Năm 2016, có 1.783 thủ tục hành chính đang có hiệu lực thi hành được UBND tỉnh công bố, công khai

67
Đánh giá bài viết

Xác định kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) là nhiệm vụ trọng tâm, liên tục, lâu dài nên trong những năm qua, Chủ tịch UBND tỉnh luôn trực tiếp chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ này; đồng thời, tại hầu hết các sở, ngành, địa phương đều được thủ trưởng đơn vị trực tiếp phụ trách theo quy định tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Nhờ đó, hoạt động kiểm soát TTHC tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Những kết quả đạt được trong hoạt động cải cách TTHC đã và đang góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.

 

Nhiều TTHC được UBND tỉnh công bố đã kịp thời được cập nhật lên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh
Nhiều TTHC được UBND tỉnh công bố đã kịp thời được cập nhật lên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh

 

Thực hiện chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC của Đảng và Nhà nước, ngay trong năm đầu tiên của giai đoạn 2016 – 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan hành chính Nhà nước các cấp tăng cường hoạt động kiểm soát TTHC, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cũng như đề ra một số hoạt động trọng tâm nhằm tạo động lực chuyển biến mới trong cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh, như: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; rà soát chuẩn hóa nội dung công bố, công khai TTHC; kiện toàn Bộ phận một cửa, một cửa liên thông và việc áp dụng quy trình ISO trong giải quyết TTHC, văn bản quy định về TTHC thuộc thẩm quyền ban hành của tỉnh; tăng cường các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp và người dân về TTHC… Qua đánh giá tác động đối với TTHC trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), tỉnh đã kịp thời bãi bỏ 29 TTHC tại 07 dự thảo do không cần thiết ban hành, không đảm bảo tính hợp lý hoặc không được luật giao.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành thường xuyên tổ chức cập nhật kịp thời TTHC đã được các Bộ, ngành công bố chuẩn hóa để trình UBND tỉnh công bố mới hoặc công bố sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ TTHC thuộc thẩm quyền quản lý, đảm bảo chuẩn hóa 100% TTHC được UBND tỉnh công bố với TTHC được Bộ, ngành công bố. Tính đến ngày 30/11/2016, UBND tỉnh đã ban hành 58 Quyết định công bố 727 TTHC, trong đó có 459 TTHC được công bố bổ sung, sửa đổi, thay thế và 268 TTHC được công bố bãi bỏ. Ngay sau khi TTHC được công bố, UBND tỉnh đã giao Sở Tư pháp cập nhật kịp thời lên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC; giao Văn phòng UBND tỉnh đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; chỉ đạo các đơn vị, địa phương niêm yết công khai theo đúng quy định. Đến nay, tổng số TTHC đang có hiệu lực thi hành được UBND tỉnh công bố, công khai là 1.783 thủ tục, trong đó cấp tỉnh 1.351 thủ tục, cấp huyện 271 thủ tục và cấp xã 161 thủ tục.

Nhiều đơn vị, địa phương đã áp dụng hình thức công khai TTHC phù hợp. 100% các sở, ban, ngành chuyên môn, UBND cấp huyện kết nối với Cổng Thông tin điện tử của tỉnh để đăng tải TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết trên Trang thông tin điện tử của đơn vị, địa phương. 100% các cơ quan, đơn vị địa phương đã tổ chức niêm yết công khai TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết dưới 02 hình thức bắt buộc trên bảng niêm yết đặt tại trụ sở làm việc và đóng thành Bộ TTHC theo từng lĩnh vực đặt tại địa điểm tiếp nhận hồ sơ nhằm phục vụ nhu cầu tra cứu của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tình hình tiếp nhận, giải quyết TTHC tại các đơn vị, địa phương đã bám sát theo đúng quy định của pháp luật. Ước tính năm 2016, toàn tỉnh tiếp nhận 1.594.495 hồ sơ TTHC; trong đó tỷ lệ hồ sơ đã giải quyết đúng hạn chiếm 98,7% tổng số hồ sơ đã tiếp nhận, tỷ lệ hồ sơ đang giải quyết chưa đến hạn chiếm 0,7%, tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn chỉ có 0,6%.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các đơn vị, địa phương đã tăng cường trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện TTHC như có văn bản/mẫu phiếu nêu rõ lý do gửi cho đối tượng thực hiện TTHC trong trường hợp xin gia hạn thời gian giải quyết, đề nghị bổ sung, hoàn thiện hoặc từ chối giải quyết hồ sơ…; tăng cường kiểm soát quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ bằng các biện pháp: Sử dụng đầy đủ các mẫu phiếu theo dõi quy trình tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ và trả kết quả theo quy định. Nhiều đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các quy trình ISO, cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và trả kết quả TTHC; tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua đường bưu chính hoặc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, 3 nhằm cắt giảm chi phí và thời gian thực hiện TTHC. Những hoạt động trên đã góp phần tạo chuyển biến đáng kể trong cải cách quá trình giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng giải quyết công việc, bảo đảm sự công khai, minh bạch và gắn liền với trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị giải quyết TTHC.

Đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc quy định tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và thực hiện quy định hành chính; ban hành Công văn số 1267/UBND-NC ngày 12/8/2016 chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện thiết lập Chuyên mục hướng dẫn, giải đáp, xử lý ý kiến, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính và hành vi hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết của đơn vị, địa phương. Các đơn vị, địa phương đã thực hiện tốt việc niêm yết nội dung hướng dẫn và địa chỉ cơ quan Tư pháp giúp UBND tỉnh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức; sử dụng hòm thư góp ý và hướng dẫn đối tượng thực hiện phản ánh, kiến nghị cho lãnh đạo đơn vị, địa phương; đồng thời công khai số điện thoại đường dây nóng để kịp thời hướng dẫn việc thực hiện TTHC, giải đáp những vướng mắc của cá nhân, tổ chức.

Công tác truyền thông về hoạt động kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh năm 2016 được các đơn vị, địa phương thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú như: Xây dựng phóng sự phát trên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, bài viết trên các báo, tạp chí, bản tin của cơ quan Trung ương và địa phương, Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và của sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, Bản tin Tư pháp; thông qua hội nghị giao ban, tọa đàm, lớp tập huấn, bồi dưỡng quán triệt nội dung, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC. Thông qua hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư của UBND tỉnh và hoạt động đối thoại về TTHC của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã theo định kỳ đã tạo điều kiện để lãnh đạo các cấp, các ngành gặp gỡ, lắng nghe và đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về TTHC cho người dân và doanh nghiệp…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC vẫn còn gặp một số tồn tại, vướng mắc như: Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC ở một số cơ quan, đơn vị chưa đảm bảo đúng quy trình, yêu cầu người dân phải cung cấp những hồ sơ ngoài thủ tục quy định nhưng không nêu rõ lý do bằng văn bản/ mẫu phiếu; tình trạng giải quyết hồ sơ quá hạn còn diễn ra; việc phối hợp giải quyết một số TTHC liên thông của một số sở, ban, ngành và UBND các cấp chưa tốt; thực hiện rà soát, kiến nghị đơn giản hóa TTHC để cắt bỏ, giảm bớt các quy định về TTHC rườm rà; thực hiện quy trình đánh giá tác động đối với các quy định về TTHC trong dự thảo văn bản QPPL thiếu tính chủ động; đồng thời việc đánh giá tác động về TTHC của một số cơ quan soạn thảo sơ sài, mang tính hình thức, do vậy ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng văn bản trình UBND tỉnh.

Nguyên nhân là do việc bố trí công chức làm đầu mối kiểm soát TTHC tại một số đơn vị, địa phương chưa đảm bảo kinh nghiệm và năng lực; công tác kiểm soát việc thực hiện giải quyết TTHC trong vài trường hợp chưa thực sự nghiêm túc, mặc dù không nhiều nhưng vẫn xảy ra tình trạng chưa kiểm soát chặt chẽ quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ và trả kết quả, chưa tuân thủ đầy đủ quy định về quy trình giải quyết TTHC; thái độ và kỹ năng phục vụ của một số cán bộ công chức, viên chức trực tiếp giải quyết TTHC vẫn còn bất cập; hoạt động theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc giải quyết các TTHC thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý của một số sở, ban, ngành ở cấp huyện và cấp xã chưa thường xuyên.

Để thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát TTHC trong năm 2017, bên cạnh việc tiếp tục phát huy kết quả hoạt động kiểm soát TTHC năm 2016, các sở, ban, ngành UBND cấp huyện, xã cần kiểm soát chặt chẽ quy trình giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức; tăng cường giải pháp về công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ quan giải quyết TTHC; thường xuyên, liên tục chuẩn hóa kịp thời nội dung công bố TTHC nhằm công khai, minh bạch tất cả các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền; thực hiện có chất lượng quy trình đánh giá tác động đối với quy định về TTHC trong dự thảo văn bản QPPL, chỉ ban hành TTHC được luật giao và đảm bảo sự cần thiết, hợp lý và hợp pháp. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh công tác rà soát, đánh giá TTHC và quy định có liên quan đang còn vướng mắc, bất cập hoặc không còn phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân; đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh trong việc tham gia hoạt động giám sát về TTHC; khuyến khích người dân tham gia góp ý, hiến kế và giám sát các quy định hành chính và hành vi hành chính.

Tiêu Dao

(Nguồn: QuangBinh Portal)