Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

843
Đánh giá bài viết

Quảng Bình là một tỉnh duyên hải thuộc Bắc Trung Bộ Việt Nam, với diện tích tự nhiên 8.000 km2, dân số gần 900.000 người. Quảng Bình giáp Hà Tĩnh về phía Bắc với dãy Hoành Sơn là ranh giới tự nhiên; giáp Quảng Trị về phía Nam; giáp Biển Đông về phía Đông; phía Tây giáp tỉnh Khăm Muộn và Tây Nam giáp tỉnh Savannakhet của nước bạn Lào. Quảng Bình có các tuyến giao thông huyết mạch quan trọng, như Quốc lộ 1Ađường Hồ Chí Minhđường sắt Bắc – Nam, cửa khẩu quốc tế ChaLo, cảng Hòn La, cảng Gianh và Cảng hàng không Đồng Hới… là những điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và giao lưu buôn bán của người dân và cũng là nơi các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng để hoạt động.

Trong những năm qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn Quảng Bình vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là những hàng hóa có giá trị và thu lợi cao như xe ô tô, gỗ quý hiếm, động vật hoang dã, thuốc lá ngoại, rượu ngoại, vải, hàng điện tử, hóa mỹ phẩm… Các đối tượng buôn lậu luôn dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện hành vi mua bán, cất giữ, vận chuyển và tiêu thụ, cụ thể như:

Đối với mặt hàng rượu ngoại và thuốc lá: Đối tượng buôn lậu thường xé lẻ, cất giấu hàng hóa trên các tuyến xe khách vận chuyển Bắc – Nam hoặc trà trộn với những hàng hóa có hóa đơn chứng từ rõ ràng, hợp pháp. Nhiều đối tượng cất giấu rượu ngoại hoặc thuốc lá trong các thùng cartoon dán kín, ở ngoài ghi nhãn “bánh kẹo” hoặc “hàng dễ vỡ” rồi gửi cho các hãng xe khách tuyến đường dài vận chuyển như hàng ký gửi thông thường.

Đối với mặt hàng lâm sản: Đối tượng vận chuyển lâm sản (Chủ yếu là gỗ các loại, một số trường hợp vận chuyển thú rừng quý hiếm) bằng xe ôtô mang biểm kiểm soát giả hoặc cất giấu lâm sản ở các nơi khó phát hiện như khe núi, lòng hồ. Nhiều trường hợp đối tượng sẵn sàng chống trả quyết liệt khi lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe kiểm tra hoặc  không cho lực lượng chức năng tiến hành bắt giữ và tịch thu tang vật vi phạm.

CBCS phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Bình kiểm điếm số hàng hóa buôn lậu bị bắt giữ

Đối với mặt hàng ôtô: Các đối tượng mua xe có nguồn gốc từ các nước có thuế suất thấp như Lào, Campuchia sau đó tìm mọi cách đưa vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch; thay đổi một số chi tiết bên ngoài xe hoặc sử dụng biển số giả để lưu thông nhằm trốn tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.

Trước tình hình đó, lực lượng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Bình đã tập trung lực lượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, như Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường trong đấu tranh  phòng, chống buôn lậu và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể: Trong năm 2016, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, điều tra xử lý 249 vụ/115 đối tượng liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, tổng giá trị hàng hóa thu giữ, xử lý ước tính gần 05 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 102 đối tượng, 727,5 triệu đồng; 6 tháng đầu năm 2017, đã phát hiện, điều tra xử lý 82/100 đối tượng liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, tổng giá trị hàng hóa thu giữ, xử lý ước tính hơn 650.000.000 đồng, xử phạt vi phạm hành chính 100 đối tượng, với gần 500 triệu đồng.

số lượng lớn hàng hóa không có chứng từ hợp pháp bị phát hiện bắt giữ

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại trên địa bàn Quảng Bình vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, đó là: Công tác nắm tình hình, phát hiện, thu nhận và xử lý thông tin về đối tượng hoạt động buôn bán, vận chuyển, cất giấu hàng buôn lậu còn chưa chủ động; công tác nghiệp vụ cơ bản tuy đã được đẩy mạnh nhưng chất lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong việc phát hiện, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, nhất là các mặt công tác nghiệp vụ; một số văn bản quy phạm pháp luật còn sơ hở để tội phạm buôn lậu lợi dụng thực hiện hành vi vận chuyển hàng lậu.

Những tháng cuối năm 2017 và trong dịp Tết Nguyên đán 2018, dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn toàn quốc nói chung và ở Quảng Bình nói riêng sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, toàn lực lượng Cảnh sát kinh tế cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

1. Tăng cường công tác nắm tình hình, xác định các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại… để tham mưu, đề xuất lãnh đạo các cấp có kế hoạch chỉ đạo đấu tranh phòng, chống với tội phạm buôn lậu phù hợp, hiệu quả. Phát hiện kịp thời những vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để tham mưu cho lãnh đạo chỉ đạo, uốn nắn, tháo gỡ những khó khăn một cách nhanh chóng và hiệu quả. Nắm chắc diễn biến, phương thức hoạt động mới của tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại để có những kiến nghị, đề xuất các cấp biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn phù hợp, hiệu quả.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống buôn lậu.

Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, Báo, Đài Trung ương và địa phương để tuyên truyền vận động quần chúng tham gia tích cực vào việc tố giác tội phạm và không tham gia tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại nhằm tạo sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân tham gia vào hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại. Nhất là chú trọng công tác tuyên truyền vận động, giáo dục quần chúng nhân dân hiểu được tác hại, mức độ ảnh hưởng và hậu quả nghiêm trọng do hành vi buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu và gian lận thương mại mang lại đối với nền sản xuất hàng hóa nội địa. Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giúp cho quần chúng nhân dân nhận thức được công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, trong đó các cơ quan chức năng làm nòng cốt để nhân dân tích cực tham gia.

3. Tham mưu cho cấp ủy Đảng, Chính quyền tạo công ăn việc làm ổn định cho nhân dân, nhất là nhân dân ở các vùng có rừng gần tuyến biên giới Việt – Lào để họ không tiếp tay cho các đối tượng khai thác rừng trái phép, vận chuyển, buôn bán hàng lậu trên tuyến biên giới; có chính sách khen thưởng, động viên kịp thời đối với quần chúng nhân dân có thành tích trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại nhằm khuyến khích người dân thuộc mọi tầng lớp tích cực cung cấp tin tức, tình hình về hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và các vụ việc liên quan cho cán bộ, cơ quan chức năng để đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.

4. Thực hiện tốt quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường mối quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; đổi mới công tác chỉ huy, chỉ đạo trong quan hệ phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát kinh tế với các cơ quan chức năng như: Bộ đội biên phòng, Quản lý thị trường, Cục Hải quan, Sở Tài chính, Cục Thuế… Nâng cao hiệu quả mối quan hệ trong công tác nắm tình hình và trao đổi thông tin giữa các đơn vị nghiệp vụ trong và ngoài ngành; phối hợp trao đổi, kiểm tra xác minh thông tin, tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành và báo định kỳ, đột xuất. Công an các đơn vị, địa phương đấy mạnh phối hợp với các ban ngành xây dựng kế hoạch liên ngành tạo cơ sở pháp lý nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, phát hiện, điều tra, khám phá tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại một cách đồng bộ, tránh hiện tượng quản lý chồng chéo, xử lý tội phạm không đúng chức năng và thẩm quyền.

5. Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 02, 03/CT-BCA-C41 và các thông tư hướng dẫn của Bộ Công an về công tác nghiệp vụ cơ bản và công tác hồ sơ của lực lượng Cảnh sát nhân dân để nâng cao trình độ nghiệp vụ trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại. Thông qua các mặt công tác nghiệp vụ nắm tình hình diễn biến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn nhằm xác định có trọng tâm, trọng điểm các tuyến, địa bàn, đối tượng và mặt hàng trọng điểm để xây dựng kế hoạch và tổ chức công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả.

6. Thường xuyên tổ chức cho CBCS học tập, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến hoạt động phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại; nâng cao ý thức tự rèn luyện, tu dưỡng về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, trình độ năng lực, ý thức tổ chức kỷ luật của mỗi CBCS Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Bình.

Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy của Công an các cấp trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Củng cố, kiện toàn về tổ chức, tăng cường lực lượng trực tiếp chống buôn lậu cho Công an cấp tỉnh và các địa phương. Đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Thiếu tướng Từ Hồng Sơn       

Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình