Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự của lực lượng an ninh kinh tế đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Quảng Bình

966
Đánh giá bài viết

Tổ chức tín dụng (TCTD) là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. TCTD bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND).

Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, TCTD đóng vai trò vô cùng quan trọng, là công cụ để nhà nước điều tiết kinh tế vĩ mô, cân đối hoặc kích thích sự phát triển của các thành phần kinh tế, quyết định sự vững mạnh, an toàn của hệ thống tài chính-tiền tệ quốc dân, góp phần đảm bảo An ninh kinh tế nói riêng và An ninh quốc gia nói chung.

Tỉnh Quảng Bình hiện có 13 chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) cấp 1, 01 chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội, 01 chi nhánh ngân hàng Hợp tác xã, 01 chi nhánh ngân hàng phát triển, 09 chi nhánh NHTM cấp 2, 76 phòng giao dịch và 24 QTDND với 153 điểm giao dịch cố định; ngoài ra còn có 159 điểm giao dịch lưu động của ngân hàng chính sách xã hội và 107 máy rút tiền tự động ATM của các NHTM. Hiện chưa có TCTD phi ngân hàng và tổ chức tài chính vi mô được thành lập và hoạt động trên địa bàn. Kể từ khi Luật các Tổ chức tín dụng ra đời (năm 2010), các TCTD tại Quảng Bình hoạt động hiệu quả hơn, thể hiện vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đã huy động được trên 128.814 tỷ đồng từ các thành phần kinh tế, đồng thời đã cung ứng 195.772 tỷ đồng phục vụ sản xuất kinh doanh và các chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các TCTD trên địa bàn tỉnh Quảng Bình còn bộc lộ nhiều sơ hở, thiếu sót và vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, an toàn hoạt động của các TCTD, có thể được khái quát như sau:

Vi phạm quy định về cấp tín dụng (cho vay và bảo lãnh), cơ cấu nợ, phân loại nợ và trích lập dự phòng: (1) Lợi dụng các quy định và chính sách khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ của ngân hàng nhà nước để che giấu nợ xấu; vi phạm các quy định về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng; (2) Vi phạm quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 162/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 về thẩm định hồ sơ vay vốn, kiểm tra phương án kinh doanh, trả nợ; kiểm tra, quản lý tài sản thế chấp; kiểm tra hồ sơ thế chấp, tài sản thế chấp dẫn đến cho vay không đủ điều kiện; kiểm tra quản lý tài sản hình thành từ vay vốn; giám sát tiến độ giải ngân, kiểm tra sử dụng vốn vay, dẫn đến vốn vay sử dụng không đúng mục đích; (3) Chưa đánh giá đầy đủ thực trạng tình hình tài chính, khả năng thực hiện hợp đồng của các đơn vị được bảo lãnh dẫn đến ngân hàng phải trả thay khi bên được bảo lãnh không thực hiện cam kết; kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh chưa thường xuyên, chưa theo dõi chặt chẽ bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước để giảm trừ kịp thời giá trị bảo lãnh theo giá trị khối lượng hoàn thành hoặc được nghiệm thu hoặc được chủ đầu tư xác nhận, đặc biệt một số trường hợp bảo lãnh để ngoài sổ sách.

Vi phạm về huy động vốn và gửi tiền: (1) Vi phạm quy định của ngân hàng nhà nước về lãi suất huy động và quy định về việc áp dụng lãi suất dưới hình thức thỏa thuận với khách hàng; (2) Vi phạm quy trình gửi tiền, rút tiền, mở tài khoản, thiếu kiểm soát các quy trình rút tiền, thiếu các quy định và giải pháp công nghệ đối chiếu số liệu thường xuyên và khi có phát sinh giữa khách hàng, ngân hàng đã tạo ra lỗ hổng về quản lý tài sản của ngân hàng, gây thiệt hại tiền gửi tiết kiệm của người gửi tiền.

Vi phạm về quản trị điều hành, kiểm tra, kiểm soát nội bộ: (1) Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Ban điều hành của một số TCTD, nhất là tại các QTDND, ban hành chưa đầy đủ, kịp thời các quy định, chính sách nội bộ (quy định nội bộ về tổ chức và hoạt động chưa quy định về quy chế làm việc của Ban điều hành, chưa cập nhật chức năng, nhiệm vụ của từng vị trí…). Nghị quyết của Hội đồng quản trị, Quyết định của Tổng giám đốc về một số vấn đề chưa phù hợp với quy định của pháp luật; (2) Hiệu quả của bộ máy kiểm soát, kiểm toán nội bộ và hệ thống quản trị rủi ro còn hạn chế, chưa phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời những rủi ro, vi phạm pháp luật gây rủi ro cho các TCTD; (3) Một số TCTD chưa phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên với Ban điều hành theo đúng quy định của pháp luật dẫn đến tình trạng Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên can thiệp vào hoạt động điều hành của Ban điều hành, làm thay nhiệm vụ của Ban điều hành; một số TCTD có tình trạng tập trung quyền lực vào Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, hoặc giao Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Thường trực Hội đồng quản trị, Thường trực Hội đồng thanh viên quyết định các nội dung không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên sai quy định của Nhà nước. Thực trạng này tiềm ẩn rủi ro, dễ dẫn đến Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên lợi dụng, quyết định một số vấn đề trái quy định, gây thất thoát vốn, mất an toàn cho hoạt động của TCTD. Ngoài ra, việc phân công, ủy quyền của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban điều hành ở một số TCTD chưa phù hợp, cấp trưởng thiếu tinh thần trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới, thiếu sự đôn đốc, kiểm tra dẫn đến hiệu quả công việc kém, khi xảy ra vụ việc thì có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Vi phạm về an toàn kho quỹ: (1) Không có phương án canh gác, bảo vệ kho tiền theo quy định; (2) Sử dụng và bảo quản chìa khóa cửa kho tiền, két sắt, thùng đựng tiền trên xe chuyên dùng chưa theo đúng quy định của nhà nước; (3) Sử dụng kho tiền không đúng kết cấu và tiêu chuẩn kỹ thuật, sử dụng cửa kho tiền không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật; (4) Chưa mở đầy đủ sổ sách theo quy định và đúng quy trình thu-chi tiền mặt; mở sổ theo dõi xuất-nhập tài sản chưa chặt chẽ, bàn giao quản lý chìa khóa thực hiện không đúng quy định của nhà nước.

Các hành vi vi phạm khác: Một số cán bộ ngân hàng cố tình cấu kết với đối tượng bên ngoài, chủ động bỏ qua, không phát hiện các giấy tờ giả mạo (giấy tờ nhà đất, sổ tiết kiềm, giấy tờ giao dịch bảo đảm) trong giao dịch hoặc cán bộ các TCTD chủ quan, tin tưởng khách hàng quen hoặc muốn lôi kéo khách hàng nên chưa tuân thủ theo đúng quy trình nội bộ, chưa thẩm định hoặc thẩm định hồ sơ một cách sơ sài; một số cán bộ ngân hàng tham ô, nhận hối lộ, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, đồng phạm với các đối tượng bên ngoài để chiếm đoạt tiền ngân hàng.

Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Bình, lực lượng ANKT đã triển khai đồng bộ nhiều mặt công tác, trong đó rất chú trọng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự (QLNN về ANTT) đối với các TCTD, qua đó đã tham mưu xây dựng, ban hành nhiều văn bản, quy định; hướng dẫn, tuyên truyền để các TCTD và các cơ quan quản lý chấp hành, triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước, chủ động phòng ngừa và kiểm soát tốt các yếu tố làm mất an ninh, an toàn, tạo môi trường chính trị ổn định cho hoạt động của các TCTD. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn nhiều tồn tại, yếu kém, khuyết điểm, như chất lượng công tác nắm tình hình khá hạn chế, thiếu chiều sâu và tính bao quát; việc thực hiện chức năng QLNN về ANTT đối với các TCTD chưa được định hình rõ ràng dẫn đến áp dụng phương pháp, biện pháp quản lý sai lệch hoặc thực hiện chức năng quản lý chưa đầy đủ; năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức chuyên ngành của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của công tác đảm bảo ANKT nói chung và QLNN về ANTT đối với các TCTD nói riêng trong tình hình mới.

Với đà tăng trưởng cao của nền kinh tế địa phương đòi hỏi các TCTD tại Quảng Bình phải mở rộng quy mô, nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu thị trường, trong khi đó những vấn đề hiện hữu chưa giải quyết, xử lý triệt để, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro và nhiều vấn đề phức tạp liên quan ANTT, đặt ra yêu cầu QLNN về ANTT đối với các TCTD của lực lượng ANKT phải khắc phục được những hạn chế, yếu kém hiện nay, có những giải pháp thiết thực, hiệu quả để phát huy vai trò, đảm bảo ANKT, ANQG trên địa bàn.

Để nâng cao hiệu quả QLNN về ANTT đối với các TCTD trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện nay, lực lượng ANKT cần làm tốt một số nội dung sau:

Một là, tích cực nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực ANTT có liên quan đến hoạt động của các TCTD, ngày càng hoàn thiện hơn cơ sở pháp lý để giúp Công an tỉnh Quảng Bình nói chung và lực lượng ANKT nói riêng thực hiện tốt QLNN về ANTT đối với các TCTD đang hoạt động trên địa bàn.

Hai là, đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền và tham mưu, hướng dẫn các TCTD triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, các quy định liên quan đảm bảo ANTT trong hoạt động của các TCTD, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả Đề án tái “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, Nghị quyết số 42 của Quốc hội khóa XIV về xử lý nợ xấu của các TCTD, Chỉ thị số 12 của Bộ Chính trị (Khóa XII) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo ANKT trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế”.

Ba là, tăng cường phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Bình trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các TCTD trên địa bàn, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót để kiến nghị khắc phục, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả QLNN nói chung và QLNN về ANTT đối với các TCTD trên địa bàn nói riêng.

Bốn là, nâng cao chất lượng hoạt động thu thập, phân tích và xử lý thông tin phục vụ QLNN về ANTT đối với các TCTD bằng nhiều biện pháp phù hợp, trong đó thực sự đổi mới và chú trọng sử dụng các biện pháp công tác nghiệp vụ Công an được quy định để nắm bắt những tình hình, vụ việc nảy sinh, tham mưu giải quyết, xử lý phù hợp với thực tiễn, chủ động phòng ngừa và kiểm soát sớm các nguy cơ đe dọa đến an ninh, an toàn trong hoạt động của các TCTD tại địa phương.

Năm là, quan tâm hơn nữa việc đào tạo nâng cao năng lực, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ QLNN về ANTT đối với các TCTD, trong đó chú trọng bồi dưỡng các kiến thức chuyên ngành có liên quan đến các TCTD, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thu thập, phân tích và xử lý thông tin về hoạt động của các TCTD, triển khai có hiệu quả công tác đảm bảo ANKT nói chung và QLNN về ANTT đối với các TCTD trên địa bàn nói riêng.

Lê Thanh Tâm