Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh kinh tế trong các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

3126
Đánh giá bài viết

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có trên 5050 doanh nghiệp hoạt động với số vốn đăng ký là trên 47.068 tỷ đồng. Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động khắc phục khó khăn về tài chính, tìm kiếm thị trường, sắp xếp lại sản xuất, đầu tư cải tiến kỹ thuật, công nghệ nên sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng ổn định và phát triển, đóng góp một phần không nhỏ vào thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên, quy mô doanh nghiệp của tỉnh còn nhỏ, năng suất lao động thấp, năng lực quản trị, tài chính và sức cạnh tranh thấp, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh chưa cao. Mặt khác do tác động của mặt trái cơ chế thị trường nên tình hình tội phạm kinh tế, tham nhũng diễn biến phức tạp, xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng cơ bản; tội phạm trong lĩnh vực thuế nhất là mua bán, sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng trái phép vẫn diễn ra với nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi… đã tác động tiêu cực đến các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Để phục vụ tốt sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, lực lượng An ninh kinh tế Công an tỉnh Quảng Bình đã chủ động đề xuất Lãnh đạo Công an tỉnh tham mưu kịp thời Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các chính sách, đề án, kế hoạch hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động. Tập trung thực hiện tốt chức năng tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, doanh nghiệp, đặc biệt là các sở, ban, ngành triển khai quyết liệt nhiều kế hoạch, biện pháp đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của thế lực thù địch và các loại tội phạm trên các lĩnh vực kinh tế.

Một doanh nghiệp may trên địa bàn Quảng Bình

Lực lượng An ninh kinh tế đã chủ động tham mưu các cơ quan, doanh nghiệp, các sở, ban, ngành kinh tế đẩy mạnh cải cách hành chính, giúp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, gắn với chống tham nhũng và tiêu cực; gắn công tác xây dựng Đảng, công tác giữ gìn an ninh trật tự với việc ổn định nội bộ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần không nhỏ vào kết quả phát triển kinh tế của địa phương, không để xảy ra đột xuất bất ngờ, các vụ việc phức tạp về an ninh kinh tế, các vụ tham nhũng lớn gây bức xúc trong xã hội.

Tham mưu hướng dẫn các cơ quan doanh nghiệp triển khai thực hiện Pháp lệnh bảo vệ BMNN và các quy định về công tác bảo vệ BMNN, an ninh thông tin; hướng dẫn các cơ quan doanh nghiệp xây dựng và hoàn thiện quy chế quản lý chặt chẽ các thiết bị, phương tiện có tính năng lưu trữ thông tin để phòng ngừa lộ, lọt thông tin qua mạng và bố trí sử dụng các thiết bị công nghệ không kết nối mạng internet để lưu giữ, soạn thảo và xử lý các thông tin tài liệu có liên quan BMNN.

Triển khai đồng bộ, có chiều sâu các mặt công tác nghiệp vụ, tăng cường công tác nắm tình hình đặc biệt là việc thực hiện các dự án đầu tư lớn của địa phương như: Dự án FLC Hải Ninh, dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch… qua đó, dự báo, phân tích, đánh giá và chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, doanh nghiệp biện pháp cụ thể nhằm đảm bảo an ninh kinh tế. Kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh và xử lý có hiệu quả với các loại tội phạm trên các lĩnh vực kinh tế và chống tham nhũng. Điển hình như: Vụ Cao Thị Thúy Quỳnh giả danh cán bộ ngân hàng Vietcombank chi nhánh Quảng Bình làm giả thẻ tín dụng để lừa đảo chiếm đoạt 1 tỷ 250 triệu đồng của khách hàng; vụ Nguyễn Lương Tuấn có hành vi mua bán hóa đơn GTGT của Công ty TNHH TMDV Nam Oanh và Công ty TNHH DVTM Tuấn Tiên với tổng giá trị ghi trên hóa đơn là 10.012.568.162 đồng, làm thất thoát số thuế VAT hơn 910 triệu đồng và thu lợi bất chính gần 400 triệu đồng từ việc bán hóa đơn GTGT; vụ Công ty TNHH thương mại và du lịch Trung Kiên có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế với số tiền gần 600 triệu đồng. Ngoài ra, lực lượng An ninh kinh tế đã phát hiện, trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế cụ thể để cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.

Tăng cường phối hợp với cấp ủy đảng, lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức. Tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị định của Chính phủ về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp; tham mưu, hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ bảo vệ chuyên trách và bán chuyên trách. Trong năm 2017 đã tham mưu Lãnh đạo Công an tỉnh tổ chức 01 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho 100 nhân viên bảo vệ các cơ quan, doanh nghiệp; xây dựng và triển khai phương án đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn các sự kiện kinh tế, chính trị liên quan đến lĩnh vực kinh tế; thực hiện tiêu chí cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn an toàn về an ninh trật tự; duy trì, xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo an ninh kinh tế trong các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như: Công tác dự báo, phân tích, đánh giá tình hình tác động đến hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn chưa kịp thời; hiệu quả công tác tham mưu thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế chưa thực sự cao; mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, doanh nghiệp trong đảm bảo an ninh kinh tế còn những hạn chế nhất định.

Thời gian tới, tình hình kinh tế xã hội tỉnh Quảng Bình tiếp tục tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng an ninh trật tự trên lĩnh vực kinh tế, các thế lực thù địch sẽ triệt để lợi dụng quá trình hội nhập, hợp tác kinh tế để chống phá Việt Nam, trong đó có địa bàn tỉnh Quảng Bình. Vì vậy, công tác đảm bảo an ninh kinh tế trong các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình là rất nặng nề. Lực lượng An ninh kinh tế cần phát huy vai trò nòng cốt, tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:

1. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đảm bảo an ninh kinh tế trong điều kiện hội nhập phát triển kinh tế. Trong đó tập trung quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” và đặc biệt là Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 05/01/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 13/9/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 12-CT/TW ngày 05/01/2017 của Bộ Chính trị.

2. Chủ động nắm tình hình, phân tích, đánh giá, dự báo chính xác các yếu tố tác động đến an ninh kinh tế trên địa bàn để tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp có giải pháp đảm bảo an ninh, trật tự và triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế xã hội. Phát hiện sớm âm mưu, hoạt động của các thế lực và các loại tội phạm kinh tế để tham mưu các cơ quan, doanh nghiệp chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ an ninh thông tin.

3. Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an với các cơ quan, doanh nghiệp trong công tác đảm bảo an ninh kinh tế. Trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả các quy chế phối hợp, kế hoạch liên ngành đã ký kết giữa Công an – Cảng hàng không Đồng Hới, Công an – Kho bạc, Công an – Ngân hàng, Công an – Truyền tải điện… Xây dựng cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin phục vụ có hiệu quả các kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự tại các mục tiêu kinh tế trọng điểm. Tổ chức xây dựng, duy trì và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các cơ quan, doanh nghiệp.

4. Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phát hiện, đấu tranh và xử lý với các hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, đặc biệt là đối với các hành vi vi phạm trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng, khoáng sản, tội phạm công nghệ cao, môi giới đầu tư, kinh doanh đa cấp…

5. Nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia công tác đảm bảo an ninh kinh tế trong các cơ quan, doanh nghiệp. Mỗi cán bộ, chiến sĩ cần có nhận thức đầy đủ, đúng đắn công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện hội nhập và phát triển kinh tế. Ngoài kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, hiểu biết pháp luật, cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia công tác đảm bảo an ninh kinh tế cần am hiểu sâu pháp luật chuyên ngành, thông thạo ngoại ngữ, tin học và kiến thức trên các lĩnh vực kinh tế. Gắn việc thực hiện công tác chuyên môn với việc tu dưỡng rèn luyện, phẩm chất đạo đức của cán bộ, chiến sĩ. Thực hiện nghiêm cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an Quảng Bình bản lĩnh, nhân văn vì nhân dân phục vụ” mỗi cán bộ, chiến sĩ phải thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu, tinh thần cách mạng tiến công, hành động theo 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. Kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện ngại khó, ngại khổ, lơ là trách nhiệm trong công tác, nhất là tư tưởng trung bình chủ nghĩa trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Thượng tá, Ths Phạm Sinh Bích  

Phó Trưởng phòng An ninh kinh tế