Một số kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW ngày 04-9-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

780
Đánh giá bài viết

Tỉnh ta có đầy đủ các loại hình giao thông vận tải là đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không; riêng quốc lộ 1A dài 122 km, đường Hồ Chí Minh 362 km, quốc lộ 12A dài 107 km, tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua 174,5 km. Những năm qua, các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư và phát triển đáng kể; hệ thống cầu cống, mặt đường, hệ thống tín báo hiệu, hàng rào hộ lan, vạch kẻ đường, sơn gờ giảm tốc độ từng bước được củng cố và hoàn thiện. Các tuyến quốc lộ 1A, 12A được đầu tư mở rộng, nâng cấp chất lượng mặt đường tốt hơn trước đây rất nhiều. Hệ thống các tuyến đường đô thị ở thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn, thị trấn Hoàn Lão được quy hoạch lại, xây dựng vỉa hè, lắp đặt đèn đường nhiều hơn. Tuyến đường tránh qua thành phố Đồng Hới, đường tránh lũ quốc lộ 1A đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; hệ thống giao thông nông thôn ngày càng được bê tông chuẩn hóa, đồng bộ hơn về kết cấu hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, vấn đề tổ chức giao thông nhiều nơi chưa hợp lý, có quá nhiều đường phụ giao cắt với đường chính; hệ thống biển báo hiệu giao thông chưa đồng bộ, thống nhất; hệ thống đèn chiếu sáng ở một số đoạn đường phức tạp về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) chưa có; tầm nhìn ở một số tuyến còn hạn chế; số lượng đường ngang dân sinh còn nhiều, phương tiện chở khách thủy nội địa, khách ngang sông, dọc sống… nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT).

Công an tỉnh Quảng Bình ra quân đảm bảo TTATGT

Cùng với sự phát triển của kinh tế- xã hội và du lịch, sự tác động của thiên tai, môi trường, làm cho tình hình TTATGT trên địa bàn Quảng Bình diễn biến phức tạp, nhất là trên lĩnh vực giao thông đường bộ. Số vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ chủ yếu xảy ra trên tuyến đường quốc lộ 1A (chiếm khoảng 50%), quốc lộ 12A (chiếm khoảng 10%); TNGT trên các tuyến đường đô thị, đường liên xã, liên thôn và tuyến đường Hồ Chí Minh có xu hướng gia tăng. Phương tiện gây tai nạn chủ yếu là ô tô khách, mô tô. Tình trạng phương tiện tham gia giao thông vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ như chạy quá tốc độ; chiếm phần đường; tránh, vượt, đậu đỗ sai quy định; người điều khiển không có giấy phép lái xe; chở quá số người quy định…có chiều hướng tăng cao, là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều vụ TNGT. Tình trạng các đối tượng tham gia giao thông điều khiển mô tô sau khi sử dụng các chất kích thích xảy ra khá phổ biến. Tội phạm và vi phạm pháp luật hoạt động trên các tuyến giao thông ngày càng phức tạp; xuất hiện một số phương thức phạm tội mới, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, thậm chí xảy ra một số vụ chống người thi hành công vụ. Nổi lên là tình trạng vận chuyển hàng hóa không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc; đối tượng tham gia giao thông có hành vi cất dấu vũ khí thô sơ, súng tự chế; lái xe, phụ xe sử dụng chất kích thích, ma túy; tội phạm gây án địa phương khác trên đường tẩu thoát đi qua địa bàn; vi phạm pháp luật về vận chuyển trái phép tài nguyên, khoáng sản. Đáng chú ý, năm 2016 và 2017, sau sự cố môi trường biển miền Trung, nhiều người dân địa phương (Các xã Cảnh Dương, Quảng Xuân, Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch) tụ tập đông người, kéo ra quốc lộ 1A làm ách tắc giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đi lại và an ninh, trật tự trên địa bàn.

Thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04-9-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” (Chỉ thị số 18-CT/TW); những năm qua, Tỉnh ủy Quảng Bình đã lãnh đạo hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, địa phương triển khai và tổ chức thực hiện quyết liệt các giải pháp trọng tâm đảm bảo TTATGT, vì vậy TNGT được kiềm chế, giảm qua các năm, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả công cuộc phát triển kinh tế – xã hội; kết quả đó được thể hiện trên các mặt sau:

1. Đã kịp thời quán triệt trong các tổ chức đảng và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 48-CT/TW.

Sau khi có Chỉ thị số 18-CT/TW, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ cở đều đã ban hành chương trình hành động, nghị quyết, kế hoạch để tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình ban hành Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 14-11-2012; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 369/KH-UBND ngày 10/4/2013 về thực hiện Chương trình hành động số 15-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01/3/2013 của Chính phủ. Đảng ủy Công an tỉnh ban hành Kế hoạch số 39-KH/ĐUCA ngày 24-5-2013 về tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai Chỉ thị số 18-CT/TW. Nghị quyết của Đảng bộ Công an tỉnh và Chương trình công tác Công an hàng năm đều xác định công tác bảo đảm TTATGT là nhiệm vụ trọng tâm, đề ra giải pháp cụ thể để chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện. Đảng ủy Sở Giao thông Vận tải ban hành Kế hoạch số 18-KH/ĐU ngày 09-5-2013 về việc thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW; xây dựng các chương trình, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông.

2. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT từ tỉnh đến cơ sở đã được đẩy mạnh, thu hút sự tham gia tích cực của các cơ quan thông tấn báo chí.

Ban ATGT tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải phối hợp với Tạp chí Sinh hoạt Chi bộ duy trì chuyên mục “An toàn giao thông”, đưa nội dung ATGT vào các cuộc sinh hoạt chi bộ để quán triệt cho đảng viên. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT”, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo đảm TTATGT trong cán bộ, công nhân, viên chức lao động. Ban ATGT tỉnh, Công an tỉnh, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh phối hợp tổ chức Cuộc thi “Điểm đến an toàn” trên sóng Phát thanh – Truyền hình tỉnh; cuộc thi viết “Tìm hiểu pháp luật lĩnh vực ATGT” với 78.000 bài dự thi; cuộc thi “Rung chuông vàng” về ATGT trong cấp học sinh tiểu học; in và cấp phát 21.500 tờ rơi, 3.115 áp phích, 1.500 cuốn sách trích dẫn Nghị định 171/2013/NĐ-CP, 1.400 cuốn sách trích dẫn Nghị định 107/2014/NĐ-CP, 1.500 cuốn sách về Văn hoá giao thông, 1.000 cuốn cẩm nang “ATGT nông thôn ». Toàn tỉnh đã tổ chức 63.841 hội nghị tuyên truyền, có trên 5.766.614 lượt người tham dự.

3. Quan tâm phát động phong trào và xây dựng nhiều mô hình hiệu quả về bảo đảm TTATGT.

Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan, ban, ngành xây dựng mô hình “Trường học an toàn về ANTT” giai đoạn 2011 – 2015; củng cố các mô hình “Địa bàn an toàn về TTATGT” tại các thôn, xã; đặc biệt thực hiện có hiệu quả mô hình Thôn văn hóa giao thông” tại thôn Phúc Tự Đông, xã Đại Trạch; mô hình “Đội thuyền văn hóa, an toàn” và “Bến thủy nội địa văn hóa – văn minh – an toàn” trên tuyến du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng. Phối hợp với ngành đường sắt phát động các phong trào “Thiếu niên bảo vệ đường sắt”, “Em yêu đường sông quê em”, “Đoạn đường em chăm”; các tổ tự quản về TTATGT được duy trì và nhân rộng nhiều nơi trong tỉnh.

4. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và năng lực vận tải.

Giai đoạn 2011-2015, Sở Giao thông vận tải chủ trì, tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh hoàn thành và tổ chức công bố, đưa vào quản lý thực hiện Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020; Quy hoạch phát triển giao thông vận tải toàn tỉnh đến năm 2020; Chiến lược đảm bảo TTATGT đường bộ tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đã đầu tư xây dựng hoàn thành các dự án quan trọng như: Mở rộng, nâng cấp đoạn Minh Cầm – Đồng Lê (Km29 – Km53), quốc lộ 12A; cải tạo, nâng cấp đoạn Khe Ve – Cha Lo (Km107 – Km153); đường về xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch; trục đường chính Bắc – Nam rộng 60m, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới (Giai đoạn 1); cầu và đường về xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa; cầu Trung Quán, huyện Quảng Ninh; đường nối quốc lộ 12A với xã Ngư Hóa, huyện Tuyên Hóa; xây dựng, nâng cấp tỉnh lộ 566 và đường Nam Long – Mỹ Trung (Dự án ADB5).

5. Làm tốt công tác quản lý vận tải, phương tiện, người điều khiển phương tiện.

Tổ chức đăng ký mới 17.793 ô tô; 138.121 mô tô, xe máy; 15.249 xe máy điện; tổng số phương tiện đang quản lý là 28.374 ô tô; 426.324 mô tô, xe máy; 15.249 xe máy điện. Công tác đăng ký, quản lý phương tiện được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, vừa đảm bảo đầy đủ về thủ tục, vừa đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân. Việc quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách và vận tải hàng hóa được thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

6. Hoạt động tuần tra kiểm soát (TTKS) luôn được đổi mới về phương pháp và chiến thuật tuần tra kiểm soát, sử dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào việc giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật ATGT như: Các loại máy đo tốc độ ghi hình, máy đo nồng độ cồn, cân trọng tải, đặc biệt là thiết bị hệ thống camera giám sát trên quốc lộ 1A, góp phần nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý vi phạm TTATGT. Bố trí lực lượng khép kín địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT. Đã lập biên bản xử lý 149.895 trường; tạm giữ 28.159 phương tiện; ra quyết định xử lý 138.615 trường hợp, thu qua kho bạc Nhà nước trên 148 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe có thời hạn 14.966 trường hợp; thông báo vi phạm về nơi cư trú 14.196 trường hợp.

7. Kết hợp hiệu quả giữa bảo đảm TTATGT với công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên tuyến giao thông.

Qua TTKS giao thông, phát hiện và phối hợp bắt giữ 17 đối tượng phạm pháp hình sự; 01 đối tượng sử dụng tài liệu, con dấu giả, sử dụng xe ô tô không có giấy tờ nguồn gốc, chuyển lực lượng chức năng khởi tố vụ án, khởi tố bị can; 107 vụ vận chuyển hàng hóa trái phép; 04 vụ vận chuyển chất ma túy, thu giữ nhiều tang vật; phát hiện 03 vụ tổ chức cho 92 người trên đường từ Quảng Bình ra các tỉnh phía Bắc để sang Trung Quốc trái phép. Trên tuyến đường thủy nội địa, phát hiện và bắt giữ 02 vụ vận chuyển lâm sản trái phép trên tuyến sông Gianh, thu giữ 2,5m3; 02 vụ vận chuyển hàng thủy sản trái phép, thu giữ 70 kg tôm hùm sỏi. Trên tuyến đường sắt, phát hiện 01 vụ vận chuyển hàng gian lận thương mại, thu 284 gói thuốc lá và 84 chai rượu không có giấy tờ hợp pháp.

8. Công tác kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW được chú trọng và tiến hành thường xuyên hơn.

Năm 2013, Thường trực Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch kiểm tra việc triển khai Chỉ thị 18-CT/TW trên toàn tỉnh, trong đó trực tiếp kiểm tra tại 04 đơn vị: Sở Giao thông vận tải, phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, UBND xã Đại Trạch,  huyện Bố Trạch và UBND phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới. Đảng ủy Công an tỉnh tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức 04 cuộc kiểm tra. Hàng năm kết hợp kiểm tra chương trình công tác Công an, Đảng ủy Công an tỉnh đều đưa công tác bảo đảm TTATGT vào nội dung trọng tâm để tổ chức kiểm tra; nhiệm kỳ 2011 – 2015, tổ chức kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm TTATGT tại 04 tổ chức cơ sở đảng. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, UBND, Công an, Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố cũng đã ban hành nhiều văn bản, đồng thời tổ chức nhiều hội nghị để chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm ATGT trên địa bàn.

Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Bộ Chính trị, Công an tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh tham mưu cho Cấp ủy, Chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành phối hợp triển khai đồng bộ các mặt công tác đảm bảo tốt TTATGT trên cả 3 tuyến đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa trên địa bàn.

Trung tá, Ths Nguyễn Xuân Tư

Phó Trưởng phòng Tham mưu