Một số giải pháp nâng cao hiệu quả Công tác kiểm tra, hướng dẫn phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

4886
Đánh giá bài viết

Thời gian qua tình hình cháy nổ tại các cơ sở, địa bàn, khu dân cư trên phạm vi toàn quốc có xu hướng gia tăng về số vụ, gây thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế cũng như an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản như vụ cháy Trung tâm Văn hóa tỉnh ngày 04/4/2013; vụ cháy chợ Ba Đồn ngày 02/01/2015… Nguyên nhân chính của tình hình trên là do một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở và người dân chưa nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC); thực hiện chưa đồng bộ và duy trì các điều kiện an toàn PCCC; chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC và những kiến nghị của cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH; việc xử lý các vi phạm về PCCC thiếu kiên quyết, tác dụng răn đe chưa cao. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho công tác PCCC tại cơ sở, địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu.

Hội thao kỹ thuật chữa cháy và cứu nạn cứu hộ lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng năm 2016

Là đơn vị thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về PCCC, thời gian qua, phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã chủ động tích cực tham mưu cho Lãnh đạo Công an tỉnh nhiều biện pháp trong tổ chức thực hiện kiểm tra, hướng dẫn an toàn PCCC đối với các cơ sở, địa bàn qua đó giúp cho người đứng đầu các cơ sở, địa bàn tổ chức thực hiện tốt các biện pháp, giải pháp phòng ngừa cháy nổ, khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót về PCCC, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra, góp phần đảm bảo an toàn PCCC và an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, xu hướng đô thị hóa tăng nhanh, cùng với sự phát triển kinh tế đa dạng trên nhiều lĩnh vực và tình hình thời tiết mùa hè nóng biến động phức tạp; nguy cơ cháy nổ sẽ ngày càng gia tăng. Vì vậy, công tác kiểm tra, hướng dẫn an toàn PCCC có ý nghĩa quan trọng, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về PCCC, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và hạn chế các vụ cháy có thể xảy ra. Để công tác kiểm tra, hướng dẫn an toàn PCCC đạt được hiệu quả cao, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, chủ động làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh, Lãnh đạo Công an tỉnh ban hành các chỉ thị, kế hoạch tăng cường chỉ đạo về công tác kiểm tra, hướng dẫn an toàn PCCC. Đôn đốc các sở, ban, ngành, các cơ quan, doanh nghiệp và UBND các huyện, thị xã Ba Đồn, thành phố Đồng Hới triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Thành lập các đoàn kiểm tra theo chuyên đề, chuyên ngành kiểm tra an toàn về PCCC các cơ sở trọng điểm về PCCC trên địa bàn tỉnh.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC tại các cơ sở địa bàn, đặc biệt là các trường học, khu dân cư, các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ. Kết hợp các hình thức tuyên truyền bằng âm thanh và hình ảnh, như tuyên truyền miệng, tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tập trung tuyên truyền về trách nhiệm PCCC của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình. Xây dựng phong trào toàn dân PCCC theo phương châm “4 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

Ba là, đẩy mạnh công tác kiểm tra, hướng dẫn PCCC các cơ sở thực hiện các yêu cầu về PCCC theo từng chuyên ngành, lĩnh vực, cụ thể như:  Cơ sở giáo dục; cơ sở Y tế; các cơ sở dịch vụ công cộng: Cơ sở kinh doanh Karaoke, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí đông người; cơ sở xăng dầu, khí đốt hóa lỏng…Trong đó tập trung vào các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cháy nổ cao như: Chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở kinh doanh xăng dầu, Karaoke… Kết thúc các đợt kiểm tra theo từng chuyên ngành, lĩnh vực tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm. Thực hiện nghiêm công tác kiểm tra định kỳ, tăng cường kiểm tra đột xuất vào ban đêm, ngoài giờ hành chính.

Bốn là, chú trọng công tác hướng dẫn người đứng đầu cơ sở và lực lượng PCCC cơ sở trong thực hiện công tác PCCC. Nêu cao vai trò trách nhiệm PCCC, trách nhiệm trong việc tự kiểm tra an toàn PCCC của người đứng đầu cơ sở. Thường xuyên huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC tại chỗ. Bên cạnh huấn luyện kiến thức nghiệp vụ PCCC cần chú trọng huấn luyện kỹ năng xử lý các tình huống cháy, nổ; kỹ năng thoát nạn; kỹ năng sử dụng các phương tiện PCCC, nhất là các phương tiện chữa cháy ban đầu. Hướng dẫn xây dựng, thành lập lực lượng PCCC tại chỗ, ban hành các văn bản, các nội quy, quy định về PCCC tại cơ sở, hướng dẫn xây dựng phương án chữa cháy, thoát nạn, công tác tự kiểm tra về PCCC,…

Năm là, đẩy mạnh công tác xử lý vi phạm các quy định về PCCC. Kiên quyết đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở vi phạm nghiêm trọng các quy định về PCCC. Kịp thời xử lý hành chính các hành vi vi phạm về PCCC để có tác dụng răn đe, phòng ngừa và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, hướng dẫn PCCC góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về PCCC.

Sáu là, nêu cao trách nhiệm của cán bộ nghiệp vụ làm công tác kiểm tra, hướng dẫn PCCC. Cán bộ kiểm tra, hướng dẫn PCCC phải thường xuyên bổ sung kiến thức nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về PCCC, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC; các quy trình, thủ tục liên quan đến hoạt động kiểm tra, hướng dẫn an toàn PCCC. Kiên quyết trong thi hành nhiệm vụ, không nể nang né tránh. Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, hướng dẫn an toàn về PCCC phải giữ vững lập trường chính trị vững vàng, phát huy truyền thống vẽ vang của lực lượng, học tập phấn đấu trở hành người cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH có tư tưởng vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, có phẩm chất đạo đức tốt hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Phương             

Phó Đội trưởng, phòng Cảnh sát PCCC&CNCH