Một số biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; truyền thống đạo đức tốt đẹp của Đảng, của dân tộc, của lực lượng Công an cho CBCS Công an tỉnh Quảng Bình

952
Đánh giá bài viết

Lý tưởng đạo đức của giai cấp công nhân luôn thống nhất với lý tưởng chính trị và lý tưởng nhân văn cộng sản chủ nghĩa. Trong đời sống xã hội, chính trị và đạo đức thường đan xen vào nhau, có quan hệ chặt chẽ, bổ sung cho nhau. Thực tế của cuộc sống cho thấy, sự suy thoái về phẩm chất chính trị tất yếu sẽ đưa tới sự suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống và ngược lại sự suy thoái đó cũng có thể bắt đầu từ đạo đức và lối sống. Bởi vậy, mỗi CBCS Công an tỉnh sẽ không thể có sự nhận thức sâu sắc các giá trị, cũng như các nguyên tắc, chuẩn mực của đạo đức cách mạng và chuyển nó thành niềm tin, thành tình cảm, động cơ đạo đức bên trong nếu họ không có sự giác ngộ và vững vàng về chính trị. Vì vậy, để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, cần phải tập trung nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin; tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đường lối, chính sách, quan điểm và truyền thống đạo đức tốt đẹp của Đảng, của dân tộc, của lực lượng CAND. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi mà cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng – lý luận đang diễn ra gay gắt, phức tạp và tư duy lý luận của Đảng ta đã có sự phát triển mới; trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị trong đó có biểu hiện “hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”, “lười học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”… thì việc nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, truyền thống đạo đức tốt đẹp của Đảng, của dân tộc, của lực lượng CAND có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Đồng chí Thiếu tướng Từ Hồng Sơn- Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình trình bày chuyên đề “Nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đoàn viên Công an tỉnh Quảng Bình” tại Lớp tập huấn cán bộ đoàn chủ chốt năm 2018

Tăng cường công tác giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng cho CBCS. Trên cơ sở tăng cường tính khoa học, tính lý luận, tính thực tiễn và tính chiến đấu, giúp cho mỗi CBCS nhận thức, thấm nhuần bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, nắm vững được các nguyên lý khoa học và biết vận dụng nó vào thực tiễn hoạt động, công tác.

Tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và truyền thống đạo đức tốt đẹp của Đảng, dân tộc, lực lượng Công an nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức và đạo đức Hồ Chí Minh là thống nhất với nhau. Bởi vậy, nó đã tạo ra được một sức mạnh hiện thực to lớn, có sức cảm hoá phi thường đối với các tầng lớp nhân dân nói chung và lực lượng CAND nói riêng… Vì vậy, tìm hiểu, học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ thông qua các bài nói, bài viết của Người về đạo đức mà còn phải thông qua chính những hành vi đạo đức cao đẹp được thể hiện trong toàn bộ cuộc sống và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người. Bởi thế, cần phải phát huy nguồn “năng lượng” to lớn và hiệu lực mạnh mẽ của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh vào giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho lực lượng Công an nhân dân. Đảng ta đã khẳng định: “làm cho thế giới quan Mác – Lênin và tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh giữ vị trí chỉ đạo trong đời sống tinh thần xã hội”. Vì vậy, công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cho CBCS CAND phải bằng nhiều biện pháp, hình thức phong phú sinh động, để phát huy nguồn năng lượng to lớn và sức mạnh tinh thần kỳ diệu đó trong mọi hoạt động học tập, công tác, xây dựng và chiến đấu. Trong điều kiện hiện nay, phải tiếp tục quán triệt và vận dụng một cách sáng tạo các quan điểm, nguyên tắc, phương pháp giáo dục, rèn luyện đạo đức do Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra để giáo dục, phát triển đạo đức cho CBCS CAND. Làm cho mỗi CBCS “thấm nhuần” một cách sâu sắc các nguyên tắc, chuẩn mực của đạo đức Hồ Chí Minh và hiện thực hoá nó vào cuộc sống, hoạt động của mỗi người trong công tác và chiến đấu.

Hiện nay, tình hình đất nước ta đang có những bước chuyển biến lớn. Xu thế mở cửa và hội nhập đang tác động đến đời sống tinh thần, đạo đức của xã hội ta không chỉ có mặt tích cực mà còn có cả mặt tiêu cực. Trong lực lượng CAND, một bộ phận CBCS, nhất là CBCS trẻ đã bị ảnh hưởng của những tiêu cực đó, mà biểu hiện của nó dễ nhận thấy như thái độ sống hời hợt, nông cạn, ít quan tâm đến lịch sử cũng như những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hơn nữa, trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch, các đối tượng phản động luôn tìm mọi cách bóp méo, xuyên tạc lịch sử, những giá trị truyền thống, những tinh hoa đạo đức luôn được lưu giữ, kế thừa, phát huy trong suốt chiều dài của lịch sử dựng nước và giữ nước. Bởi vậy, Đảng ta khẳng định: “Trong điều kiện kinh tế thị trường và mở rộng giao lưu quốc tế, phải đặc biệt quan tâm gìn giữ và nâng cao bản sắc văn hoá dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức, tập quán tốt đẹp và lòng tự hào của dân tộc”.

Tình hình trên đặt ra yêu cầu cấp thiết trong giáo dục đạo đức cho CBCS Công an hiện nay, là phải tăng cường hơn nữa việc giáo dục truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, của Đảng cho CBCS. Công tác giáo dục truyền thống phải khơi dậy được lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm của CBCS trong việc gìn giữ, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp như tinh thần yêu nước, yêu quê hương và tinh thần tự hào dân tộc; tinh thần cần cù, dũng cảm, say mê lao động, lao động trung thực, sáng tạo; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng sâu sắc… Biến những giá trị đạo đức truyền thống đó thành sức mạnh hiện thực để mỗi CBCS hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình. Làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm… cái gì mà mới mà hay, thì ta phải làm”. Trong giáo dục đạo đức cho CBCS CAND hiện nay, cần phải phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp đó và nâng nó lên để đáp ứng với yêu cầu chung của sự nghiệp cách mạng và yêu cầu cụ thể của sự nghiệp bảo vệ ANTT hiện nay.

Hoạt động giáo dục các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp cho CBCS phải bằng nhiều hình thức và biện pháp cụ thể, sinh động, phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng như tổ chức cho CBCS đi tham quan triển lãm, hội trại truyền thống, thăm các di tích lịch sử cách mạng, giao lưu gặp gỡ với các nhân chứng lịch sử; tổ chức trưng bày ngày hội truyền thống của đơn vị, của Đoàn thanh niên trong những ngày lễ lớn của dân tộc, của Ngành, kết hợp với tổ chức tốt các cuộc thi tìm hiểu về truyền thống trong CAND. Kinh nghiệm của các đợt thi tìm hiểu truyền thống trong Công an Quảng Bình những năm qua cho thấy, cần phải tuyên truyền, quán triệt tốt mục đích, yêu cầu của các đợt thi và điều quan trọng là phải khơi dậy được tính tự giác, tự nguyện, trách nhiệm của mỗi CBCS trong việc lưu giữ, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của Đảng và CAND; cần tránh khuynh hướng hành chính hoá các đợt thi, hoặc là chỉ thiên về hình thức mà không coi trọng tới hiệu quả đích thực của nó. Tổ chức các buổi nói chuyện, kể chuyện chuyên đề về truyền thống của CAND, của đơn vị để khơi dậy lòng tự hào và trách nhiệm của mỗi CBCS trong xây dựng đơn vị. Tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ các gia đình chính sách… làm cho họ thực sự tin yêu, quý mến, giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của Đảng và CAND.

                                                             Đại tá Nguyễn Quốc Tường

                                                      Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình