Một số kinh nghiệm trong công tác phối hợp với lực lượng dân phòng và bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn thị trấn Hoàn Lão

2187
Đánh giá bài viết

Thị trấn Hoàn Lão là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Bố Trạch, được thành lập năm 1986 trên cơ sở một phần diện tích tự nhiên và dân số của các xã Trung Trạch, Đại Trạch và Tây Trạch. Trên địa bàn Thị trấn có nhiều tuyến đường giao thông kết nối với các xã trong huyện. Có diện tích đất tự nhiên 5,42 km2, dân cư đông với 1998 hộ, 8250 nhân khẩu thường trú, mật độ dân số khoảng 1.380,2 người/km2, được phân bố ở 12 tiểu khu, việc làm của người dân không ổn định, khả năng tự quản, tự phòng thấp là điều kiện để tội phạm lợi dụng gây án. Bên cạnh đó, địa bàn còn tập trung nhiều trụ sở cơ quan, ban nghành của Đảng, Chính quyền cấp huyện và nhiều trường học, doanh nghiệp, nên có nhiều nhà trọ, nhiều công nhân, học sinh đến tạm trú học tập và lao động, là địa bàn tội phạm thường lợi dụng để ẩn náu và hoạt động, nên còn tiềm ẩn phức tạp về ANTT. Từ năm 2007 đến nay bình quân mổi năm xảy ra 40 vụ vi phạm pháp luật, trong đó trộm cắp tài sản chiếm 35%; cố ý gây thương tích 30%;  đánh bạc và tệ nạn xã hội khác chiếm 25%; cướp giật và các loại tội phạm nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm chiếm 10%.

Trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị luôn được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, phạm pháp hình sự được kiềm chế, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao phục vụ tốt sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Đạt được kết quả đó là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, cơ quan, ban ngành, đoàn thể, trong đó có vai trò quan trọng của Bảo vệ dân phố với lực lượng dân phòng và bảo vệ cơ quan doanh nghiệp. Cụ thể:

 Bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên, trong những năm qua Ban bảo vệ dân phố (BVDP) thị trấn Hoàn Lão đã tích cực tham mưu cho Đảng ủy Thị trấn ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác ANTT, có sự phân công, giao nhiệm vụ cho các lực lượng: BVDP, Thị đội, các ban ngành, MTTQ và các đoàn thể từ thị trấn đến các tiểu khu trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ANTT. Gắn kết phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tham mưu cho UBND thị trấn, cấp ủy các tiểu khu đưa tiêu chí về ANTT vào bình xét các danh hiệu cho khu dân cư, tổ chức, gia đình và cán bộ, đảng viên.

Quá trình triển khai thực hiện chương trình phối hợp, các thành viên trong dân phố, lực lượng dân phòng, bảo vệ cơ quan doanh nghiệp đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, chủ động phối hợp nắm tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc, nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân, nhất là các vấn đề phức tạp về ANTT ở một số tiểu khu. Phối hợp xây dựng nhiều mô hình tự quản về ANTT phù hợp với tình hình đặc điểm địa bàn thị trấn, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, điển hình như mô hình “Khu dân cư lành mạnh không có ma túy, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác” đã phát huy tác dụng tốt.

Phối kết hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức xây dựng cộng đồng. Nội dung tuyên truyền phù hợp với đặc thù từng địa bàn, hoàn cảnh và mang tính thời sự, kịp thời truyền tải đến nhân dân những vấn đề thiết thực mà dân cần biết và dân cần phải làm để đảm bảo ANTT nói chung và tự bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, các quyền và lợi ích khác của từng cá nhân, từng tổ chức. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, chú trọng lồng ghép với hoạt động của các cơ quan, tổ chức, gắn với các cuộc vận động, các phong trào khác và chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Thực hiện một số biện pháp tuyên truyền theo chủ đề, in và treo bằng rôn trước từng nhà dân, khu công cộng các khẩu hiệu  về hướng dẫn phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội có nội dung sâu sắc, dễ hiểu, dễ nhớ, như: “Dừng xe khóa cổ khóa càng, đi xe đảm bảo an toàn giao thông”; “Cảnh giác với tội phạm trộm cắp xe máy”, “Hãy nói không với ma túy”…, phát hành các bản tin ANTT để thông báo rộng rãi trong nhân dân về thủ đoạn của tội phạm phù hợp với từng thời điểm; tổ chức ký cam kết đến từng hộ dân về việc tham gia các chương trình phòng chống tội phạm; phòng, chống ma túy.

Thực hiện tốt việc phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng; bằng tình cảm, trách nhiệm của mình, những cán bộ, hội viên đã không quản ngại khó khăn, đến từng gia đình vận động, thuyết phục những người lầm lỗi xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng, chăm lo cho cuộc sống bản thân và gia đình, nhiều người đã cải tạo tiến bộ, trở thành trụ cột cho kinh tế gia đình. Giúp một người lầm lỗi trở thành một người tiến bộ là góp phần gỡ bỏ gánh nặng cho gia đình và cộng đồng dân cư. Vận động từng hộ dân tham gia tố giác tội phạm, kịp thời phát hiện và báo với cơ quan Công an những đối tượng có nghi vấn. Đi đôi với việc vận động tố giác là thực hiện tốt công tác xác minh, xử lý kịp thời tin báo, tố giác, tạo lòng tin của nhân dân với lực lượng dân phố, dân phòng. Hàng năm, quần chúng nhân dân cung cấp hàng trăm lượt tin có liên quan đến an ninh, trật tự, giúp Ban BVDP, Công an thị trấn xử lí kịp thời các vụ vi phạm pháp luật xảy ra.

Bên cạnh đó, Ban BVDP phối hợp với Công an thị trấn, thôn, đội dân phòng và bảo vệ chuyên trách trong các cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn tăng cường công tác tuần tra bảo đảm ANTT, chủ động kịp thời đến ngay nơi có sự việc xảy ra liên quan ANTT, tổ chức bảo vệ hiện trường, đưa người đi cấp cứu, bắt, giữ người phạm tội quả tang đồng thời báo cáo Công an thị trấn giải quyết. Ngoài ra, căn cứ tình hình trên địa bàn Ban BVDP, dân phòng, Ban quản lý chợ đã chủ động giải quyết một số điểm phức tạp về ANTT tại các tiểu khu, dân cư sinh sống, điển hình như khu vực chợ, bờ kè TK3, bến xe đưa đón học, địa bàn phức tạp TK1, TK12, giải quyết 366 vụ việc liên quan ANTT. Phối hợp các ban ngành, BCH các tiểu khu giải quyết, hòa giải hàng trăm vụ việc nhỏ khác, đảm bảo đúng pháp luật, thấu tình đạt lý, giữ gìn tốt trật tự an toàn trên địa bàn. Cùng với CSKV đã phối hợp kiểm tra 2306 hộ khẩu, 1832 lượt nhân khẩu đăng ký tạm trú, phát hiện 233 trường hợp vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính 192 trường hợp, phạt tiền 21.050.000đ, đáng chú ý qua công tác nắm tình hình đã kịp đẩy đuổi 326 nhân khẩu thuộc Công ty Lô hội ra khỏi địa bàn (năm 2013)…

Hàng năm phối hợp với các lực lượng chức năng đưa các đối tượng ra kiểm điểm trước dân, gọi hỏi, răn đe, giáo dục, cùng với các ban ngành, chi hội kèm cặp, giáo dục giúp đỡ những người có hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, trong 10 năm qua lực lượng Bảo vệ dân phố đã phối hợp với CSKV giáo dục 66 đối tượng, trong đó có 12 đối tượng tù cho hưởng án treo, 32 đối tượng tù, tập trung cải tạo tha về địa phương, 22 đối tượng liên quan ma túy. Đã cảm hóa giáo dục 46 đối tượng tiến bộ làm ăn lương thiện, 6 đối tượng từ bỏ ma túy, 4 đối tượng làm đơn đi cai nghiện tự nguyện, vận động thuyết phục 12 gia đình có người vi phạm pháp luật đang lẫn trốn ra đầu thú cơ quan Công an.

Từ thực tiễn công tác phối đảm bảo ANTT, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, Công tác phối kết hợp giữa các lượng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm để bảo vệ an ninh trật tự phải bám sát chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006, của Chính phủ về Bảo vệ dân phố; Nghị định số 74/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định về phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng Công an xã, phường, thị trấn và các lực lượng khác trong công tác giữ gìn ANCT, TTATXH, đó là cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện các nội dung công tác phối hợp, đồng thời cũng là căn cứ thực hiện chức năng nhiệm vụ, để tham mưu, đề xuất với cấp uỷ Đảng, Chính quyền huy động đông đảo các lực lượng tham gia.

Thứ hai, phải không ngừng nghiên cứu để đổi mới về nội dung phương án, kế hoạch hành động, phù hợp với địa bàn, tình hình thực tiễn, tạo được uy thế và sức mạnh của lực lượng, tạo điều kiện để dân biết, tự giác tham gia giúp đỡ cùng làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm.

Thứ ba, tập trung đẩy mạnh công tác nắm tình hình và phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Tham mưu củng cố, duy trì các tổ chức quần chúng làm công tác ANTT, các tổ tự quản, đội cờ đỏ ở trong nhà trường có chất lượng. Phối hợp với các ban ngành trên địa bàn tổ chức tuyên truyền pháp luật sâu rộng đến từng tiểu khu, từng người dân và trong các nhà trường…

Phối hợp tham mưu cho cấp ủy Đảng, Chính quyền tập trung giải quyết tốt những vấn đề phức tạp nảy sinh ngay từ cơ sở, những ý kiến phản ánh của nhân dân, làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và điều hành của Chính quyền, có như vậy nhân dân ngày càng tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, góp phần giữ vững ANCT và TTATXH trên địa bàn.

Thứ tư, phải quan tâm xây dựng, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng BVDP trực tiếp làm công tác đảm bảo ANTT nhằm nâng cao năng lực, nhiệt tình nhiệt huyết, yêu nghề để mỗi một dân phố, dân phòng,… trở thành những người “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Quan tâm chăm lo lực lượng BVDP, nhất là chế độ, chính sách, trang cấp thiết bị, công cụ hỗ trợ, phương tiện làm việc… đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.

Lê Văn Hiền                             

Trưởng ban Bảo vệ dân phố thị trấn Hoàn Lão