Một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong tình hình mới

3278
Đánh giá bài viết

Tỉnh Quảng Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch; nằm trong chương trình du lịch con đường di sản miền Trung, kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế (Lào, Thái Lan), toàn quốc; có 01 khu du lịch là di sản thiên nhiên thế giới và 19 điểm du lịch khác đa dạng, phong phú về loại hình như sinh thái, lịch sử, cách mạng, cảnh quan, văn hóa tộc người… thu hút du khách trong, ngoài nước. Tỉnh có hệ thống vật chất, dịch vụ du lịch tương đối đồng bộ, 297 cơ sở lưu trú (trong đó 17 khách sạn từ 3 sao đến 5 sao) khoảng 5.100 buồng, 10.000 giường; giao thông đi lại thuận tiện (đường bộ, hàng không), với 36 đơn vị lữ hành quốc tế, nội địa hoạt động và nhiều dự án du lịch đăng ký, được cấp phép đầu tư hơn 1 nghìn tỷ đồng dần đưa Quảng Bình trở thành trung tâm du lịch của cả nước. Khách du lịch đến địa bàn tỉnh tiếp tục tăng (Vượt qua khó khăn của sự cố môi trường biển, trong 8 tháng đầu năm 2017 có hơn 2,5 triệu khách – tăng 30% so với cùng kỳ, trong đó có 50 nghìn khách nước ngoài), doanh thu ước đạt 2,1 nghìn tỷ đồng, góp phần giải quyết khoảng 20 nghìn việc làm, tạo nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Thời gian qua, nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển du lịch, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an tỉnh đã phát huy tốt vai trò tham mưu, nòng cốt triển khai lực lượng, biện pháp đảm bảo an ninh du lịch trên địa bàn. Lực lượng Công an xác định đối tượng cần bảo vệ trong của công tác đảm bảo an ninh du lịch bao gồm hệ thống quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội, nhân lực; cơ sở vật chất – kỹ thuật trên lĩnh vực du lịch và khách trong, ngoài nước đến địa bàn du lịch. Trên cơ sở đó, căn cứ thực tiễn tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hằng năm, Công an các đơn vị, địa phương cụ thể hóa nhiệm vụ đảm bảo an ninh du lịch vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác Công an để tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Đã chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan và trực tiếp xây dựng, triển khai kế hoạch bảo vệ, nắm tình hình, tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết những vấn đề nổi lên; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn âm mưu, hoạt động lợi dụng du lịch xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của các thế lực thù địch, phản động và tội phạm. Công tác xử lý các vụ việc về ANTT liên quan khách du lịch tương đối kịp thời, đáp ứng các yêu cầu chính trị, pháp luật, ngoại giao; không để ảnh hưởng đến du lịch, nhất là người nước ngoài vi phạm pháp luật, bị mất tài sản, tai nạn; hỗ trợ việc mất giấy tờ, hộ chiếu… Tập trung quản lý nhà nước về ANTT du lịch (Trong đó, chú trọng ứng dụng công nghệ – thông tin vào quản lý tạm trú, tạm vắng khách du lịch, người nước ngoài; hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ; công tác đảm bảo an toàn phòng, chống cháy, nổ, trật tự, an toàn giao thông). Tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, xây dựng nếp sống văn hóa, tự quản, phối hợp, giúp đỡ cơ quan Công an, chính quyền cơ sở giải quyết vụ việc về ANTT, nhờ đó xây dựng hình ảnh đẹp về quê hương, con người Quảng Bình; tạo môi trường lành mạnh, ổn định để du lịch phát triển.

Để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ANTT trên lĩnh vực du lịch trên địa bàn thời gian tới, lực lượng Công an cần tập trung tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan ANTT du lịch, như Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22-6-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm ANTT trong tình hình mới; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 04/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý môi trường du lịch đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch; Chương trình hành động số 13/CTr-TU ngày 12-5-2017 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, giai đoạn 2016 – 2020. Trước mắt, cần tham mưu triển khai tốt Quyết định số 1162/QĐ-UBND, ngày 04/4/2017 của UBND tỉnh về ban hành Đề án đảm bảo an ninh du lịch tại Quảng Bình giai đoạn 2017 – 2020; tham gia thẩm định về ANTT đối với các công trình, dự án lớn đầu tư vào du lịch; giải quyết dứt điểm vụ việc, các vấn đề nổi lên, không để ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, hoạt động du lịch.Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư du lịch để thuê đất lâu dài, vay vốn đầu tư nhưng triển khai dự án chậm, kém hiệu quả, thua lỗ, kéo dài gây thất thoát nguồn vốn của Nhà nước. Công tác quy hoạch, triển khai dự án du lịch ở khu vực quan trọng, xung yếu về quốc phòng – an ninh còn bất cập; phát hiện không ít người nước ngoài lợi dụng du lịch hoạt động sai mục đích nhập cảnh, vào khu vực cấm, thu thập tài liệu, móc nối, tuyên truyền, phát triển đạo trái phép, trốn ở lại hoặc vượt biên sang nước thứ ba, cá biệt có trường hợp kết hôn bất hợp pháp với phụ nữ địa phương. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn (Lữ hành, lưu trú, ẩm thực) manh mún, nhiều trường hợp không có giấy phép; chậm trễ trong khai báo, lưu trữ chưa đầy đủ giấy tờ tùy thân của khách du lịch; vi phạm trật tự công cộng, trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy, nổ. Đáng chú ý, thời gian gần đây xuất hiện một số vụ trộm cắp, cướp giật tài sản khách du lịch nước ngoài; cạnh tranh không lành mạnh, có hành vi gọi điện đe dọa cán bộ quản lý du lịch, răn đe tài xế chở khách, “đeo bám”, “chèo kéo”, “cò mồi” khách…, đặt ra khó khăn, thách thức đối với sự phát triển bền vững của du lịch, tác động tiêu cực đến ANTT địa phương.

Chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, tội phạm, tệ nạn xã hội lợi dụng du lịch chống phá, vi phạm pháp luật. Nâng cao chất lượng các mặt công tác nghiệp vụ, nắm chắc tình hình đấu tranh có hiệu quả với tội phạm hình sự, như cướp, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… khách du lịch; không để hình thành băng, ổ nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tụ điểm tệ nạn ma túy, cờ bạc, mại dâm; mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Thực hiện nghiêm túc chế độ trực, cập nhật, thống kê tình hình, số liệu, báo cáo; duy trì lực lượng thường xuyên tiếp nhận, xử lý kịp thời tin báo, tố giác tội phạm, thông tin vụ việc về ANTT liên quan du lịch.

Tăng cường công tác quản lý xuất, nhập cảnh, người nước ngoài, tạm trú, tạm vắng, đầu tư ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phòng chống cháy, nổ, đảm bảo trật tự công cộng, trật tự, an toàn giao thông. Phối hợp với các ban, ngành chức năng, như Văn hóa và Thể thao, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, nhất là với Sở Du lịch xây dựng, triển khai Quy chế phối hợp trao đổi, xử lý thông tin, quản lý nhà nước về du lịch, bảo vệ chính trị nội bộ; kế hoạch, biện pháp đảm bảo ANTT hoạt động lữ hành, khai thác các tuyến, điểm du lịch mới (Du lịch mạo hiểm, thám hiểm hang động; du lịch bằng trực thăng, mô tô nước, sử dụng thiết bị bay không người lái…); hỗ trợ, hướng dẫn thành lập tổ phản ứng nhanh bảo đảm an toàn, ANTT trong hoạt động du lịch. Phối hợp tổ chức tuần tra, canh gác, bảo vệ các địa bàn, mục tiêu trọng điểm, nơi diễn ra các sự kiện văn hóa lớn, trung tâm du lịch; thanh kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh việc dừng đỗ, đón trả khách, hàng hóa không đúng nơi quy định, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo; “cò mồi”, “đeo bám”, “chèo kéo”, ép buộc khách, gian lận, tăng giá tùy tiện.

Đẩy mạnh vận động quần chúng, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn du lịch. Tập trung tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về tình hình, nhiệm vụ, trách nhiệm đảm bảo ANTT du lịch; xây dựng phong cách ứng xử văn minh, lịch sự, giữ gìn an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường du lịch. Chú trọng phổ biến giáo dục pháp luật; vận động, hướng dẫn doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, nhân dân sinh sống trên địa bàn du lịch tham gia các mô hình tự quản về ANTT (Bãi tắm, tuyến phố văn minh; đội thuyền du lịch văn hóa, an toàn…); chấp hành tốt quy định của pháp luật về đăng ký, quản lý người nước ngoài, khách du lịch; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn và cứu nạn, cứu hộ. Làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng, quản lý đối tượng trong cộng đồng dân cư. Định kỳ tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh cho lãnh đạo chính quyền cơ sở, hướng dẫn viên du lịch; củng cố, kiện toàn nâng cao năng lực, trình độ lực lượng nòng cốt đảm bảo ANTT du lịch tại cơ sở (Công an xã, Bảo vệ dân phố, bảo vệ nhà hàng, khách sạn).

Xây dựng lực lượng chuyên trách, cơ quan thường trực tham mưu giúp việc phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo ANTT du lịch trên địa bàn trong sạch, vững mạnh, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ. Thường xuyên giáo dục chính trị – tư tưởng, truyền thống, ý thức trách nhiệm. Quan tâm bổ sung biên chế; bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, chính trị, pháp luật, ngoại ngữ; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ hỗ trợ, vũ khí; kinh phí. Định kỳ sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có thành tích, đề ra phương hướng, giải pháp đảm bảo ANTT du lịch trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới.

Trung úy Trần Ngọc Tư              

Phòng Tham mưu Công an tỉnh Quảng Bình