và ký cam kết thực hiện mô hình “Thôn an toàn”của đại diện HĐMV họ giáo trên địa bàn.

Sau hội nghị triển khai điểm tại xã Quảng Thanh. Công an huyện đã chỉ đạo Công an các xã tham mưu cho Ban chỉ đạo 138 xã tiến hành xây dựng mô hình “Thôn an toàn” trên địa bàn xã mình. Đồng thời tổ chức ngay tại các thôn, xóm, khu dân cư. Tham mưu cho Huyện ủy ban hành công văn số 285-CV/HU, ngày 29/9/2017; Kế hoạch số 19/KH-BCĐ, ngày 10/10/2017 của Ban chỉ đạo 138 huyện về mở đợt tập trung phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn trọng điểm; ban hành Kế hoạch số 2273/CAQT, ngày 25/10/2017 về phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và củng cố mô hình tự quản về ANTT. Trong đó, mục tiêu là tiếp tục xây dựng mô hình “Thôn an toàn” và thành lập “Tổ tự phòng, tự quản, tự bảo vệ” ngay tại các xóm, chòm, khu dân cư.

Dấu ấn đạt được sau một năm vừa qua thể hiện ở chỗ: Công an huyện đã chỉ đạo cán bộ phụ trách địa bàn các xã bám sát cơ sở, tổ chức khảo sát đánh giá toàn diện thực trạng tình hình địa bàn khu dân cư, thôn nơi xây dựng mô hình. Trong khảo sát đã nêu rõ đặc điểm địa lý, tự nhiên, tình hình dân cư, dân số, tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tình hình và kết quả hoạt động của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể; tình hình đời sống tâm tư nguyện vọng và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân; tình hình ANTT trên địa bàn (tội phạm, tệ nạn xã hội, tụ điểm phức tạp về ANTT, các loại đối tượng…); các nội quy và quy ước, hương ước, phong tục tập quán và các vấn đề khác có liên quan đến công tác đảm bảo ANTT của địa phương. Đặc biệt, trong báo cáo đánh giá khảo sát từng địa bàn đã chỉ ra những nguy cơ, nguyên nhân điều kiện có thể phát sinh tội phạm, nêu rõ sự cần thiết xây dựng mô hình và đề xuất cấp ủy, chính quyền tổ chức xây dựng mô hình.

Sau khi tổ chức thành công Hội nghị triển khai xây dựng mô hình điểm tại xã Quảng Thanh. Công an huyện đã có Công văn chỉ đạo Ban Công an các xã chủ động tham mưu Đảng ủy xã ban hành Nghị quyết chuyên đề, UBND xã ban hành kế hoạch triển khai xây dựng mô hình “Thôn an toàn”; hướng dẫn cho Công an xã trong triển khai kế hoạch của UBND xã cần xác định rõ mục tiêu, yêu cầu cụ thể; nội dung, biện pháp, thời gian tiến độ thực hiện, phân công lực lượng, thành viên tham gia. Trong đó đôn đốc, hướng dẫn Công an xã tham mưu cho lãnh đạo xã xây dựng các bước thực hiện như sau:

– Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện mô hình (Thành phần Ban chỉ đạo gồm: Đại diện Đảng ủy, UBND, MTTQVN, Đoàn thanh niên, Phụ nữ…)

– Ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo; quy định trách nhiệm cho các tổ chức đoàn thể, từng thành viên. Quy chế hoạt động của mô hình “Thôn an toàn”.

– Tổ chức họp cấp xã gồm: Cán bộ cốt cán cấp xã, cán bộ các đoàn thể chính trị xã hội để quán triệt và thống nhất thông qua kế hoạch.

– Tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của mô hình để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.

Đối với các thôn:

– Tổ chức hội nghị ở thôn để triển khai kế hoạch xây dựng mô hình, ký cam kết đến từng hộ gia đình, tranh thủ ý kiến của nhân dân để bổ sung biện pháp tổ chức thực hiện mô hình. Cử các thành viên tham gia trên cơ sở tự nguyện và sự tín nhiệm của nhân dân.

– Tập huấn về nội dung, quy chế, chức năng, nhiệm vụ, phương pháp hoạt động và quyền hạn của tổ chức; hướng dẫn nghiệp vụ, truyền đạt kinh nghiệm xử lý tình huống cho các thành viên. Trang bị phương tiện, cơ sở vật chất đảm bảo hoạt động của tổ chức.

– Kiện toàn các tổ chức làm công tác đảm bảo ANTT như: Ban An ninh thôn, Đội An ninh xung kích, các tổ An ninh tự quản và chức năng nhiệm vụ của từng tổ chức cơ sở (có quyết định của Chủ tịch UBND xã).

– Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn bổ sung các nội dung đáp ứng các yêu cầu đã đặt ra. Sơ kết, rút kinh nghiệm và phổ biến nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Đến nay đã xây dựng hoàn thiện 18/18 xã có mô hình “Thôn an toàn”, trong đó 107/107 thôn đều có bản cam kết thực hiện mô hình. Đại diện các họ giáo và hộ gia đình đều có bản cam kết để thực hiện mô hình “Thôn an toàn”.

Mô hình “Thôn an toàn” tại địa bàn huyện sau khi xây dựng đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn mọi người rèn luyện, xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, các nội quy, quy ước, hương ước của địa phương; chủ động đề ra và thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tội phạm, tự bảo vệ an toàn tính mạng của cá nhân, gia đình, người thân và cộng đồng. Tự giác, nhiệt tình tham gia công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở địa phương, giáo dục, quản lý, giúp đỡ người thân không liên quan tới tội phạm và tai, tệ nạn xã hội; tham gia cảm hóa giáo dục, quản lý người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư; tố giác tội phạm, vận động người phạm tội ra tự thú, tham gia hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân. Hưởng ứng và tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng ý thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ.

Hiệu quả đem lại từ mô hình “Thôn an toàn” đã nâng cao được ý thức cảnh giác, tích cực phòng ngừa và có biện pháp bảo vệ an toàn tài sản của cá nhân, gia đình, cơ quan, đơn vị và của nhà nước. Các xã, cơ quan, doanh nghiệp, trường học thường xuyên rà soát những quy định về bảo vệ tài sản, phòng, chống cháy, nổ… chủ động xây dựng mới hoặc bổ sung các quy định, nội quy để khắc phục sơ hở, thiếu sót trong quản lý tài sản, không để đối tượng xấu lợi dụng chiếm đoạt, hủy hoại tài sản nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ tài sản. Từng cá nhân, gia đình cán bộ, công chức viên chức các cấp đã tự giác kiểm tra, phát hiện những sơ hở của mình và khắc phục kịp thời để bảo vệ an toàn tài sản do chính mình quản lý, sử dụng.

Sau khi thành lập mô hình “Thôn an toàn” tại các chòm, xóm, khu dân cư đã góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa lực lượng Công an với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, tự giác phòng ngừa, phản bác các luận điệu xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch, phòng, chống tội phạm và tai, tệ nạn xã hội; thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, chấp hành nghiêm các quy định về quản lý cư trú, giữ gìn trật tự an toàn giao thông; phòng, chống cháy, nổ.

Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án phát triển kinh tế, xã hội; giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện ngay từ cơ sở, nhất là vấn đề liên quan đến đất đai; hạn chế việc khiếu kiện đông người phức tạp. Các thôn xóm đã củng cố, bổ sung, xây dựng hoàn thiện hệ thống nội quy, quy ước an toàn về an ninh, trật tự; chủ động đề ra các biện pháp phòng ngừa tội phạm và tai, tệ nạn xã hội có hiệu quả.

Qua một năm triển khai mô hình “Thôn an toàn” có thể rút ra một số vấn đề sau:

Công tác xây dựng các mô hình tự quản về ANTT ở cơ sở nói chung, mô hình “Thôn an toàn” trên địa bàn huyện đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo chỉ đạo, các ban ngành, tổ chức quần chúng tham gia. Vì vậy, tuy mới xây dựng 01 năm nhưng bước đầu đã có hiệu quả thiết thực. Số vụ việc vi phạm pháp luật đã được kiềm chế, tình hình tệ nạn ma túy nói chung, trong các trường học trên địa bàn nói riêng cơ bản được giữ vững, không phát sinh đối tượng và điểm có tệ nạn ma túy mới. Điểm nhấn hiện nay 18/18 xã trên địa bàn đã có Quyết định thành lập được 234 tổ “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ”, với số lượng 3.331 thành viên tham gia. Công an huyện đã chủ trì phối hợp với UBMT huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn biện pháp công tác, kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ cho 100% thành viên của các tổ tham gia.

Tuy vậy, do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, tình hình ANTT trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, các ban ngành tập trung mọi lực lượng để tham gia giải quyết các tình hình xảy ra nên công tác kiểm tra chưa được thực hiện nhằm chấn chỉnh công tác đảm bảo ANTT tại các trường học.

Công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho cán bộ, nhân dân nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên về chính sách, pháp luật và đạo đức lối sống chưa đồng đều, chưa sâu rộng. Công tác phối hợp giữa các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội với chính quyền và lực lượng Công an trong công tác đảm bảo ANTT chưa chặt chẽ, thiếu thường xuyên.

Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn xã có nơi, có lúc còn mang tính hình thức, phát triển chưa có chiều sâu, chưa thực sự vững mạnh và có sức lan tỏa. Trong công tác đảm bảo ANTT ở địa bàn cơ sở tuy đã được củng cố một bước đáng kể, song tình hình vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội vẫn còn xảy ra, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên…

Ý thức tự bảo quản tài sản, cắt cử người trông coi tài sản tại một số hộ gia đình còn lơ là, mất cảnh giác, còn ỷ lại, cho rằng đây là nhiệm vụ của cơ quan Công an.

 Nguyên nhân của tình trạng trên là do: Vai trò lãnh đạo và chỉ đạo của cấp ủy chính quyền và sự phối hợp giữa các ban, ngành còn nhiều hạn chế, chưa chủ động lồng ghép với phong trào thi đua cách mạng khác, nhận thức của một bộ phận nhân dân về ý thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ chưa cao, chưa mạnh dạn tố giác tội phạm, ngại va chạm… đã ảnh hưởng đến sự lớn mạnh của phong trào. Nhận thức về nhiệm vụ đảm bảo ANTT tại các địa phương, nhất là công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân có lúc, có nơi chưa thực sự sâu sắc; công tác tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với việc xây dựng mô hình “Thôn an toàn”có mặt còn hạn chế. Sự phối hợp thực hiện Nghị quyết liên tịch, Kế hoạch liên ngành về phối hợp hoạt động giữa các lực lượng, đoàn thể quần chúng với lực lượng Công an cơ sở chưa được chặt chẽ và thiếu thường xuyên. Công tác nắm tình hình chưa chủ động, chưa sâu sát, có lúc, có khi còn yếu. Kinh phí triển khai cho việc xây dựng mô hình không có, nên hiệu quả mang lại chưa cao. Thậm chí nhiều địa phương không có kinh phí để in ấn tài liệu, soạn thảo văn bản, xây dựng các kế hoạch chuyên đề.

Kiến nghị, đề xuất: Hiện có nhiều loại mô hình tự quản về ANTT tại địa phương đòi hỏi có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong đó lực lượng Công an là nòng cốt. Cho nên nhiều đồng chí trong cấp ủy, chính quyền phải nằm trong “Ban chỉ đạo” của rất nhiều loại mô hình khác nhau, dẫn đến chồng chéo trong chỉ đạo điều hành. Đề nghị nên gộp các loại mô hình lại, hoặc lồng ghép vào nhau, tập trung vào một Ban chỉ đạo 138 của xã để tăng cường công tác chỉ đạo sát thực hơn, mang lại hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, tệ nạn xã hội hơn.

Bài học kinh nghiệm: Đi đôi với việc xây dựng mô hình “Thôn an toàn” và phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở địa bàn trọng điểm, là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo 138 huyện, phải kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Huyện ủy- UBND huyện chỉ đạo khối Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và cấp xã phối hợp xây dựng, thành lập các tổ “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ” cấp chòm, xóm, khu dân cư. Từ đó Đảng ủy các xã chỉ đạo các ban ngành đoàn thể trên địa bàn tích cực vận động hội viên, đoàn viên của mình tham gia vào Tổ “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ” tại nơi cư trú.

Một số nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện mô hình trong thời gian tới

Thứ nhất, BCH Công an huyện tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn Công an xã, các cơ quan doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Thông tư số 23/2012/TT-BCA ngày 27/4/2012 của Bộ Công an quy định về xây dựng khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường “An toàn về ANTT”.

Thứ hai, tiếp tục hướng dẫn các xã, thôn xây dựng mô hình “Xứ, họ đạo an ninh” củng cố các mô hình tự quản về ANTT như mô hình “5 an toàn về ANTT”, mô hình “Trường học an toàn về ANTT”, mô hình “Thôn an toàn”, duy trì hoạt động của Tổ “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ” tại các thôn, chòm, xóm, khu dân cư, nhân rộng các loại mô hình phát huy tốt tác dụng theo hướng tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải ngay tại chòm, xóm, khu dân cư, gia đình, dòng họ và trong cơ quan doanh nghiệp, nhà trường.

Thứ ba, tăng cường lực lượng Công an huyện về các cụm công tác để cùng với Ban Công an các xã phối hợp các tổ “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ” vận động, tuyên truyền phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Thường xuyên phối hợp tuần tra khép kín địa bàn, không tạo kẽ hở, điều kiện khả năng để tội phạm hoạt động.

Thứ tư, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm đề xuất kinh phí cho các tổ chức quần chúng đảm bảo ANTT tại cơ sở. Định kỳ sáu tháng và cuối năm tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn.

Thứ năm, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Có như vậy mới tạo được sức mạnh toàn dân, xóa bỏ những tư tưởng lo sợ tố giác tội phạm sẽ bị trả thù hoặc nể nang, e ngại, né tránh, chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ hẹp hòi coi đó không phải là trách nhiệm của mình. Phải để tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm và vi phạm pháp luật thấm sâu, lan tỏa trong quần chúng nhân dân thì mới đem lại hiệu quả to lớn từ các mô hình này.

Trung tá, Ths Trương Việt Quảng      

Phó Trưởng Công an huyện Quảng Trạch