Một số biện pháp phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong tình hình hiện nay

129
Đánh giá bài viết

Những năm qua, tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em đã và đang trở thành vấn đề nóng bỏng, nhức nhối, là hiểm họa đối với loài người, không chỉ ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục, pháp luật của mỗi quốc gia, xâm phạm đến danh dự nhân phẩm con người mà còn phá vỡ cấu trúc, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng. Với tính chất và đặc thù của tội phạm mua bán người rất tinh vi, xảo quyệt, mang tính xuyên quốc gia và siêu lợi nhuận nên xu hướng phạm tội gia tăng và ngày càng phức tạp.

Ở nước ta, tình hình tội phạm mua bán người những năm qua có nhiều diễn biến phức tạp. Địa bàn thường xảy ra các vụ án về tội phạm này là một số tỉnh miền núi giáp Trung Quốc như Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Quảng Ninh, Lạng Sơn…vì địa bàn các tỉnh trên có đường biên giới với nước ngoài, thuận tiện cho việc mua bán người qua biên giới. Tội phạm mua bán người đang có xu hướng phức tạp về thành phần, độ tuổi, giới tính… với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm, cấu kết thành băng, ổ, nhóm hoạt động chuyên nghiệp, lưu động.

Các đối tượng phạm tội mua bán người thường tìm kiếm phát hiện thăm dò những phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn, sống trong các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, miền núi hẻo lánh…thiếu việc làm hoặc có thu nhập rất thấp. Trong quá trình này bọn chúng có thể trực tiếp hoặc thông  qua những mối quan hệ họ hàng, bạn bè, hàng xóm quen biết… để tìm hiểu hoàn cảnh và các đặc điểm khác của nạn nhân như: Sở thích, thói quen, trình độ hiểu biết, điều kiện kinh tế…nhờ giới thiệu quảng cáo cho chúng hoặc các đối tượng hoạt động phạm tội đến các tụ điểm mại dâm, khách sạn, nhà nghỉ, các quán massage, quán Karaoke…để tìm và thuyết phục các tiếp viên, nhân viên, gái bán dâm, ở những cơ sở này ra nước ngoài hoạt động theo kỳ hạn bằng con đường du lịch, vượt biên trái phép rồi bán họ. Sau khi đã tìm được “hàng” và quá trình nghiên cứu về cá nhân từng đối tượng cụ thể, bọn chúng sẽ tìm cách này hay cách khác để nhằm đạt được mục đích là đưa được họ ra nước ngoài bán lấy tiền. Đối với những phụ nữ đang làm gái mại dâm, các đối tượng phạm tội có thể nói thẳng với những lời lẽ hấp dẫn như ra nước ngoài hành nghề được tự do, không bị các cơ quan pháp luật bắt bớ như ở trong nước mà tiền thì lại được nhiều, sang qua biên giới Trung Quốc rất dễ dàng kiếm được nhiều tiền… Ngoài các thủ đoạn trên, tội phạm mua bán người còn lợi dụng các sở hở và chính sách pháp luật của nhà nước ta để hoạt động phạm tội như: Lợi dụng chính sách cho nhận con nuôi, bọn tội phạm mua bán người tìm kiếm những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn hoặc đến các cơ sở y tế, bệnh viện phụ sản nơi có những trẻ em bị bỏ rơi sau khi sinh, dụ dỗ thu gom trẻ lang thang hoặc những đứa trẻ khác,… rồi làm giả hồ sơ dưới hình thức cho người nước ngoài nhận con nuôi nhưng thực chất là đem bán ra nước ngoài. Sau khi phát hiện được “nguồn hàng” và tiến hành các biện pháp dụ dỗ lừa gạt, chúng tiến hành công việc đưa nạn nhân đi bán như: Đưa nạn nhân lên khu vực giáp biên giới Việt Nam – Trung Quốc bán cho các đường dây buôn người qua biên giới mà chúng đã móc nối từ trước hoặc chúng dẫn nạn nhân đến một số cửa khẩu biên giới thuộc các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Hà Giang, Lạng sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng… rồi bán lấy tiền. Chúng có thể thực hiện hành vi phạm tội một cách công khai hoặc lén lút bí mật.

7 đối tượng trong đường dây mua bán phụ nữ sang Trung Quốc bị Công an tỉnh Sơn La bắt giữ

Một số vụ việc điển hình, như: Tháng 4/2016, Công an tỉnh Lào Cai đã bắt Giàng Củi Măng (20 tuổi), Sùng A Hòa (19 tuổi), Giàng Seo Giàng (23 tuổi), Ly Seo Lử (25 tuổi, cùng trú huyện Bắc Hà) và Vàng A Chư (21 tuổi, huyện Si Ma Cai), Hoàng Seo Lao (31 tuổi, trú huyện Bát Xát), Sùng Thị Xoa (26 tuổi, ở Mường Khương) để điều tra hành vi buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc. Theo đó, vào tháng 4/2014 Măng sang Trung Quốc làm thuê, được người đàn ông bản địa tên Vần hướng dẫn việc bán phụ nữ sang đây làm vợ. Mỗi nạn nhân, Măng sẽ nhận được ít nhất 40 triệu đồng. Măng rủ nhiều người tham gia và với thủ đoạn lừa vờ quan hệ tình cảm, nhóm này đã bán 9 nạn nhân, thu về gần 400 triệu đồng.

Hai bị cáo May, Dương tại phiên tòa.

Tháng 6/2013, Lương Văn Dương (22 tuổi, trú xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) bàn bạc với Pịt Văn May (28 tuổi, trú xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) tìm người đưa sang Trung Quốc bán. Đến tháng 7/2013, May đến nhà chị L. T. L (22 tuổi, trú xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn) dụ dỗ đi làm may mặc ở trong Sài Gòn. Sau khi chị L. đồng ý, May đưa chị L. xuống TP Vinh (Nghệ An) giao cho Dương. Sau đó, Dương đưa chị L. sang Trung Quốc giao cho Lữ Thị Kim để bán cho một người đàn ông Trung Quốc với giá 7 vạn nhân dân tệ (khoảng 210 triệu đồng). Số tiền này, Kim đưa cho Dương tổng cộng 60 triệu đồng. Dương đã chia cho May 40 triệu đồng. Đến tháng 7/2017, chị L. trốn thoát được về nhà và tố cáo đến Công an huyện Kỳ Sơn về hành vi phạm tội của Dương, May. Sáng 28/12/2017, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Pịt Văn May (28 tuổi, trú xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) 5 năm tù, Lương Văn Dương (22 tuổi, trú xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) 4 năm 6 tháng tù cùng về tội “Mua bán người”.

Đối với địa bàn tỉnh Quảng Bình, theo các cơ quan chức năng cho đến nay chưa xảy ra vụ mua bán người nào, tuy vậy để phòng, chống tội phạm mua bán người có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh, lực lượng Công an trong toàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

1. Thường xuyên tổ chức tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm mua bán người. Thông thường nguồn tin báo đầu tiên từ nạn nhân, từ thân nhân của họ, cho nên họ thường chỉ báo cho chính quyền nơi gần nhất như thôn, bản, xã… Để đảm bảo tin báo được tiếp nhận kịp thời, đầy đủ, cần tiếp nhận và xử lý tin báo tố giác ngay từ cơ sở, như vậy các vụ việc có dấu hiệu của tội phạm hình sự xảy ra ở tất cả các địa bàn và vào thời gian nào cũng được phát hiện ghi nhận. Các tin báo về tội phạm nói chung và tội mua bán người nói riêng dù được tiếp nhận ở Công an cấp nào cũng phải được nhanh chóng chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để điều tra, giải quyết, khắc phục sự phân tán của thông tin.

2. Một đặc điểm của tội phạm mua bán người thường liên quan đến nhiều tỉnh, nhiều khâu và xuyên biên giới. Vì vậy, nếu chỉ thực hiện biện pháp công khai với một hoặc vài cán bộ điều tra tiến hành thì khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ, nên cần phải xác lập chuyên án điều tra nhằm tập trung các lực lượng, biện pháp trong một thời gian ngắn để làm rõ bản chất của vụ án. Sau khi thực hiện các hoạt động tiếp nhận và xử lý tin báo, các cơ quan chức năng phân tích tổng hợp, đánh giá các điều kiện để xác lập chuyên án…. Trong quá trình tiến hành chuyên án các biện pháp được sử dụng một cách tổng hợp khẩn trương dưới sự chỉ đạo tập trung và thống nhất chặt chẽ của trưởng ban chuyên án, đảm bảo cho việc phá án, kết thúc chuyên án bắt giữ các đối tượng được thực hiện một cách an toàn, đạt được mục đích, yêu cầu của chuyên án đề ra.

3. Lực lượng Cảnh sát hình sự thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác trong và ngoài ngành nhằm làm tốt công tác phòng ngừa, điều tra các vụ án mua bán người trên địa bàn. Như, phối hợp với lực lượng Công an xây dựng phong trào và phụ trách xã về an ninh trật tự tiến hành các hoạt động nghiệp vụ đối với những đối tượng có biểu hiện nghi vấn thực hiện hành vi phạm tội mua bán người; phối hợp với phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh trong trao đổi thông tin về những người, việc, hiện tượng có liên quan đến việc xuất cảnh tại địa phương để điều tra xác minh, nhất là việc xuất cảnh của phụ nữ, trẻ em. Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát hình sự cần tăng cường phối hợp với Bộ đội Biên phòng trong trao đổi thông tin, phối hợp điều tra xác minh những đối tượng đưa người vượt biên trái phép hoặc cần có sự phối hợp trong đấu tranh chuyên án mua bán người.

4. Tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người cho Điều tra viên, cán bộ điều tra của lực lượng Cảnh sát hình sự Công an toàn tỉnh.

5. Công an các đơn vị, địa phương theo chức năng tăng cường tuyên truyền cho nhân dân, cán bộ trên địa bàn mình nắm những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để nhân dân chủ động phòng, chống và thông báo đến cơ quan chức năng nhằm giải quyết, xử lý kịp thời những đối tượng có hành vi mua bán người.

Hoàng Nam