Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa lực lượng Công an và ngành Giáo dục về phòng, chống bạo lực học đường và vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục

2812
Đánh giá bài viết

Ở nước ta hiện nay, bạo lực học đường và vi phạm pháp luật (bạo hành, xâm hại tình dục, uy hiếp tinh thần,…) trong các cơ sở giáo dục đang là mối lo ngại của không những các nhà giáo dục, các nhà quản lý xã hội mà còn của mỗi gia đình khi nó trực tiếp tác động đến sự phát triển của từng thế hệ con em chúng ta. Sự bình an đối với từng cá nhân trong môi trường học đường tác động trực tiếp đến tinh thần, thái độ học tập của học sinh cũng như việc giảng dạy của các thầy giáo, cô giáo. Bạo lực học đường và vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục là một hiện tượng không mới nhưng điểm đáng lưu tâm là gần đây có nhiều vụ bộc lộ tính chất nguy hiểm, nghiêm trọng như: học sinh dùng hung khí đánh nhau trong trường học, trước cổng trường; học sinh nữ đánh nhau hội đồng, làm nhục bạn học; học sinh hành hung giáo viên, giáo viên xúc phạm, dùng vũ lực để “giáo dục” học sinh…đã gây nhiều bức xúc, có thời điểm trở thành chủ đề “nóng” trong dư luận xã hội.

Tỉnh Quảng Bình có 254 trường và cơ sở giáo dục mầm non, 209 trường tiểu học, 19 trường tiểu học và trung học cơ sở, 147 trường trung học cơ sở, 06 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, 27 trường trung học phổ thông, 01 trung tâm giáo dục thường xuyên, 08 trung tâm giáo dục – dạy nghề. Theo thống kê, từ ngày 16/11/2011 đến ngày 15/11/2017, toàn tỉnh xảy ra 308 vụ bạo lực học đường và vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục, liên quan đến 656 đối tượng, tổng số 342 nạn nhân bị xâm hại, trong đó làm chết 04 người, bị thương 128 người. Bạo lực học đường và vi phạm pháp luật xảy ra cả ở trong và ngoài phạm vi nhà trường (trong trường học 151 vụ, ngoài trường học 157 vụ). Các vụ việc trên tập trung chủ yếu ở các trường Trung học phổ thông (217 vụ, 70%), có 02 vụ ở cấp tiểu học và mầm non. Học sinh đánh nhau, gây rối chiếm tỷ lệ cao (246 vụ, 79,9%); uy hiếp tinh thần (18 vụ, 5,8%); hình thức khác (42 vụ, 13,6%); xảy ra 02 vụ xâm hại tình dục (0,6%). Đối tượng gây ra bạo lực học đường và vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục chủ yếu là nam giới (87,3%) và tập trung nhiều ở lứa tuổi học sinh trung học phổ thông (77,4%), cá biệt có trường hợp là thầy, cô giáo. Trong các vụ bạo lực học đường, các đối tượng hầu hết dùng tay không hoặc gậy, gạch đá để giải quyết mâu thuẫn, tuy nhiên cũng có một số ít vụ đối tượng dùng dao, mã tấu thực hiện hành vi vi phạm nên tính chất nguy hiểm cao hơn. Cơ quan Công an đã khởi tố 13 vụ, xử lý hành chính 131 vụ, phối hợp với nhà trường áp dụng các hình thức xử lý khác 164 vụ.

Qua khảo sát tình hình thấy: Bạo lực học đường và vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau: 1) Từ bản thân các em học sinh: Các em học sinh từ 12 đến 17 tuổi đang trong giai đoạn quan trọng hình thành nhân cách, cùng với đó là tâm lý không ổn định và cái “tôi” cá nhân cao, dễ xúc động, khó kiềm chế được lời nói, hành vi. Trong giai đoạn này các em còn non nớt trong kỹ năng sống, dễ bắt chước, học theo, chưa định hình được lý tưởng sống cho bản thân nên rất dễ sai lệch về nhận thức và hành động. 2) Từ phía gia đình: Nhiều bậc phụ huynh thiếu quan tâm chăm sóc, giáo dục và định hướng cho con cái. Có gia đình cha mẹ có thu nhập và học vấn thấp, nghiện ngập, hay vi phạm pháp luật, bạo lực gia đình, cha mẹ ly thân hoặc ly hôn… đã tác động tiêu cực đến quá trình hình thành nhân cách của học sinh. Một số phụ huynh thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục con trẻ. 3) Từ nhà trường: Một số trường học tập trung nhiều vào giảng dạy về kiến thức văn hóa, chạy theo bệnh thành tích nên thiếu sự theo dõi sát sao, khuyên răn, hướng dẫn học sinh; không phát hiện và ngăn chặn kịp thời những mâu thuẫn trong nội tại các em học sinh, đây là nguyên nhân dẫn đến ẩu đả, xô xát giữa các bạn nữ sinh hoặc nam sinh với nhau. Ngoài ra, do chưa thực hiện đầy đủ các nội dung giáo dục phòng, chống bạo lực học đường, phòng, chống xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn – Đội trong trường chưa phát huy tốt vai trò của mình. 4) Từ xã hội: Môi trường xã hội còn nhiều phức tạp, tệ nạn xã hội và những mặt trái của cơ chế thị trường đã có tác động xấu đến nhận thức, tình cảm và hành vi của các em. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhất là game, mạng xã hội đã có những tác động tiêu cực đến quá trình hình thành nhân cách, đạo đức của học sinh.

Thời gian qua, Công an tỉnh và Công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục, chính quyền địa phương triển khai quyết liệt nhiều chương trình, biện pháp phòng, chống nhằm góp phần hạn chế, giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường và vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục. Cùng với việc triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, xây dựng “Trường học an toàn về an ninh, trật tự”, Công an tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định 1928/2009/CP của Chính phủ về “Nâng cao chất lượng, công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường”. Bằng nhiều hình thức, biện pháp, các nhà trường đã lồng ghép tuyên truyền giáo dục pháp luật, giáo dục tư tưởng, văn hóa truyền thống, lòng yêu nước, tự tôn dân tộc vào môn học Giáo dục công dân, hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ, chào cờ đầu tuần, các buổi phát động thi đua khác… Các mô hình về trường học an ninh, trật tự được hai ngành quan tâm chỉ đạo xây dựng mới như: “Đội thanh niên xung kích”, “Đội cờ đỏ”, “Lớp học tự quản”, “Đội cờ đỏ tự quản”, “Cổng trường an toàn”, “Đội an ninh trường học”,  “Lớp học không có học sinh vi phạm tệ nạn xã hội”,… đã khơi dậy ý thức trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên, giáo viên, học sinh trong xây dựng trường học an toàn về an ninh, trật tự nói chung và phòng, chống bạo lực học đường, vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục nói riêng. Lực lượng Công an, cơ sở giáo dục và chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự tại cổng trường và các khu vực xung quanh, ngăn chặn tối đa việc các đối tượng ngoài xã hội tham gia gây rối, đánh nhau, uy hiếp tinh thần các em học sinh. Khi có vụ việc vi phạm xảy ra, lực lượng Công an phối hợp chặt chẽ với cơ sở giáo dục và gia đình để giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, nghiêm minh, thể hiện tính răn đe, giáo dục cao.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình bạo lực học đường và vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục tiếp tục là vấn đề “nóng”sẽ được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa lực lượng Công an với ngành Giáo dục trong phòng, chống tình trạng trên, chúng tôi đề ra một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới như sau:

Một là, hai ngành cần phối hợp hợp chặt chẽ hơn nữa trong nghiên cứu xây dựng các kế hoạch, chương trình phối hợp nhằm triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực học đường và vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục phù hợp với đặc điểm tình hình thực tiễn ở cơ sở. Chú trọng đổi mới hình thức, biện pháp nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường. Xây dựng quy chế phối hợp trong phòng, chống các vụ việc bạo lực học đường và vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục giữa ngành Giáo dục và lực lượng Công an, trong đó phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan khi có vụ việc xảy ra.

Hai là, tiếp tục thực hiện hiệu quả nội dung thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, xây dựng “Trường học an toàn về an ninh, trật tự” gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua khác do Trung ương, địa phương và ngành Giáo dục phát động. Phối hợp xây dựng, củng cố và kiện toàn các mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về an ninh, trật tự tại các cơ sở giáo dục. Tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống nội quy, quy chế, quy ước về đảm bảo an ninh, trật tự, quản lý cán bộ, giáo viên, học sinh và các quy định an toàn khác đối với cơ sở giáo dục. Đổi mới và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng bảo vệ, tổ xung kích, tổ tự quản thuộc tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh… tại các cơ sở giáo dục.

Ba là, chú trọng phối hợp trao đổi thông tin, phát huy hiệu quả các kênh thông tin, đường dây nóng tiếp nhận phản ánh tình hình bạo lực học đường và vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục của quần chúng nhân dân. Tăng cường nắm, ngăn chặn kịp thời việc các đối tượng ngoài xã hội có biểu hiện gây rối, uy hiếp tinh thần, sức khỏe của các em học sinh hoặc dụ dỗ, lôi kéo các em thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Phối hợp với chính quyền địa phương vận động các hộ gia đình, hộ kinh doanh dịch vụ karaoke, internet khu vực xung quanh các trường… ký cam kết đảm bảo an ninh, trật tự, không phục vụ học sinh các hoạt động giải trí như karaoke, internet, game online, rượu bia, thuốc lá, các chất gây nghiện khác…trong giờ học; không bán đồ chơi nguy hiểm, không chứa chấp tệ nạn xã hội và cầm cố tài sản của học sinh; không tham gia buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng các chất ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, các loại pháo…

Bốn là, tăng cường phối hợp giữa nhà trường và lực lượng Công an trong giải quyết tốt các vụ việc bạo lực học đường và vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục, đảm bảo kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định pháp luật, vừa răn đe, vừa giáo dục, tạo môi trường học tập, giảng dạy lành mạnh của học sinh và giáo viên.

Năm là, hai ngành thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành tại các địa phương, cơ sở giáo dục xảy ra nhiều bạo lực học đường và vi phạm pháp pháp luật; đồng thời phối hợp tổ chức giao ban, sơ, tổng kết các chuyên đề nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm, thống nhất đề ra các giải pháp thiết thực nhằm phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả bạo lực học đường và vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục.

Trung tá, Ths Nguyễn Xuân Tư

Phó Trưởng phòng Tham mưu