Một số kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, xây dựng nếp sống văn hóa giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

371
Đánh giá bài viết

Với chức năng nhiệm vụ được giao, thời gian qua lực lượng Cảnh sát đường thủy đã chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Công an tỉnh, cấp ủy, chính quyền và Ban ATGT các địa phương chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đường thủy cho các tầng lớp nhân dân. Đồng thời trực tiếp phối hợp với các cơ quan chức năng, các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị – xã hội đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT đường thủy. Các hình thức tuyên truyền đạt hiệu quả cao như: tổ chức tuyên truyền lưu động, trưng bày panô, áp phích; trực tiếp tuyên truyền, giảng bài pháp luật về giao thông đường thủy; vận động ký cam kết chấp hành TTATGT đường thủy; nhiều địa phương đã năng động, sáng tạo tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về TTATGT đường thủy; phối hợp tổ chức, xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản về ATGT đường thủy trong nhân dân; tổ chức các buổi toạ đàm, giao lưu, sân khấu hóa tuyên truyền TTATGT đường thủy; phối hợp cung cấp tin, bài, tư liệu, duy trì các chuyên mục “Bản tin ATGT” trên sóng truyền hình, góp phần phát huy vai trò các tổ chức xã hội, mọi tầng lớp nhân dân tham gia giữ gìn TTATGT.

CBCS phòng Cảnh sát giao thông kiểm tra an toàn giao thông đường thủy nội địa

Những kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền của lực lượng CSGT đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy, động viên, biểu dương kịp thời những gương người tốt, việc tốt, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của quần chúng nhân dân đối với lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm TTATGT.

Những năm qua, phòng CSGT tiếp tục tham mưu và triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa (ĐTNĐ) và khắc phục ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 88 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự ATGT; Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông (TNGT) hàng hải và ĐTNĐ. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” đạt tiêu chuẩn như: “Bến đò an toàn”; “Đoạn tuyến sông an toàn”; “Văn hóa giao thông đường thủy”; “Khu dân cư an toàn ven sông”,… Tập trung xây dựng các mô hình văn hóa tại các cụm dân cư sinh sống trên luồng hoặc trong hành lang bảo vệ luồng; các cá nhân, tổ chức liên quan ĐTNĐ; định kỳ 6 tháng, 1 năm tổ chức đánh giá kết quả hoạt động từng mô hình. Kết hợp, lồng ghép thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” với các phong trào khác do cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức phát động gồm: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Địa bàn an toàn về trật tự, an toàn xã hội”; Chương trình “Phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em”… nhằm tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT, trật tự xã hội trên đường thủy; phối hợp với các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về Cuộc vận động, tập trung cách làm hay, sáng kiến, kinh nghiệm, gương điển hình trong xây dựng các mô hình văn hóa giao thông đường thủy, để thu hút sự quan tâm hưởng ứng tham gia của nhân dân; rà soát, tham mưu, xây dựng, đề xuất, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; quy chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng, tiêu chí văn hóa giao thông ĐTNĐ theo hướng cải cách thủ tục hành chính; tăng cường phối hợp kiểm tra liên ngành nhằm nâng cao hiệu quả công tác xử lý, giải quyết những vấn đế phức tạp về trật tự ATGT; những nguy cơ dẫn đến TNGT trên các tuyến giao thông ĐTNĐ, như: Cảng, BTNĐ không phép, không đảm bảo điều kiện an toàn; phương tiện thủy không đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn, bằng thuyền trưởng, máy trưởng theo quy định; khai thác khoáng sản; đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; đăng đáy cá; xây dựng công trình ảnh hưởng đến luồng và hành lang bảo vệ luồng ĐTNĐ…

Thời gian tới, để công tác tuyên truyền, xây dựng nếp sống văn hóa giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, phải tập trung huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tổ chức, quần chúng nhân dân tích cực tham gia xây dựng cuộc vận động và các mô hình trật tự ATGT đường thủy nội địa có hiệu quả. Phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; tuyên truyền cho các đối tượng tham gia giao thông thủy hiểu về các tiêu chí để xây dựng mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”, nhằm giúp họ nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc vận động trong việc phòng ngừa tai nạn, đảm bảo tình hình trật tự ATGT đường thủy nội địa.

Thứ hai, thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT với nhiều hình thức và nội dung phù hợp với mọi đối tượng tham gia giao thông, tập trung vào thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, với mục tiêu xây dựng văn hóa giao thông; trong đó chú trọng phản ánh kịp thời đầy đủ những hoạt động của lực lượng CSGT, định hướng dư luận để nhân dân hiểu, chấp hành và giúp lực lượng CSGT hoàn thành nhiệm vụ. Chú trọng tuyên truyền về công tác xây dựng lực lượng CSGT thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Công an nhân dân thực hiện nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”. Từng bước xây dựng hình ảnh đẹp của lực lượng Cảnh sát giao thông trong nhân dân.

Thứ ba, việc lựa chọn, xây dựng các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” phải xuất phát từ thực tế đặc điểm tình hình về trật tự ATGT đường thủy ở từng địa phương; chú trọng công tác tuyên truyện, vận động các tổ chức, cá nhân có liên quan tích cực tham gia thực hiện mô hình.

Thứ tư, phát huy hiệu quả công tác phối hợp liên ngành và toàn dân trong công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm và thái độ ứng xử có văn hóa của lực lượng chức năng thực hiện công tác quản lý Nhà nước về trật tự ATGT đường thủy nội địa; tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 theo chương trình hành động thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh.

Thứ năm, nhân rộng và phát huy các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” đã đạt hiệu quả cao trong giai đoạn 2011-2015 kết hợp với tập trung chọn và xây dựng mô hình văn hóa giao thông ĐTNĐ cho phù hợp đạt tiêu chuẩn tại các cảng, bến, cụm dân cư, đơn vị hành nghề trên các tuyến ĐTNĐ. Phát huy hiệu quả công tác phối hợp liên ngành, các cấp trong công tác bảo đảm trật tự ATGT ĐTNĐ…

Thượng tá, Ths Từ Nhật Tú     

Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông