NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHỐI HỢP GIỮA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT ĐIỀU TRA TỘI PHẠM VỀ MA TÚY VỚI BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG TRONG ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM MA TÚY TRÊN TUYẾN BIÊN GIỚI VIỆT-LÀO TỈNH QUẢNG BÌNH

1475
Đánh giá bài viết

Quảng Bình có diện tích 8.065 km2; quốc lộ 1 A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc-Nam, tuyến biên giới đất liền dài 220,118 km tiếp giáp với 2 tỉnh của Lào là Khăm Muộn và Sa Vẳn Na Khệt; phía Lào có 3 huyện giáp biên là Nakai, Bualapha – Khăm Muộn và Xe Pôn – Savanakhẹt. Phía Quảng Bình có 5 huyện giáp biên, gồm 9 xã biên giới; có tuyến quốc lộ 12A – Cửa khẩu quốc tế Cha Lo; tuyến  quốc lộ 20 – Cửa khẩu Cà Roòng và đường 565 – Cửa khẩu Chút Mút- Lã Vơn thông thương với nước bạn Lào. Trên tuyến biên giới có nhiều đường mòn vừa thuận lợi cho nhân dân biên giới qua lại buôn bán, thăm thân, nhưng cũng là điều kiện thuận lợi để tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội, gây mất an ninh trật tự trên tuyến biên giới hai nước. Nhân dân ở đây chủ yếu là người dân tộc thiểu số như: Vân Kiều, Rục, Ma Coong, Sách, Mày… Đồng bào dân tộc ở đây trình độ dân trí còn hạn chế, ít hiểu biết pháp luật, đời sống khó khăn, địa hình rừng núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, ngoài các vụ mùa thời gian còn lại họ thường qua Lào tìm kiếm việc làm.

Hội nghị giao ban công tác phối hợp phòng, chống tội phạm ma túy giữa 4 lực lượng Công an- Biên phòng- Hải quan- Cảnh sát biển 6 tháng cuối năm 2017

 Thời gian qua, tình hình liên quan ma tuý tại khu vực biên giới, các cửa khẩu tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp. Số người sử dụng ma tuý dọc tuyến biên giới gia tăng, số đối tượng tham gia mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma tuý ngày càng nhiều với số lượng lớn và chống trả quyết liệt lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Theo thống kê đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn 4 xã biên giới huyện Minh Hóa, khu vực cửa khẩu Cha Lo đã có trên 150 đối tượng liên quan ma tuý. Hoạt động của các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào về Việt Nam qua tuyến biên giới Quảng Bình có chiều hướng gia tăng và tiềm ẩn phức tạp. Qua công tác nắm tình hình cho thấy, các đối tượng không chỉ lợi dụng các đường mòn khu vực Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, cửa khẩu Cà Roòng để vận chuyển trái phép các chất ma túy từ Lào qua biên giới tỉnh Quảng Bình, mà đã xuất hiện và có sự gia tăng việc vận chuyển ma túy qua khu vực cửa khẩu Chút Mút – Lã Vơn. Các đối tượng vận chuyển ma túy qua biên giới Quảng Bình chủ yếu là các đối tượng người Việt Nam câu kết, móc nối với một số người Việt sinh sống, làm ăn ở Lào hình thành các đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới với số lượng lớn, trong đó tập trung là các địa bàn dọc tuyến đường 12 từ cửa khẩu quốc tế Cha Lo đến thị xã Thà Khẹt và một số khu vực khác như: Huyện Nọng Bốc, Hỉn Bun dọc tuyến 13.

Trước diễn biến phức tạp của tội phạm ma túy trên tuyến biên giới, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (CSĐTTPMT), Công an tỉnh và lực lượng phòng, chống ma túy- Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tập trung lực lượng, chủ động phối hợp, tạo lập thế trận liên hoàn từ ngoại biên vào biên giới đến nội địa, từng bước đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả với tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới Quảng Bình. Quá trình phối hợp đấu tranh chống tội phạm ma túy, hai lực lượng đã chủ động tham mưu, đề xuất xây dựng và triển khai thực hiện nhiều kế hoạch chung; công tác chỉ huy, chỉ đạo được tiến hành thường xuyên, nhận thức của cán bộ, chiến sĩ hai lực lượng về mối quan hệ phối hợp được nâng lên. Thường xuyên phối hợp tổ chức rà soát, lên danh sách đối tượng nghi liên quan đến hoạt động ma tuý trên tuyến biên giới, thống nhất phân công cụ thể công tác nắm tình hình, quản lý đối tượng nhằm chủ động hơn trong công tác ngăn chặn, kiềm chế tội phạm vận chuyển ma tuý qua biên giới. Tích cực trao đổi thông tin về những vấn đề liên quan trong phòng, chống tội phạm ma túy, tạo điều kiện cho nhau, hỗ trợ tích cực về nghiệp vụ, phát huy hiệu quả và tính năng động sáng tạo của mỗi lực lượng trong phòng ngừa, phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ án ma tuý ngày càng tốt; mối quan hệ phối hợp trong công tác ngày càng được củng cố, đi vào hoạt động có chiều sâu, có hiệu quả. Từ năm 2015 đến nay, hai lực lượng đã phối hợp tổ chức 13 buổi tuyên truyền về ma tuý, tác hại của ma tuý và công tác phòng, chống ma tuý với 2.800 người tham gia, phát 3.300 tờ rơi; đấu tranh triệt xóa 18 đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý từ Lào đưa về Quảng Bình và đi các tỉnh khác tiêu thụ. Bắt giữ, làm rõ  24 vụ/29 đối tượng có hành vi phạm tội về ma tuý, điển hình: Ngày 10/9/2016, phòng CSĐTTPMT phối hợp với lực lượng Biên phòng, Hải quan phá chuyên án 816T, triệt xóa đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý đưa từ Lào về Việt Nam qua biên giới Quảng Bình đưa đi các tỉnh phía Nam tiêu thụ ; bắt, khởi tố 3 bị can, thu giữ 5.818 viên hồng phiến, 302.200.000 đồng. Ngày 15/6/2018, triệt xóa đường dây vận chuyển trái phép chất ma tuý qua biên giới, bắt Thạo Lay (người Lào), thu giữ 47.727 viên hồng phiến.

Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa 2 lực lượng trong thời gian qua còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế và khó khăn. Đó là: Mặc dù 2 bên đã tập trung lực lượng, phối hợp triển khai hoạt động nghiệp vụ đấu tranh phòng, chống ma túy trên tuyến biên giới nhưng vẫn chưa đủ điều kiện để quản lý được địa bàn, đối tượng trên tuyến biên giới Việt-Lào; Hoạt động của các lực lượng chú trọng nhiều theo đặc thù ngành dọc từ trên xuống, công tác trao đổi thông tin về tội phạm còn phụ thuộc vào quy định riêng của từng ngành, vì vậy số lượng thông tin được trao đổi chưa nhiều, đôi lúc còn chậm trễ, chủ yếu trao đổi những thông tin bề nổi, nội dung thông tin chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phối hợp, nhất là trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp lập án đấu tranh với các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy. Công tác phối hợp chủ yếu theo vụ việc, việc xác lập, đấu tranh chuyên án, vụ án chung về ma túy còn ít, chưa tương xứng với tình hình thực tiễn; các chuyên án, vụ án có sự phối hợp tổ chức đấu tranh, bắt giữ, xử lý tội phạm giữa 2 lực lượng nhưng chưa tổ chức họp rút kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực phối hợp đấu tranh; công tác phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân và vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm tại khu vực biên giới đã được tiến hành nhưng hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng, chưa phát huy hết thế mạnh của đội ngũ cán bộ cơ sở, do đó nhiều địa bàn chưa duy trì được hoạt động thường xuyên, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Tình hình ma túy và hoạt động của tội phạm ma túy ở Lào diễn biến rất phức tạp, trong khi đó địa bàn biên giới Quảng Bình chủ yếu là rừng núi, vừa trải dài lại có nhiều đường tiểu ngạch, dân cư thưa thớt là điều kiện thuận lợi để tội phạm lợi dụng hoạt động và cũng là khó khăn rất lớn trong công tác phối hợp phòng ngừa và đấu tranh tội phạm ma túy trên tuyến biên giới của các lực lượng chức năng; Lực lượng chuyên trách phòng, chống ma tuý của hai lực lượng còn quá mỏng, trình độ nghiệp vụ, năng lực còn nhiều hạn chế.

Dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp. Hoạt động của các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào đưa về Việt Nam qua tuyến biên giới Quảng Bình gia tăng, với tính chất và quy mô ngày càng lớn, nhất là hiện nay các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma tuý các tỉnh phía Tây Bắc tập trung tấn công, trấn áp mạnh, do đó các tổ chức, đường dây, nhóm đối tượng có vũ trang, vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam sẽ tập trung vận chuyển qua tuyến biên giới Việt- Lào thuộc các tỉnh Bắc miền Trung, trong đó đặc biệt chú ý là Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Cửa khẩu Cà Roòng của Quảng Bình. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa lực lượng CSĐTTPMT-Công an tỉnh với lực lượng phòng, chống ma túy- Bộ đội Biên phòng tỉnh trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy tuyến biên giới Việt- Lào, trong thời gian tới, ngoài việc 2 lực lượng tiếp tục duy trì, tổ chức tốt việc triển khai thực hiện các chủ trương, chương trình phòng, chống ma tuý của Đảng, Nhà nước, các quy chế phối hợp giữa 2 lực lượng, cần tập trung phối hợp, tiến hành một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng CSĐTTPMT các cấp và các đơn vị Bộ đội Biên phòng đẩy mạnh phối hợp, hỗ trợ nhau thực hiện các mặt công tác nghiệp vụ, trao đổi thông tin, lập các chuyên án chung để đấu tranh; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ về nội dung, vị trí, vai trò tầm quan trọng của quan hệ phối hợp giữa hai lực lượng trong phòng, chống tội phạm ma túy ở khu vực biên giới.

Hai là, tích cực phối hợp triển khai các biện pháp nghiệp vụ rà soát, thống kê, thu thập thông tin các đối tượng liên quan đến ma túy, các đối tượng nghi vấn vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới và tình hình ‘‘cung – cầu’’ về ma túy trên địa bàn, tình hình ma túy tại các huyện giáp biên của Lào nhằm nghiên cứu, đánh giá chính xác về tình hình, xu hướng, diễn biến tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới, từ đó đề ra các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh phù hợp.

Ba là, phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng liên quan đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy ở khu vực cửa khẩu, các xã biên giới; triển khai có hiệu quả kế hoạch điều tra, kiểm soát, vận động nhân dân không trồng cây có chứa chất ma tuý; phát động toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm ma tuý, góp phần ngăn chặn sự lây lan, phát triển của tội phạm và tệ nạn ma túy trên tuyến biên giới.

Bốn là, tham mưu, đề xuất lãnh đạo các cấp quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, tăng cường trang bị phương tiện, vật chất đảm bảo cho hai lực lượng đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tội phạm trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới. Tích cực bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ nghiệp vụ, mở các lớp tập huấn chung cho cán bộ chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy của các lực lượng Công an-Biên phòng-Hải quan về nghiệp vụ điều tra trinh sát, pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên tuyến biên giới. Đồng thời, quan tâm đề xuất chế độ chính sách phù hợp với lực lượng trực tiếp đấu tranh tội phạm ma túy đầy cam go và nguy hiểm; động viên khích lệ kịp thời đối với các đơn vị, cá nhân có thành tích trong hoạt động nghiệp vụ phòng ngừa, điều tra, khám phá, xử lý các vụ án về ma túy.

Năm là, hai lực lượng cần tăng cường phối hợp chung với An ninh Khăm Muộn, Sa Vẳn Na Khệt- Lào triển khai các biện pháp nghiệp vụ, trao đổi thông tin thường xuyên; rà soát, sàng lọc, kịp thời tổ chức xác minh, đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới.

Sáu là, thường xuyên phối hợp sơ kết, tổng kết các chương trình, kế hoạch, các chuyên đề liên quan đến công tác phòng, chống ma túy trên tuyến biên giới để rút kinh nghiệm, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các sơ hở, thiếu sót nhằm hoàn thiện nâng cao hiệu quả công tác. Đặc biệt là tổng kết các vụ án, chuyên án đấu tranh chung đối với các tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới để rút ra các phương án, chiến thuật đấu tranh mới, có hiệu quả, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng đấu tranh và quần chúng nhân dân.

Thượng tá, Ths Nguyễn Tiến Hoàng Anh

Trưởng phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy