Nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Bình

1502
Đánh giá bài viết

Trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), Nhà nước đã giao trách nhiệm cơ quan chức năng tiến hành công tác quản lý TTATGT trên cơ sở các quy định của pháp luật. Trong đó, việc xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) về TTATGT là một công tác quan trọng, có vai trò to lớn trong việc cưỡng chế, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho người tham gia giao thông nhằm ngăn ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm và tai nạn giao thông (TNGT), đảm bảo TTATGT. Mặt khác, xử lý VPHC về TTATGT còn góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh ngăn ngừa hoạt động của tội phạm và các hành vi vi phạm khác, giữ gìn TTATGT nói riêng và trật tự an toàn xã hội nói chung.

Tỉnh Quảng Bình có diện tích hơn 8.000 km2 và dân số trên 870.000 người. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của mọi mặt đời sống xã hội, hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về cơ sở hạ tầng và phương tiện tham giao thông. Toàn tỉnh hiện đang có 27.734 ô tô, 419.650 mô tô, 12.250 xe máy điện đã được đăng ký, quản lý, chưa kể lượng xe ô tô điện, xe đạp điện và các loại xe thô sơ khác. Bên cạnh những yếu tố tích cực thì hoạt động giao thông đang kéo theo những mặt trái đầy phức tạp, trong đó TNGT và VPHC về TTATGT đang là vấn đề bức xúc, thu hút sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng và toàn xã hội.

Mặc dù công tác tuyên, phố biến, giáo dục pháp luật về TTATGT luôn được chú trọng đầu tư, thực hiện thường xuyên, liên tục, rộng khắp; công tác tuần tra kiểm soát được tăng cường quyết liệt xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm. Song trên thực tế vi phạm vẫn diễn ra phổ biến, tính chất, mức độ nguy hiểm ngày càng cao. Nguyên nhân cơ bản vẫn là do ý thức của người tham gia giao thông, cơ bản người tham gia giao thông đều biết và nắm rõ Luật giao thông song vẫn cố tình không chấp hành. Vì họ quá chủ quan, xem thường các mối nguy hiểm có thể xảy ra, vì một mục đích cá nhân nào đó mà bất chấp các quy định của pháp luật. Bởi vậy, các hành vi vi phạm như chạy quá tốc độ quy định, quá nồng độ cồn quy định, tránh vượt không đảm bảo an toàn, đi vào đường ngược chiều của đường có đặt biển cấm đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, không chú ý quan sát, không đội mũ bảo hiểm,… là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, cần được ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm túc.

CBCS phòng Cảnh sát giao thông lập biên bản một trường hợp vi phạm TTATGT

Là một trong những hình thức chế tài của pháp luật, xử lý VPHC về TTATGT mang tính cưỡng chế, bắt buộc đối với những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT. Tuy nhiên, nằm trong hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, xử lý VPHC về TTATGT không lấy việc trừng trị xử phạt là chủ yếu mà mục đích cơ bản của nó là làm sao mọi hành vi vi phạm đều bị phát hiện và xử lý, để giáo dục, thuyết phục, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, đưa pháp luật vào đời sống nhân dân, góp phần củng cố và duy trì pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh mọi mặt công tác nhằm mục tiêu đảm bảo TTATGT, trong đó tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý VPHC về TTATGT được coi là biện pháp cưỡng chế hữu hiệu nhất. Trong năm 2016, lực lượng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình đã phát hiện và lập biên bản 15411 trường hợp VPHC về TTATGT, thu vào Kho bạc Nhà nước 19,1 tỷ đồng, tạm giữ 1103 phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn 1161 trường hợp. Trong 8 tháng đầu năm 2017, phát hiện và lập biên bản 17902  trường hợp,  thu vào Kho bạc Nhà nước gần 22 tỷ đồng, tạm giữ 4717 phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn 1981 trường hợp. Đặc biệt, từ ngày 16/5/2017, hệ thống camera giám sát xử lý vi phạm đi vào hoạt động đã phát hiện ghi nhận được 2164 trường hợp vi phạm, đón dừng lập biên bản 1199 trường hợp, thu vào Kho bạc Nhà nước 2,1 tỷ đồng. Đã gửi 965 thông báo vi phạm hành chính đến chủ phương tiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xử lý vi phạm vẫn còn những khó khăn sau:

Một là, chưa có hệ thống chế tài xử lý cụ thể đối với các chủ phương tiện vi phạm giao thông đường bộ trốn tránh khi bị phát hiện vi phạm giao thông, nhất là các trường hợp vi phạm chưa lập biên bản, chỉ mới gửi thông báo phạt nguội, xử lý qua hình ảnh. Hồ sơ xử phạt tồn đọng, chờ giải quyết còn quá nhiều.

Hai là, tại khoản 2 Điều 39 Luật xử lý vi phạm hành chính không quy định cho Trạm trưởng, Đội trưởng của chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành nhiệm vụ được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Trong thực tế khi phát hiện vi phạm, thì những người này không thể ra quyết định khắc phục hậu quả như: Buộc phải hạ tải ngay phần quá tải, dỡ phần quá khổ… Do đó, sau khi lập biên bản vi phạm xong các đối tượng vẫn chở quá tải hoặc quá khổ, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật .

Ba là, do thường xuyên bị quá tải bởi một khối lượng công việc quá lớn, cán bộ xử lý khi ra quyết định xử phạt thường đề xuất lãnh đạo hoặc ra quyết định xử phạt ở mức trung bình của khung phạt tiền mà ít chú ý đến việc xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để quyết định hình thức và mức phạt cho phù hợp, dẫn đến một số trường hợp cần phạt nặng và áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung để răn đe thì lại không được áp dụng, khiến cho công tác xử lý vi phạm mới chỉ chạy theo số lượng, chưa đi vào chiều sâu, do đó hiệu quả ngăn ngừa vi phạm và tái vi phạm đạt được chưa cao.

Bốn là, việc thực hiện sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm đối với công tác xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ chưa được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục. Do đó cán bộ, chiến sĩ chưa biết được những hạn chế, tồn tại còn mắc phải trong công tác để có hướng đề xuất phù hợp.

Qua thực tiễn công tác, chúng tôi rút ra một số bài học nhằm nâng cao hiệu quả công tác này như sau:

1. Hệ thống văn bản pháp luật hoàn thiện đã thực sự tạo ra một môi trường pháp lý đảm bảo cho hoạt động xử lý VPHC của lực lượng CSGT.

Trong tình hình hiện nay, hoạt động xử lý VPHC về TTATGT chỉ có thể đạt được hiệu quả cao khi có một hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng và khoa học. Đó chính là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho hoạt động thực thi pháp luật của lực lượng chức năng. Áp dụng chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi cố tình không thực hiện quyết định xử phạt hoặc không thực hiện quyền giải trình với các cơ quan chức năng.\

2. Sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, ban ngành chức năng trong phát hiện, đấu tranh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT là một trong những yếu tố đảm bảo tính triệt để, nghiêm minh và hiệu quả trong công tác này. Hoạt động giao thông vận tải do nhiều yếu tố cấu thành và vấn đề đảm bảo ATGT trở thành trách nhiệm chung của toàn xã hội. Công tác quản lý nhà nước về TTATGT nói chung và xử lý VPHC về TTATGT nói riêng được giao cho nhiều cơ quan, lực lượng khác nhau song đều hướng tới một mục tiêu chung là bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của người tham gia giao thông, đảm bảo cho hoạt động giao thông thông suốt, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Thời gian qua, công tác phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng chức năng như CSGT, Công an các cấp, Thanh tra giao thông, chính quyền địa phương… đã được phát huy tốt, tạo nên sự đồng bộ, thống nhất trong công tác quản lý, giám sát, xử lý vi phạm. Như trong vấn đề thông báo các trường hợp tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn cho Sở GTVT trực tiếp quản lý, thông báo các trường hợp vi phạm nhiều lần đến chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể, tổ chức của người vi phạm để có biện pháp phối hợp giáo dục, quản lý.

3. Ban chỉ huy phòng Cảnh sát giao thông tăng cường công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ, các loại biểu mẫu, giấy tờ trong xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Rà soát lại những hồ sơ xử lý đã lập biên bản nhưng chưa xử lý để kịp thời báo cáo Lãnh đạo Công an tỉnh có hướng giải quyết, tránh tình trạng tồn đọng hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian dài dẫn đến hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, tổ chức đánh giá quy trình xử lý vi phạm hành chính, đối với những hồ sơ nào chưa đảm bảo đúng theo quy định phải bổ sung hoặc làm lại. Ngoài ra, Ban chỉ huy đội cần trực tiếp nghiên cứu hồ sơ xử lý và chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ khi tham mưu ra quyết định xử phạt phải chú ý đến các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ để trình lãnh đạo ra quyết định xử phạt phù hợp theo từng đối tượng và đúng quy định của pháp luật. Qua đó, rút ra những mặt tốt để tiếp tục phát huy hoặc chấn chỉnh kịp thời những mặt còn hạn chế và đề ra yêu cầu để cán bộ, chiến sĩ thực hiện. Tăng cường công tác quản lý, giáo dục cán bộ, chiến sĩ; phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống; khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân, vi phạm điều lệnh, quy trình xử lý, kỷ luật công tác và các biểu hiện tiêu cực khác trong công tác, sinh hoạt. Tích cực tổ chức thực hiện các cuộc vận động xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, nhất là cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống vì nhân dân phục vụ”, xây dựng văn hóa ứng xử trong lực lượng Cảnh sát giao thông theo khẩu hiệu hành động “Chủ động – Kỷ cương – Trách nhiệm – Hiệu quả”.

4. Chú trọng công tác giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho người tham gia giao thông thông qua chức năng xử lý VPHC là một hình thức tuyên truyền có hiệu quả cao.

Nhìn chung hiện nay ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân đã được nâng cao hơn trước song chưa có sự thay đổi về căn bản, bởi tập quán, tác phong sinh hoạt đã thành thói quen, khó thay đổi được trong một khoảng thời gian nhất định. Phải làm sao để tạo được sự chuyển biến đồng bộ, tích cực trong ý thức chấp hành Luật giao thông của người dân không phải là vấn đề đơn giản. Trong quá trình công tác của mình lực lượng CSGT đã sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, với nhiều nội dung phong phú, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội và đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Trong đó công tác tuyên truyền thông qua chức năng xử lý VPHC cũng được coi là một hình thức có hiệu quả cao. Lực lượng CSGT trong quá trình tiến hành xử lý VPHC về TTATGT cần đặc biệt coi trọng và chú ý đến công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức và ý thức pháp luật cho người bị xử lý. Cụ thể là cần phải phân tích lỗi vi phạm một cách rõ ràng, chi tiết, chỉ rõ tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm và những chế tài xử phạt đối với hành vi đó. Nhằm giúp cho bản thân người vi phạm và những người xung quanh có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của mình trong hoạt động giao thông, hiểu rõ pháp luật về ATGT và có ý thức tuân thủ.

5. Chú trọng công tác tổng kết, rút kinh nghiệm trong thực tiễn tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ để đề ra các phương hướng trong thời gian tới. Qua đó kịp thời khen thưởng biểu dương cán bộ, chiến sĩ có thành tích xuất sắc trong công tác xử lý vi phạm để khích lệ động viên cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trung tá, Ths Trần Đức Dương      

Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông