Nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

474
Đánh giá bài viết

Năm 2017, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên thế giới, khu vực có xu hướng gia tăng, khó kiểm soát, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, xuất hiện nhiều loại ma túy mới; việc sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần gia tăng mạnh. Vùng Tam giác vàng trở thành trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp của thế giới, tác động trực tiếp đến tình hình ma túy khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Trong nước, hoạt động vận chuyển, mua bán ma túy ở các tỉnh trọng điểm ở Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung, Tây Nam vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các nhóm đối tượng nước ngoài móc nối với đối tượng trong nước hình thành các đường dây, ổ, nhóm tội phạm ma túy xuyên quốc gia với số lượng đông. Tình trạng sử dụng, mua bán, sản xuất trái phép chất ma túy tổng hợp diễn biến phức tạp, nhất là địa bàn các tỉnh, thành phố lớn. Các đối tượng phạm tội ngoài việc đưa ma túy tổng hợp từ nước ngoài vào còn tìm cách sản xuất ma túy tổng hợp ngay trong nội địa.

Tuyên truyền phòng, chống ma túy trong học đường

Trước tác động trực tiếp từ tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên thế giới, trong nước và các tỉnh lân cận, tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tiếp tục diễn biến phức tạp về cả quy mô, tính chất và mức độ nguy hiểm. Nguồn ma túy (Heroin, ma túy tổng hợp các loại) được mua bán, vận chuyển vào Quảng Bình tiêu thụ chủ yếu là từ Lào, Hà Tĩnh, Nghệ An, trong đó tỷ lệ mua bán, sử dụng ma tuý tổng hợp dạng đá, dạng viên, “Cỏ Mỹ” gia tăng mạnh. Nhiều đối tượng sau khi sử dụng ma túy tổng hợp đã không kiểm soát được hành vi, có những hành động vi phạm pháp luật ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội, gây tâm lý hoang mang, nhức nhối trong nhân dân. Đáng chú ý, nhu cầu sử dụng ma túy được tẩm trong các loại thảo mộc (Cỏ Mỹ) đang có chiều hướng gia tăng trong lứa tuổi thanh thiếu niên, trong khi đó việc xử lý các đối tượng mua bán, vận chuyển chất XLR-11 có trong “Cỏ Mỹ” thời gian qua gặp nhiều khó khăn, do đây là loại chất ma túy mới xuất hiện tại Việt Nam. Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều loại có chứa chất gây nghiện mới chưa có trong danh mục các chất ma túy do Chính phủ Việt Nam ban hành, các đối tượng ma túy đã có sự tìm hiểu, lợi dụng việc này để mua bán, vận chuyển trái phép vào tiêu thụ trên địa bàn. Hoạt động của các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào đưa về Việt Nam qua tuyến biên giới Quảng Bình có chiều hướng gia tăng. Chủ yếu là các đối tượng người Việt Nam câu kết, móc nối với một số người Việt sinh sống, làm ăn ở Lào hình thành các đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới với số lượng lớn từ Lào vào Việt Nam qua cửa khẩu Cha Lo, Cà Ròong và các đường tiểu ngạch trên tuyến biên giới Quảng Bình đưa vào tỉnh ta hoặc tiếp tục vận chuyển đi các tỉnh khác, ra nước ngoài tiêu thụ. Theo số liệu thống kê, số người liên quan đến ma tuý, người nghiện ma tuý tiếp tục tăng nhanh. Tính đến hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 129/159 xã, phường, thị trấn và 2.452 đối tượng liên quan đến ma túy, trong đó có 821 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý.

Phát huy những kết quả đạt được trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Thường vụ Đảng uỷ, Lãnh đạo Công an tỉnh, sự quan tâm phối hợp của các đơn vị nghiệp vụ và Công an các địa phương, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy của Công an tỉnh Quảng Bình đã chủ động tham mưu Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm; Lãnh đạo Công an các cấp xây dựng và tổ chức triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đề ra các biện pháp chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn. Tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy, phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ với công tác đấu tranh, triệt xóa các điểm phức tạp về ma túy, các ổ nhóm, đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý lớn, liên tỉnh, xuyên quốc gia. Từ đầu năm đến nay, đã phát hiện, đấu tranh làm rõ 125 vụ, 192 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về ma tuý, thu giữ 8.233 viên ma túy tổng hợp, 55,49 gam ma túy tổng hợp dạng đá, 355,1 gam hêrôin,..

Bên cạnh những kết quả đã đạt, qua thực tiễn tổ chức các hoạt động phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh, chúng tôi thấy có một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc sau:

1. Trên địa bàn xuất hiện 1 số chất gây nghiện, ma túy mới, trong khi các quy định của pháp luật, trang thiết bị phục vụ giám định ma túy chưa theo kịp làm cho công tác đấu tranh, bắt giữ, xử lý tội phạm gặp rất nhiều khó khăn.

2. Một số quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm ma túy chưa hoàn thiện, còn một số bất cập, tạo kẽ hở cho tội phạm lợi dụng họat động. Qua phối hợp điều tra một số vụ án gần đây cho thấy, các đối tượng nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối mua bán ma túy với số lượng lớn sau khi bị bắt giữ, do chính sách nhân đạo, đa số được cho tại ngoại hoặc hoãn thi hành án, số này thường tiếp tục mua bán ma túy, hoạt động manh động, liều lĩnh hơn.…

3. Công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy có nơi chưa được thực hiện thường xuyên, sâu rộng, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy. Vì vậy, chưa thực sự làm chuyển biến một cách sâu sắc nhận thức về ma túy, tác hại của ma túy, công tác phòng, chống ma túy cho mọi người dân. Một số ban ngành, đoàn thể, còn nặng tư tưởng xem công tác phòng, chống ma túy là của cơ quan chuyên trách.

4. Trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, kinh phí phục vụ công tác phòng, chống ma túy chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, rất khó khăn nên phần nào đã làm cho việc nắm tình hình, tổ chức thực hiện các biện pháp đấu tranh tội phạm ma túy chưa đạt được kết quả như mong muốn.

5. Tình hình ma túy và hoạt động của tội phạm ma túy ở Lào diễn biến rất phức tạp, trong khi đường biên giới Quảng Bình với nước bạn Lào khá dài, chủ yếu là rừng núi hiểm trở, lại có nhiều đường tiểu ngạch, vì vậy công tác tuần tra kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó công tác kiểm soát, quản lý tại cửa khẩu còn nhiều sơ hở, là điều kiện thuận lợi để các đối tượng có thể lợi dụng vận chuyển ma túy qua biên giới vào Việt Nam qua địa phận Quảng Bình.

6. Tội phạm về ma túy hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, trang bị vũ khí nóng sẵn sàng chống trả và có nhiều mánh khóe, thủ đoạn để đối phó với sự phát hiện, bắt giữ, xử lý của cơ quan chức năng, đặc biệt là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu các đường dây, ổ nhóm phạm tội ma túy, nhất là đối tượng ngoại tỉnh hoạt động lưu động, lưu manh chuyên nghiệp, nhiễm HIV/AIDS, gây khó khăn rất lớn trong công tác phòng ngừa, phát hiện, tổ chức đấu tranh.

7. Số đối tượng tù về tội ma tuý sau khi chấp hành xong hình phạt trở về địa phương sinh sống ngày càng nhiều, do không có việc làm nên phần lớn không chịu tu dưỡng, rèn luyện bản thân nên dễ tái nghiện và còn tham gia phạm tội ma tuý, lôi kéo bạn bè cùng phạm tội, cùng sử dụng ma tuý.

8. Công tác tổ chức cai nghiện ma tuý hiệu quả còn thấp. Các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm cụ thể trong công tác cai nghiện ma túy. Các văn bản pháp luật liên quan đến công tác cai nghiện thiếu đồng bộ, khó áp dụng trong thực tiễn để đưa người nghiện vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc và các biện pháp cai nghiện ma túy khác. Trong khi đó, trên địa bàn Quảng Bình, nhiều đối tượng nghiện ma túy cùng lúc sử dụng nhiều loại ma túy như heroin, ma túy tổng hợp dạng đá, dạng viên, cần sa, “Cỏ Mỹ”,… nên việc cai nghiện ma túy rất khó khăn, hiệu quả thấp.

9. Lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy nói chung, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy nói riêng còn mỏng, thiếu biên chế, nhất là ở các tuyến, địa bàn trọng điểm; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của CBCS chưa đồng đều và còn nhiều bất cập, nên chất lượng công tác chưa cao.

10. Công tác nắm tình hình, quản lý các đối tượng liên quan đến ma túy, nhất là đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện “Ngáo đá” của Công an cơ sở còn bị động, chưa có đối sách giải pháp kịp thời nên dẫn đến phát sinh một số trường hợp gây mất TTATXH, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Thời gian tới, tình hình ma túy và tội phạm ma túy thế giới và khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, có sự gia tăng hoạt động của các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, tội phạm sẽ tập trung hoạt động mạnh ở các tuyến đường hàng không, đường biển và đường sắt bởi đây là tuyến vận chuyển ít bị kiểm soát của các lực lượng chức năng và vận chuyển được khối lượng lớn. Tình hình mua bán, sản xuất, sử dụng các loại ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội ma túy ngày càng tinh vi và mạnh động, chúng sẵn sàng sử dụng các loại hung khí để chống trả các lực lượng chức năng; các đối tượng tội phạm ma túy tìm cách đưa vào Việt Nam ngày càng nhiều các chất ma túy mới không nằm trong danh mục các chất ma túy được quản lý do Chính phủ ban hành, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Tại địa bàn tỉnh Quảng Bình, sẽ có sự gia tăng hoạt động của các đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý lớn, liên tỉnh, xuyên quốc gia, đặc biệt là sự gia tăng của tình hình vận chuyển, mua bán ma tuý tổng hợp từ Lào về Việt Nam qua các cửa khẩu Cha Lo, Cà Ròong. Vì vậy, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý trên địa bàn tỉnh ta sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, tính chất ngày càng nguy hiểm và quyết liệt hơn.

Để chủ động làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục duy trì, tổ chức tốt việc quán triệt thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch liên quan đến đấu tranh phòng, chống ma tuý của Đảng, Nhà nước, của Ngành và Công an tỉnh, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy cần tiếp tục tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục tham mưu, tổ chức thực hiện Kết luận số 95/KL/TW, ngày 02/4/2014 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98/NQ-CP, ngày 26/12/2014 của Chính phủ về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới; Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đồng thời, nghiên cứu kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến ma túy theo hướng hoàn thiện hơn và phù hợp với tình hình thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống ma túy.

Hai là, thu thập thông tin liên quan đến hoạt động tội phạm ma túy và tình hình ‘‘Cung – cầu’’ về ma túy trên địa bàn nhằm nghiên cứu, đánh giá chính xác về tình hình, xu hướng, diễn biến các loại tội phạm về ma túy. Từ đó, tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền, Công an các địa phương triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy và các hoạt động phạm tội về ma túy, đặc biệt là tại các tuyến, địa bàn trọng điểm phức tạp.

Ba là, tăng cường triển khai các biện pháp công tác nghiệp vụ, đặc biệt là các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản để nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng, phương thức thủ đoạn của tội phạm ma tuý phục vụ yêu cầu trinh sát và đấu tranh chuyên án. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma tuý để tập trung đánh mạnh các đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý liên tỉnh, xuyên quốc gia, các điểm ma tuý phức tạp.

Bốn là, chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương và lực lượng chuyên trách phòng, chống ma tuý của Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển, tập trung điều tra, xác minh, lập án đấu tranh bóc gỡ các đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý lớn, các điểm ma tuý phức tạp tại các tuyến, địa bàn trọng điểm như: Tuyến 12A, Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Tuyến quốc lộ 1A .

Năm là, nâng cao hiệu quả công tác điều tra nhằm mở rộng triệt để các vụ án, truy bắt các đối tượng chủ mưu, cầm đầu các đường dây mua bán ma túy lớn, truy bắt và vận động có hiệu quả các đối tượng phạm tội về ma túy bị truy nã ra đầu thú.

Sáu là, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền về tác hại của ma túy với gia đình, cộng đồng và xã hội, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống ma túy; tích cực tham gia đấu tranh, tố giác nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị.

Bảy là, chủ động nghiên cứu đề xuất hoàn thiện về tổ chức và nâng cao năng lực của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma tuý, nhất là tại các huyện biên giới đảm bảo đủ quân số để quán xuyến các địa bàn và triển khai lực lượng thực hiện các kế hoạch công tác cụ thể; đầu tư kinh phí, trang bị các loại vũ khí và phương tiện kỹ thuật hiện đại nhằm đảm bảo tính chất áp đảo của lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma tuý.

Tám là, thường xuyên sơ kết, tổng kết các chương trình, kế hoạch, các chuyên án, vụ án điển hình để tổng kết, rút kinh nghiệm. Đặc biệt tổng kết các vụ án, chuyên án lớn để rút ra các phương án, chiến thuật đấu tranh mới, có hiệu quả, an toàn cho lực lượng đấu tranh và quần chúng nhân dân.

Thượng tá, Ths Nguyễn Tiến Hoàng Anh        

Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy