Một số kinh nghiệm trong công tác đảm bảo TTATGT phục vụ mùa du lịch trên địa bàn Quảng Bình

1280
Đánh giá bài viết

Quảng Bình là tỉnh nằm ở trung điểm và nơi hẹp nhất của Việt Nam, với mạng lưới giao thông phức tạp, trong đó gồm các tuyến giao thông đường bộ có tổng chiều dài gần 2900 km, tuyến đường sắt đi qua địa bàn dài 175 km và các tuyến đường thuỷ nội địa trên chiều dài các sông được đưa vào quản lý gần 250 km với 64 bến đò dọc, đò ngang đang hoạt động. Quảng Bình có cửa khẩu quốc tế Cha Lo và trên 207,87 km đường biên giới với nhiều tuyến đường bộ, đường tiểu ngạch kết nối, thông thương với nước bạn Lào. Được thiên nhiên ban tặng di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng với hệ thống hang động tuyệt đẹp, kỳ vĩ và huyền bí vào loại bậc nhất thế giới; bờ biển dài với nhiều bãi tắm đẹp, nhiều điểm du lịch tâm linh, đặc biệt Quảng Bình là nơi sinh ra và cũng là nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là điểm đến tham quan, du lịch của nhân dân khắp cả nước và đông đảo bạn bè quốc tế.

Lực lượng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình ra quân đảm bảo TTATGT

Mùa du lịch tại Quảng Bình thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, số lượng khách du lịch đến Quảng Bình tham quan, nghỉ dưỡng có xu hướng ngày càng tăng cao. Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch Quảng Bình, 6 tháng đầu năm 2018 tổng khách du lịch Quảng Bình ước đạt 1.830.000 lượt tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017.

Thế nhưng đi cùng với sự phát triển của du lịch và giao thông vận tải thì tình hình TTATGT có xu hướng ngày càng trở nên phức tạp. Trên tuyến đường bộ, nhất là tại các nút giao thông trọng điểm tập trung nhiều nhà hàng, khách sạn, các tuyến đường ven biển… thường hay xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ; tình trạng vi phạm hành chính về TTATGT tại các điểm này cũng khá phổ biến với các lỗi như: Sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều của đường có biển cấm đi ngược chiều, không mang hoặc không có giấy đăng ký xe và giấy phép lái xe theo đúng quy định, vi phạm quy định về dừng, đỗ phương tiện…; tình trạng các cửa hàng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông vẫn còn diễn ra. Đặc biệt, trên địa bàn hiện có hàng chục đầu xe taxi, hơn 80 xe ô tô điện và nhiều xe ôm hoạt động ở các tuyến đường gần các điểm du lịch. Tình trạng tranh giành khách, chạy sai tuyến đường, chạy quá tốc độ quy định, đón trả khách không đúng nơi quy định của các phương tiện trên dẫn đến mất TTATGT, gây nguy hiểm cho người và phương tiện khác đang cùng tham gia lưu thông trên đường.

Trên tuyến đường thủy, hoạt động vận chuyển khách du lịch đường sông vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Việc quản lý neo đậu, đón khách còn tùy tiện, chất lượng phương tiện còn kém,… gây khó khăn cho công tác đảm bảo TTATGT trên đường thủy nội địa. Bên cạnh đó điều kiện hoạt động của các nhà hàng nổi, các hoạt động giải trí liên quan đến phương tiện thủy vẫn là vấn đề cần quan tâm. Đối với hoạt động giao thông đường sắt thì tình trạng chèo kéo, buôn bán, tranh giành khách và các hành vi gây mất ANTT- TTATGT trước cổng ga và trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt vẫn còn tái diễn.

Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng vi phạm an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, phòng ngừa, làm giảm tai nạn giao thông, tạo điều kiện cho nhân dân và du khách đi lại an toàn thông suốt nhất là vào mùa du lịch. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Ban thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh, phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều kế hoạch, phương án nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông, triển khai thực hiện quyết liệt các chủ trương, biện pháp cụ thể, tập trung xử lý các trường hợp vi phạm theo từng chuyên đề. Với việc triển khai đồng bộ, tích cực nhiều biện pháp nên tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành luật giao thông của nhân dân ngày càng được nâng lên, các hành vi vi phạm luật giao thông giảm. Trong thời gian diễn ra các sự kiện, lễ hội mùa du lịch tình hình ANTT-ATGT được đảm bảo, tạo được nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt tai nạn giao thông được kiềm chế và giảm trên cả ba mặt, được Chính phủ ghi nhận là một trong những tỉnh, thành giảm sâu TNGT trên toàn quốc.

Từ thực tiễn công tác đảm bảo TTATGT góp phần phục vụ phát triển du lịch, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, cần làm tốt vai trò tham mưu cho Ban an toàn giao thông tỉnh, Lãnh đạo Công an tỉnh kịp thời chỉ đạo xây dựng phương án quản lý về TTATGT, triển khai và thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch đảm bảo tốt TTATGT phục vụ cho các lễ hội, sự kiện, mùa du lịch. Tham mưu xây dựng phương án tổ chức giao thông, các phương án chống ùn tắc giao thông vào các ngày cao điểm, giờ cao điểm tại các tuyến đường, tuyến phố trung tâm, bố trí các bãi đỗ xe, lắp đặt bổ sung các biển báo trên một số tuyến đường. Tập trung chỉ đạo phối hợp giữa các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tổ chức giải tỏa hành lang, vỉa hè, lòng đường, giải quyết kịp thời các tình huống phức tạp, không để xảy ra các đột biến trong hoạt động giao thông.

Hai là, làm tốt công tác điều tra cơ bản về tuyến, địa bàn, qua đó kịp thời phát hiện những bất cập trong tổ chức hoạt động giao thông, những trở ngại và những nguy cơ tiềm ẩn TNGT cùng với tình hình vi phạm nổi lên nhằm có những phương án giải quyết phù hợp. Thông qua việc khảo sát, điều tra cơ bản để nghiên cứu xây dựng các mô hình tự quản về ATGT, phát động phong trào toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT.

Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông bằng nhiều hình thức phong phú trong đó chú trọng tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của tổ dân phố, phường, xã; treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền với các nội dung ngắn gọn, dễ hiểu trên các trục đường chính; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về ATGT; các buổi nói chuyện ngoại khóa kết hợp với ký cam kết chấp hành luật giao thông; tập huấn cho người tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch trong đó chú trọng vào các loại hình xe ôm, xe taxi, xe ô tô điện phục vụ khách du lịch.

Bốn là, trên tuyến đường bộ cần đẩy mạnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn, va chạm và gây cản trở ùn tắc giao thông. Vận động giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ, không kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Bố trí tuần tra khép kín địa bàn, mở nhiều đợt cao điểm, xử lý chuyên đề tập trung nhằm nâng cao hiệu quả công tác của các chốt tuần tra kiểm soát. Thường xuyên phối hợp với các lực lượng khác như Cảnh sát trật tự, Thanh tra giao thông, Thanh niên tình nguyện, Bảo vệ dân phố, Công an phường, xã… ứng trực, điều khiển, hướng dẫn giao thông trên các tuyến trọng điểm và vào các giờ cao điểm. Tổ chức tuần tra kiểm soát lưu động trên các tuyến để cảnh báo TNGT, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, đồng thời cập nhật xử lý thông tin có liên quan đến tai nạn, ùn tắc giao thông.

Năm là, đối với hoạt động giao thông thủy nội địa, cần thành lập các ban quản lý bến thủy, quy định bến neo đậu tàu thuyền du lịch với các tàu thuyền có đủ điều kiện an toàn, quy định cụ thể và quản lý chặt chẽ các hệ thống nổi kinh doanh trên sông, các hoạt động giải trí trên sông nước. Song song đó cần tăng cường tuần tra kiểm soát trên sông, tập trung các phương tiện thủy chở khách để chủ động phòng ngừa, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Duy trì và nhân rộng mô hình “Đội đò tự quản” và phát động phong trào “Vì bình yên sông nước”.

Sáu là, đối với hoạt động giao thông đường sắt cần đẩy mạnh phối hợp các đơn vị, lực lượng chức năng ngành đường sắt kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về TTATGT đường sắt; tăng cường kiểm tra an toàn tại các đường ngang, “điểm đen” về TNGT đường sắt để phát hiện, kiến nghị khắc phục kịp thời các nguy cơ gây tai nạn, kiểm tra việc chấp hành các quy định về tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật công trình và thiết bị đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt, việc chấp hành quy trình, quy phạm của nhân viên đường sắt được tiến hành thường xuyên, liên tục. Xây dựng và nhân rộng tổ tự quản ANTT-ATGT tại các nhà ga.

Bảy là, chú trọng công tác đào tạo, khuyến khích cán bộ, chiến sỹ học hỏi, trau dồi nâng cao kiến thức, trình độ nghiệp vụ, đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành và giao tiếp. Bố trí trong tổ tuần tra kiểm soát có tối thiểu 1 cán bộ có trình độ ngoại ngữ, hiểu biết cơ bản về Tiếng Anh chuyên ngành để vừa tuần tra kiểm soát vừa tuyên truyền cho du khách nước ngoài hiểu biết những quy định cụ thể của pháp luật giao thông Việt Nam đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm túc các trường hợp người nước ngoài vi phạm hành chính về TTATGT, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông Việt Nam của người nước ngoài khi tham gia giao thông và người có phương tiện cho người nước ngoài thuê.

Tám là, duy trì việc tổ chức giao ban tình hình và công tác bảo đảm ATGT hàng quý giữa CSGT và Ban ATGT huyện, thành phố với chính quyền và Công an xã, phường, thị trấn dọc các tuyến giao thông chính, để cùng nhau bàn bạc thống nhất đề ra các giải pháp cụ thể giải quyết có hiệu quả những phức tạp nổi lên về TTATGT ở từng địa phương trong mùa du lịch.

Thượng tá, Ths Từ Nhật Tú      
Trưởng phòng Cảnh sát giao thông