Một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

4483
Đánh giá bài viết

Tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thời gian gần đây diễn biến phức tạp về cả quy mô, tính chất và mức độ nguy hiểm. Nguồn ma túy (Hêrôin, ma túy tổng hợp các loại) được mua bán, vận chuyển vào Quảng Bình tiêu thụ chủ yếu là từ Lào, Nghệ An, đã có sự móc nối của các đối tượng trong và ngoài tỉnh, tỷ lệ mua bán, sử dụng ma tuý tổng hợp dạng đá trên địa bàn Quảng Bình có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu thống kê liên quan đến ma tuý, người nghiện ma tuý tính đến nay có 129/159 xã, phường, thị trấn và 2.452 đối tượng liên quan đến ma túy, trong đó có 821 người nghiện ma túy.

Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn về ma túy là trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội. Vì vậy, quan hệ phối hợp giữa các lực lượng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là tất yếu khách quan và được quy định cụ thể trong Luật phòng, chống ma túy; Bộ luật tố tụng hình sự; Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự; Nghị định số 77/2010/NĐ-CP, ngày 12-7-2010 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng; Quyết định số 133/2002/QĐ-TTg, ngày 09/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế phối hợp giữa các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan và Cảnh sát biển trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý tại địa bàn biên giới, cửa khẩu, trên biển; Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BCA-BQP hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 77/2010/NĐ-CP; Thông tư số 05/2005/TTLT ngày 07/9/2005 về quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Cơ quan điều tra trong điều tra, truy tố các vụ án hình sự…

Từ đầu năm 2017 đến nay lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm (CSĐTTP) về ma túy Công an tỉnh Quảng Bình đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng xác lập, đấu tranh có hiện quả 126 vụ/295 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về ma tuý, thu giữ 355,229 gam hêrôin, 269,382 gam ma túy tổng hợp. Xử lý hình sự 36 vụ/47 bị can, xử lý hành chính 90 vụ/248 đối tượng, phối hợp tổ chức tuyên truyền 96 cuộc về phòng, chống ma túy… Đạt được kết quả trên một phần là nhờ thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng, sự phối hợp đó được thể hiện như sau:

Phối hợp phòng, chống tội phạm ma túy trên khu vực biên giới. Đây là địa bàn do Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan quản lý, vì vậy, lực lượng CSĐTTP về ma tuý đã chủ động phối hợp với lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển trong các hoạt động, như: Phối hợp trao đổi thông tin về hoạt động của đối tượng; phối hợp trong tuyên truyền phòng, chống về ma túy (Năm 2017 đã phối hợp tổ chức 10 cuộc tuyên truyền); phối hợp trong bắt giữ, điều tra… Thực tế Hải quan, Cảnh sát biển và Biên phòng Quảng Bình trong nhiều chuyên án sau khi được thông báo và yêu cầu phối hợp đã chủ động thực hiện tốt các yêu cầu phối hợp, cung cấp các thông tin, tài liệu có giá trị liên quan đến đối tượng, địa bàn, tuyến… Trong chiều quan hệ ngược lại, khi Hải quan, Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng có yêu cầu cung cấp thông tin về đối tượng hoặc ổ nhóm, đường dây tội phạm ma tuý ở trong nội địa, thì lực lượng CSĐTTP về ma tuý luôn kịp thời trao đổi, phối hợp điều tra, xác minh.

Các lực lượng Hải quan, Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển phối hợp tổ chức hội nghị tuyên truyền phòng, chống ma túy trên địa bàn Quảng Bình

 Sau khi phát hiện và bắt giữ tội phạm ma tuý, căn cứ quy định của pháp luật về chức năng, thẩm quyền của mình, Hải quan và Bộ đội Biên phòng tiến hành khởi tố vụ án hình sự, tiến hành các hoạt động điều tra ban đầu và đã khẩn trương chuyển vụ án đến Cơ quan CSĐT (Năm 2017 lực lượng Bộ đội Biên phòng đã chuyển đến 04 vụ/ 04 bị can, điển hình như vụ lúc 16h20’ ngày 18/12/2016, tại khu vực Mốc 58 thuộc xã Dân Hóa, Minh Hóa, phòng CSĐTTP về ma tuý phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cha Lo bắt quả tang đối tượng Đeng Sổm Sá Núc (SN 1987), quốc tịch Lào trú ở bản Thoòng Khám, huyện Bua La Pha, Lào vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới, tang vật thu giữ 1.951 viên ma túy tổng hợp, 39 viên đạn thể thao, 01 con dao, 01 ĐTDĐ).

Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp trong hoạt động tố tụng hình sự các vụ án ma túy. Trong mối quan hệ này, lực lượng CSĐTTP về ma túy có trách nhiệm áp dụng các biện pháp điều tra để điều tra làm rõ tội phạm; Viện kiểm sát thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra đảm bảo việc điều tra tuân thủ đúng quy định. Trong thời gian qua, quan hệ phối hợp giữa lực lượng CSĐTTP về ma túy và Viện kiểm sát nhân dân, giữa Điều tra viên và Kiểm sát viên được phân công thụ lý vụ án được phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, như phối hợp trong việc bắt người phạm tội quả tang, phối hợp trong việc thực hiện các biện pháp điều tra, trực tiếp hỏi cung, phúc cung bị can; cùng với Điều tra viên rà soát, đánh giá chứng cứ, thủ tục và các biện pháp tố tụng đã tiến hành, đảm bảo chứng cứ và thủ tục tố tụng đầy đủ, chặt chẽ không để xảy ra oan, sai và chưa có việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, điều tra lại…

Ngoài ra, trong hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn về ma túy trong thời gian qua lực lượng CSĐTTP về ma túy còn phối hợp với nhiều ban, ngành có liên quan như Sở y tế, Sở Lao động – Thương binh xã hội, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ… trong tuyên truyền đưa đối tượng đi cai nghiện; phối hợp trong giáo dục đối tượng tại xã, phường, thị trấn… qua đó nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn.

Quan hệ phối hợp với các lực lượng khác trong ngành Công an: Trong những năm qua cho thấy sự phối hợp giữa lực lượng CSĐTP về ma tuý với các lực lượng khác trong Công an tỉnh luôn được coi trọng. Đó là phối hợp với lực lượng CSGT, lực lượng CSGT thông qua hoạt động nghiệp vụ của mình phát hiện tội phạm về ma túy đã phối hợp với lượng CSĐTTP về ma túy để bắt giữ, hay phối hợp chốt chặn kiểm tra an toàn phương tiện giao thông nhằm tạo cớ để lực lượng trinh sát tiến hành các hoạt động nghiệp vụ; tham gia truy bắt các đối tượng phạm tội bỏ chạy… Đối với các lực lượng khác như Cảnh sát QLHC, Cảnh sát khu vực, Công an xã đã tích cực phối hợp trong công tác phát hiện các đối tượng phạm tội, quản lý đối tượng có liên quan về ma túy trên địa bàn, các đối tượng lẫn trốn, phối hợp trong việc bắt, khám xét…; phối hợp với lực lượng kỹ thuật hình sự trong hoạt động giám định chất ma tuý để kết luận có hay không có chất ma tuý, kết luận đó trong nhiều trường hợp giữ vai trò quyết định chứng minh tội phạm. Lực lượng Cảnh sát Bảo vệ, Cảnh sát Cơ động cũng thường xuyên phối hợp trong đấu tranh chống tội phạm ma tuý, như tuần tra, kiểm soát để phát hiện đối tượng có liên quan đến ma túy, phối hợp trong việc phá án…. Trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, các lực lượng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát môi trường khi có các tin tức về hoạt động của tội phạm ma tuý đã kịp thời trao đổi để lực lượng CSĐTTP về ma tuý xác minh hay phối hợp trao đổi thông tin về đối tượng có liên quan khi có yêu cầu.

Quan hệ phối hợp của lực lượng CSĐTTP về ma tuý Công an Quảng Bình với Công an các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị. Đây là các tỉnh giáp ranh với tỉnh Quảng Bình; thời gian gần đây nguồn ma tuý đưa vào Quảng Bình chủ yếu từ Lào, Nghệ An, Quảng Trị. Một số đối tượng trong tỉnh đã móc nối với các đối tượng ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị để hoạt động phạm tội, như trong chuyên án 1117-S đối tượng Lê Ngọc Sơn đã móc nối với các đối tượng ở Nghệ An thường xuyên đưa ma túy vào bán cho Sơn. Liên quan đến chuyên án này lực lượng CSĐTTP về ma tuý thu giữ 01 bánh hêrôrin, trọng lượng 347,756g và 5.926 viên ma túy tổng hợp. Lực lượng CSĐTTP về ma túy Công an tỉnh Quảng Bình thường xuyên phối hợp với các tỉnh bạn để xác minh, thu thập thông tin về đối tượng hay cung cấp thông tin về đối tượng người Quảng Bình phạm tội về ma túy cho tỉnh bạn để phục vụ công tác.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thời gian qua công tác phối hợp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định, như: Nội dung trao đổi thông tin chưa sâu, chưa thường xuyên, chưa cụ thể còn mang tính đơn lẻ của từng vụ việc; việc xác lập, đấu tranh chuyên án, vụ án chung về ma túy còn ít (04 vụ/ năm), chưa đáp ứng với tình hình thực tiễn; sau khi kết thúc các vụ việc chưa tổ chức tổng kết, trao đổi, rút kinh nghiệm; phối hợp trong công tác nghiệp vụ chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ, chưa xây dựng kế hoạch chung để triển khai thực hiện mà mỗi lực lượng còn làm theo kiểu riêng của mình… Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức, chuyên môn, nghiệp vụ, thẩm quyền khác nhau của các lực lượng; do nhận thức về quan hệ phối hợp chưa thống nhất, chưa thật sự tin tưởng lẫn nhau, chưa có cơ chế phối hợp đồng bộ, toàn diện trên toàn tuyến để xác định trách nhiệm của từng lực lượng phối hợp; một bộ phận cán bộ còn yếu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ dẫn đến ngại phối hợp làm ảnh hướng đến yêu cầu chung…

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý trên địa bàn, thời gian tới cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức cho CBCS của các lực lượng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác phối hợp, phải xác định công tác phối hợp trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn về ma tuý là một biện pháp quan trọng nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào công tác phòng, chống ma túy. Phối hợp không làm ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ riêng của từng lực lượng mà tạo sức mạnh tổng hợp, tập trung được sự lãnh đạo, chỉ huy, tập trung được lực lượng, phương tiện cho công tác phòng, chống tội phạm về ma túy, đảm bảo cho các lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Để thực hiện tốt yêu cầu trên cấp ủy, chỉ huy các đơn vị có liên quan trong công tác phối hợp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho CBCS nắm vững các quy định của pháp luật, quy định của ngành về công tác phối hợp; phân công, giao nhiệm vụ cho một đồng chí cấp ủy, chỉ huy đơn vị trực tiếp phụ trách, chỉ đạo, xử lý các vấn đề có liên quan đến công tác phối hợp; hàng năm cần xây dựng nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện mối quan hệ phối hợp, làm cho quan hệ phối hợp trở nên thực chất, chặt chẽ, gắn bó trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành; phối hợp toàn diện với các lực lượng có liên quan trong công tác phòng, chống tội phạm về ma túy, đó là: Tiếp tục duy trì thực hiện quy chế phối hợp với Hải quan, Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển trong nắm tình hình; triển khai thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản và phối hợp trong đấu tranh bắt giữ, phối hợp trong tuyên truyền phòng, chống về ma túy. Tổ chức giao ban định kỳ để thông báo cho nhau về âm mưu, thủ đoạn, tình hình hoạt động của tội phạm trong khu vực biên giới, cửa khẩu và trong nội địa; tăng cương phối hợp trong việc xác lập, đấu tranh chuyên án, vụ án chung về ma túy trên địa bàn biên giới, cữa khẩu, địa bàn ven biển; triển khai xây dựng kế hoạch chung về ĐTCB tuyến biên giới, cửa khẩu và khu vực ven biển để thực hiện chung theo quy định; tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm sau mỗi đợt thực hiện.

Phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát ngay từ ban đầu, đối với những vụ việc phức tạp cần tổ chức đánh giá tài liệu ban đầu để xác định có hay không có sự việc phạm tội xảy ra để quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án; bổ sung tài liệu, chứng cứ trước khi kết thúc điều tra; khi có vướng mắc cần tổ chức họp liên ngành để đánh giá chứng cứ trước khi ra quyết định…. Phối hợp giữa 3 ngành tiến hành điều tra, truy tố xét xử một số vụ án điểm, xét xử lưu động phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức phòng, chống tội phạm về ma tuý. Duy trì mối quan hệ phối hợp với các ban, ngành có liên quan nhằm mục đích huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn

 Tăng cường phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ trong ngành Công an; Công an phường, xã… để nắm bắt tình hình, thu thập các thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động của tội phạm ma tuý; phối hợp trong công tác điều tra, phá án; phối hợp trong công tác nghiệp vụ cơ bản; kỹ thuật hình sự và thực hiện các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ khi có yêu cầu… Mở rộng quan hệ phối hợp với Công an các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị để ngăn chặn việc móc nối hoạt động phạm tội của các đối tượng trong ngoài tỉnh, ngăn chặn việc đưa ma túy từ nơi khác vào Quảng Bình.

Ba là, tổ chức các hội thảo, hội nghị trao đổi, rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp; mở các lớp tập huấn chung cho cán bộ chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy về nghiệp vụ, pháp luật nhằm nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là kỹ năng công tác cho lực lượng phòng, chống ma túy; thông báo cho nhau và cử cán bộ tham gia hội thảo, hội nghị, các lớp tập huấn do cơ quan, đơn vị mình tổ chức có liên quan đến công tác phòng, chống ma túy.

Bốn là, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy chế phối hợp giữa các lực lượng, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắt để có biện pháp xử lý. Tiếp tục rà soát kiến nghị bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác phối hợp; ký kết, bổ sung các kế hoạch phối hợp với các lực lượng mới phát sinh để triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Năm là, tích cực, chủ động tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong quan hệ phối hợp giữa các lực lượng phòng, chống ma túy; phối hợp với các lực lượng có liên quan kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền những giải pháp phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ hiệu quả, hạn chế tối đa sự gia tăng tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn.

Thượng tá, Ths Trần Bình Thuận                   

Phó Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy