Một số giải pháp đảm bảo an ninh trường học trên địa bàn thành phố Đồng Hới

4329
Đánh giá bài viết

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đồng Hới có 76 trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo, bao gồm 01 trường Đại học, 02 trường Cao đẳng, 04 trường Trung cấp chuyên nghiệp, 05 trường Trung học phổ thông, 02 Trung tâm giáo dục thường xuyên-dạy nghề, 17 trường Trung học cơ sở, 23 trường Tiểu học và 21 trường Mầm non được bố trí tại địa bàn 16/16 xã, phường của thành phố. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có hơn 80 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thực với khoảng 1000 trẻ được các gia đình gửi trong coi, nuôi dạy hàng ngày.

Để góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong hoạt động giáo dục, đào tạo, trong những năm qua lực lượng Công an thành phố Đồng Hới luôn chủ động, phối hợp với ngành Giáo dục và đào tạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các văn bản ký kết giữa ngành Công an và ngành Giáo dục và đào tạo trên lĩnh vực này. Trong đó, hai lực lượng đã tập trung quán triệt, thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BCA-BGDĐT ngày 28/8/2015 của Bộ Công an và Bộ Giáo dục & Đào tạo về Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành Giáo dục (gọi tắt là Thông tư số 06/2015/TTLT-BCA-BGDĐT); Quy chế phối hợp giữa số 611/2016/LN-CAT-SGDĐT ngày 04/4/2016 giữa Công an tỉnh và Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Quảng Bình trong việc triển khai thực hiện Thông tư 06/2015/TTLT-BCA-BGDĐT (gọi tắt là Quy chế số 611/2016/LN-CAT-SGDĐT). Qua triển khai thực hiện các văn bản trên tại địa bàn thành phố Đồng Hới đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần vào công tác đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội nói chung, công tác đảm bảo an ninh trật tự trên lĩnh vực giáo dục & đào tạo nói riêng, thể hiện qua một số nét như:

Thứ nhất: Hai ngành đã xây dựng được hệ thống văn bản, quy chế phối hợp để triển khai thực hiện đồng bộ trong các đơn vị thuộc Công an thành phố và Phòng Giáo dục & Đào tạo Đồng Hới trong công tác đảm bảo an ninh trật tự các hoạt động giáo dục và đào tạo. Qua đó đã giúp cho nhận thức của hai lực lượng về công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, đảm bản an ninh trật tự trong hoạt động giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố được từng bước nâng cao, hoạt động có hiệu quả.

Thứ hai: Lực lượng Công an đã phối hợp với các trường học trên địa bàn làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn thực hiện những quy định của pháp luật về an ninh trật tự. Trong đó đã tập trung phổ biến, tuyên tuyền các pháp luật có tính phổ biến, mang tính thường xuyên đối với giáo viên, sinh viên, học sinh các trường như: tuyên truyền pháp luật về hình sự, phòng chống ma túy, môi trường, an toàn giao thông… để các em học sinh, sinh viên hiểu và chấp hành đúng, không để xảy ra những vi phạm đáng tiếc.

Thứ ba: Lực lượng Công an đã phối hợp ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật Nhà nước tại các trường học, cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố; không để cho các thế lực thù địch, bọn phản động và tội phạm mốc nối, lôi kéo tham gia các hoạt động xâm phạm an ninh trật tự; không để mất mát, lộ, lọt tài liệu, thông tin bí mật Nhà nước trong hoạt động giáo dục và đào tạo.

Thứ tư: Công an thành phố Đồng Hới đã chủ động làm tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá công tác xây dựng trường học về an  ninh trật tự theo quy định tại Thông tư số 23/2012/TT-BCA ngày 27/02/2012 của Bộ Công an. Trong đó, Ban chỉ đạo Trường học an toàn an ninh trật tự trong mỗi nhà trường, cơ sở giáo dục đào tạo đã phát huy hiệu quả, đã tạo được môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện; đã phát huy hiệu quả vai trò của các tổ chức đoàn thể, lực lượng bảo vệ, các hoạt động tự quản của học sinh trong công tác đảm bảo an ninh trật tự nhà trường. Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đạt nhiều chuyển biến tích cực, 100% trường đã thành lập và duy trì các tổ tự quản, đội thanh niên xung kích, đội cờ đỏ nhằm đảm bảo ANTT trong trường học. Các nhà trường, cơ sở giáo dục, đào tạo luôn coi trọng, quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào bảo bảo an ninh trật tự tại các trường học.  Qua đó đã góp phần nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong ngành Giáo dục thành phố.

Thứ năm: Hai ngành đã chủ động phối hợp làm tốt công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự tại các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo. Trong đó tập trung làm tốt công tác phòng chống cháy, nổ; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết về không tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy, pháo nổ; chấp hành nghiêm túc các quy định an toàn giao thông trật tự, không chơi các trò chơi điện tử có nội dung bạo lực, không lành mạnh; thực hiện tốt phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” tạo môi trường lành mạnh, an toàn, thân thiện đối với học sinh. Cơ quan Công an đã phối hợp với các nhà trường, hội phụ huynh học sinh và các cơ quan chức năng đã có các biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hoạt động bạo lực học đường, phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên.

Thứ sáu: Lực lượng Công an đã phối hợp với ngành giáo dục thường xuyên làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo an toàn tuyệt đối các kỳ thi và các hoạt động lớn của ngành giáo dục diễn ra trên địa bàn. Lực lượng Công an đã kịp thời triển khai lực lượng, biện pháp, phương tiện nghiệp vụ để điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra ở các trường học, cơ sở đào tạo. Qua đó đã ổn định được tình hình, tạo được niềm tin, hình ảnh tốt đẹp của người chiến sĩ Công an nhân dân trong lòng thầy cô giáo và học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, qua triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự đối với các hoạt động giáo dục, đào tạo trong thời gian qua trên địa bàn thành phố Đồng Hới vẫn còn nổi lên một số vấn đề khó khăn, vướng mắc cần phải tập trung giải quyết như:

– Nhận thức của một số cán bộ, giáo viên, sinh viên, học sinh cũng như của hội phụ huynh học sinh về công tác đảm bảo an ninh trật tự đối với các hoạt động giáo dục và đào tạo chưa được đồng bộ, sâu sắc. Nhiều trường hợp vẫn cho rằng đó là trách nhiệm của các cơ quan chức năng như chính quyền địa phương, của lực lượng Công an, của các nhà trường… chứ không phải là của cả hệ thống chính trị, do đó nhiều khi còn bỏ mặc, giao phó cho một số bộ phận, cán bộ liên quan, nên hiệu quả mang lại chưa cao.

– Công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong các nhà trường mặc dù đã được triển khai nhưng vẫn chưa được thường xuyên, liên tục; nội dung tuyên truyền vẫn còn quá cao và chưa phù hợp với trình độ, lứa tuổi và khả năng nhận thức, hiểu biết của đại đa số đối tượng được tuyên truyền là học sinh, sinh viên nên kết quả mang lại vẫn chưa cao.

– Công tác đảm bảo an ninh trật tự tại một số trường học trên địa bàn vẫn chưa được chú trọng, công tác bảo vệ trường học nhiều khi chưa được tiến hành thường xuyên; do đó đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan ANTT tại các trường học như: đã xảy ra nhiều vụ kẻ gian đột nhập vào các trường đẩy lấy cắp tài sản như tiền, máy vi tính, tình trạng học sinh đánh nhau, tình trạng học sinh đốt pháo, học sinh đi xe máy đến trường khi chưa đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật… đã ảnh hưởng đến hình ảnh nhà trường – học sinh đối với xã hội và phụ huynh học sinh.

– Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng liên quan trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trong các hoạt động giáo dục, đào tạo nhiều khi vẫn còn thiếu thường xuyên, thụ động. Sự phối hợp giữa nhà trường với địa phương, các tổ chức đoàn thể và gia đình trong việc quản lý các hoạt động liên quan đến giáo dục, đào tạo nhiều khi vẫn chưa được thống nhất, đồng bộ, do đó vẫn còn xảy ra tình trạng thu không đúng các khoản đóng góp gây dư luận không tốt trong phụ huynh học sinh….

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự đối với các hoạt động giáo dục, đào tạo trong toàn tỉnh nói chung và trên địa bàn thành phố nói riêng, cần tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả một số mặt công tác sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đảm bảo an ninh trật tự trong các hoạt động giáo dục, đào tạo; trọng tâm là tổ chức tuyên truyền và thực hiện tốt Quyết định số 46/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/8/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Thông tư số 06/2015/TTLT-BCA-BDGĐT ngày 28/8/2015 giữa Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quy chế số 611/2016/LN-CAT-SGDĐT giữa Công an tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình về hướng dẫn phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành Giáo dục. Qua đó nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan cũng như cả hệ thống chính trị trong công tác đảm bảo an ninh trật tự đối với các hoạt động giáo dục, đào tạo.

Hai là, thường xuyên trao đổi thông tin liên quan đến tình hình, công tác bảo vệ an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong  ngành giáo dục; trong đó tập trung nắm, trao đổi thông tin, tình hình liên quan đến âm mưu, thủ đoạn, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm khác có tác động đến hoạt động giáo dục, đào tạo, các thông tin liên quan công tác bảo vệ nội bộ, các tình hình, hoạt động của ngành giáo dục có ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Ba là, tăng cường công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật Nhà nước đối với các hoạt động giáo dục, đào tạo. Tập trung làm tốt công tác bảo vệ an toàn các kỳ thi của ngành giáo dục như: Kỳ thi học sinh giỏi, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia; quản lý tốt công tác thu, chi các khoản đóng góp của học sinh… không để sai sót, gây dư luận xấu trong xã hội và phụ huynh học sinh.

Bốn là, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đối với từng cơ sở giáo dục, đào tạo theo tinh thần Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Thông tư số 23/2012/TT-BCA ngày 27/4/2012 của Bộ Công an về xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đạt chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”. Tiếp tục duy trì và phát huy các mô hình đang hoạt động có hiệu quả trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các cơ sở giáo dục như: Trường học an toàn về an ninh trật tự, Cổng trường an toàn giao thông, Trường – Phường liên kết đảm bảo an ninh trật tự….

Năm là, tăng cường phối hợp các hoạt động quản lý nhà nước về an ninh trật tự liên quan đến các cơ sở giáo dục. Trong đó, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục về công tác đảm bảo an toàn giao thông, công tác phòng cháy, chữa cháy, công tác phòng chống tội phạm và các tệ nạ xã hội trong nhà trường. Phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn những vấn đề tiêu cực trong việc sử dụng Internet, trò chơi điện tử có nội dung bạo lực, không lành mạnh đối với học sinh, sinh viên.

Sáu là, kiện toàn đội ngũ làm công tác đảm bảo an ninh trật tự trường học (kể cả đối với cơ quan chuyên trách cũng như lực lượng bán chuyên trách); bố trí nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự, bố trí lực lượng bảo vệ thường xuyên tại các cơ sở giáo dục, phối hợp bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ theo quy định; phát huy hiệu quả vai trò các tổ chức đoàn thể, hoạt động tự quản của học sinh, sinh viên trong công tác đảm bảo an ninh trật tự nhà trường.

Thượng tá, Ths Nguyễn Quang Toản    

Phó Trưởng Công an thành phố Đồng Hới