Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự ở vùng biên giới Huyện Minh Hóa

3341
Đánh giá bài viết

Minh Hoá là một huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Bình. Có đường biên giới chung với nước bạn Lào dài gần 100km. Đi qua huyện có quốc lộ 12A và đường mòn Hồ Chí Minh xuyên Việt. Riêng quốc lộ 12A thông qua Lào, qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo- Na Phàu. Ngoài ra, biên giới Việt – Lào còn có nhiều đường tiểu mạch, đường mòn đi qua; ở dọc tuyến biên giới Việt – Lào có 04 xã đó là: Dân Hoá, Trọng Hoá, Hoá Sơn và Thượng Hoá; dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như: Khùa, Mày, Sách, Rục, A Rem, Chứt, Thổ…Đời sống của nhân dân ở các vùng biên giới còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào nguồn trợ cấp của Chính phủ và làm nương, rẫy.

Trong những năm qua, tình hình ANTT khu vực biên giới của huyện Minh Hóa cơ bản ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn nổi lên một số vấn đề đáng chú ý đó là:

Tình trạng người dân địa phương trên tuyến biên giới vượt biên trái phép qua Lào theo các đường tiểu mạch để thăm thân, làm ăn, trao đổi hàng hàng hóa và vi phạm pháp luật bị lực lượng chức năng của nước bạn Lào bắt, xử lý và trao trả vẫn còn xảy ra; thậm chí nhiều trường hợp lấy vợ, chồng bất hợp pháp ở các xã vùng giáp ranh vùng biên giới hai bên. Đây là vấn đề tiềm ẩn những nhân tố phức tạp mà kẻ địch có thể lợi dụng hoạt động và cũng gây khó khăn cho công tác quản lý của ta.

Hoạt động của các loại tội phạm như: Tội phạm về ma túy, tội phạm liên quan đến vật liệu nổ, pháo; khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép… có chiều hướng gia tăng về số vụ qua các năm; tính chất, hành vi phạm tội ngày càng nghiêm trọng hơn. Các đối tượng thường lợi dụng chính sách “Mở cửa”, thông thương buôn bán của ta qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo để dấu trong các phương tiện và lợi dụng các đường tiểu mạch, đường mòn qua biên giới giữa nước ta và Lào để thực hiện hành vi phạm tội. Mặt khác, chúng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ của đồng bào dân tộc để lôi kéo vào hoạt động phạm tội, phổ biến nhất là thuê họ vận chuyển trái phép pháo, vật liệu nổ, lâm sản, ma túy…

Nhiều đối tượng từ các địa phương khác đến cư trú bất hợp pháp, dựng nhà trái phép ở khu vực có nhiều lâm sản để khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác. Tình trạng quần chúng nhân dân phá rừng làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép, tàng trữ vũ khí để săn bắt động vật hoang dã trái phép còn diễn ra nhiều.

Trước tình hình đó, Công an huyện Minh Hóa đãthực hiện tốt công tác QLHC về ANTT. Công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu được quản lý chặt chẽ, nhất là khu vực cửa khẩu và nơi các đối tượng thường khai thác, vận chuyển lâm sản; phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, thống kê số công dân Việt Nam kết hôn không giá thú (Qua thống kê hiện nay có 07 trường hợp kết hôn với người Lào) để làm các thủ tục theo đúng Hiệp định đã ký kết giữa hai Chính phủ và theo Kế hoạch của UBND tỉnh, Công an tỉnh và UBND huyện. Công tác cải cách hành chính luôn được quan tâm, Cấp phát CMND, căn cước công dân được tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho đồng bào; quản lý có hiệu quả ngành nghề kinh doanh có điều kiện; công tác quản lý thu hồi VK – VLN – CCHT được chú trọng, đạt hiệu qủa cao; công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và vận động tranh thủ người có uy tín được thực hiện thường xuyên.

Đã chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết kịp thời những vụ việc liên quan đến tình hình an ninh, trật tự trên trên tuyến biên giới; không để bị động, bất ngờ xảy ra, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới có hiệu quả và Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội từng bước được nâng cao.

Triển khai lực lượng trinh sát An ninh, cán bộ Đội Xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT, Đồn Công an Hoá Tiến, phối kết hợp với các cơ quan, ban ngành, các đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn để tuần tra trên tuyến biên giới, các địa bàn phức tạp, xung yếu nhằm phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh với hoạt động vi phạm trên tuyến biên giới. Công tác hợp tác quốc tế cũng được chú trọng để đảm bảo tình hình an ninh trên tuyến biên giới. Đặc biệt trong phối hợp với An ninh 2 huyện Na Kai và Bua La Pha, tỉnh Khăm Muộn Lào; hai bên đã trao đổi một số tình hình có liên quan đến ANTT trên tuyến biên giới, thống nhất một số nội dung công tác phối hợp trong thời gian tiếp theo. Tập trung quản lý các loại đối tượng, mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, phát hiện, xử lý các ổ, nhóm tội phạm hình sự, ma túy, môi trường, tụ điểm tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên, trong QLNN về ANTT vùng biên giới vẫn còn bộc lộ một số tồn tại: Sự phối hợp giữa các lực lượng, các cấp trong quản lý nhà nước về phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm ở một số nơi chưa chặt chẽ và hiệu quả chưa cao; nhận thức về nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội ở một bộ phận cán bộ, đảng viên còn biểu hiện mơ hồ, mất cảnh giác; công tác quản lý kinh tế – xã hội, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp chưa theo kịp với tình hình nên dẫn đến những sơ hở, thiếu sót để kẻ địch và bọn tội phạm lợi dụng hoạt động. Có nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự ở vùng biên giới như: Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân còn hạn chế; một số văn bản hướng dẫn còn thiếu, chồng chéo; trình độ, năng lực của một số cán bộ làm công tác quản lý còn hạn chế, trách nhiệm chưa cao…

Công an huyện Minh Hóa vận động thu hồi vũ khí
Công an huyện Minh Hóa vận động thu hồi vũ khí

Thời gian tới, để không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN về ANTT ở vùng biên giới, Công an huyện Minh Hóa tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Chấp hành sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của cấp ủy Ðảng trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Sử dụng các biện pháp chính trị, vận động quần chúng là chủ yếu, huy động lực lượng của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền, lực lượng Công an làm tham mưu và đóng vai trò là lực lượng nòng cốt, các tầng lớp nhân dân ủng hộ, tham gia.

2. Tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền tăng cường những cán bộ có năng lực cho các ban, ngành, các tổ chức đoàn thể trong triển khai thực hiện thế trận an ninh nhân dân ở tuyến biên giới. Đặc biệt là tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu những cán bộ có năng lực, sức khoẻ cho cơ sở, phù hợp với điều kiện, địa bàn trên tuyến biên giới, luôn sát dân, gần dân, hiểu biết pháp luật, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, bằng việc xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân. Chú trọng xây dựng các tuyến và địa bàn an toàn về an ninh, trật tự, chủ động phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả chống các thế lực thù địch và bọn tội phạm. Nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về giữ gìn an ninh, trật tự, triển khai sâu rộng đến từng bản, các cơ quan, doanh nghiệp, nhất là ở những địa bàn phức tạp như khu vực cửa khẩu Cha Lo, trung tâm xã Hóa Tiến và các địa bàn trọng điểm khác về an ninh, trật tự.

3. Phải thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa Công an huyện với các ban ngành, đoàn thể, các cấp ở địa phương, tập trung thực hiện tốt Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BAC-BQP của Bộ Công an – Bộ Quốc phòng và Quy chế số 441/QCLN/CA-QS-BP của liên ngành Công an – Quân sự – Biên phòng tỉnh Quảng Bình. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với ba Đồn Biên phòng đóng quân trên tuyến biên giới của huyện trên các lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đoàn thể, tổ chức kinh tế – xã hội và quan hệ phối hợp giữa các tổ chức này với lực lượng Công an huyện trong việc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, ngăn chặn hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; phân tích thông tin và xử lý các tình huống.

4. Làm tốt công tác giao ban, trao đổi thông tin giữa Công an huyện Minh Hóa và an ninh của hai huyện Bua La Pha và Na Kai của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào nhằm kịp thời trao đổi những thông tin và giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp nảy sinh giữa hai bên biên giới.

5. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế của Chính Phủ, của Tỉnh, của Huyện đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã trên tuyến biên giới nhằm ổn định kinh tế – Xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần vào việc ổn định ANTT ở khu vực biên giới.

6. Phát huy hiệu quả “Diễn đàn Công an Minh Hóa lắng nghe ý kiến nhân dân” được tổ chức hàng năm của Công an huyện, kịp thời tiếp thu các ý kiến đóng góp của nhân dân để xây dựng lực lượng Công an huyện ngày càng trong sạch, vững mạnh. Nâng cao chất lượng tổ chức đảng, đảng viên và vai trò của lãnh đạo, chỉ huy trong Công an huyện. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, đẩy mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình, đoàn kết thống nhất nội bộ. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao giác ngộ lý tưởng và đạo đức cách mạng, rèn luyện ý chí chiến đấu, tinh thần tấn công, trấn áp tội phạm. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra việc chấp hành điều lệnh Công an nhân dân, đẩy mạnh phong trào học tập và thực hiện 06 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, bố trí lực lượng hướng về cơ sở giải quyết nhanh chóng các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự xảy ra trên địa bàn.

Trung tá, Thạc sỹ Đinh Cao Quang  

Phó trưởng Công an huyện Minh Hoá