Một số vấn đề rút ra qua công tác xây dựng mô hình “Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận” ở xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch

1295
Đánh giá bài viết

Phúc Trạch là xã miền núi phía Tây huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, diện tích tự nhiên 6.020 ha, dân số 2.830 hộ, 11.812 nhân khẩu, trong đó hơn 95% đồng bào theo đạo Công giáo, với 2 giáo xứ, 06 giáo họ, có 03 linh mục. Người dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, kinh tế gặp nhiều khó khăn; tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn có thời điểm diễn biến phức tạp, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) còn nhiều tồn tại.

Thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới”, Công an tỉnh Quảng Bình chủ trương chỉ đạo triển khai xây dựng điểm mô hình “Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận”, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch nên đã tập trung chỉ đạo triển khai một số mặt công tác.

Ngày 31/5/2013, Công an tỉnh Quảng Bình ban hành Kế hoạch số 979/KH-CAT-PA88 về củng cố phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở vùng đồng bào Công giáo xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch; tham mưu cho Huyện ủy ban hành văn bản chỉ đạo các ngành liên quan, UBND xã Phúc Trạch tăng cường công tác đảm bảo ANTT ở địa bàn. Công an huyện Bố Trạch xây dựng Kế hoạch số 765/KH-CABT ngày 10/6/2013 triển khai thực hiện Kế hoạch của Công an tỉnh; ra Quyết định số 895/CABT cử tổ công tác phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh (PA88, PV28) trực tiếp tham mưu, hướng dẫn cấp ủy, chính quyền xã Phúc Trạch phối hợp Mặt trận Tổ quốc, chỉ đạo các ngành, đoàn thể phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch củng cố phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, xây dựng mô hình và hỗ trợ giải quyết những vụ việc phức tạp về ANTT tại xã Phúc Trạch.

Về công tác xây dựng mô hình “Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận” trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở xã Phúc Trạch:

Đảng ủy xã Phúc Trạch ban hành Nghị quyết số 05/NQ-ĐU ngày 21/6/2013 “Về tăng cường lãnh đạo phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới”, trọng tâm là xây dựng mô hình “Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận”, tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết đến toàn thể đảng viên, đội ngũ cán bộ và nhân dân trong xã.

Ủy ban nhân dân xã ban hành Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 28/6/2013 về xây dựng mô hình và phát động phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ tại địa bàn xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch; Quyết định thành lập Ban chỉ đạo mô hình gồm 32 thành viên do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách văn xã làm Phó ban, Trưởng các đoàn thể ở xã, trưởng các thôn và 08 chức việc đại diện Hội đồng mục vụ các giáo xứ, giáo họ làm thành viên Ban chỉ đạo; thành lập Ban vận động thực hiện mô hình ở 12 thôn do trường ban công tác Mặt trận thôn làm Trưởng ban để chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân, giáo dân ở các khu dân cư thực hiện. Nội dung, tiêu chí của mô hình “Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận” gồm:

“Xứ, họ đạo bình yên” có 5 nội dung:

Thứ nhất, mỗi gia đình trong xứ, họ đạo đều chấp hành tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy ước của thôn, xóm đề ra.

Thứ hai, trong xứ, họ đạo không có tội phạm, không có người mắc các tệ nạn xã hội. Các mâu thuẫn bất hòa trong nhân dân được giải quyết ở cơ sở, không để mâu thuẫn tranh chấp kéo dài giữa các gia đình, các họ tộc, các họ đạo.

Thứ ba, xây dựng đời sống kinh tế ổn định và phát triển, chung sức xây dựng nông thôn mới, góp sức xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi (giao thông, thủy lợi, điện, đường, trường, trạm, chợ…), góp phần giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội.

Thứ tư, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa, xây dựng khu dân cư văn hóa. Trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Có nhiều hoạt động về phong trào khuyến học khuyến tài, thực hiện tốt việc xây dựng dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan.

Thứ năm, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào thi đua “7 tốt đời, 3 đẹp đạo”.

“Gia đình hòa thuận” có 5 tiêu chí:

Thứ nhất, vợ chồng hòa thuận, thương yêu nhau, không có bạo lực gia đình; ông, bà, cha, mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo; có mối quan hệ tốt với cộng đồng, gương mẫu trong xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới; có nếp sống thánh thiện phù hợp với đức tin, với truyền thống quê hương, dân tộc, thực hiện theo hương ước thôn, xóm đã đề ra.

Thứ hai, gia đình gương mẫu trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; làm tròn nghĩa vụ của người công dân; tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội, đảm bảo ANTT, an toàn giao thông.

Thứ ba, gương mẫu trong việc thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 08/11/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.

Thứ tư, tích cực lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, tham gia xóa đói, giảm nghèo, tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp chuyển đổi cây trồng vật nuôi, phát triển ngành nghề đem lại hiệu quả kinh tế gia đình và xã hội.

Thứ năm, gia đình gương mẫu trong việc xây dựng mô hình “Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận”; tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.

Ngày 08/8/2013, UBND xã tổ chức Hội nghị triển khai mô hình “Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận”; tổ chức cho các thôn. Hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ ký cam kết thực hiện. Ban vận động các thôn phối hợp Hội đồng mục vụ các giáo xứ, giáo họ tiến hành triển khai quán triệt, phổ biến nội dung tiêu chí của mô hình ở 12 khu dân cư và tổ chức cho từng hộ gia đình giáo dân ký cam kết giao ước thực hiện theo các nội dung, tiêu chí của mô hình.

Quá trình triển khai, thực hiện mô hình, Ban Công an xã tham mưu cho UBND xã và phối hợp xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; thành lập, kiện toàn, ban hành quy chế và duy trì nề nếp, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức quần chúng tự quản ở cơ sở: Thành lập 103 Tổ nhân dân tự quản về ANTT tại các cụm dân cư (Tổ trưởng do các thảnh viên tự bầu); thành lập Tổ tuần tra của 12 thôn (Công an viên làm Tổ trưởng), duy trì “Tiếng kẻng an ninh” vào thời điểm 22h hàng ngày và làm nhiệm vụ tuần tra, đảm bảo ANTT trên địa bàn thôn; bổ sung, kiện toàn 12 Tổ an ninh nhân dân (Trưởng thôn làm Tổ trưởng). 12 Tổ hòa giải (Trưởng ban công tác Mặt trận thôn làm Tổ trưởng).

Kết quả qua 3 năm thực hiện, mô hình đã được các chức sắc, chức việc và đông đảo giáo dân đồng tình ủng hộ, tự giác thực hiện. tình hình ANTT trên địa bàn chuyển biến tích cực, công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội đạt hiệu quả, các vụ việc, hành vi vi phạm pháp luật giảm qua từng năm, 16/16 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp được giải quyết, hòa giải ngay tại cơ sở. thông qua mô hình, mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền với tổ chức giáo hội cởi mở, gần gũi hơn; tạo sự lan tỏa, hòa nhập với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào thi đua “7 tốt đời, 3 đẹp đạo”, các cuộc vận động, các phong trào cách mạng khác; góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Thực hiện Chỉ thị số 09/CT-BCA-V28 của Bộ Công an, chỉ thị số 31-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 06/KH-UBND của UBND tỉnh Quảng Bình về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong đồng bào các tôn giáo”; Công an tỉnh Quảng Bình tổ chức Hội nghị sơ kết, nhân rộng mô hình “Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận” ra địa bàn vùng đồng bào theo đạo Công giáo trong toàn tỉnh; Hội nghị thống nhất đánh giá, rút ra một số kinh nghiệm:

Một là, Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, xây dựng mô hình ở vùng đồng bào theo đạo Công giáo phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng, sự thống nhất quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở, có kế hoạch được chuẩn bị chu đáo; có cơ chế, biện pháp cụ thể để phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ngành, đoàn thể trong đó lực lượng Công an và mặt trận Tổ quốc giữ vai trò tham mưu, nòng cốt.

Hai là, Coi trọng và thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; kết hợp chặt chẽ giữa công tác vận động quần chúng rộng rãi với công tác vận động cá biệt lôi kéo và phát huy vai trò tích cực của chức sắc, chức việc, người đứng đầu tổ chức tôn giáo vào cuộc. Nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, thiết thực giúp chức sắc, chức việc, quần chúng giáo dân thấy rõ lợi ích, quyền và trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ ANTT từ đó đồng tình ủng hộ, tích cực, tự giác tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ba là, Công tác xây dựng mô hình tổ chức quần chúng tự quản về ANTT ở vùng đồng bào theo đạo Công giáo ngoài việc thực hiện các bước theo quy trình chung thì nội dung, tiêu chí cần phải xác định cụ thể, phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương; kết hợp được những điểm tích cực, tương đồng trong giáo lý, giáo luật, đạo đức tôn giáo với các quy định pháp luật và đạo đức, văn hóa truyền thống dân tộc. Hình thức, biện pháp thực hiện cần phong phú, theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải từ cơ sở và tạo điều kiện để chức sắc, chức việc, quần chúng giáo dân tham gia nhiều hơn, trực tiếp hơn trong thực hiện mô hình và công tác bảo vệ ANTT.

Bốn là, Để phong trào, mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, bền vững, quá trình thực hiện phải chú trọng gắn kết chặt chẽ với các phong trào, các cuộc vận động khác do Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể và tổ chức tôn giáo phát động; kết hợp với công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân cũng như quan tâm giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi để các nhu cầu tôn giáo chính đáng của chức sắc, chức việc và quần chúng giáo dân phát triển tự nhiên phù hợp với thực tế.

Năm là, Quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; có chính sách động viên, khen thưởng phù hợp, kịp thời cho các tập thể, cá nhân nhất là các chức sắc, chức việc, quần chúng giáo dân có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, trong thực hiện nội dung, tiêu chí mô hình. Lực lượng Công an cần tích cực hỗ trợ giải quyết các vụ việc phức tạp về ANTT, thường xuyên mở các đợt tấn công, trấn áp tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội; phát hiện và xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm pháp luật; tạo khí thế thi đua và môi trường thuận lợi cho phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ phát triển sâu rộng.