Một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm cướp giật tài sản trên địa bàn Quảng Bình

1460
Đánh giá bài viết

Mặc dù chiếm một tỷ lệ không cao trong tổng số các vụ phạm pháp hình sự xảy ra trên địa bàn, nhưng tội phạm cướp giật tài sản vẫn luôn là loại tội phạm rất nguy hiểm, bởi ngoài việc gây thiệt hại về tài sản, loại tội phạm này đôi lúc còn gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khoẻ cho người bị hại.

Thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, từ năm 2012 đến nay xảy ra 134 vụ cướp giật tài sản, gây thiệt hại gần 1 tỷ đồng, làm bị thương 7 người, chiếm 4,7% tổng số vụ phạm pháp hình sự. Thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng là đi xe mô tô một mình hoặc 2 đối tượng đến các đoạn đường vắng hoặc vào những thời điểm vắng người, tập trung vào khoảng thời gian từ 11 giờ đến 13 giờ và từ 19 giờ đến 23 giờ; khi phát hiện những phụ nữ có đeo túi xách, đồ trang sức như dây chuyền… đặc biệt là đang đi một mình, chúng liền áp sát, giật lấy tài sản rồi tăng ga bỏ chạy. Có nhiều trường hợp người bị hại bị giật tài sản khi đang điều khiển các phương tiện giao thông; kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông của phụ nữ thường không vững, vì vậy khi đang điều khiển phương tiện mà bất ngờ bị giật tài sản rất dễ xảy ra tai nạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ. Năm 2016, xuất hiện thủ đoạn phạm tội cướp giật mới là các đối tượng vào các cửa hàng kinh doanh vàng bạc giả vờ hỏi mua vàng, khi nhân viên đưa vàng cho đối tượng xem thì đối tượng cầm rồi bỏ chạy ra xe mô tô tẩu thoát.  Đặc biệt trong năm 2016, đã xảy ra 1 vụ cướp giật tài sản của người nước ngoài, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch của địa phương.

Tội phạm cướp giật tài sản xảy ra do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do ý thức cảnh giác của người dân chưa cao. Mặc dù các lực lượng chức năng đã kịp thời tuyên truyền phương thức, thủ đoạn phạm tội của đối tượng rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng tình trạng phụ nữ đeo túi xách khi đi mô tô vào các thời điểm vắng người vẫn xảy ra, đã tạo điều kiện cho đối tượng gây án, có trường hợp mang theo tài sản lớn nhưng lại để rất sơ hở.

Theo quy luật, vào thời điểm gần tết Nguyên đán, các loại tội phạm thường xảy ra nhiều, trong đó có tội phạm cướp giật tài sản. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống loại tội phạm này, cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Một là, lực lượng Công an mà chủ công là lực lượng Cảnh sát hình sự tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền pháp luật, giáo dục nhân dân nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn hoạt động phạm tội, hạn chế các điều kiện nảy sinh tội phạm. Phát động phong trào toàn dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm. Vận động các điểm kinh doanh vàng bạc, đá quý lắp đặt các thiết bị giám sát an ninh để nhận dạng đối tượng khi có các vụ án xảy ra. Kiến nghị Cấp uỷ Chính quyền các cấp lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng.

Hai là, đẩy mạnh các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản. Tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ các đối tượng có điều kiện, khả năng phạm tội cướp giật tài sản. Xây dựng phần mềm quản lý đối tượng qua mạng nội bộ của ngành hoặc tăng cường trao đổi thông tin liên quan đến tội phạm nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị nắm chắc đối tượng hoạt động lưu động, liên tuyến, liên địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn.

Ba là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý hành chính Nhà nước về ANTT, như: Quản lý nhân, hộ khẩu, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện, kịp thời phát hiện các đối tượng hoạt động lưu động đến cư trú trên địa bàn để có biện pháp quản lý và phát hiện, thu giữ các tang vật, tài sản phạm tội mà đối tượng tiêu thụ.

Bốn là, duy trì và phát triển các mô hình tổ an ninh, tổ dân phòng, tổ tự quản… tại cơ sở. Phối hợp các lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát tại những tuyến, địa bàn trọng điểm, vào những giờ cao điểm thường xảy ra tình trạng cướp giật tài sản nhằm kịp thời phát hiện, bắt giữ đối tượng khi gây án.

Năm là, phối hợp với Viện kiểm sát, Toà án đưa các vụ án cướp giật tài sản ra xét xử công khai lưu động để răn đe, giáo dục đối tượng, đồng thời nhằm nâng cao ý thức cảnh giác trong nhân dân.

Sáu là, thực tế hiện nay cho thấy, các đối tượng cướp giật tài sản thường sử dụng xe mô tô phân khối lớn, sau khi gây án chúng bỏ chạy với tốc độ cao. Một số trường hợp phát hiện được đối tượng nhưng lại lo ngại cho sự an toàn của bản thân nên không dám truy đuổi. Vì vậy, cần có chế độ khen thưởng, biểu dương kịp thời đối với các quần chúng có thành tích trong đấu tranh với tội phạm cướp giật để phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm.

Phan Thị Cẩm Hạnh