Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy tổng hợp trên tuyến biên giới thuộc tỉnh Quảng Bình

660
Đánh giá bài viết

Quảng Bình có tuyến đường biên giới trên bộ chung với nước bạn Lào dài 201,7 km tiếp giáp 2 tỉnh Khăm Muộn và Sa Vẳn Na Khệt. Phía Lào có 3 huyện giáp biên là Nakai, Bualapha – Khăm Muộn và Xe Pôn – Sa Vẳn Na Khệt. Phía Quảng Bình có 5 huyện giáp biên với 9 xã biên giới; có cửa khẩu quốc tế Cha Lo, cửa khẩu Cà Roòng- Noọng Ma. Trên tuyến biên giới có nhiều đường mòn vừa thuận lợi cho nhân dân các xã vùng biên qua lại buôn bán, thăm thân, nhưng cũng là điều kiện thuận lợi để tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội gây mất trật tự trên tuyến biên giới 2 nước. Trong những năm qua, tình hình hoạt động của tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói chung, trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào thuộc tỉnh Quảng Bình nói riêng diễn biến rất phức tạp. Nhất là từ cuối năm 2013 đến nay, các đường dây, ổ nhóm tội phạm về ma túy có sự tham gia của các đối tượng trong, ngoài tỉnh và các đối tượng là người Lào cấu kết thành đường dây khép kín, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào về Quảng Bình, đi các tỉnh ở Việt Nam để tiêu thụ, có nhiều vụ đã phát hiện, bắt giữ với số lượng lớn chất ma túy, đáng chú ý là tình hình vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy tổng hợp đưa từ phía Lào về Quảng Bình và đưa sâu vào trong nội địa để tiêu thụ ngày càng nhiều, với số lượng lớn, tập trung ở các địa bàn nằm sát trên tuyến đường 12 từ Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đến thị xã Thà Khẹt và một số khu vực khác như: Nọng Bốc, Hỉn Bun dọc tuyến 13… Từ năm 2012 đến tháng 6/2017, lực lượng chức năng về phòng, chống ma túy của tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 312 vụ, 514 phạm tội về ma túy, thu giữ 1.319,9g hêrôin, 1.627,65g và 26.654 viên ma túy tổng hợp, 3.255,9g cần sa (Năm 2012: 62 vụ, 110 đối tượng; năm 2013: 47 vụ, 79 đối tượng; năm 2014: 56 vụ, 98 đối tượng; năm 2015: 55 vụ, 85 đối tượng; năm 2016: 58 vụ, 91 đối tượng; 6 tháng đầu năm 2017: 34 vụ, 51 đối tượng). Trong số các vụ phạm tội về ma túy được đấu tranh, bắt giữ thì số vụ phạm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy tổng hợp gia tăng theo hàng năm về số vụ, cũng như tính chất của hành vi phạm tội; từ 2012 đến tháng 6/2017, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 116 vụ, 183 đối tượng tàng trữ vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy tổng hợp năm 2012: 08 vụ, 13 đối tượng; năm 2013: 06 vụ, 09 đối tượng; năm 2014: 18 vụ, 29 đối tượng; năm 2015: 24 vụ, 39 đối tượng; năm 2016: 39 vụ, 59 đối tượng; 6 tháng đầu năm 2017: 21 vụ, 34 đối tượng). Điển hình như: Ngày 04/9/2015, tại huyện Bố Trạch, phòng PC47 phối hợp Công an huyện Bố Trạch, lực lượng Bộ đội Biên phòng kiểm tra xe khách biển kiểm soát Lào 0789, bắt quả tang Nguyễn Thị Bích Hồng (1964) ở thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị vận chuyển trái phép 999 viên ma túy tổng hợp.

Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy bắt một đối tượng buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy

Ngày 16/5/2016, tại thành phố Đồng Hới, PC47 phối hợp Công an thành phố Đồng Hới, lực lượng Bộ đội Biên phòng và Hải quan phát hiện đối tượng nghi vấn Nguyễn Thanh Tiến (1975) ở xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đi trên khách Mỹ Khánh từ Lào về; qua kiểm tra người Tiến phát hiện tàng trữ 229,008g ma túy tổng hợp.

Ngày 18/12/2016, tại xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, PC47 phối hợp lực lượng Bộ đội Biên phòng và Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cha Lo bắt quả tang Đeng Sổm Sa Núc (1987) ở Bua La Pha, tỉnh Khăm Muộn – Lào tàng trữ trái phép chất ma túy, thu giữ 1.951 viên ma túy tổng hợp, 39 viên đạn thể thao và 01 con dao.

Trong thời gian qua, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Bình phối hợp với các đơn vị liên quan phục vụ Lãnh đạo Công an tỉnh làm tốt tham mưu cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Ban chỉ đạo 138 Chính phủ, Bộ Công an: Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”; Kết luận số 95-KL/TW ngày 02/04/2014 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”; Quyết định số 1203/QĐ-TTg ngày 31/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 – 2015, Quyết định số 4060/2013/QĐ-BCA(C41) ngày 26/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt Dự án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy”; Quyết định số 6502/2013/QĐ-BCA ngày 25/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt Dự án “Thông tin, tuyên truyền phòng, chống ma túy và giám sát thực hiện chương trình”, Quyết định số 2434/QĐ-TTg, ngày 13/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch rà soát, thống kê người nghiện ma túy, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh tích cực triển khai đến tận cơ sở, đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nội dung dự án.

Tham mưu cấp, ủy chính quyền chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh đã chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về công tác phòng, chống ma túy với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú sát hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương và tình hình, đặc điểm địa bàn, đối tượng, lồng ghép vào các hoạt động sinh hoạt nội bộ cơ quan, đơn vị, các khu công nghiệp và các tổ chức quần chúng, các trường học và địa bàn các huyện, xã giáp biên giới với các địa phương của nước bạn Lào, nhằm làm tốt công tác phòng ngừa, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về pháp luật về ma túy, phương thức, thủ đoạn, hình phạt tội phạm ma túy và tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn.

Tăng cường thực hiện tốt các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Cảnh sát nhân dân, triển khai các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy đấu tranh, triệt xóa nhiều đường dây, ổ, nhóm, tụ điểm phức tạp về ma túy; phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây, chuyên án về tội phạm ma túy, góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma túy.

Hàng năm, Công an tỉnh Quảng Bình và An ninh 2 tỉnh Khăm Muộn, Sa Vẳn Na Khệt đều tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác đảm bảo an ninh, trật tự trên tuyến biên giới, trong đó có nội dung hợp tác phòng, chống ma túy. Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh và Công an các huyện giáp biên với Lào đã tích cực phối hợp với lực lượng đấu tranh phòng, chống ma túy nước bạn Lào tổ chức nắm tình hình trên tuyến biên giới, khu vực cánh gà các cửa khẩu, trao đổi tình hình liên quan tội phạm ma tuý và kinh nghiệm đấu tranh các chuyên án vận chuyển, mua bán ma tuý qua biên giới để chủ động phòng ngừa, đấu tranh. Phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan và lực lượng chức năng phía Lào định kỳ tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi thông tin tình hình về ma túy và thống nhất các phương án phối hợp phòng ngừa, đấu tranh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đấu tranh phòng, chống ma túy trên tuyến biên giới ở Quảng Bình thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy ở một số đơn vị, địa phương mang nặng hình thức, nhận thức về tác hại tệ nạn ma túy trong nhân dân, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng biên giới còn hạn chế. Công tác xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy khó thực hiện, tăng số xã, phường, thị trấn và đối tượng có liên quan đến ma túy qua các năm, nhất là liên quan đến chất ma túy tổng hợp…

Thời gian tới, tình hình tội phạm về ma túy nói chung, tội phạm tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép ma túy tổng hợp nói riêng trên địa bàn Quảng Bình ngày càng diễn biến phức tạp; hoạt động ngày càng tinh vi, quy mô, manh động, liều lĩnh, đặc biệt là trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào thuộc tỉnh Quảng Bình, đòi hỏi lực lượng chức năng phòng, chống tội phạm về ma túy phải tăng cường nỗ lực, tập trung các biện pháp, giải pháp, nguồn lực mới có thể ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma túy. Từ thực tiễn công tác phối hợp phòng, chống tội phạm về ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào thuộc tỉnh Quảng Bình thời gian qua, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy tổng hợp trên tuyến biên giới, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Quảng Bình cần tập trung làm tốt những giải pháp trọng tâm đó là:

Một là, phối hợp với đơn vị liên quan tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền lãnh, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh nâng cao vai trò, trách nhiệm trong phòng, chống ma túy; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống ma túy để cán bộ, nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, phối hợp với lực lượng chuyên trách về phòng, chống ma túy đấu tranh, bắt giữ tội phạm về ma túy. Tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh thực hiện có hiệu quả Kết luận số 95-KL/TW ngày 02/04/2014 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”, Quyết định số 424/QĐ-TTg ngày 07/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống ma tuý đến năm 2020…

Hai là, phối hợp với các đơn vị PV28, PX15 tích cực tham mưu Lãnh đạo Công an tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về ma túy trên tuyến biên giới, địa bàn cửa khẩu, các xã giáp biên, nâng cao nhận thức của nhân dân về tác hại, hậu quả của tội phạm và tệ nạn ma túy; đẩy mạnh công tác phát động phong trào quần chúng phát hiện, tố giác tội phạm ma túy.

Ba là, đẩy mạnh thực hiện các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng Cảnh sát nhân dân, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả công tác trọng tâm về nghiệp vụ cơ bản theo Kế hoạch “Năm công tác nghiệp vụ cơ bản 2017” và thực hiện tốt các nội dung về chuyển hóa địa bàn, trọng điểm phức tạp về trật tự xã hội giai đoạn 2016 – 2020, kiềm chế sự phát sinh các điểm phức tạp mới về ma túy. Triển khai đồng bộ các mặt công tác nghiệp vụ, lực lượng, phương tiện, thực hiện các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy, chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng trọng điểm, phức tạp về ma túy ở địa bàn biên giới, đấu tranh triệt xóa các đường dây, ổ, nhóm tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy tổng hợp từ Lào về Quảng Bình.

Bốn là, tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng: Bộ đội Biên phòng, Hải quan và các lực lượng chức năng các tỉnh giáp biên của Lào (Khăm Muộn, Sa Vẳn Na Khệt) thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ, trao đổi thông tin tình hình, đối tượng liên quan về ma túy; tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý biên giới, cửa khẩu; kiểm soát chặt chẽ người, hàng hóa, phương tiện xuất, nhập cảnh qua biên giới nhằm phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh tội phạm tàng trừ, vận chuyển ma túy nói chung, ma túy tổng hợp nói riêng trên tuyến biên giới có hiệu quả. Phối hợp trao đổi tình hình, thông tin về tội phạm ma túy, phối hợp trong công tác xác minh, thu thập thông tin, tài liệu vụ việc, đối tượng, truy bắt đối tượng truy nã về ma túy; xác minh lý lịch về tư pháp của các đối tượng…

Thượng úy Trần Văn Dũng               

Phòng Tham mưu Công an tỉnh Quảng Bình