Một số điểm mới quy định tại Điều 172 BLHS năm 2015 so với quy định tại Điều 137 BLHS năm 2009 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3333
Đánh giá bài viết

Về yếu tố cấu thành tội phạm, thì đồng thời với việc bổ sung hai tình tiết định tội; bỏ tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng”, bổ sung các tình tiết “Chiếm đoạt tài sản là hàng cứu trợ”; bỏ tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng”, bổ sung tình tiết “Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh”; “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, bổ sung tình tiết “ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp”

Ảnh minh họa.
Điều 172. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

b) Hành hung để tẩuthoát;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Chiếm đoạt tài sản là hàng cứu trợ;

đ) Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại một trong các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

– Khách thể của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là quyền sở hữu tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân;

Đối tượng tác động của tội này là tài sản, bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá.

– Về mặt khách quan thì tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm hữu tài sản trái phép tài sản của người khác để tạo cho mình khả năng định đoạt tài sản đó một cách công khai khi người đó không có điều kiện ngăn cản, bảo vệ. Để định tội danh là công nhiên chiếm đoạt tài sản cần đánh giá qua các dấu hiệu sau đây:

+ Người quản lý tài sản lâm vào tình thế không thể có điều kiện bảo vệ, ngăn cản được hành vi chiếm đoạt tài sản mặc dù biết có việc chiếm đoạt xảy ra. Việc không ngăn cản được hành vi chiếm đoạt là do người quản lý tài sản lâm vào tình trạng như ốm đau, bệnh tật, do yếu tố khách quan như lũ lụt…hoặc do các điều kiện khách quan khác cản trở, (Cần lưu ý hoàn cảnh người chủ quản lý lâm vào tình trạng không thể quản lý bảo vệ được tài sản không do người phạm tội mang lại).

+ Lợi dụng hoàn cảnh nêu trên của người chủ quản lý tài sản, nên người phạm tội đã ngang nhiên chiếm đoạt tài sản. Như vậy, hành vi chiếm đoạt có tính công khai, tức là người quản lý tài sản biết có việc chiếm đoạt xảy ra nhưng do cản trở khách quan mà không thể ngăn cản được hành vi chiếm đoạt. Nếu hành vi chiếm đoạt xảy ra mà chủ quản lý tài sản không biết thì không coi là có tính công khai.

+ Người phạm tội công khai và ngang nhiên chiếm đoạt tài sản mà không có bất kỳ thủ đoạn nào chống lại chủ tài sản. Ví dụ: một người đang tắm trên đoạn sông vắng người để ví tiền, điện thoại…trên bờ sông và đã bơi sang sông đối diện. Người phạm tội đã lợi dụng tình trạng này để chiếm đoạt tiền, điện thoại của người đang tắm. Mặc dù người có tài sản biết việc chiếm đoạt xảy ra nhưng không thể bảo vệ được tài sản của mình. Hành vi chiếm đoạt công khai như vậy được định tội là công nhiên chiếm đoạt tài sản.

– Theo quy định tại khoản 1 Điều 172 BLHS, thì người được thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ hai triệu đồng trở lên. Nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới hai triệu đồng, thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản khi thuộc một trong ba trường hợp sau: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ. Như vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 172 BLHS, thì có năm trường hợp phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản sau đây:

+ Trường hợp thứ nhất, phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản do chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai triệu đồng trở lên là trường hợp người phạm tội một lần thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai triệu đồng trở lên.

+ Trường hợp thứ hai, phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản do đã xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, nay lại có hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới hai triệu đồng.

+  Trường hợp thứ ba, phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản do đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

+ Trường hợp thứ tư, phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản do gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội là trường hợp thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng gây ra ảnh hưởng xấu (rất xấu hoặc đặc biệt xấu) đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Thế nào là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội (xem phần bình luận về tình tiết này tại điểm g khoản 2 Điều 168 BLHS).

+ Trường hợp thứ năm, phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản do tài sản  bị chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống chính của người bị hịa và gia đình họ. Khi áp dụng tình tiết này cần phải đánh giá ý nghĩa của đối tượng tác động của tội phạm đối với người bị hại và gia đình người bị hại trên phương diện giá trị kiếm sống của đối tượng tác động của tội phạm đối với người bị hại và gia đình họ.

Các trường hợp phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại một trong các điểm a, b, c, và d khoản 1 điều này, tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới hai triệu đồng.

– Chủ thể của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản quy định tại tất cả các khoản 1, 2, 3, và 4 Điều 172 BLHS là người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.

– Về mặt chủ quan, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp . Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật và nguy hiểm cho xã hội. Đồng thời thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người khác bị chiếm đoạt trái phép và mong muốn hậu quả xảy ra. Mục đích của tội phạm là chiếm đoạt tài sản của người khác.

Điều 172 BLHS năm 2015 quy định 4 khung hình phạt đối với người phạm tội:

+ Khung 1. Quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm áp dụng đối với người phạm tội không có tình tiết tăng nặng.

+ Khung 2. Quy định hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đến dưới 200.000.000 đồng (xem phần bình luận về tình tiết này tại điểm đ khoản 2 điều 168 BLHS); Hành hung để tẩu thoát (xem phần bình luận về tình tiết này tại điểm đ khoản 2 điều 171 BLHS); Tái phạm nguy hiểm (xem phần bình luận về tình tiết này tại điểm h khoản 1 điều 168 BLHS); Chiếm đoạt tài sản là hang cứu trợ. Chiếm đoạt tài sản là hàng cứu trợ là trường hợp thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản là hàng cứu trợ có giá trị từ hai triệu đồng trở lên.

+ Khung 3. Quy định hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng (xem phần bình luận về tình tiết này tại điểm a khoản 3 điều 168 BLHS); Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh (xem phần bình luận về tình tiết này tại điểm c khoản 3 điều 168 BLHS)

+ Khung 4. Quy định hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên (xem phần bình luận về tình tiết này tại điểm a khoản 4 điều 168 BLHS); Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp (xem phần bình luận về tình tiết này tại điểm d khoản 4 điều 168 BLHS)

+ Hình phạt bổ sung được quy định tại khoản 5 Điều 172 BLHS là người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng

– So với quy định tại Điều 137 BLHS năm 2009 và các văn bản hướng dẫn thi hành, thì quy định tại Điều 172 BLHS năm 2015 có một số điểm mới sau đây:

+ Thứ nhất, về yếu tố cấu thành tội phạm, thì đồng thời với việc bổ sung hai tình tiết định tội (điểm c và d khoản 1), BLHS không quy định hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị dưới 2.000.000 đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây là phạm tội: Một là, đã bị xử phạt hành chính về hành vi tham ô tài sản hoặc hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm; Hai là, đã bị kết án về tội tham ô tài sản hoặc tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

+ Thứ hai, bỏ tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng”, bổ sung các tình tiết “Chiếm đoạt tài sản là hàng cứu trợ” làm tình tiết tăng nặng định khung hình phạt tại khoản 2.

+ Thứ ba, bỏ tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng”, bổ sung tình tiết “Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh” làm tình tiết tăng nặng định khung hình phạt tại khoản 3.

+ Thứ tư, bỏ tình tiết “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, bổ sung tình tiết “ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp” làm tình tiết tăng nặng định khung hình phạt tại khoản 4.

Tiêu Dao